Vanvn- Cũng đã hơn 10 năm hay có thể lâu hơn nữa kể từ ngày mệ[1] tôi dứt bụi trần đến với cửa tịnh tâm, cũng là ngày rũ bỏ mái đầu bạc để đón lấy một mái đầu trơn. Khi ấy, tôi chưa hiểu gì về quyết định đó của mệ, đơn giản chỉ nghĩ là mệ sẽ đi đâu đó thật xa nhà, nhưng đến bây giờ ngẫm lại tôi bất giác biết đó là một sự ly biệt theo một hướng thiêng liêng.

Trời sang xuân, thời điểm gần đến giỗ ông nội. Mệ tôi trở về nhà trong cánh áo tu sĩ nâu đà với vô vàn lỉnh kỉnh hành lí, mang theo từ ngôi chùa phảng phất hương nhang nơi núi đồi Tây Nguyên. Chỉ ở lại vài ngày ngắn ngủi lo toan việc cúng giỗ rồi mệ lại tất tả trở về cửa chùa. Mỗi năm cứ thế đều đặn mà trôi qua.
Việc mệ trở thành tu sĩ luôn là câu hỏi lớn đối với tôi, tại sao lại lựa chọn như vậy và tại sao lại đi xa như thế? Nhưng tôi chưa lần nào hỏi mệ chỉ vì nghĩ mình sẽ không thể hiểu nếu không đủ trưởng thành và nhận thức nhiều hơn. Thế mà những năm gần đây tôi có dịp tâm tình với mệ, tôi thấy một niềm hạnh phúc nơi cuối đời mệ khi được khoác tấm áo tu sĩ, ăn uống thanh đạm và hướng tâm chánh pháp. Mệ nói về chuyện tụng kinh niệm phật như một chuyện ví von nào đó khi người ta nhận thức được việc mà tâm mong muốn.
Đi tu với mệ đã ăn sâu vào tiềm thức khi còn thuở thiếu niên. Sự vất vả áo cơm, lo toan kinh tế, không được đến trường, đã khiến mệ tìm đến những buổi sinh hoạt gia đình phật tử tại ngôi chùa gần nhà sau giờ làm nông, mong cầu giải tỏa phiền muộn. Mệ được tĩnh tâm dưới tiếng vọng vang của chiếc chuông đồng, chìm sâu vào trong những trang kinh phật và lắng nghe những điều thiện lành của phật tử truyền tai nhau,… Tất cả bện chặt lại một ý nghĩ trong tâm mệ, rằng sẽ mang kiếp thân của một tu sĩ khi trưởng thành. Nhưng chuyện đời lắm ngã rẽ, người ta không thể thuận buồm mà tự quyết định cuốc sống ra sao. Mệ phải lấy chồng và lại tiếp tục quần quật trong nếp sống lo lắng việc nhà. Ý nghĩ đi tu như thế đành khép lại và có thể là lời hẹn kiếp sau. Nhưng bỗng chốc sự ra đi đường đột của ông nội tôi, lại là một phần nào đó đã làm cho con đường đến cửa Phật của mệ lần nữa chạm đến bàn chân. Và mệ trở thành tu sĩ.
Trong cái lạnh sương mai ẩm ướt của khí hậu vùng cao, ngôi chùa dung dị mà mệ tôi dừng chân tu tập hiện ra một cách trầm lặng. Mỗi khuya sớm 3 giờ sáng, mệ sẽ dậy đội nón len che lạnh mái đầu trơn, khoác áo lễ đánh chuông Công Phu Khuya[2]. Kết thúc hơn 1 giờ đồng hồ, mệ sẽ đến bếp chuẩn bị củi lửa, nấu nướng bữa sáng. Mặt trời rọi vào mái hiên hình rồng, tiếng chuông Thức chúng[3] lại vang và tất cả tu sĩ tu tập sẽ đến bàn ăn, yên lặng chắp tay cầu kinh trước khi được phép dùng bữa. 8 giờ sáng lại là một lễ cầu kinh ở nhà Mẫu, 10 giờ 30 phút trưa cúng Ngọ, dùng cơm trưa và nghỉ ngơi. 2 giờ chiều, chuẩn bị nguyên liệu cho cúng Ngọ chiều vào lúc 4 giờ và bữa tối lúc 5 giờ, tiếp đến 7 giờ tối tụng kinh trên Chánh điện chùa suốt hai giờ đồng hồ. Hoàn thành buổi tụng niệm là giờ sinh hoạt gia đình phật tử và cuối cùng 11 giờ đêm đóng cổng chùa nghỉ ngơi. Một chuỗi hoạt động được lập trình sẵn trên bảng tin của chùa và mệ vui vẻ trong những việc làm ấy. Mệ nói về lần đầu xuất gia, ngôi chùa cũ nát, thiếu thốn nhiều thứ chỉ có những mảnh tôn tạm bợ ngày mưa, bữa cơm ít ỏi rau củ đạm bạc và không có cả phương tiện di chuyển,…
Vì là chùa mới, chưa nhiều người biết, phật tử ít đến nhang khói cúng dường nên mọi việc đều là mệ quán xuyến. Nhiều năm sau, chùa hoàn thiện, người yêu mến chùa đến nhiều và mệ càng lớn tuổi, trụ trì khuyên nên nghỉ ngơi nên thành ra lại rảnh rang. Nhưng vì thế lại có nhiều thời gian cho việc tụng kinh và thiền tâm hơn. Kinh Chú Đại Bi, Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng,… tất tật đều nằm sâu trong tiềm thức của mệ. Lần ghé thăm gần nhất, tôi thấy mệ trong các buổi tụng niệm kinh Phật mà không cần nhìn vào sách kinh trước mặt, thậm chí không cần đến kệ giá đỡ chuẩn bị như cho các phật tử trước buổi niệm. Mệ nói người theo Phật pháp thì kinh sách cũng sẽ theo thời gian thấm nhuần vào tư tưởng, ăn sâu vào suy nghĩ và lối sống. Đôi khi không cần hiện diện hữu hình trên trang sách, người tu tập vẫn có thể niệm ra những lời kinh răn dạy của Đức Thích Ca đã ghi dấu trong tâm. Như việc người ta tìm đến thức ăn khi đói, tìm kiến thức thì phải họa qua sách vở và tìm sự thanh thản trong tâm hồn thì đến với tín ngưỡng, tựa cách mệ tôi đã tìm đến với Phật.
Biết bao lần tôi gặp phải những vấn đề trong cuộc sống khi tuổi trẻ chỉ mới chạm ngưỡng 20, mệ tôi chỉ vỗ đầu nhè nhẹ và đọc những lời kinh Phật bên tai tôi, dễ dàng xóa tan phiền muộn ấy. Mệ nói rằng thế giới này rộng lớn, mối liên kết giữa bản thân ta và tạo hóa là những điều kì diệu nhưng đừng vì thế mà đánh mất mình. Nếu cuộc sống có đối xử bạc nhược với ta trong đoạn thời gian nào đó thì chắc hẳn là để chuẩn bị cho ta những bài học trưởng thành khi về sau. Những điều ta nhìn thấy và tồn tại dẫu cho cùng cũng không thể là tất cả với ta khi số mệnh kết thúc. Cuối cùng chỉ cần nhớ ta là tất cả của ta, đồng thời cũng không là của ta. Hãy sống và làm những gì mà bản thân thấy thanh thản nhất, để khi tan biến vào hư vô cũng không còn gì vướng bận. Mỗi lúc như thế tôi chỉ ứa nước mắt âm thầm, nhận thấy rõ ràng điều tôi lo nghĩ chỉ là hạt cát bé tẹo, vội vàng cuốn bay giữa mênh mông cuộc đời và mệ tôi tựa hồ một cây xanh to lớn lẳng lặng im mình che bóng mát bảo vệ tôi.

Ngày gần cuối tháng, một cụ bà bằng tuổi mệ tôi, cũng được trụ trì chấp thuận cho xuống tóc, bác thợ cạo sửa sang lại mái đầu cho cụ sau buổi lễ, tay đưa mềm mại những đường cạo chậm rãi. Tôi thấy khuôn mặt bà khẽ rung rung theo những đường đưa máy, môi chốc chốc lại mỉm cười hồn nhiên. Điều hạnh phúc dường như đang sống trong tâm bà. Bác thợ cạo vừa phủi lớp tóc bạc xuống lớp vải khoác trên vai bà, vừa nói đùa với tôi: “Hồi trẻ bà đẹp lắm đó! Có khi còn đẹp hơn cả con bây giờ nữa”. Dù chỉ là lời đùa nhưng tôi biết điều đó ý nghĩa thế nào, sắc xuân phai tàn trên gương mặt bà cụ đã nhường lại cho nếp nhăn của tuổi già. Nhưng đổi lại đó là một khuôn mặt phúc hậu của người tu sĩ cũng giống như mệ tôi vậy. Vẻ đẹp của họ thực sự đáng trân trọng, với riêng tôi đó còn là sự thiêng liêng không phải ai cũng có thể có được, vì chuyện tu hành chưa bao giờ là điều đơn giản. Để rũ bỏ một mái đầu phủ tóc đổi lấy mái đầu trơn, người tu sĩ đã phải cố gắng như thế nào khi buông xuống những bận lòng của cuộc sống bản thân. Chỉ có tâm lành và thiện chí đã khiến họ mạnh mẽ để trở thành một người khoác tấm áo tu sĩ, lẳng lặng một đời ăn chay niệm phật. Đến ngày đầu tháng âm lịch, ở chùa có tục lệ cạo tóc, mái đầu của mệ chỉ mới lú nhú một lớp tóc ánh bạc đã nhanh chóng được gột sạch thành một mái đầu trơn gọn gàng. Hình ảnh mệ nghiêng mình xối nước rửa sạch mớ tóc vụn bên bồn chứa, quả thật giây phút ấy tôi không thể kìm chế sự xúc động của mình. Tôi nhớ về quá khứ, mái tóc bạc mềm lơ thơ trước ngọn đèn dầu hay bết chặt giọt mồ hôi sau những buổi gánh hàng ở chợ về; nhớ cả về lần mệ chưa đeo kính lão, tay cầm kéo xén ngắn mái tóc dài ham chơi nắng cháy của tôi, mỗi khi cúi đầu nhặt tóc vụn dưới đất, những lọn hoa râm nhẹ nhàng lướt lạnh qua má tôi… Tất cả khiến tôi ứ nghẹn, nén chặt những quặn thắt trong lòng ngực để mỉm cười nhìn mái đầu ấy, một mái đầu sương sớm khổ cực cuối cùng đã có thể gác lại phía sau, mãi mãi gìn giữ trong kí cứ để sống một khởi đầu nhẹ nhàng thanh thản kiếp thân tu. Và mái đầu trơn ấy cũng sẽ đi cùng mệ đến hết cuộc đời, không vướng bận, lo lắng một tạp niệm gì.
Mệ và những vị tu sĩ khác trong chùa luôn nhắc nhở tôi về kinh Phật, hãy học tu tập để hoàn thiện bản thân khi còn trẻ. Tôi lắng nghe lời khuyên bảo ấy và thử tu tập, nhưng giữa vô vàn lo toan của cuộc sống vẫn khiến tôi còn nhiều điều bận lòng chưa buông bỏ được. Thấy tôi loay hoay trong sự vụng về khi học những bài kinh kệ, mệ bảo tôi hãy bắt đầu từ những điều đơn giản. Giống như một đứa trẻ được sinh ra điều đầu tiên cho thấy sự phát triển khôn lớn luôn là một cú lật mình trên giường. Mệ đưa tôi những bài tập kinh đọc theo nếp sống sinh hoạt; rửa mặt có kinh rửa mặt; đánh răng có kinh đánh răng; nấu cơm, rửa chén hay làm gì cũng có một bài kinh đi kèm theo.
Sức hấp dẫn Phật pháp sẽ len lỏi vào đời sống một cách giản đơn như vậy, có thể như là những giai điệu có ca từ kinh Phật mà ta nghe để rồi cho vào tâm trí lưu giữ. Hãy luôn làm điều thiện khi còn trẻ chứ đừng để về già mới tiếc nuối. Đó cũng là lời gợi mở cho câu hỏi tại sao có người xuất gia khi chỉ vừa tròn tuổi 5, tuổi 7 và cũng có người xuống mái đầu khi quá bụa về già? Điều này lí giải theo suy nghĩ của tôi có lẽ là sự thích hợp và lòng thành tâm của người đó đã đạt hay chưa. Với những người bạn khác của tôi họ xuất gia khi mới vào lớp một, có khi vừa chạm mốc tuổi thiếu niên, có lẽ là quá sớm như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng nếu tâm thức của họ đã cảm thấy đủ mong muốn để quyết định hướng đến chánh thiện Phật pháp, dẫn lối cuộc đời mình thì điều này là chuyện tất yếu. Còn với mệ tôi xuất gia ở độ tuổi gần như cao niên chỉ là vì lúc này mệ đã hoàn thành nhiệm vụ của một người phàm nhân, để đến với cuộc đời tu sĩ. Không có một độ tuổi chính xác nào cho việc tu tập hay có một khẳng định nào về tu tập ở đâu. Chỉ có một điều chắc chắn nếu tâm ta hướng thiện lành thì dù là người thường hay tu sĩ, dù là ở nhà hay ẩn mình nơi chùa chiềng thì đều gọi là tu hành. Bởi tu hành là làm điều thiện và loại bỏ tạp niệm thế gian trong suy nghĩ. May mắn thay mệ tôi là thân tu sĩ nên đã dạy dỗ tôi biết nhận thức về Phật pháp rõ ràng nhưng chính bản thân tôi lại cần phải cố gắng nhiều hơn.
Đêm trước ngày rời khỏi ngôi chùa trầm mặc, mệ gói ghém biết bao túi xách đựng quà để tôi mang về nhà. Tôi xua tay từ chối bảo không cần mang nhiều thế đâu nhưng mệ vẫn luôn tay đến tận đêm khi tiếng tịnh chuông vang lên mới chịu nghỉ ngơi. Trong mớ đồ đạc vô số kể ấy, tôi chỉ quan tâm đến bức hình mà mệ kêu tôi lựa “Thích tấm nào, lấy một tấm về mà xem”. Đó là món quà quý nhất đối với tôi, mỗi khi mệt mỏi hay chật vật khó khăn tinh thần tôi lại lấy ra xem và khẽ khàng cười cùng giọt nước mắt rưng rưng khóe mi. Mệ tôi vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn có một mái đầu trơn in dáng vẻ của một tu sĩ đã xuất gia rõ ràng.
Ngày chia tay, mưa phùn Tây Nguyên lả lướt qua chiếc nón lá quai nhung tím mệ mang, tay mệ nắm lấy vai tôi chầm chậm những nhịp đều đặn đến bến xe. Khoảnh khắc nhìn mệ trở về chùa qua khung cửa kính nhòe nhoẹt mưa của chiếc xe giường nằm, tôi thấy mệ nhỏ nhắn trong tà áo nâu, nhỏ bé giữa cuộc đời nhưng lại là giá trị vô cùng lớn lao trong tâm hồn tôi khi là một tu sĩ thiện lành nơi cửa Phật. Mệ luôn là ánh sáng dõi đường mỗi bước chân tôi và là hiện diện của tín ngưỡng mà tôi tin tưởng. Những năm gần đây, vì lớn tuổi mệ hạn chế đi lại và tôi cũng không có dịp nào ghé thăm mệ. Chỉ có những cuộc gọi thăm hỏi qua đường truyền điện thoại là được duy trì theo định kì, tôi vẫn nghe thấy một giọng nói Huế ấm áp dịu dàng nhắc nhở sức khỏe, ăn uống và ti tỉ những dặn dò khác. Thỉnh thoảng mượn được ai đó có điện thoại thông minh, mệ sẽ hiện ra qua ô khung của video call, mái đầu trơn quen thuộc lại mọc thêm một vài mầm tóc con ngộ nghĩnh và đến ngày đầu tháng cạo tóc, chúng sẽ lại rời khỏi mái đầu ấy theo mây gió hòa vào đất trời.
Mái đầu trơn của mệ là hình ảnh đẹp đẽ nhất đánh dấu cho tất cả sự thầm lặng nhọc nhằn quá khứ đã qua để đến neo mình với thân tu tịnh tâm nơi cửa chùa. Đến bây giờ tôi mới biết, xuất gia là gì và hình ảnh một tu sĩ lại trông gần gũi đến vậy. Tuy mệ không thể bên cạnh tôi nhưng sẽ luôn có một mái đầu trơn của mệ luôn che chở một mái đầu xanh non nớt là tôi. Chỉ mong thời gian trôi chậm thôi để mệ có thể ở bên cạnh tôi lâu hơn và tôi có thể nhìn ngắm mái đầu trơn ấy thật nhiều lần nữa.
DƯƠNG THỊ MỸ LINH
______________
[1] Mệ: từ địa phương chỉ cách gọi bà.
[2] Công Phu Khuya: một lễ nghi tụng niệm ở chùa vào thời gian khuya từ 3 đến 4 giờ sáng.
[3] Thức chúng: một lễ nghi tụng niệm ở chùa vào thời gian sáng từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng.