Vanvn- Năng lượng trẻ thơ ở Trần Trương như là vô tận, nó thách thức thời gian, trở thành một đặc vị của Nhà văn và Tác phẩm. Đến lượt mình, đặc vị là giá đỡ để chúng tôi thương yêu nhau; kết nối chúng tôi thành sức mạnh và đủ năng lượng để vượt qua khó khăn để sống đẹp mà thỏa chí tang bồng…

Nhà thơ Trần Trương đã trút hơi thở cuối cùng hồi 13 giờ ngày 29 tháng 9 năm 2021 sau 20 tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
Từ sau nghỉ Tết năm Canh Tý, ông chỉ đến cơ quan vài lần, mỗi lần gặp sau đều nói ít hơn lần trước; cho đến khi cơ quan chúng tôi đến thăm, ông chỉ còn nói bằng mắt, hãn hữu lắm mới “nói” bằng cây bút dạ trên nền bảng phoóc mi ca cầm tay. Chúng tôi thẫn thờ nhớ ông, cảm thấy rất rõ, thiếu nụ cười và giọng nói vui vẻ của Trần Trương thật buồn, nó lớn hơn một thiếu vắng cụ thể, như một mất mát.
Giờ thì mất thật rồi. Mất vĩnh viễn.
Cậu bé Trần Thọ Trương là con trai lớn của một gia đình thị dân. Hai cụ thân sinh có cửa hàng cửa hiệu nên tuy nhà đông con, Trương vẫn được học hành cẩn thận và có tính thảo lảo. Thân phụ cậu cũng thơ phú nên quý các bạn văn chương của con, vẫn sẵn sàng đón những Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ… đến nhà làm thực khách. Không mấy hôm nhà không thêm đũa thêm bát, có khách lưu lại nhiều ngày. Một may mắn nữa là khi trưởng thành, Trần Thọ Trương gặp được người con gái xinh giòn, cao ráo là Nguyễn Thị Quý. Chị lại làm ở ngành Thương nghiệp nên không những nuôi chồng con ngon lành, lại còn nuôi được tính thảo lảo với bạn bè của chồng. Khi có gia đình, Trần Trương cũng có căn hộ be bé ở Hàn Thuyên và trở thành “trụ sở” của các văn nhân thực khách. Những bữa ăn thời gian khó, cơm trộn mì sợi ăn với đậu rim mặn, với dưa chua nấu tóp mỡ; phải được nghe chính miệng Trần Ninh Hồ nói ra mới cảm nhận được chúng ngon như thế nào, cái ngon không cao lương mĩ vị nào có; trở thành đặc vị của cái thời một đi không trở lại.
Thật lạ, Trần Trương cứ cúc cung tận tụy phục dịch các nhà thơ. Họ nổi tiếng còn mình thì yên tâm vô danh. Còn hơn là vô danh nữa, ông không mắc chứng văn mình vợ người như hầu hết chúng ta:
Thơ anh chỉ còn là giấy vụn
Để mấy em đồng nát thu gom. Đằng khác, chẳng phải ai cũng hiểu đúng tính chất bất vụ lợi trong mối quan hệ ấy. Khi kể lại những chuyến ông đưa các nhà thơ “đi thực tế” sáng tác trong ngành (khi ông làm ở báo Lương thực), nhà thơ Vân Long còn bùi ngùi: “Từ Hải Phòng đã về đến Quán Toan mới sực nhớ, thiếu suất quà bì gạo của cậu lái xe. Ai cũng áy náy khó xử. Trần Trương nói, ‘đủ cả. Là vì họ không tính suất của phóng viên báo Lương thực, ai lại tính chở củi về rừng.” Lại một lần cụ Văn đến, hỏi còn rượu không. Trần Trương với chai rượu Chanh tiêu chuẩn Tết trên ban thờ, rót lại non nửa, còn thì đưa cho cụ: “Em thật xin lỗi, vì không thể để các cụ nhà em Tết nhịn rượu.” “Phải rồi. Ai lại thế, phải tội.”
Nhưng cư xử của Trần Trương khiến tôi kính trọng nhất là ông sống với nhà thơ Phùng Quán những năm tháng cả hai đều ở Vụ Văn hóa quần chúng. Lại càng phục chị Quý. Vào năm mới đây, khi chúng tôi hỏi chị thích nhà văn nhà thơ nào nhất, chị nói chị chỉ đọc văn chương Pháp. Tính chị sạch sẽ mà lại chịu được ông khách lưu Phùng Quán. Chuyện là sau 1975, gặp thời đói kém, Công đoàn vụ đưa quân lên nhờ đất Nông tường Quân Chu Thái Nguyên trồng sắn. Cử Phùng Quán ở lại canh lợn rừng và kẻ trộm. Nhưng mỗi tháng ông Quán thường ở Hà Nội non nửa thời gian, tức là ở nhà Trần Trương. Một là vì nấu ăn một mình rất khó cữ gạo, hai là Phùng Quán vẫn mang gạo đổi rượu. Sắn bị mất trộm, bị lợn rừng rồi chuột ăn vãn. Công đoàn mang ông Quán ra kiểm điểm, nhân thể kiểm điểm Trần Trương về tội chứa chấp quan hệ với “cánh” Nhân văn Giai phẩm; mất đến ba bốn năm bị hoãn kết nạp Đảng. Ông nói: “May mà có cụ Nông Quốc Chấn; phê cứ phê, nhưng trong lòng thì cực thương Phùng Quán. Do đó mà thương quý mình, chứ như chỗ khác thì ông Quán với mình mấy lần mất sổ gạo.”
***
Sống giữa chiếu thơ tấp nập là Tạp chí Thơ nhưng Trần Trương không bon chen. Là bạn ân tình từ thuở hàn vi của rất nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng cho đến trước 2020, chưa có lấy một bài phê bình nghiêm túc nào về thơ ông, lạ vậy. Vẫn vui vẻ thản nhiên, gặp nhau vẫn trêu đùa cười cợt cho đến trưa thì đếm người cắm nồi cơm điện rồi nổ máy cái xe 82 đi mua thịt quay dưa chua tận trên Hàng Buồm, có hôm là chả giò Giao Tế. Tôi nhớ hồi ông Phụ trách Tạp chí Toàn cảnh (Bộ Văn hóa) ở ngõ Lê Văn Hưu thịt chó nổi tiếng. Mỗi lần cơ quan tôi kéo nhau đến, đều thấy ông hoặc đang sắp xếp chỗ ngồi cho bạn bè hoặc nâng chén mời nhau. Như thế, chỉ có thể đoán hoặc là ông thấy thơ mình chưa hay hoặc bản tính không cần nhờ cậy. Hơn mười năm sống với nhau, đọc thơ nhau tôi thấy trong bài Lá nói lời cây của ông có một chút ngậm ngùi, tả cây lá mà như tự vịnh:
Suốt đời cây đứng lặng im
Mà nghe lá vẫy gió miền xa xôi
Bao nhiêu lá bấy nhiêu lời
Còn cây nín nhịn chịu đời bão giông
Bèn giục ông in tập thơ. Kiểu giục của tôi và Đặng Huy Giang là thi thoảng đọc những câu:
Em cầm sen trắng như mây ấy
Thu chở heo may hết ngõ gầy.
(…) Núi buồn từ thuở em đi
Chông chênh thành Mạc xanh rì bóng câu.
(…) Cái nắng hôm qua không hong khô được cái áo hôm nay
Đọc xong rồi kẻ khen người khích. Tôi nói mấy lâu gặp gỡ rồi sống cùng nhau ở đây, là người sống với người, em cứ đinh ninh anh là nhà thơ của phong trào, của số đông văn nghệ quần chúng trong khi thơ anh là thuộc về số ít. Nhiều nhà văn đã viết về “ăn mày dĩ vãng” như tên tiểu thuyết của Chu Lai, anh viết như một nhời nói thường “Cái nắng hôm qua…”, nói cứ như không, chỉ tài năng mới có thể nói như không về những vấn đề trọng đại đến thế. Anh viết về tệ họp nhiều, họp vô bổ nhưng lại nhìn ra sự vắng con người [thật] thì số đông làm sao viết nổi? Bài Hỏi xứ Đoài hay như một minh triết rằng không thể sáp nhập vào nhau các miền văn hóa khác nhau. Nhưng viết đến như Cà phê Sài Gòn mới thực tài. Tài ở chỗ, anh ít vào xứ này mà lại nhận ra cái nét riêng có/ cái nét làm nên đặc trưng Sài Gòn:
Sài Gòn phố chạy không biết dừng
loãng
lách cách viên đá đang tan
nhạt
cái thìa ngoáy dọc ngang câu chuyện.
(…) Tìm một góc ngồi tĩnh
Ngoáy cà phê nghe tiếng đá reo
Mà có yên được nào
Nghe một tiếng người rao:
Tờ báo hôm nay đưa tin trang nhất
Ông X. chiều qua vừa bị bắt.
Như thế, em còn nợ anh một lời xin lỗi. Để giúp em trả món nợ này, anh phải in một tập để em viết về nó, nhân thể mà tự thú cái kiểu nhìn thơ anh theo lối hách xằng. Như thế, tập Nhặt lại tháng ngày rơi đã ra đời và tôi có được bài Nền tảng thơ Trần Trương. Tập thơ đã được Giải Nhất của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019.
***
Tôi gặp Trần Trương lần đầu ở Bộ Lâm nghiệp, số 123 Lò Đúc, năm 1983 dịp ông cùng Phòng Tuyên truyền của Bộ làm cuộc thi Văn chương về rừng; gặp lại khi tôi làm website vanvn.net (nay là vanvn.vn) còn ông ở Tạp chí Thơ; rồi rủ nhau cùng về làm Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm của Hội. Bằng các mối quan hệ lâu bền không biết từ bao giờ, ông mang về cơ quan mỗi tháng vài ba chục triệu quảng cáo, phát hành. Tạp chí sống được, sang được là nhờ ông một phần. Chúng tôi mua sắm đồ nhà bếp để nấu nướng bữa trưa và ở chỗ này, Trần Trương lại phát huy thế mạnh. Đặng Huy Giang sinh ở Hà Nội mà cứ phục lăn ông về các ngóc ngách quán ăn, các quán quà vặt chỗ nào ông cũng thạo và hình như đều có số điện thoại gọi ship. Nhưng thường thì ông đến cơ quan tay cặp tay xách đồ ăn, khi con cá chép sông Hồng, hôm thì cả mấy cân bánh cuốn hay xôi vò Tứ Liên hay vài cái bánh chưng Hàng Da. Nhiều lúc phải gọi các cháu xuống sân xách đỡ đồ lên.
Ăn cơm với Trần Trương là một nguồn cảm hứng. Miệng ăn, mắt ăn, ánh mắt mời mọc với nụ cười rạng rỡ, không, có lẽ cần nói là rạng rạng rỡ rỡ mới đúng. Hôm nào chỉ có người nhà ông hay khiêu khích Đặng Huy Giang. Ông phụ trách mua gạo ngon, Giang mua nồi cơm điện. Hễ khi có ai buột mồm khen ngon, ông nói ngay cơm ngon do gạo; bữa nào cơm khô ông lại bảo gạo ngon nhưng do cái nồi chả ra gì, nấu cơm không nên hồn. Vậy là hai nhà thơ cãi cự nhau. Cãi cự kiểu tao hay mày dở cũng là một dạng năng lượng, năng lượng trẻ thơ. Năng lượng trẻ thơ ở Trần Trương như là vô tận, nó thách thức thời gian, trở thành một đặc vị của Nhà văn và Tác phẩm. Đến lượt mình, đặc vị là giá đỡ để chúng tôi thương yêu nhau; kết nối chúng tôi thành sức mạnh và đủ năng lượng để vượt qua khó khăn để sống đẹp mà thỏa chí tang bồng.
Giờ thì năng lượng trẻ thơ ấy mất rồi. Mất dần dà từng năm từng tháng từng ngày một. Bắt đầu từ mấy năm trước, bà Quý phải lọc thận, mỗi tuần hai buổi ông đưa đi đón về, không thể ăn trưa cùng chúng tôi. Rồi gần hai năm qua, chúng tôi xót xa thiếu vắng. Nhưng cái năng lượng trẻ thơ ông đã kịp truyền lan sang mỗi chúng tôi, để tiếp tục gắn kết; thong thả đi đến số cuối cùng của năm 2020 Nhà văn và Tác phẩm không những không nợ nần ai, mà trước khi chia tay, còn mang những khoản lương, Tết đến bên giường bệnh. Tôi cầm tay ông, thầm nghĩ lời bày tỏ lòng biết ơn ông. Hình như ông đọc được lời nghĩ ấy, nên mắt ông mỉm cười rồi từ đó lăn ra đôi giọt lệ.
Vậy nhưng khi nghe con trai ông buồn đau báo tin, tôi vẫn bàng hoàng. Mất một lúc mới an ủi cháu rằng, vợ chồng cháu, vợ chồng cháu Thảo và mẹ Quý đã tìm mọi cách: Có được các bác sĩ tài năng và kinh nghiệm bậc nhất Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện K Tân Triều; họ đã sử dụng phác đồ điều trị, với những loại thuốc đặc trị nhất có thể cho đến khi tất cả chúng ta nhận ra cái chống chọi không còn là bệnh tật nữa, mà là định mệnh. Bố cháu đã lặng lẽ ra đi, không đau đớn gì, không than vãn gì. Như thế âu cũng là đúng cách Trần Trương. Người ta bảo đi như thế thì dễ siêu thoát, phải vậy không?
VĂN CHINH