Vanvn- Bàn thờ linh thiêng nhất cũng là ở tâm – một cái tâm thanh tịnh chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng: Tổ tiên không nằm ở bên ngoài ta mà ở bên trong ta, trong mỗi tế bào cơ thể. Vì thế, tâm ta an, tổ tiên cũng an. Tâm ta hạnh phúc, tổ tiên cũng hạnh phúc…

Thuở nhỏ, vào ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn Ông Công, Ông Táo về trời, tôi vẫn thường giúp cha mẹ lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương.
Buổi sáng, trước khi bao sái, cha tôi thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép quan thần linh, thổ địa. Chổi quét, khăn lau, bao giờ cha tôi cũng dùng riêng, sạch và mới. Nước lau cũng phải thanh khiết. Đầu tiên là lau bằng nước mưa. Sau đó mới dùng rượu trắng pha với gừng giã nhỏ hoặc nước ngũ vị hương lau cho thơm, cho sạch. Ông luôn dặn tôi làm một cách chậm rãi, cẩn trọng, nhẹ nhàng với cái tâm đầy thành kính. Đặc biệt khi lau bài vị, bát hương, bàn tay trái bao giờ cũng giữ chặt, tay phải cầm khăn nhẹ nhàng lau để tránh bát hương bị xê dịch, sợ “động”, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống con cháu trên trần. Tất cả chân hương thắp trong năm, cha tôi rút bớt, chỉ để lại ba hoặc năm chân nhang, sau đó hóa cùng tiền vàng.
Cha tôi cũng thường giải thích về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày cúng Ông Công, ông Táo. Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa thành sự tích “hai ông một bà”, là vị thần Đất, thần Nhà và vị thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện tốt, xấu của mọi người. Để vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp nhiều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.
Ngày 23 tháng Chạp đã ăn sâu bám rễ vào nếp sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ nghìn năm nay. Con người là sản phẩm của thiên nhiên. Thổ Thần, Thổ Địa và Thổ Kỳ là nguồn năng lượng cho mỗi chúng ta và gia đình. Thổ Công mang năng lượng khí thiên tiên. Thần linh mang năng lượng âm tính còn Táo quân vua bếp là năng lượng dương tính. Trong vòng tròn đạo có cả âm và dương. Nếu trong một gia đình, ba lượng khí này, ba ông thần thổ công, thần linh và Táo quân vua bếp cân bằng hài hòa thì ngôi nhà ấy âm dương đươc cân đối, chính khí được điều hòa, rất tốt.
Trong khi cha con tôi bao sái bàn thờ thì mẹ ra chợ làng mua sắm thức ăn về làm mâm cơm cúng. Mẹ tôi luôn tin “trần sao âm vậy”. Khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy. Cùng với năm thức cúng phổ biến “hương, hoa, trà, quả, thực” thì lễ vật không thể thiếu trong ngày 23 tháng Chạp là cá chép.
“Tại sao chỉ cúng cá chép mà không phải là voi, ngựa?”, tôi hỏi mẹ. Bà bảo: “Tổ tiên người Việt rất quan tâm đến vấn đề âm – dương. Nam chủ về dương. Nữ chủ về âm. Cho nên tạo hóa sinh ra ba vị thần bếp. Chủ dương là hai ông thần và một cụ bà mang điện tích âm. Tất cả các loài bơi dưới nước cũng mang điện tích âm. Vì thế, khi cúng ông Táo, ông Táo, người ta cúng cá chép. Các vị thần chủ dương kết hợp với một vật dẫn mang điện tích âm – cá chép vượt vũ môn và tốc độ của các vị thần sẽ đến cõi trời rất nhanh”.
Một trong những điều tôi thích làm nhất trong ngày tiễn ông Công ông Táo là theo mẹ ra sông, ra hồ thả cá chép. Mẹ dặn dò: Tuyệt đối không được đứng trên thành cầu hay các điểm cao để ném, quăng cá xuống vì làm như vậy cá sẽ chết. Con hãy tìm khúc sông trong, từ từ nghiêng chậu cho cá tự bơi ra hoặc đặt vào lòng bàn tay rồi thả nhẹ nhàng xuống. Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ. Khi phóng sinh cần chọn nơi ít người câu cá để tránh lòng tham của những người săn bắt.
Sau này, trưởng thành, lập nghiệp ở Hà Nội, cứ đến 23 tháng Chạp, tôi lại thực hiện những nghi lễ mà cha mẹ đã chỉ dạy năm xưa.
Nhưng kể từ năm 2013, khi được theo chân thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ, được nghe giảng pháp, thực hành thiền định, tôi đã giác ngộ ít nhiều. Vì thế, tôi bắt đầu điều chỉnh một số nghi thức. Ví như trước đây, nhiều người quan niệm rằng, phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, tức là khi ông Công, ông Táo đã về chầu trời thì mới được dọn dẹp bàn thờ, nếu không sẽ gây kinh động đến thần linh. Theo tôi, đây là sự mê tín. Chúng ta có thể lau chùi bàn thờ quanh năm, nếu thấy có bụi bẩn. Cá nhân tôi là một Phật tử, hầu như ngày nào tôi cũng ngồi thiền, tụng kinh. Và vì thế, tôi lau chùi bàn thờ gia tiên mỗi ngày.
Tôi cũng không thả cá chép, cúng mặn nữa. Bởi nếu thả cá chép với mục đích phóng sinh mà vô tình gây bao hệ lụy như cá chết hàng loạt do thả từ trên cầu xuống, ô nhiễm môi trường do túi ni lông vứt bừa bãi trên bờ, thì cúng chay mới chính là biểu hiện cao nhất của phóng sinh.
Vàng mã tôi cũng không đốt nữa. Bởi tôi hiểu, người chết ở cõi âm chỉ cần phước đức thôi. Có phước đức, họ mới sớm siêu thoát về cõi lành. Do đó, nếu chúng ta thương người mất thì hãy làm đồ chay tiến cúng, tụng kinh niệm Phật, làm lễ cầu siêu, làm việc phước hồi hướng cho họ… Nếu đem tiền của để phí phạm vào những việc đốt vàng mã thì dù có đốt đi trăm nghìn tờ giấy bạc, nhà lầu, xe hơi cũng chỉ vô ích mà thôi.
Vì thế, với tôi, việc lễ nghi tốt nhất là ở tâm. Bàn thờ linh thiêng nhất cũng là ở tâm – một cái tâm thanh tịnh chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng: Tổ tiên không nằm ở bên ngoài ta mà ở bên trong ta, trong mỗi tế bào cơ thể. Vì thế, tâm ta an, tổ tiên cũng an. Tâm ta hạnh phúc, tổ tiên cũng hạnh phúc.
HOÀNG ANH SƯỚNG
- Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói về lý do xin thôi nhiệm vụ
- Vì sao Hồ Quý Ly bị Minh Thành Tổ xử tội chết, còn Hồ Nguyên Trừng phải đổi sang họ Lê, làm quan Thượng thư?
- Con Tro – Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
- Sự tái xuất của văn học miền Nam: Hy vọng về một tương lai văn học đủ đầy
- Lưu truyền nguyên khí bằng tiểu thuyết
“Lễ nghi tại tâm” nhưng tâm tại đâu?
Đầu xuân tôi đọc bài viết không khỏi áy náy. Áy náy điều gì đó tôi cũng không biết vì đó là tâm của tôi. Áy náy tại tâm. Thế thì tôi thử hỏi tôi là tâm tại đâu?
Tâm tôi không phải là tại áy náy được nhưng tâm của mọi người, của số đông lại tại lễ nghi thì không sai. Tức là Lễ nghi tại tâm và tâm tại lễ nghi. Thế thì cái gì có trước có sau để chúng ta làm căn cứ.
Truyền thống văn hóa, môi trường sống làng xã, họ hàng, dân tộc, Tổ quốc sẽ góp phần nhiều trong tâm của chúng ta. Lịch sử và hiện tại, tương lai và sự tồn vong cũng nằm trong tâm chúng ta. Như vậy một phần thì lễ nghi cúng ông Táo, Tết truyền thống tạo ra tâm của chúng ta, vì thế nằm trong tâm. Như vậy tâm ta là cái tiếp tục cần thiết từ ông bà, cha mẹ, dân tộc ta. Khi chúng ta hiểu như vậy, các bạn sẽ đọc lại bài viết và xem tâm mình có áy náy như tâm của tôi không?
Bài báo là bài báo, quan điểm là quan điểm, phản biện là phản biện, áy náy vẫn áy náy.
Tiên Phong.
Bài viết đã hay, ý kiến của độc giả Nguyễn Hồng Minh, với tôi, lại càng hay. Ừ nhỉ, tâm từ đâu mà thành hình? Lễ nghi khác sẽ có cái tâm khác. Bỏ luôn lễ nghi, tập tục, sẽ thành một cái tâm khác. Tâm nào cũng có thể an. Đầu xuân đọc hai bài mà tâm vừa an đấy, lại vừa lao xao đấy. Có cái quanh ta không gian là chủ, có cái theo ta thời gian là chủ. Tâm neo vào đâu tìm an?
Lễ nghi truyền thống có cần truyền thông hay không?
Trước đây thì câu hỏi này nhiều người trả lời là không. Vì, đã là truyền thống thì cần gì truyền thông, vì truyền thống là ở tại tâm, ăn trong tâm tưởng của mỗi người. Và vòng tròn truyền thống tạo tập và tâm nuôi dưỡng truyền thống. Khi mà thế giới với sự bùng nổ của thông tin và công nghệ, sự đa dạng con người trong xã hội, sự giáo dục con người vì thế cũng đa dạng, cái tâm giờ đây không thể định hướng và vững chắc vì thế mà cần có cái lý trí, cần có cái quy định mà chúng ta gọi là pháp luật.
Vừa có lễ nghi truyền thống và vừa hài hòa với quy định pháp luật thì là điều tuyệt vời. Chỉ tại tâm thôi chưa đủ, hoặc chỉ dựa vào pháp luật thôi cũng chưa đủ. Và vì thế chúng ta cần phải truyền thông lễ nghi truyền thống. Việc truyền thông này là cần thiết.
Vậy cần truyền thông cái gì? Câu hỏi đơn giản nhưng lại là một bước đi lớn. Bài báo viết dựa trên quan điểm là người theo đạo Phật và tôi lĩnh hội được là có sự phê phán các lệch lạc trong việc thực hành lễ nghi truyền thống. Quan điểm của người viết là ở khu vực miền trong, với lịch sử hình thành trên dưới 500 năm và liên đới tới một số lễ nghi từ Trung Quốc. Nếu tác giả có tầm hơn và sâu sắc hơn sẽ nhận thấy các yếu tố chuẩn mực là phải ở tầm quốc gia, và sẽ không bỏ qua các lễ nghi và quan điểm thực hành lễ nghi truyền thống 4000 năm lịch sử hoặc 1000 năm Thăng Long của miền Bắc được. Vì thế, các nhà văn, nhà thơ cần nhìn ra mặt truyền thông các lễ nghi truyền thống của dân tộc, đưa nhiệm vụ ấy vào tác phẩm và bài viết của mình, vào cả nhiệm vụ của các trang báo để thực thi duy trì và phát huy văn hóa, phát huy lịch sử truyền thống của nước nhà một cách tốt hơn.
Tiên Phong.