Ly ca – vẻ đẹp của sự tận cùng

Vanvn- Vào mùa thu tháng Mười hiu hiu heo may năm ngoái, một người đàn ông tôi vừa mới quen ý nhị ngại ngùng gửi cho tôi một tập thơ tuồng như sợ làm phiền, hỏi xem liệu có in được. Tập thơ có cái tên thật hay, các bài thơ cũng vậy. Tôi đọc và thấy mình bị chinh phục, nên đã hỗ trợ để nó ra đời.

Những ngày bản thảo tập thơ còn đang ở trong nhà in, tôi có mang mấy bài đến giới thiệu với các bạn sinh viên lớp tôi đang dạy, không tiết lộ tác giả là ai. Giá mà nhà thơ nhìn thấy tất cả những háo hức thổn thức của họ như tôi được thấy, chắc sẽ hạnh phúc nhường nào. Đời người viết chắc cũng chỉ mong có vậy.

Đấy là Ly ca của Đỗ Doãn Phương, nhà thơ, nhà báo quê làng cổ Đường Lâm Sơn Tây, từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011 với tập thơ Hoan ca, và hiện là Phó Tổng biên tập của tờ Thể Thao & Văn Hóa.

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương

– Chiếc ô tô đâm anh?

– Không, là anh truyền nỗi buồn han gỉ cho nó

 

– Lưỡi dao đâm anh?

– Không, là anh ứa máu độc lên nó

 

Anh cần một cái gì mạnh nữa

Để hất anh ra khỏi đời em

(Ly ca 1)

Ly ca là một tập thơ tình có sức công phá. Ai đó thở dài, lại tình yêu ư? Thì sao? Nếu tìm được cách nói, câu chuyện tình yêu chẳng bao giờ sáo mòn.

Ly ca chỉ nói duy nhất một câu chuyện: nỗi đau ly biệt của một người đàn ông. Vì lý do nào đó anh ta không được ở bên người tình, anh trở thành kẻ đi bên lề cuộc đời người tình và dõi theo bóng nàng vui vầy trong cuộc sống mới với chồng, con, ngôi nhà, chiếc giường, căn bếp. Những khúc ly ca day đi dứt lại nỗi đau ấy ở nhiều không gian, nhiều bối cảnh, nhiều trạng thái, khiến người ta quá ư ngạc nhiên: Phải yêu thế nào mà đau được như thế?

Một đêm đi qua đường

Thấy nhà em sáng rực

Chẳng hiểu sao anh cho xe chạy thật chậm

Rồi dừng hẳn lại

Tắt đèn cốt, đèn pha…

Cả người và xe lẫn trong bóng tối quanh nhà.

 

Anh lặng ngắm đời em trong ánh sáng tỏa ra từ bên trong

Cửa chính, cửa sổ, phòng khách, chậu cây trên tầng thượng

Không gian như chứa đầy thứ nước tinh khiết

Được chiếu rọi lung linh giữa bể thủy sinh

 

Anh cố hình dung em đi lại trong đó, như con cá tung tăng

Anh cố nghe tiếng vợ chồng, con cái em như bọt nước sủi lên lóng lánh

Nhưng vô ích, như thể cách qua một lớp kính

Chỉ hơi thở anh đang chậm rãi phủ mờ

 

Ngôi nhà như một thủy cung trong mơ

Cả khối nước đè lên ngực anh ngộp thở.

(Ly ca 18)

Tập thơ “Ly ca” của Đỗ Doãn Phương

Đọc thơ của Đỗ Doãn Phương sẽ thấy nhà thơ bước thẳng vào nỗi đau, trực diện với nó, không vờn quanh bằng những mây trời hoa lá. Các bài thơ thường giàu chất tự sự, kể một câu chuyện, một hoạt động sống của kẻ thất tình, nhưng luôn kết lại ở trạng thái “ngộp thở” bất ngờ, diễn tả mạnh mẽ rằng tình yêu và nỗi đau đã choán ngự toàn bộ cuộc đời người đàn ông ấy.

“Mặc quần áo khá tươm tất
Đến quán đó sớm hơn một chút
Chọn chỗ gần cửa sổ, anh chờ…


Cuộc hẹn đầu tiên kể từ khi em lấy chồng
Được nhìn thấy em trong bộ đồ mà anh chưa từng biết đến
Và những gì tấm thân em vừa đón nhận
Như dòng sông biếc xanh vừa trộn biển mặn mòi

Ngồi thêm chút em, cuộc sống sẽ rất dài
Nhìn anh đây, anh cũng mặc bộ đồ thật mới
Nhưng tấm thân anh mà em đã từng biết đến
Chỉ bạc màu thêm như đất mỗi mùa màng

(Ly ca 12)

Cũng như Hoan ca hay Tuyệt ca, tập thơ Ly ca không chủ về những con chữ và âm điệu thổn thức, hổn hển, không quay cuồng cào xé với những tính từ lắt léo và động từ hùng hậu. Ly ca là những con chữ chắc chắn, tự nhiên, đôi chút thô ráp, nhưng mạnh về ý tứ và cảm xúc, để có thể đi đến tận cùng của cảm giác biệt ly, của nỗi đau nặng trĩu, lẩn sâu nhưng gây choáng ngợp.

Đọc Ly ca nhận ra đây phải là tình yêu của một người đàn ông từng trải, anh ta không đập phá hay khóc than, không rượu say, chỉ lặng lẽ để cho nỗi đau ngấm vào toàn bộ cơ thể mình, cuộc sống mình, quan sát nó nghiền ngẫm nó như một cuộc chịu nạn.

“Khi em thành người tình của họ

Anh đứng đó và tự hỏi:

Anh sẽ tiếp tục hôn em trong tưởng tượng ra sao?

Khi những người tình luôn úp mặt, quyện chặt vào nhau

Đến mức trong mơ anh cũng chỉ thấy lưng em và sau gáy.

 

Rồi em trở thành vợ họ

Anh vẫn đứng đó và lại tự hỏi

Anh sẽ hồi tưởng những cuộc ân ái ra sao?

Khi chiếc giường trống trải của anh luôn hiện cả ba?”

(Ly ca 15)

 

Không bao giờ anh muốn đánh đổi gì để được có em
Vui buồn mỗi người ngày hôm nay là điều phải xảy đến
Chính lúc điên cuồng vọng tưởng em nhiều nhất
Anh lại hả hê vì em cũng đâu có được đời anh?

(Ly ca 29)

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi đọc tập thơ này thốt lên: “Lâu lắm rồi mới thấy người đàn ông (trong thơ) cổ điển và thuần khiết tới vậy, đau đớn vì người tình đã chồng con, và đau đi đau lại bởi vì mỗi chuyện ấy. Đến nỗi tôi còn nghĩ vui rằng cũng cô đấy, hay nhiều cô khác. Cảm giác, yêu thôi chưa đủ, mà yêu đến cả hai con người thành một. Và mọi sự chia xa dù ở thể chất hay tinh thần, vết thương hở ấy cũng là quá sức”.

Ly ca đặt tình yêu và sự chia lìa trong mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Phần sau của tập thơ là Khúc ca hư vô với ý niệm, rồi tất cả sẽ hóa thành cát bụi, sẽ tan vào vũ trụ và như thế những người yêu khi chết sẽ được về bên nhau. “Thiên nhiên có hề chi/Chỉ dục lực rồi mất” – đấy là một nhận thức thành thực về đời sống. Điều ấy tưởng như điều có thể xoa dịu cõi lòng nhưng hóa ra lại khiến cho những khúc ly ca trở nên đau đớn hơn: đời sống này hữu hạn, tại sao lại không được yêu và ở bên người ta yêu?

***

Tôi không thích tập thơ Những ngọn triều nhục cảm (2008) của Đỗ Doãn Phương, khi ấy còn rườm rà rối rắm. Đến Hoan ca (2011) đã là những lát cắt cuộc sống và cảm xúc tinh lọc, sắc gọn và bất ngờ hơn nhiều, tôi thích. Tuyệt ca (2013) bàn về các “đại tự sự” là sinh – duyên – tuyệt, đậm mùi triết lý, dù có những bài lạ nhưng nhìn chung khô khan không hợp với tạng của tôi. Ly ca bây giờ, sau một quãng nghỉ dài, là sự tiếp nối nguồn mạch và phong cách của Hoan ca. Lần ngược về Hoan ca tôi bắt gặp bài thơ “Lời thì thầm của đôi tình nhân” – thì thầm mà lại quá ư ào ạt:

“Sau cuộc yêu họ nói với nhau:

– Em hãy ngửa đầu ra phía sau cho anh nhìn thấy bầu trời ở bên trên chúng ta

– Em hãy nghiêng người cho anh nhìn thấy rặng cây ở bên phải và bên trái

– Chúng ta hãy tắt đi những âm thanh của mình, để cùng nghe những âm thanh khác

– Hãy che lấp sự sống của mình, để cùng cảm nhận sự sống xung quanh

– Chúng ta hãy ra ngoài kia, hít thở bầu trời bao la

– Những hàng cây đổ ngược xuống dòng sông và mây trên trời cũng theo xuống dưới đó

– Chúng ta sẽ uống no nê từ dòng sông, và rồi chạy tiếp lên đồi cây

– Vừa chạy vừa găm vào thân thể mình những lá, hoa, đá, sỏi

– Và buổi chiều khi cơ thể chúng ta đã no đầy trở lại

– Chúng ta sẽ đổ thêm một ngày khô kiệt nữa cho nhau.”

Nếu yêu đến vắt kiệt bản thân như thế thì khi xa lìa mới thực là đau. Tuy thế Hoan ca vẫn là tập thơ của nhiều thanh âm, chỉ đến Ly ca Đỗ Doãn Phương mới tập trung vào một điểm và đẩy cảm xúc lên cung bậc cao nhất, và là tập thơ tôi thích nhất.

Bởi Ly ca cho tôi thấy vẻ đẹp của sự tận cùng.

NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY

______________

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Doãn Phương sinh năm 1977, tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội đã xuất bản các tập thơ Ánh chớp (2006), Những ngọn triều nhục cảm (2009), Hoan ca (2011), Tuyệt ca (2013) và tập truyện ngắn: Một bông hồng và triệu bông hồng (2008), Tình cơm bụi (2011). Hiện anh là Phó Tổng biên tập Báo Thể Thao & Văn Hóa.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *