Vanvn- Mỗi người cầm trên tay chiếc điện thoại, thỉnh thoảng có rời mắt phóng tầm nhìn về nơi khác, nhưng vẻ như chỉ màn hình điện thoại mới là “chốn về” an toàn nhất. Nàng còn nghĩ, nếu có tiếng nói nào đó cất lên sẽ trở thành lố bịch trong không gian này. Những cặp mắt còn lại sẽ hướng về phía họ với sự lạ lẫm, khác thường. Có khi nào đó, con người ta quên mất mình biết nói, để chào hỏi nhau bằng tiếng người thay cho những biểu tượng vô cảm nhảy nhót trên công nghệ số không?
Mọi việc của nàng đều nằm trong kế hoạch, trừ việc D. rời đi.
Thật lâu rồi nàng mới ra đường vào buổi chiều muộn thế này. Chỉ cần vệt nắng yếu ớt phía hàng cây khẳng khiu hai ven đường kia thôi rong chơi, màn đêm đã trực chờ xuất hiện. Nàng sợ thời khắc ấy mỗi khi còn ở ngoài đường mà chẳng rõ vì gì. Thật may, bằng cách nào đó, nàng đã đến lớp học.

Việc đến được lớp học, ngồi ngay ngắn vào bàn, dọn tất cả những thứ cần thiết từ chiếc túi đặt lên bàn, để theo thứ tự và giữ cho chúng an toàn tránh xô lệch, rơi rớt trong lúc dùng đến, đã mất một khoảng thời gian. Dạo gần đây nàng có cảm giác tay chân mình luộm thuộm, những ngón tay không còn cầm nắm được bất cứ vật gì cho thật chắc, thật an toàn. Chúng sẵn sàng rời khỏi bàn tay nàng, rớt rơi đâu đó và nàng lại mất thời gian cho việc kiếm tìm. Tất cả những lần kiếm tìm, không hẳn thành công. Trong những lần không thành công đó, có cả lý do vì không biết đã mất thứ gì, nàng quay ra chán ghét chính mình. Có lần nàng còn ngồi khóc ngon lành chỉ vì tìm không ra dây nghe điện thoại, trong khi nó đang nằm gọn trên tai mình…
Rồi nàng tìm cách để dây nghe ở một nơi cố định, nhưng ngay sau đó lại quên nơi cố định ấy là nơi nào? Nàng lại đi tìm, lại thiết lập trật tự theo bản kế hoạch hằng tuần trong cuốn sổ tay D. tặng.
Nàng làm mọi thứ theo kế hoạch đặt ra, chỉ duy nhất việc D. rời đi là ngoài kế hoạch.
Đây là buổi học offline đầu tiên của lớp, sau nửa năm học online vì dịch bệnh. Nàng đã nghĩ đến sự kết nối, như những năm cấp một háo hức đến trường sau ba tháng hè ở yên nơi vùng quê quá đỗi dài. Nàng thấy mình lớn phổng lên với bộ đồng phục mẹ may cho dài quá cỡ, để phòng cái tuổi trổ giò mà không mặc được hết năm hay thậm chí sang năm sau.
Nàng ngồi nhìn lớp học chưa có giảng viên nhưng im phăng phắc. Mỗi người cầm trên tay chiếc điện thoại, thỉnh thoảng có rời mắt phóng tầm nhìn về nơi khác, nhưng vẻ như chỉ màn hình điện thoại mới là “chốn về” an toàn nhất. Nàng còn nghĩ, nếu có tiếng nói nào đó cất lên sẽ trở thành lố bịch trong không gian này. Những cặp mắt còn lại sẽ hướng về phía họ với sự lạ lẫm, khác thường. Có khi nào đó, con người ta quên mất mình biết nói, để chào hỏi nhau bằng tiếng người thay cho những biểu tượng vô cảm nhảy nhót trên công nghệ số không?
Khi giảng viên vào, hai mí mắt nàng đã sụp xuống. Bên ngoài hành lang, tán lá ngọc lan mỡ màng xanh mát mắt, có mùi hương thoảng nhẹ từ những cánh hoa trắng muốt. Nàng ngồi ngoài cùng, phía trong song cửa, tưởng chỉ cần đưa tay ra là chạm được những cánh hoa.
“Anh chị nào có thói quen viết nhật ký mỗi ngày, có thể giơ tay cho tôi biết được không?”, vật gì đó chạm từ phía sau lưng mình khiến nàng choàng tỉnh giấc. Giảng viên nhắc lại thêm lần nữa. Chỉ duy nhất cánh tay nàng giơ lên, mạnh mẽ, tự tin giữa những ánh nhìn ngơ ngác.
Khi nàng đưa tay xuống, vô tình chạm phải những thứ để trên bàn, vài cây viết, thước, cuốn sổ tay và cái bóp nhỏ đựng các loại viết, chìa khóa, viên sỏi có khắc tên mà nàng cùng D. trải nghiệm trong lớp kỹ năng… cùng vài thứ linh tinh khác rơi xuống đất. Theo phản xạ tự nhiên, nàng với người theo, may ra có thể nắm lại thứ gì đó trong tay nhưng vô vọng. Lúc này nàng mới phát hiện ra hai bắp đùi của mình tê cứng, chẳng thể nào nhúc nhích.
Khi ấy trên bục, giảng viên đang nói đến những điều tích cực dành cho người có thói quen viết nhật ký mỗi ngày: cải thiện lo âu, dễ dàng đạt được điều mong muốn, giảm chứng trầm cảm… và nhiều điều hữu ích khác mà nàng thấy lùng bùng trong thanh âm nhận được, vẻ như chúng chẳng liên quan gì đến một người như nàng. Thật không may, vài ánh nhìn xa lạ chung quanh nàng cũng nhận ra điều không liên quan đó, khi những hành động lập cập của nàng dần hiện rõ, nàng lại thấy những ngón tay mình như bị vôi hóa, dài ra, luộm thuộm…
Tan học, nàng muốn biến mất khỏi nơi này thật nhanh.
***
Bằng cách nào đó, nàng “trôi” về đến căn phòng của mình. Từ bãi giữ xe ở chung cư cho đến khi chạm bàn chân trần xuống nền nhà, não nàng vẫn tập trung vào ý nghĩ mình có bị quên gì không? Cho đến khi đồng loạt kiểm tra lại, chìa khóa, điện thoại, túi xách, mắt kính… đều ở trên tay, nàng mới yên tâm. Ngày trước, D. là người nhắc nhở, kiểm tra xem nàng có để quên gì không mỗi khi ra ngoài hay trở về nhà, bây giờ thì tự nàng phải làm việc đó. Nàng cứ phải lẩm nhẩm trong đầu những thứ mình hay quên cho đến khi tâm trí mệt nhoài. Và bây giờ nàng không thể nhớ nổi bữa ăn gần đây nhất của mình là khi nào…

Nếu là trong tiểu thuyết hay phim ảnh, nhất định ở hoàn cảnh này, nhân vật sẽ được trợ giúp bởi một mối quan hệ nào đó thân cận khác, như là bạn thân, mẹ, hay một người hiền lành nào đó dõi theo thầm lặng… Nhưng với nàng thì không một ai.
Nàng có cảm giác như mình bị đánh lừa. Sự hư cấu trong tác phẩm chẳng phải ru ngủ biết bao thế hệ trong miền cổ tích xa xăm không thực? Thực tế thì không một ai xuất hiện trước mặt nàng lúc này cả.
Trong suốt những năm dài, nàng không chia sẻ cuộc sống của mình với ai ngoài D. Bạn bè vẫn nghĩ nàng ổn. Nàng cũng nghĩ mình ổn vì trong kế hoạch D. sẽ không rời nàng mà đi. Kế hoạch của nàng là luôn có D. đồng hành, từ thứ 2 đến chủ nhật. Từ lúc thức giấc cho đến khi ánh trăng tan loãng trong màn đêm như đêm nay.
***
Buổi tối. Gió chuyển mùa thổi mạnh dọc hành lang dãy phòng đào tạo dành cho sinh viên tâm lý học. Nàng nghe tiếng của những gốc cây xù xì, chỉ là không rõ chúng đang hoan ca hay than thở trong cơn mưa. Đôi khi con người cũng vậy, ngập ngụa trong hạnh phúc vẫn cố tìm ra lý do gì đó để chối từ nó, cho đến khi nó rời xa vĩnh viễn. Nàng đang nghĩ nếu mình là đạo diễn mà nhân vật trong phim là những gốc cây, nàng sẽ đưa thân phận chúng về đâu, có mở ra miền huy hoàng hay luẩn quẩn với những lối mòn rồi tàn lụi cho đúng với thực tế.
Trên bục, thầy đang giảng về cấu tạo của não bộ, nàng thấy bùng nhùng với những nơron, xinap, trung khu thần kinh…
Bất chợt, thầy gọi nàng:
– Ý em thì như thế nào, Quỳnh Hương?
Nàng giật mình nhìn lên phía giảng viên đang hướng ánh mắt xuống mình.
– Dạ, em thắc mắc là những điều đẹp đẽ trong phim ảnh, tiểu thuyết có thật ngoài đời không, thưa thầy?
– Hả, em nói sao?
Có những tiếng cười rộ lên ở những bàn học phía xa, nhưng nàng chẳng quan tâm:
– Sẽ luôn có một phép màu xuất hiện để cứu rỗi những tâm hồn tăm tối, trong phim ảnh, tiểu thuyết thường như vậy, thầy nghĩ có thực tế không hay chỉ là bịa đặt?
Thêm nhiều ánh nhìn hướng về phía nàng, ban đầu là cười vui thôi, sau đó chuyển sang bất an, nhất là khi ánh mắt nàng trở nên mơ hồ, không thực…
Nàng hình dung ra phía sau những cặp mắt đó là lớp vỏ não, ở khu vực trung khu có nhiệm vụ quan sát và tư duy logic, những lớp sóng não của họ đang nhớ lại buổi học trước, về người duy nhất viết nhật ký mỗi ngày là nàng. Theo giảng viên, nàng phải là người bình thường nhất mới đúng chứ?
***
Nàng siêng đến lớp hơn, nhưng không phải để quan sát những gốc cây cạnh hành lang nhiều gió như trước.
Nàng cũng không còn chờ ai đó xuất hiện để hỏi có ổn không. Nàng nhận ra mọi thứ luôn thay đổi và sự thích nghi trở thành món quà quý dành cho mỗi người.
Trên bục giảng, nàng tập trung lắng nghe từng lời thầy.
– Chúng ta có thể sắp xếp lại từng ký ức trong bộ não mình và lưu giữ hay loại bỏ nó đi không, thưa thầy?
Có tiếng phát biểu của một gã trai. Dù không liên quan đến chương đang học, nhưng thầy luôn ân cần với mọi thắc mắc của sinh viên. Giọng thầy trầm ấm:
– Đó còn gọi là quá trình gia cố ký ức mà chúng ta sẽ được học trong những chương tiếp theo.
Cả lớp ồ lên thích thú. Giọng thầy đầy tự sự của một người đi qua nhiều dâu bể:
– Mục đích của việc sắp xếp lại ký ức không phải để lãng quên điều gì đó mà là để cập nhật chúng thành những câu chuyện như một trải nghiệm mà chúng ta đã có trong cuộc đời này. Các em hãy tưởng tượng hành động này, bác sĩ sẽ phẫu thuật gắp phần ký ức từ bộ não cho vào một ngăn riêng và để chúng ngủ yên đấy… Chỉ như vậy, ta mới sống tiếp trong trạng thái của ngày mới tinh tươm và đầy hứng khởi.
Không dưng nàng thấy có sự đồng cảm với nguồn năng lượng trong lớp học này. Chẳng phải chúng ta đều có những câu chuyện của riêng mình với những vui, buồn, đớn đau? Chúng ta là những diễn viên chẳng thể đẩy mình đến những kết thúc có hậu vì tự thấy giả tạo. Nhưng rồi mọi thứ sẽ trôi qua như một lẽ tự nhiên để bàn chân vẫn làm nhiệm vụ hăm hở tiến về phía trước.
Thầy hỏi cả lớp:
– Các em có tin con người đi trên than hồng mà không bị bỏng chân không?
Những cái gật, lắc, hoài nghi đan xen. Thầy tiếp:
– Với niềm tin rằng, những đốm than hồng ấy chỉ là lớp cỏ non tơ mềm mịn, mát rượi lòng bàn chân, thế là họ đi qua an toàn mà không để lại bất cứ vết bỏng nào.
Nàng tin. Nàng còn tin não bộ mình sẽ thành công trong việc gia cố ký ức, để một ngày nào đó nàng sẽ kể về D., như một kỷ niệm đẹp với ai đó, có thể âm đầu sẽ là L, M, B…
Tan học. Đêm tan loãng vào không khung và nàng chẳng còn phải nghĩ xem màn đêm có màu gì nữa.
LA THỊ ÁNH HƯỜNG