Loại bỏ văn mẫu cần bắt đầu từ “dạy theo mẫu”, “giáo án mẫu”

Vanvn- “Văn mẫu không chỉ tạo ra sự thụ động ở các em học sinh mà còn làm cho giáo viên dạy văn ‘lười’ vận động chất xám trong quá trình giảng dạy. Nhiều thầy cô dạy văn phụ thuộc vào văn mẫu và mất dần khả năng sáng tạo” – Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Đại học Khánh Hòa.

Học sinh chán học, phụ huynh coi thường môn Ngữ văn

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu năm học mới các trường Trung học phổ thông phải thực hiện giáo dục với mục tiêu học thật, thi thật. Riêng đối với môn Ngữ văn, phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: “Là một người yêu văn, dạy văn tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bộ trưởng. Văn mẫu là sản phẩm sai lầm của hệ thống giáo dục chạy theo chỉ tiêu thành tích và học với mục đích chỉ để qua các kỳ thi. Đó là một trong những lí do khiến học sinh ngày càng chán học môn Ngữ văn và phụ huynh coi thường môn học này”.

Thực tế, đã có những giáo viên sững sờ khi nhìn thấy các nội dung trong bài làm văn của nhiều học sinh không hề liên quan đến nhau. Thậm chí có học sinh còn lấy nội dung của bài này để làm một bài văn khác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi học sinh bị phụ thuộc nhiều vào văn mẫu, ép bản thân mình học thuộc, học vẹt để có thể đối phó qua các bài kiểm tra, các kỳ thi trong nhà trường.

Nhiều giáo viên chấm thi môn Ngữ văn đã dở khóc, dở cười khi chứng kiến những bài phân tích cùng một đoạn thơ trong một bài, khổ đầu phân tích rành mạch, nhiều ý tứ nhưng khổ thứ hai thì không có một chữ nào mà để trống giấy trắng. Về cơ bản là các em bị phụ thuộc vào văn mẫu, dẫn đến học tủ nên nếu trúng tủ kỳ thi có thể đạt điểm số cao nhưng hiệu quả trong việc học gần như không có.

Theo cô Trần Thị Thanh Huyền, văn mẫu không chỉ triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh mà còn làm giảm nhiệt huyết, tình yêu nghề, thậm chí thui chột về chuyên môn của các thầy cô giáo.

“Văn mẫu không chỉ tạo ra sự thụ động ở các em học sinh mà còn làm cho giáo viên dạy văn ‘lười’ vận động chất xám trong quá trình giảng dạy. Nhiều thầy cô dạy văn phụ thuộc vào văn mẫu và mất dần khả năng sáng tạo.

Nhiều giáo viên dạy văn luôn theo một mô-típ được sao chép từ văn mẫu, được sử dụng từ năm này qua năm khác. Nhiều nơi, nhiều trường và nhiều giáo viên còn cho rằng học sinh phải viết đúng nguyên vẹn bài của mình đã đưa ra. Thậm chí, kể cả đúng nhưng khác với bài mẫu của giáo viên cũng không được điểm cao. Mà ý văn của giáo viên đó là ở đâu ra? Ở văn mẫu. Như vậy thì còn đâu tư duy sáng tạo trong văn học?”, cô Huyền chia sẻ.

Theo cô Trần Thị Thanh Huyền, hiện nay cũng rất nhiều giáo viên dạy văn khuyến khích học sinh sáng tạo và vẫn được điểm cao dù không giống văn mẫu. Tuy nhiên điều đó khá hiếm vì học sinh không được dạy phải tư duy độc lập và sáng tạo như thế nào trong môn Ngữ văn.

“Phụ thuộc và sử dụng văn mẫu trong quá trình dạy và học môn Ngữ văn khiến tình yêu đối với môn học này mất đi. Đáng ngại hơn là khả năng tư duy độc lập về ngôn ngữ, kỹ năng nói và viết của học sinh hiện nay rất yếu. Việc phát triển ký năng giao tiếp, viết, nói cho học sinh là vô cùng cần thiết, đó là yếu tố cơ bản để các em có thể diễn đạt tốt, thành công trong học tập, xã hội và tương lai”, cô Huyền nhận định.

Thay đổi tư duy dạy và học

Cô Trần Thị Thanh Huyền cho rằng để xóa bỏ văn mẫu thành công trước hết phải bắt đầu từ chương trình học và sách giáo khoa môn Ngữ văn.

“Tinh thần đổi mới giáo dục của chúng ta đang hướng tới phát huy năng lực người học, hy vọng với định hướng đó sẽ đáp ứng được vấn đề tự học, sáng tạo và loại bỏ văn mẫu trong việc dạy, học môn Ngữ văn.

Thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì nội dung phải giảm bớt tính hàn lâm, tăng tính thực hành, trải nghiệm để tạo sự vận động chất xám, tăng khả năng tiếp thu, sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, cần có những hướng dẫn thiết thực, cụ thể, bám sát vào chương trình để giáo viên thực hiện thành công chương trình giáo dục mới. Chính các giáo viên phải chủ động, sáng tạo, bỏ những suy nghĩ thu động về văn mẫu, giáo án “mua”, sao chép lại giáo án mẫu. Có như vậy mới tăng thêm nhiệt huyết, tâm huyết và tình yêu với nghề giáo dạy văn”, cô Huyền bày tỏ.

Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá ở tất cả các cấp học cũng như thay đổi nhận thức của phụ huynh xã hội về điểm số, về môn chính, môn phụ cũng được cô Thanh Huyền chú trọng.

Nhiều người cho rằng môn Ngữ văn là môn học thuộc, môn học của từ ngữ mà không xem trọng môn học, đặc biệt là những học sinh theo khối tự nhiên. Tuy nhiên, điều mà các học sinh hướng đến là sự phát triển những kiến thức về diễn đạt, về trình bày và xa hơn là về giao tiếp, tất cả phần lớn là những điều mà môn Ngữ văn mang lại.

Lấy ví dụ từ bản thân mình cô Thanh Huyền cho hay: “Bản thân tôi có hai con, một bạn chuẩn bị vào lớp 10, một bạn lên lớp 8. Lâu nay tôi luôn dạy các cháu viết theo suy nghĩ của mình và nói không với văn mẫu.

Thực tế các bạn làm được và làm sáng tạo. Vì thế tôi cho rằng, nếu giáo viên biết cách dạy, định hướng tốt, phụ huynh không quá quan trọng điểm số học sinh sẽ làm tốt bài của mình mà không cần văn mẫu”.

Cũng theo cô Trần Thị Thanh Huyền, việc quan niệm về điểm số trong học tập là chạy theo thành tích và ngay cả việc sử dụng văn mẫu cũng chính là hành động “tiếp sức” cho cuộc đua đó.

Nhiều học sinh chủ động tư duy để sáng tạo được những bài văn hay nhưng chỉ vì định hướng theo đúng yêu cầu thụ động của giáo viên dẫn tới điểm kém. Thêm vào đó, quan niệm về điểm số của phụ huynh, xã hội khiến các em học sinh không dám sáng tạo ngoài bài mẫu của cô giáo. Đó là một điều trái ngược hoàn toàn với tư duy của môn Ngữ văn trong nhà trường.

Văn học là môn học giúp các em hoàn thiện hơn về những kiến thức xã hội trong cuộc sống, biết điều hay lẽ phải, biết giao tiếp, ứng xử. Chính vì vậy, việc dựa dẫm, nhờ vả vào văn mẫu quá nhiều sẽ khiến những kiến thức để phát triển tư duy xã hội trong môn học này bị thui chột, sáo rỗng. Học sinh sẽ như thế nào nếu ngay cả viết, nói và trình bày đều nhờ vào khuôn mẫu?

“Để loại bỏ được hoàn toàn việc sử dụng văn mẫu cần sự phối hợp từ học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội về sự chủ động, sáng tạo và bỏ hết những tư duy về chỉ tiêu thành tích, điểm số. Phải như vậy thì cuộc đấu tranh để văn mẫu không tồn tại trong hệ thống giáo dục mới có hiệu quả”, cô Huyền khẳng định.

CAO KIM ANH

Giáo Dục Việt Nam

One thought on “Loại bỏ văn mẫu cần bắt đầu từ “dạy theo mẫu”, “giáo án mẫu”

  1. Thu Huệ says:

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo nêu vấn đề phải chấm dứt hiện tượng học theo văn mẫu. Muốn thế phải bắt đầu từ việc chấm dứt việc ra đề thi theo mẫu; chấm dứt việc các NXB bán văn mẫu. Phải coi trọng sự sáng tạo của thầy, trò. Tôi xin gửi kèm theo bài viết;
    HOAN NGHÊNH CHỦ TRƯƠNG BỎ LỐI DẠY, HỌC THEO VĂN MẪU
    (Lời tâm huyết của một nhà giáo gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo)
    Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Một trong những việc cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu. Qua suy nghĩ về “Chuyện người con gái Nam Xương” trong sách giáo khoa, trong các bài văn mẫu, tôi xin bày tỏ sự đồng tình, biết ơn quan điểm của Bộ trưởng.
    Tiêu đề “Chuyện người con gái Nam Xương” (Trích “Truyền kì mạn lục”) trong các sách (Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành) thật vô lí, không mẫu mực – Đứng trước là tiêu đề dịch của một thiên truyện, đứng sau là tiêu đề chữ Hán của cả tập truyện. Nên sửa: “Chuyện người con gái Nam Xương” (“Nam Xương nữ tử lục – trích “Truyền kì mạn lục”). Hoặc “Chuyện người con gái Nam Xương” (“Nam Xương nữ tử lục) và mở chú thích về “Truyền kì mạn lục” ở cuối trang. Tại sao Ngữ văn 9 (Tập 1, trang 43) giấu kín không cho giáo viên, học sinh biết tiêu đề chữ Hán của “Chuyện người con gái Nam Xương”?
    Mục II-“Hướng dẫn học bài” của Văn học 9, tập 1, trang 48 (Bộ Giáo dục) nêu 0 4 câu hỏi:
    1- Truyện có chỗ nào làm em cảm động không? Cảm động vì lẽ gì? Tác giả có những sáng tạo gì trong cách kể chuyện để làm cho câu chuyện cảm động?
    2- Truyện đáng lẽ có thể kết thúc ở chỗ nào cũng đã đủ thành một truyện hoàn chỉnh? Tác giả đã thêm vào đó phần nào, để làm gì? Có thể so sánh với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” để thấy Nguyễn Dữ đã tái tạo truyền kì từ cổ tích như thế nào?
    3- Tìm những yếu tố truyền kì tức là những điều lạ được truyền lại mà truyện đã sử dụng. Tuy nhiên, truyện vẫn có giá trị hiện thực ở chỗ nào?
    4- Kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương” bằng ngôn ngữ của em.
    Về diễn đạt, các câu hỏi trên mang sắc màu của văn nói, được viết một cách dễ dãi, không cô đọng, mẫu mực (“chỗ nào”; “phần nào”, “thế nào”, “lẽ gì”, “sáng tạo gì”,… cứ lặp đi lặp lại làm người học tối cả mắt)
    Xin phép sửa lại:
    1- Kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương” bằng ngôn ngữ của em.
    2- Em cảm động trước chi tiết nào của truyện, vì sao? Những sáng tạo trong cách kể của tác giả làm cho câu chuyện cảm động?
    3- Chuyện có thể kết thúc ở chi tiết nào? Tác giả đã thêm vào truyện phần nào, để làm gì? Hãy so sánh “Chuyện người con gái Nam Xương” với cổ tích “Vợ chàng Trương” để thấy rõ Nguyễn Dữ đã tái tạo “Chuyện người con gái Nam Xương” từ cổ tích ?
    4- Tìm những yếu tố truyền kì (điều lạ từng lưu truyền) mà Nguyễn Dữ đã sử dụng. Tuy vậy, “Chuyện người con gái Nam Xương” vẫn có giá trị hiện thực. Hãy chứng minh điều đó.
    Về nội dung, 03 câu hỏi đầu thật quá sức đối với thầy dạy lớp 9, trò học lớp 9. Thời ấy, mấy ai được đọc cổ tích “Vợ chàng Trương”. Có quá lắm không khi nói: Các kiến thức về: “ giá trị hiện thực” , “những yếu tố truyền kì” … mà Nguyễn Dữ sử dụng”, “so sánh “Chuyện người con gái Nam Xương” với cổ tích “Vợ chàng Trương”… tương đương với luận văn Đại học. Với thời gian 60 phút, học sinh làm sao giải được 4 câu hỏi trên?- Chép lại câu trả lời của người soạn sách cũng không kịp !
    Điều đáng phê phán nhất là ở chỗ: mục “Hướng dẫn học bài” không yêu cầu học sinh chú ý đến nhân vật Vũ Nương, Trương Sinh.
    Sai sót trầm trọng trên đây còn được lặp lại trong cuốn “Để học tốt Ngữ văn 9, tập 1”; ở mục “Kiến thức cơ bản cần nắm vững”, các soạn giả chỉ nêu 02 yêu cầu.
    “1- Nguyễn Dữ, quê ở huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống ở thế kỉ XVI. Học rộng tài cao, nhưng Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ già và viết sách.
    “Tác phẩm “Truyền kì mạn lục” viết bắng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và dã sử, truyền thuyết của Việt Nam. Tất cả gồm 20 truyện.
    2- Tóm tắt truyện “Chuyện người con gái Nam Xương
    Vũ Thị Thiết là người thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, một người không có học, tính lại đa nghi. Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi con. Bà cụ qua đời. Sau khi giặc tan, Trương Sinh trở về. Khi ngồi với con, thấy bé Đản nói rằng có một người cha đêm nào cũng đến “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh ghen, nghi ngờ vợ, mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi. Vũ Nương ra bến Hoàng Giang than thở và tự vẫn. Một đêm, bé Đản lại trỏ cái bóng mà bảo là cha mình đến. Trương sinh lúc đó mới biết mình đã ngờ oan cho vợ.
    Có một người làng là Phan Lang bị chết đuối nhưng vốn là ân nhân của Linh Phi nên được cứu vào cung nước của rùa thần. Tại đây ông ta gặp Vũ Nương. Vũ Nương gửi một chiếc hoa vàng và dặn nếu Trương Sinh nhớ tình cũ thì lập đàn giải oan, nàng sẽ trở về.
    Phan Lang về gặp Trương Sinh, đưa chiếc hoa vàng. Trương sinh lập đàn giải oan. Vũ Nương có trở về thấp thoáng trên bến sông nhưng không thể trở về nhân gian được nữa”.
    Tôi không hiểu vì sao câu “Nguyễn Dữ, quê ở huyện Trường Tân, nay là Huyện Thanh Miên, tỉnh Hải Dương” cứ đàng hoàng ngồi trong văn mẫu. Tôi cũng không hiểu vì sao, ngay cả đến quê hương của Nguyễn Dữ mà các sách cũng không thống nhất nổi. Ví dụ:
    “Để học tốt Ngữ văn 9”, Tập 1 viết : “Nguyễn Dữ người huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương”
    Ngữ văn 10, Tập 2: “Nguyễn Dữ… người xã Đỗ Tùng huyện Trường Tân nay thuộc huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương”
    Ngữ văn 10, Nâng cao, Tập 2, trang 73, dòng 10: “… Nguyễn Dữ người Gia Phúc, Hồng Châu (nay thuộc tỉnh Hải Dương)”
    Phần lớn “Các kiến thức cơ bản cần nắm” ở bài “ Chuyện người con gái Nam Xương” trong “Để học tốt Ngữ văn 9, Tập 1” đều sao chép những kiến thức sai, hoặc chưa chính xác từ Ngữ văn 9, Tập 1. (“học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm”; “sống ở thế kỉ XVI”, và không xác định khoảng thời gian, địa điểm, hoàn cảnh Nguyễn Dữ viết “Truyền kì mạn lục”…)
    Thực tình trong hơn nửa thế kỉ đứng trên bục giảng, tôi chưa bao giờ phải đọc bài tóm tắt “Chuyện người con gái Nam Xương” do học sinh viết mà sai kiến thức, kém diễn đạt như bài tóm tắt của “Để học tốt ngữ văn 9”
    – Kém về diễn đạt đến mức khó tìm được một câu văn hoàn chỉnh’.
    Xin đọc và sửa lại từng câu
    Câu 1- “Vũ Thị Thiết là người thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp.” – nên sửa thành: “Vũ Thị Thiết là cô gái thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp
    Câu 2- “Nàng lấy chồng là Trương Sinh, một người không có học, tính lại đa nghi. Nên sửa thành: “Nàng lấy Trương Sinh, một người không có học, hay đa nghi…”
    Câu 3-4 “Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi con. Bà cụ qua đời”. Nên sửa thành: Trương Sinh đi lính, Vũ Nương một mình nuôi con, chăm sóc mẹ chồng. Vì bệnh bệnh nặng, thân mẫu Trương Sinh qua đời, để lại lời trăng trối thật cảm động…
    Câu 5- ‘Sau khi giặc tan, Trương Sinh trở về’. Nên sửa thành: “Giặc tan, Trương Sinh trở về.”
    Câu 6- “Khi ngồi với con, thấy bé Đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả, Trương Sinh ghen, nghi ngờ vợ, mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Nên sửa thành: “Bế con đi thăm mộ mẹ, nghe bé đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, không tìm hiểu sự tình, vừa về đến nhà, Trương Sinh đã mắng nhiếc nàng rồi đánh, đuổi đi”.
    Câu 7- “Vũ Nương ra bến Hoàng Giang than thở và tự vẫn”. Nên sửa thành: Vũ Nương ra bến sông Hoàng Giang than thở và tự vẫn.
    Câu 8- “Một đêm, bé Đản lại trỏ cái bóng mà bảo là cha mình đến”. Nên sửa thành: Một đêm, bé Đản trỏ vào bóng Trương Sinh mà bảo là cha mình đang đến.
    Câu 9- “Trương sinh lúc đó mới biết mình đã ngờ oan cho vợ”. Nên sừa thành: Lúc đó, chàng mới biết vợ chết oan.
    Câu 10- “Có một người làng là Phan Lang bị chết đuối nhưng vốn là ân nhân của Linh Phi nên được cứu vào cung nước của rùa thần”. Nên sửa thành: Cùng làng với Vũ Nương có người tên là Phan Lang. Cuối đời nhà Hồ, giặc đến, chàng Phan chạy ra biển; thuyền đắm, Phan ngất sỉu, dạt vào một cái động. Linh Phi nhận ra ân nhân của mình năm xưa nên Phan được cứu sống, và đưa vào Thủy cung.”
    Câu 11-12- “Tại đây ông ta gặp Vũ Nương. Vũ Nương gửi một chiếc hoa vàng và dặn nếu Trương Sinh nhớ tình cũ thì lập đàn giải oan, nàng sẽ trở về. Nên sửa thành: Chủ động tìm gặp Phan Lang ở thủy cung, biết chàng được trở lại trần, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng làm dấu và dặn: nếu Trương Sinh nhớ tình cũ thì lập đàn giải oan, nàng sẽ trở về.”
    Câu 13-14 “Phan Lang về gặp Trương Sinh, đưa chiếc hoa vàng. Trương Sinh lập đàn giải oan”. Nên sửa thành: Gặp Phan Lang, nhìn chiếc hoa vàng,Trương Sinh lập đàn giải oan.
    Câu 15- “Vũ Nương có trở về thấp thoáng trên sông nhưng không thể trở về nhân gian được nữa” Nên sửa thành: Chàng thấy Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa giữa dòng sông, theo sau là hơn năm mươi chiếc xe , cờ lọng, rực rỡ, lúc ẩn lúc hiện. Trương Sinh gọi, nhưng Vũ Nương vẫn đứng ở giữa dòng mà nói với vào: Thiếp nặng ơn với Linh Phi. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.”
    Đối chiếu với văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” trong Ngữ văn 9 với bài tóm tắt trong “ Để học tốt ngữ văn 8”, trò nào cũng nhận ra vấn nạn tiền mất tật mang.
    Về kiến thức, bài tóm tắt của “Để học tốt Ngữ văn 9” sai sót quá nhiều.
    “Song Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” – không thể tóm tắt thành “Nàng lấy chồng là Trương Sinh, một người không có học, tính lại đa nghi” – không thể bỏ qua chi tiết “hay fhen”, “phòng ngừa quá sức” của Trương Sinh đối với vợ.
    Đoạn văn ở trang 45, trong Ngữ văn 9 (“Trương sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng hỏi mộ mẹ rồi bế đứa con nhỏ đi thăm; đứa trẻ không chịu, ra đến đồng nó quấy khóc, Sinh dỗ dành:
    – Con nín đi, đừng khóc! Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi!
    Đứa con ngây thơ nói:
    – Ô hay ! Thế ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.
    Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nhỏ nói:
    – Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.
    Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu không có gì tháo gỡ ra được”) không thể tóm tắt thành : “Khi ngồi với con, thấy bé Đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh tức giận mắng nhiếc vợ và đánh đuổi đi”. Bế con đi thăm mộ mẹ – không thể tóm tắt thành “Khi ngồi với con”.
    Cứ theo “Để học tốt ngữ văn 9”, chỉ nắm vững 2 kiến thức trên, không để ý đến nhân vật Trương Sinh, Vũ Nương, nghệ thuật viết truyện của Nguyễn Dữ, học sinh sẽ thành người … dốt văn !
    Phần “Đọc – Hiểu văn bản” (trang 51) nêu ra 05 câu hỏi
    1-Tìm bố cục truyện
    2-Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào ? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì?
    3- Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?
    4- Hãy nêu nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện, những lời trần thuật và những lời đối thoại trong truyện.
    5-Tìm những yếu tố kì ảo trong truyện. Đưa những yếu tố kì ảo vào một câu chuyện quen thuộc, tác giả nhằm thể hiện điều gì ?
    Tuy chưa hoàn hảo, mẫu mực, nhưng 5 câu hỏi trên có thể chấp nhân được. Tuy vậy chúng tôi rất băn khoăn khi người làm sách bỏ quên Trương Sinh. Điều này không đúng với mục đích sáng tác của Nguyễn Dữ được thể hiện trong lời bình ở cuối truyện mà người soạn SGK đã bỏ quên hay cố tình làm ngơ. (vấn đề này, chúng tôi đã thể hiện trong bài viết khác)
    Điều đáng phê phán và dứt khoát phải vất bỏ là ở chỗ: Cả 5 câu hỏi trên lại được các nhà soạn sách giải trong “Để học tốt Ngữ Văn 9” (trang 38, 39). Cũng như phần “Kiên thức cơ bản”, cát sỏi, đất đá cứ lẫn lộn trong từng câu chữ của “Hướng dẫn “Đọc – Hiểu văn bản” (chúng tôi sẽ quay lại những trang sách này vào dịp khác)
    Nhiều học giả đã phản đối việc sao chép khi viết sách cho học sinh. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên. Mục III- Tham khảo của “Để học tốt ngữ Văn 9”, trang 39, 40, 41 là một minh chứng. Phần sao chép này chiếm hơn 1/3 so với toàn bài.
    Bài viết về “Chuyện người con gái Nam Xương” trong “Để học tốt Ngữ văn 9, Tập 1” ( mà người dùng nó làm phương tiện quảng cao tôn vinh là văn mẫu vip) chỉ làm cho học sinh dốt thêm. Vì vậy chủ trương bỏ kiểu dạy, học theo văn mẫu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn được dư luận ủng hộ là điều dễ hiểu./.
    Thu Huệ
    (Viết trong những ngày giãn cách – Hè 2021 )

    Địa chỉ liên hệ: E mail: Hienhue82 @ Gmail. com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *