Mẹ ơi, con thật lòng xin lỗi – Tản văn dự thi của Nguyễn Vũ Bảo Trâm

Vanvn- “Về nhà” với tôi hôm nay là sự trở về của đứa con chưa ngoan, trở về để khâu lại vết thương lòng bao ngày qua tôi đã cứa vào tim mẹ.

Mẹ tôi kể: Ngày Tân hôn, ai ai cũng vui mừng vì sự nên một của chàng y sĩ và cô giáo nhỏ. Lấy ba tôi được một năm thì tôi chào đời, cũng là lúc ba phát hiện mình có khối u ở đùi. Ba tôi giấu mẹ, âm thầm chịu đựng. Nhưng rồi, vô tình mẹ tôi thấy ba cất vội cái gì đó vào sổ tay khi mẹ tôi đi dạy về. Chẳng thể giấu mãi, khoảnh khắc ấy… mẹ tôi từ người phụ nữ hạnh phúc nhất đã bắt đầu bước vào con đường đau khổ, nỗi đau của người bất lực nhìn người mình thương mỗi ngày một xa mình hơn trên cuộc đời dương thế.

 Con hạnh phúc vì được sống trong một gia đình bốn thế hệ

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Giai đoạn cuối, ba tôi không thể bước đi được nữa. Phải dừng lại thật rồi. Ba nhìn những người thân xung quanh, khẽ nhìn mẹ và tôi lần cuối. Ba tôi không khóc, chỉ mỉm cười nói với mẹ tôi: Anh xin lỗi vì lời hứa yêu thương em và con suốt đời nhưng chỉ kéo dài được 4 năm. Hứa với anh, đừng ở vậy”. Mẹ tôi chết lặng, ôm tôi.

Chàng trai 28 tuổi đã thật sự rời xa mẹ. Ngày ấy, tôi lên 3 nên chưa hiểu đây là sự chia li đau khổ nhất của đời người nhưng lớn lên tôi đã cảm nhận được qua quyển Nhật kí của ba – quyển nhật kí với trang đầu tiên viết về lần đầu ba mẹ gặp nhau và trang cuối cùng ba dành riêng cho tôi để khép lại một đời người.

Năm đó, mẹ tôi 26 tuổi. Mẹ dẫn tôi về ngoại sống. Từ người phụ nữ nhỏ nhắn yếu đuối, mẹ tôi trở nên mạnh mẽ, đúng hơn là buộc phải gồng mình lên vì cuộc sống, vì thiên chức vừa làm mẹ, vừa làm cha.

Tôi còn nhớ mẹ nói mẹ thích ăn cơm nguội buổi sáng với mắm ớt. Tôi ngây thơ nghĩ mẹ thích thật nên cứ vô tư ăn những món ngon. Có nhiều hôm, tôi thì ăn bún, mẹ thì lấy nước bún chan cơm ăn. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao mẹ không ăn bún?”. Mẹ cười nói: “Trên trường mẹ ăn nhiều nên giờ mẹ ngán bún rồi”. Cứ thế, tôi lớn lên từng ngày với những điều tốt nhất có thể mẹ dành cho tôi.

Thời gian trôi qua… Ngôi nhà 3 thế hệ cùng sống chung cũng nảy sinh phức tạp. Ngoại tôi bị bệnh. Lúc ngoại tỉnh thì vô cùng thương hai mẹ con nhưng lúc bệnh thì có khi lấy chổi đánh mẹ. Mẹ cắn răng chịu đánh chịu chửi vì biết ngoại bị bệnh nên mới thế. Tôi chẳng thể làm gì giúp bà và mẹ được, chỉ biết học và học.

Nối gót mẹ, tôi trở thành cô sinh viên sư phạm. Mỗi tháng về thăm nhà, tôi vẫn thấy mẹ bên chén cơm nguội sáng sớm, chỉ khác xưa là hạt cơm có vẻ dẻo hơn một chút và đôi mắt mẹ có vẻ hoen đỏ. Ngoại nói với tôi rằng từ ngày tôi đi học ở xa, ngoại vẫn thấy mẹ đọc nhật kí của ba trước khi đi ngủ. Có lẽ là để tình yêu của ba tiếp thêm sức lực cho mẹ, cũng có thể là để mẹ thấy mình không lẻ loi một mình… Và tôi biết, mẹ đã không thể hoàn thành di ngôn của ba, bởi tim mẹ chẳng thể đón nhận thêm ai khác ngoài chàng y sĩ năm xưa.

Đến nay, tôi đã đứng trên bục giảng 11 năm, mẹ tôi cũng vừa về hưu. Hàng ngày đi dạy về, tôi lại được ăn những bữa cơm mẹ nấu. Cuộc sống đã có chút cải thiện nhưng mẹ tôi vẫn giữ nếp sống xưa, vẫn chừa miếng ngon cho ngoại và tôi. Tôi vẫn chưa làm được gì cho mẹ, ngoài việc góp thêm thành viên để gia đình tôi trở thành gia đình bốn thế hệ. Và trong ngôi nhà ấy, có một người mẹ thứ hai mang tên “bà ngoại”…

Bàn tay bà và mẹ đã gánh lấy những gân guốc vốn thuộc về con

Bàn tay người phụ nữ như là khuôn mặt thứ hai của họ, vậy mà giờ đây, bàn tay ngòi bút của mẹ ngày nào đã được thay thế bởi bàn tay nhăn nheo và gánh luôn những gân guốc của bàn tay tôi vốn phải có.

Nhưng, từ ngày có bé Hải Âu, bà và mẹ ngày càng ít hiện diện hơn trong tâm trí tôi. Tôi cứ tất bật mải mê lo cho cuộc sống, đôi khi mệt mỏi còn tỏ ra cáu gắt khó chịu sau khi tan làm về nhà. Vậy mà bà và mẹ vẫn đợi tôi trong ngôi nhà quen thuộc, vẫn thói quen chừa cho con cháu những món ăn ngon.

Thế giới của bà và mẹ chẳng hề thay đổi, thế giới của tôi đã có nhiều đổi thay… Rồi những mâu thuẫn giữa các thế hệ dù muốn hay không vẫn xảy ra. Vợ chồng tôi quyết định ra riêng ngay những ngày giáp tết, ra riêng trong một tâm trạng không thật sự vui vẻ gì. Cũng từ đó, dù chỉ cách mấy bước chân nhưng sao bước qua ranh giới ấy lại khó đến thế. Có những hôm, nghe mẹ ho khan, lòng tôi cũng đau thắt, sợ mẹ có thể bị nhiễm Covid. Nhưng có lẽ cái tôi của bản thân quá lớn, lớn đến mức tình mẫu tử thiêng liêng cũng không vượt lên được.

Bất chợt, hôm nay tôi đọc được một bài viết, trong đó có một câu làm tôi bị ám ảnh khôn nguôi: “Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. Rồi một ngày bố mẹ bạn sẽ già đi”… Tôi thấy cay cay khóe mắt. Nhìn vào cảnh nhiều người con xa quê chưa thể về nhà trong dịp Tết năm nay, nhìn vào những số phận mãi mãi không thể về nhà được nữa, tôi càng cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc khi luôn được những người thân chăm sóc yêu thương bao ngày qua. Đã một năm rồi tôi chưa ngắm nhìn ngoại thật kĩ, đã 365 ngày tôi chưa nắm đôi bàn tay mẹ. Tôi tự trách mình sao quá vô tâm với đấng sinh thành dưỡng dục. Nhưng… giờ vẫn còn kịp phải không bà và mẹ ơi!

Con sẽ trở về, trở về ngay hôm nay để xin mẹ thứ tha! Trở về để được tiếp tục làm con gái bé bỏng ngày nào của mẹ, trở về để được ngụp lặn mãi trong tình yêu của gia đình. Và trở về để đón một cái Tết thật đặc biệt của tình thân! Ba ơi! Con cám ơn ba và mẹ đã cho con sự sống ở đời này. Con thật hạnh phúc vì được làm con của ba mẹ. Con sẽ chăm sóc mẹ, sẽ không để mẹ phải đau lòng thêm nữa. Ba hãy tin con, ba nhé!

NGUYỄN VŨ BẢO TRÂM (Đồng Nai)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *