Vanvn- Dưới thời Xô Viết, nước Nga đã chiếm nhiều kỷ lục về văn hóa đọc: số ấn phẩm lớn, giá sách rẻ, số thư viện nhiều. Đặc biệt nổi lên là mảng văn học dành cho trẻ em. Bước qua cơ chế thị trường, nước Nga không những không duy trì được những kỷ lục ấy mà cho đến tận hôm nay vẫn gặp trắc trở, loay hoay với khâu xuất bản nói chung và mảng văn học thiếu niên nói riêng..
Dưới đây là cuộc trò chuyện của bà Svetlana Krivoshlykova, nhà văn đồng thời là người đứng đầu Hiệp hội các Nhà văn viết cho các em về vấn đề nêu trên với Báo Văn Hóa Nga.
* Với tư cách là một tác giả viết cho các em và là người đứng đầu Hiệp hội các nhà văn viết cho trẻ em, xin bà cho biết văn học thiếu nhi của chúng ta hiện nay đang có những thay đổi gì.
– Nhà văn Svetlana Krivoshlykova: Doanh số bán sách của những tác giả dẫn đầu thị trường đang tăng lên rõ rệt, trong khi doanh số bán sách của các tác giả mới vào nghề lại giảm. Theo tôi, điều này xảy ra do sự ra đi của người mua vì Internet. Người đọc đã trở nên thận trọng hơn: hoặc các cháu mua những gì các cháu biết rõ, hoặc những cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng. Do đó, ngày nay một tác giả mới vào nghề cần phải nỗ lực gấp nhiều lần, cả về thời gian, tiền bạc, công sức để bán được sách của mình.
* Tôi nhớ gần đây, có sự mất cân đối rất lớn giữa văn học thiếu nhi dịch và văn học thiếu nhi bằng tiếng Nga. Có vẻ như tỷ lệ của sản phẩm văn học dịch lên kệ là 80%. Tình hình đã thay đổi sao?
– Vâng, đúng vậy! Những cuốn sách đã chứng tỏ sức cuốn hút ngay ở nước ngoài, do đó giảm thiểu rủi ro về doanh số, doanh thu đồng thời mang lại đồng lời chắc chắn hơn cho một nhà xuất bản.
Ngày nay, do những thay đổi về chính trị và xã hội, thị trường sách ở nước ta gần như bị cô lập. Một số hợp đồng in sách với các nhà xuất bản nước ngoài đã hết và không được gia hạn, một số cuốn thậm chí đã bị loại bỏ khỏi thị trường do nội dung tuyên truyền trong đó. Tôi chưa thể đưa ra con số chính xác, nhưng tỷ trọng văn học dịch đang giảm, tôi nghĩ hiện nay chỉ còn khoảng 50-60% và sẽ giảm nữa khi các hợp đồng dài hạn với các nhà xuất bản nước chấm dứt.
Các nhà xuất bản đang chuyển sang các tác giả Nga. Bây giờ tôi đang nói về văn học thiếu nhi, nhưng tôi cho rằng điều tương tự cũng xảy ra trong văn học người lớn.
* Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các tác giả Nga và thị trường văn học thiếu nhi nói chung?
– Đang có chuyện sau: nhà xuất bản cần xuất bản sách hay,làm các tuyển tập. Kể từ khi phần lớn văn học dịch biến mất, nhu cầu với các tác giả Nga đã tăng lên. Tìm đâu ra? Vâng, tất nhiên, chúng tôi có nhiều tác giả. Nhưng các nhà xuất bản nói gì? “Có rất nhiều người chỉ viết chữ, họ không viết văn, không biết cách thu hút sự chú ý của người đọc, không có cốt truyện, họ viết truyện về thời thơ ấu, giờ có một thế hệ trẻ mới, chúng không hứng thú khi đọc về một ngôi trường cách đây ba mươi năm…” Và đây là vấn đề.Ở thời kỳ Xô Viết, chúng ta đã có một trường dạy viết văn, nhưng vào những năm 90, mọi thứ sụp đổ, và trong một thời gian dài, không ai tham gia vào việc hình thành văn hóa trong văn học ở Nga. Ba mươi năm là cả một thế hệ!Bây giờ chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn mới.
* Bà đang mô tả một bức tranh màu hồng – nhu cầu rất lớn, hãy viết, hãy in… Mọi thứ có thực sự tốt như vậy không? Những vấn đề gì còn tồn tại? Ví dụ, giá sách đã trở nên cực kỳ đắt.
– Có đủ vấn đề! Giá sách là một trong số đó. Giấy tăng giá, có loại giấy không còn hàng. Các nhà in phải nhập thiết bị nước ngoài. Mực in cũng phải nhập khẩu. Tất cả điều này làm tăng giá thành sản phẩm lên nhiều lần. Sách đang tăng giá. Ấy vậy nhưng nhuận bút vẫn ở mức cũ mà nhu cầu bản thảo lại tăng…
* Nếu tôi hiểu đúng thì nhuận bút cho các tác giả ít ỏi đến mức không thể sống bằng tiền viết sách. Ở Nga, những nhà văn có thể sống bằng nhuận bút đâu đó đếm được trên đầu ngón tay…
– Vâng!đây là tình hình hiện nay …Ở nước ngoài, nhuận bút của một cuốn sách có thể trù liệu cho những chuyến du lịch. Cỏn ở nước ta số tiền đó chỉ đủ để rủ nhau tới một quán cà phê…
* Liệu tình hình sẽ thay đổi?
– Hiệp hội của chúng tôi và bản thân tôi đang làm mọi cách để có được những thay đổi đó. Cần có một tầm nhìn, nhưng cũng cần có thời gian.
* Xin bà cho biết, nhuận bút dành cho các nhà văn thiếu nhi hiện nay ra sao.
– Đối với một cuốn sách nhỏ – họ trả trung bình năm nghìn rúp.Viết một cuốn sách dành cho trẻ em thật khó. Vâng, các tác giả hàng đầu có thể nhận được tới 20 nghìn rúp cho tác phẩm như vậy, nhưng chỉ có một số ít người được hưởng nhuận bút cao như vậy thôi!
* Phải làm gì với tình huống này, khi nhà văn, trên thực tế, không thể sống bằng thu nhập từ công việc của mình?
– Ở nước ta, cho đến những năm 90, văn học thiếu nhi đã có một hệ thống mua bán do nhà nước chu cấp khá hoàn hảo và hiệu quả. Nhà nước lo việc cấp tiền, tác giả lo viết sách. Vâng,việc ấy có sai sót, nhưng nhìn chung guồng máy hoạt động tốt. Các thư viện được cung cấp sách, số lượng phát hành trung bình là 100.000 bản.
* Làm gì để phát triển thị trường sách? Nhà nước có nên “vào cuộc” không?
– Như tôi đã nói, chúng ta cần có đơn đặt hàng từ chính phủ với sách dành cho trẻ em. Sách dành cho trẻ em phải rẻ, bởi vì việc chi 700 rúp cho một cuốn sách gần như là không thể chấp nhận được khi mức lương trung bình của cha mẹ các cháu là 15 nghìn rúp! Lương thấp, cha mẹ buộc phải đặt ra câu hỏi: mua sách hay đồ ăn cho con đây?
* Với tư cách là một người mẹ, có điều gì bà đáng phàn nàn với mảng sách dành cho các em?
– Tôi thực sự không muốn các hiệu sách bày bán sách tự xuất bản. Trước hết, loại sách này hầu như luôn có chất lượng thấp, do những cuốn sách như vậy không trải qua giai đoạn chỉnh sửa và hiệu đính, như tại các nhà xuất bản.
Ngoài ra, tôi không muốn những cuốn sách đến với chúng ta từ châu Âu tuyên truyền cho trẻ em điều gì đó khác thường đối với nền văn hóa của chúng ta. Ví như sách tuyên truyền cho việc xóa bỏ giới tính…
TÔ HOÀNG chuyển ngữ
- Có người giành ở lại thế gian – Ký của Nguyễn Thị Khánh Tuyên
- Giáo sư Từ Giấy – một tài năng tỏa sáng và sự nghiệp cống hiến lớn lao
- Ngày Sách và Văn hóa đọc tại TP.HCM đón hơn một triệu lượt khách
- Về 200.000 USD và câu nói “Tớ cảm ơn” của ông Chu Ngọc Anh
- Chùm thơ Huỳnh Khang: Cá chở người đi khai hoang, mở cõi