Lễ ra mắt sách của kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Đình Lễ

Vanvn- Ngày 30.3.2021, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp cùng gia đình tổ chức Lễ ra mắt sách của kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Đĩnh Lễ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu

Đến tham dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội, ông Nguyễn Lê Ngọc Thạch – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình Văn hóa và Đô thị thuộc Bộ VH-TT&DL (nơi kiến trúc sư Nguyễn Đình Lễ từng công tác), ông Phan Văn Hòa – Giám đốc Ban quản lý dự án miền Bắc thuộc Bộ VH-TT&DL cùng đông đảo các nhà văn, nhà lý luận phê bình, bạn đọc và gia đình nhà văn Nguyễn Đình Lễ.

Kiến trúc sư (KTS), nhà văn Nguyễn Đình Lễ (1944-2019) là con trai cả của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) – nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I,II và III, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; anh trai nhà văn Nguyễn Đình Chính. Nguyễn Đình Lễ vào bộ đội năm 1964. Năm 1973 hoàn thành nghĩa vụ quân sự về theo học Đại học Kiến trúc. Năm 1979, ông tốt nghiệp về làm việc tại Viện Thiết kế – Kiến trúc. Là con nhà “dòng” nên vừa làm công tác chuyên môn, Nguyễn Đình Lễ vẫn lặng lẽ kiên trì sáng tác văn học, trước cái “bóng” của cha mình rất lớn, của em trai mình cũng định vị tên tuổi.

Quang cảnh lễ ra mắt sách của Nguyễn Đình Lễ

Bộ sách của KTS, nhà văn Nguyễn Đình Lễ được long trọng ra mắt, gồm: Người ám quỷ (truyện ngắn); Chợ nói (truyện ngắn); Thời của Đực (tiểu thuyết, 2010); Chàng Toxu (tiểu thuyết giả tưởng, 2010) .

Phát biểu khai mạc, Chủ tich Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Việc ra mắt bộ sách của nhà văn Nguyễn Đình Lễ, Ban Chấp hành Hội từ khóa IX đã chuẩn bị công phu, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện được. Nay Ban Chấp hành khóa X tiếp tục công việc này – như một sự tri ân nhà văn Nguyễn Đình Lễ và các nhà văn Việt Nam tiếp theo…”. Ông khẳng định “Trong dòng chảy cuồn cuộn, xô bồ của đời sống xã hội thì Nguyễn Đình Lễ là một “chiến sĩ” bảo vệ các giá trị truyền thống, đạo đức đang bị đảo lộn, đang bị sa đọa. Chính vì lẽ đó, ông luôn lên tiếng mạnh mẽ đả phá cái xấu, cái ác; chiếu rọi những tội ác đó, hành vi đạo đức đó – qua lăng kính của nhà văn”.

Với tham luận và trình bày bài Đọc Nguyễn Đình Lễ và suy ngẫm, nhà văn Hồ Sỹ Hậu đã ôn lại những kỉ niệm đắng đót thời là bạn học với Nguyễn Đình Lễ. Hồ Sỹ Hậu nhớ mãi: “Bài hát Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi dài tới 35 khuông nhạc. Vậy mà cả lớp cứ mê mải, hì hục chép. Lễ cũng chép. Tôi đọc ở anh niềm tự hào về người cha tài hoa đáng kính. Sau này, hát những Người Hà Nội, Diệt phát xít, mỗi khi nhẩm đọc bài thơ Đất nước đã nằm lòng thời đi học, tôi càng ngưỡng mộ Nguyễn Đình Thi. Tôi tin Nguyễn Đình Lễ sẽ nối gót cha…”

Khi bàn về những tác phẩm của Nguyễn Đình Lễ, nhà văn Hồ Sỹ Hậu nhận xét: “Dù là truyện ngắn, tiểu thuyết hay tiểu thuyết giả tưởng thì mỗi tác phẩm đều mang tính triết lý rất cao. Trong 4 tác phẩm trình làng của anh, Chàng Toxu có thể coi là kết tinh cao nhất về nhân sinh quan và triết lý cuộc sống”.

Bằng góc nhìn của người chuyên làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn Bùi Việt Thắng có tham luận Sự tráo trở của phương pháp hay là thời của những đỏ đen số phận, nhân đọc Thời của Đực, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Lễ – NXB Hội Nhà văn 2018. Có 3 luận đề chính trong tiểu thuyết này. Đó là: Thời của Đực – thời của buôn thần bán thánh; Thời của Đực – thời của những ý tưởng điên rồ; Thời của Đực – thời của tiểu thuyết.

Về nghệ thuật, Bùi Việt Thắng nhận xét: “Đọc Thời của Đực, thấy tác giả bình tĩnh viết theo thi pháp truyền thống, không tơ hào đến các ism – chữ nghĩa này nọ đang mọc lên như nấm sau mưa (Hậu hiện đại, Hậu thực dân chẳng hạn). Nó là một cuốn sách cần đọc bình tĩnh, nhẩn nha theo cách của những người ưa sống chậm, nghiền ngẫm và chiêm nghiệm lẽ đời…”

Cùng giới kiến trúc với KTS – nhà văn Nguyễn Đình Lễ, ông Nguyễn Lê Ngọc Thạch – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Văn hóa và Đô thị ( Bộ VHTT&DL) phát biểu: “Nguyễn Đình Lễ là 1 KTS tài năng, tâm huyết và trách nhiệm. Cái “chất” của Nguyễn Đình Lễ vừa nghệ sỹ nhưng lại rất nghiêm túc. Và chuyên môn đã ảnh hưởng rẩ lớn với ông – từ ý tưởng đến sang tác văn học. Với hơn 30 năm cống hiến, ông có những đống góp không nhỏ vào những công trình nổi tiếng trong nước, được nhiều giải thưởng của Hội KTS Việt Nam. Buổi ra mắt sách này do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khiến chúng tôi càng trân trọng và xúc động”.

Tặng sách của nhà văn Nguyễn Đình Lễ cho Trường Tiểu học và THCS Hoàng Trì

Là người cùng thời với KTS, nhà văn Nguyễn Đình Lễ; là người gần gũi với đại gia đình Nguyễn Đình Lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiểu cuộc đời và con đường sáng tác của Nguyễn Đình Lễ hơn ai hết. Tại lễ ra mắt sách, nhà thơ Hữu Thỉnh trăn trở: “Với người cha là Nguyễn Đình Thi sừng sững, đồ sộ như “chắn lối”; với người em trai là Nguyễn Đình Chính cũng khẳng định tên tuổi trên văn đàn, bên cạnh là em rể – Đại tá, nhà văn Đào Thắng. Vậy Nguyễn Đình Lễ phải khác đi như thế nào, kiểu nào? Nhưng Nguyễn Đình Lễ đã tự bứt phá. Dám nghĩ, dám trở thành người có ý nghĩ độc lập, cốt tử của một nhà văn. Trong các tác phẩm đã mang triết lý của đời sống. Ở tiểu thuyết Chàng Toxu có sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. Ông như một sợi dây vô hình. Là một chất suy tưởng. Tiểu thuyết Thời của Đực là sự triển khai tiếp tục, hiệu quả của Chàng Toxu”. Có thể nói, con đường đến với văn chương của Nguyễn Đình Lễ có thuận lợi nhất định, song cũng không ít rào cản, áp lực. Nhưng ông đã vượt qua để mang đến những giá trị văn học mới…”

Thay mặt cho gia đình và dòng họ Nguyễn Đình, bà Lưu Thị Minh Châu là vợ của KTS, nhà văn quá cố Nguyễn Đình Lễ có đôi lời cảm tưởng vừa xúc động, vừa tự hào hãnh diện. Bà ôn lại những chặng đường công tác, đóng góp của KTS Nguyễn Đình Lễ với Công ty và ngành Kiến trúc. Đặc biệt, bà biết ơn và ghi nhận: “Chính trong Hội Nhà văn này, ngay tại nơi đây, anh Lễ đã được anh em bạn hữu trong làng văn luôn động viên khích lệ, trau chuốt từng câu chữ… đúc kết thành những tác phẩm văn học được các độc giả đón nhận, được anh em bạn bè trong văn đàn đánh giá với những lời lẽ thấm đậm nghĩa tình như hôm nay…”.

Lễ ra mắt sách của KTS, nhà văn Nguyễn Đình Lễ kết thúc sau phần nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hữu Thỉnh và bà Lưu Thị Minh Châu tặng sách của nhà văn Nguyễn Đình Lễ cho Trường Tiểu học và THCS Hoàng Trì (Ba Bể, Bắc Cạn) do Hiệu trưởng Ma Thị Chuyên đón nhận và cho đại diện một trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội./.

ĐỨC DŨNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *