Long đong phận người miền biên ải

Vanvn- Nông Quốc Lập quê ở huyện Trùng Khánh, một huyện giáp với nước Trung Quốc của tỉnh Cao Bằng. Vậy nên Nông Quốc Lập có điều kiện  được nghe và chứng kiến nhiều phận người miền biên ải. Nông Quốc Lập đã chọn lọc đưa họ vào làm nhân vật trong tiểu thuyết “Phận người miền biên ải”.

Tiểu thuyết “Phận người miền biên ải” của Nông Quốc Lập, NXB Văn Học 2021

Quả vậy tiểu thuyết “Phận người miền biên ải” đã chứng tỏ những hiểu biết của anh về con người và vùng đất biên thùy quê anh. Ở biên thùy có biết bao chuyện để viết như là buôn lậu, trốn thuế, buôn ma túy, buôn người vẫn thường xảy ra… Nhưng ở cuốn tiểu thuyết này Nông Quốc Lập chỉ tập chung miêu tả, tạo dựng những cảnh gian nan, vất vả của người dân miền biên viễn vì khát vọng đổi đời mà họ đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê mặc dù họ biết công việc này sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trong chương một, tác giả đã hé lộ những nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng khi vượt biên không thành bị các nhà chức trách nước ngoài bắt giữ. Vậy họ là ai? Họ là những nông dân chất phác thật thà có đời sống vật chất thiếu thốn. Họ không làm giầu chính đáng trên mảnh đất quê hương mà mạo hiểm vượt biên trái phép làm thuê. Đấy là sai lầm của họ và hậu quả là họ bị bắt giữ. Đại bộ đội giải ngũ. Nhiệm, một trí thức trẻ nhưng vì cái tính thẳng như ruột ngựa của mình nên long đong không tìm được việc làm. Bà Làn chăm chỉ, lam làm nhưng do chồng con lười nên cái đói, cái nghèo luôn rình rập. Phắng khỏe mạnh nhưng lại bị vợ cắm sừng. sống lay lắt một mình. Bên cạnh đó có nhiều nhân vật với những cuộc đời số phận khác nhau như là Ánh, như là Sắm.v.v.

Các nhân vật trong tác phẩm tuy mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng đều biết đùm bọc lấy nhau trên đất khách quê người. Chẳng hạn như Đại hiền lành là chỗ dựa tinh thần cho cả nhóm. Bà Làn phốp pháp khỏe mạnh không chỉ chặt mía nhanh mà đôi tay bà còn biết giúp đỡ người khác. Mỗi khi chặt xong luống của mình bà liền lấn làn chặt giúp cô Tím chậm chạp. Phắng có tính láu cá nhưng không làm hại ai. Nhìn chung Nông Quốc Lập miêu ta họ với tình thần nhân áí, cảm thông. Ngoài khắc họa tính cách nhân vật, trong tiểu thuyết “Phận người miền biên ải” còn có những trang sinh động miêu tả, tạo dựng cảnh lao động, ăn nghỉ của tốp người vượt biên làm thuê.

Trong dàn nhân vật “Phận người miền biên ải” nổi hơn cả là Nhiệm. Mục đích của Nhiệm không chỉ kiếm tiền nơi đất khách mà còn có mục đích khác nữa. Đó là tìm người cô thất lác từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Trong cái rủi có cái may, một lần bị các nhà chức trách Trung Quốc  bắt giữ, khám xét đã phát hiện trong ví của Nhiệm có bức ảnh một người con gái. Đó chính là tấm hình người cô của Nhiệm thời son trẻ. Nhờ tấm hình này mà hai cô cháu được hội ngộ. Cuối cuốn tiểu thuyết cảnh đoàn viên của gia đình Nhiệm cùng người cô diễn ra đầm ấm, yên bình. Dựng lên trường đoạn này có lẽ Nông Quốc Lập muốn cụ thể hóa tinh thần “Khép lại quá khứ. Hướng tới tương lai” mà lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc từng khẳng định.

Đây là cuốn tiểu thuyết được viết theo lối truyền thống, kết thúc có hậu, ghi nhận thêm thành công nữa  trong lao động sáng tạo của Lập. Điểm yếu của tác phẩm này là tác giả đứng ra kể hơi nhiều,nhân vật bị chững lại làm cho tốc độ truyện phát triển chậm. Lập cần phải để nhân vật hoạt động nhiều hơn. Có đôi chỗ Lập để nhân vật không có việc làm nên tác giả phải đứng ra nói hộ, làm hộ. Có lẽ do tác giả bám sát nguyên mẫu quá nên nhiều nhân vật trong tác phẩm  chưa có chiều sâu tâm hồn, nhiều khi thấp thoáng đâu đó là nhân vật của thể  ký mà chưa hoàn toàn là nhân vật của một tác phẩm tự sự trong đó yếu tố hư cấu đóng vai trò quan trọng.

Nhà văn Nông Quốc Lập

Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba của tác giả Nông Quốc Lập được xuất bản không kể trước đó anh đã trình làng 5 tập truyện ngắn được dư luận bạn đọc đánh giá tốt.

Với tuổi bốn mươi, độ tuổi tích lũy được nhiều vốn sống cũng như kinh nghiệm sáng tác, hy vọng Nông Quốc Lập sẽ còn đi xa trong cái nghiệp chữ mà anh đã dấn thân.

HỮU TIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *