
Vanvn- Có tiếng người nhè nhẹ ngồi bên/ Lê Lợi giật mình nhận ra hiền nội/ Nhặt thêm củi bỏ vào bếp lửa/ Giọng ngọt mềm như mật rót ống bương/ Người muốn mưu nghiệp lớn cứu nước cứu dân/ Luyện võ, mài gươm quên ăn quên ngủ/ Thiếp là vợ sao không cùng chia sẻ?/ Tướng công là cây, thiếp là cái rễ/ Cây muốn bền thì rễ phải sâu/ Quả chát quả chua đã ngày tháng có nhau/ Mưu nghiệp lớn, một mình tướng công đối mặt?/ Săn con thú cũng phải có nhiều người hợp lực/ Người chặn phía trước, người đón phía sau/ Vòng trong vòng ngoài tay lưới, tay lao/ Lớp trước lớp sau tay cung tay nỏ
Chương 3 : Bên bếp lửa nhà sàn
1.
Trầm ngâm bên bếp lửa
Hăn hắt lạnh đông ken
Thung Lam khuya lặng phắc
Người suy tính việc dựng cờ đại nghĩa
Những tàn than tí tách bắn lên
Như ý nghĩ trong đầu bập bùng đứt nối
Người chợt nhận ra rất nhiều que củi
Mới làm cho ngọn lửa bốc cao
Rất nhiều than mới làm ngôi nhà ấm
Một cây củi cho dù rất lớn
Cũng không làm nên được ngọn lửa thiêng
Một con người dù sức mạnh vô biên
Cũng không thể vang sông dậy núi
Một mình ta khác nào cây củi
Cháy âm âm le lói dưới chân kiềng
Rồi tàn lụi tro nghi ngút khói
Thăm thẳm trong ông vang bao nhiêu câu hỏi
Bằng cách nào để ngọn lửa bùng lên
Từ bếp lửa này cháy thành đuốc lớn
Không bị tắt trong mưa trong gió
Càng bão giông lửa càng rực sáng
*
Có tiếng người nhè nhẹ ngồi bên
Lê Lợi giật mình nhận ra người vợ
Nhặt thêm củi bỏ vào bếp lửa
Giọng ngọt mềm như mật rót ống bương
Người muốn mưu nghiệp lớn cứu nước cứu dân
Luyện võ, mài gươm quên ăn quên ngủ
Thiếp là vợ sao không cùng chia sẻ?
Tướng công là cây, thiếp là cái rễ
Cây muốn bền thì rễ phải sâu
Quả chát quả chua đã ngày tháng có nhau
Mưu nghiệp lớn, một mình tướng công đối mặt?
Săn con thú cũng phải có nhiều người hợp lực
Người chặn phía trước, người đón phía sau
Vòng trong vòng ngoài tay lưới, tay lao
Lớp trước lớp sau tay cung tay nỏ
Thú lớn đến đâu cũng chỉ là rất nhỏ
Làm sao so được với lũ giặc Minh
Chúng có đại quân muôn vạn tinh binh
Giáo lớn, gươm dài làm từ bắc quốc
Súng hỏa công dàn hàng phía trước
Nghìn xe lương hùng hậu phía sau
Bọn giặc đứa nào cũng kế hiểm mưu sâu
Đứa nào cũng ác hơn hùm báo
Nay chúa công muốn dấy binh trừ bạo
Đó là ý trời vằng vặc anh minh
Hưởng lạc vui chơi có thể hưởng một mình
Nhưng đánh giặc là chuyện sống còn đất nước
Tướng công hãy ngẫm lại xem mấy trăm năm trước
Khi đương đầu với trăm vạn Mông Nguyên
Đâu phải một Trần Nhân Tông thần thánh làm nên
Muốn đại thắng
Phải dựa sức của trăm quan văn võ
Phải tập hợp triệu quân dân bách tính
Mới làm nên trúc chẻ tro bay
Không phải chỉ có mình Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
văn võ vô song
Bên Trần Quốc Tuấn có Yết Kiêu, Dã Tượng
Có Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão
và Trần Nhật Duật
Có bến Bình Than mở hội nghị Diên Hồng
Sát thát khắc vào tay tướng sĩ một lòng
Cùng hô xin đánh là muôn người một chí
Trước nhà Trần là mấy trăm năm nhà Lý
Có bao nhiêu người tài giúp Lý Công Uẩn lên ngôi
Giúp các vua nhà Lý nối nghiệp được chín đời
Quan võ, quan văn bao người quy phục
Lý Công Uẩn ra sao nếu không Đào Cam Mộc
Không Dực Thánh Vương, Hoàng Chân, Hoàng Lục, Dương Tư Minh
Đàm Dĩ Mông, Đoàn Thương, Đỗ Kinh Tu, Lý Công Bình,
Lý Kế Nguyên, Lý Long Hồ, Lê Phụng Hiểu
Lý Thường Kiệt, Lý Thánh Tông, Lý Long Tường
và Đàm Hữu Khánh
Một bộ quần thần thao lược tài ba
Nhìn xa hơn, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà
Đâu phải chỉ có Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi ra trận
Dưới trướng Hai Bà có bao nhiêu nữ tướng
Lê Chân, Lê Thị Hoa, Bát Nạn, Thánh Thiên
Hồ Đề, Xuân Nương, nàng Quỳnh, nàng Quế
Đàm Ngọc Nga, Phương Dung, Phật Nguyệt
Chính họ đã gieo khiếp đảm xuống quân thù
Nếu tướng công muốn mưu nghiệp lớn dựng cơ đồ
Có chiến lược rồi phải tìm chiến hữu
Đất Thanh Hóa, Đại Việt mình rộng lớn
Sách Lam Sơn đâu thiếu hiền tài
Như phượng như công ẩn khuất trong rừng
Chưa có dịp để đại bàng tung cánh
Nếu tướng công hạ cố mời họ đến
Có lo chi việc lớn không thành
*
Lê Lợi nghe tâm sự của vợ mình
Bên bếp lửa mở chân trời sáng láng
Người vợ tảo tần đất làng Như Áng
Hiền dịu nuôi con, khéo léo nuôi chồng
Chặt củi trên đồi, chài lười dưới sông
Hái nấm hái măng quay tơ dệt vải
Nhưng sự học vượt ra ngoài biên ải
Càng lắng nghe, càng nể phục bội phần
Những điều sâu xa bỗng hiển hiện thật gần
Ý nghĩ mung lung bỗng sáng bừng một mối
Trăm con khe tìm về với suối
Trăm con suối hợp lại với sông
Nghĩa sĩ muôn phương, hào kiệt khắp vùng
Sách Lam Sơn là nơi tụ hội
Người võ nghệ cao siêu, người binh thư giỏi
Đủ mặt anh tài miền ngược, miền xuôi
Anh ruột Lê Trừ, cháu ruột Lê Khôi
Cả dòng họ Lê không thiếu một ai
Lê Thạch, Lê Lân, Lê Ngân, Lê Sát, Lê Lai
Lê Hiểm, Lê Lô, Lê Lộ, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Liễu
Và đầy đủ cả dòng họ ngoại:
Bố vợ là Phạm Hoành, em vợ Phạm Vấn
Những người bạn ở sách gần thân cận
Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bị cùng sang
Thề dù cho vất vả nguy nan
Cùng Lê Lợi kề vai sát cánh!
Rồi bạn bè trong vùng cùng làm đạo trưởng
Lê Sát ở Bí Ngũ ; Lê Ngân ở Đàm Di ; Lê Lý ở Dao Xá
Sức địch muôn người, anh hùng thiên hạ
Bếp lửa như thêm củi chất vào
Ngọn lửa tinh thần hừng hực lên cao
Như song mây kết thành một khối
Vợ chồng Nguyễn Chích, Nguyễn Thị Bành cũng
lần đường tìm tới
Nguyện hợp quân, hợp lực dưới cờ
Rồi Ngô Kinh cùng với Ngô Từ
Hai cha con từ Đồng Phang, bao năm giúp việc
Rồi Nguyễn Thận người cùng một sách
Cùng đánh cá bắt tôm ngụp lặn sông Lường
Đem gươm thiêng kéo lưới được đến dâng
Thề hiểm nguy cùng vào sinh ra tử
Và Lê Lợi nhận ra Trịnh Khả
Người Tây Đô bị giặc giết cha mẹ họ hàng
Phiêu dạt về ở trại Lam Sơn
Bấy lâu nay vẫn phận làm nô bộc
Cùng bao người trong thôn, trong sách
Không phân biệt kẻ lành, người rách
Không phân chia thứ bậc nghèo hèn
Góp củi vào cho ngọn lửa sáng lên
Càng gió lớn, ngọn lửa càng rực cháy
*
Lê Lợi phút linh thiêng nhận thấy
Cuộc khởi nghĩa này không riêng của Lam Sơn
Đây là cuộc khởi nghĩa của toàn dân tộc
Người chủ soái càng phải giàu mưu lược
Nước trăm sông phải hợp được một nguồn
Đức nghĩa nhân là gốc của sinh tồn
Thắng được giặc, chỉ lòng thương chưa đủ
Thao lược binh thư thế thời hội tụ
Biết nhu biết cương biết tiến biết lui
Biết giặc biết mình mới đỡ máu rơi
Nhưng trí lực ta như quả chưa độ chín
Lê lợi lắng nghe tiếng bàn chân bước đến
Mỗi thanh củi ném vào góp ngọn lửa bùng lên
2.
Lê Lợi cảm ơn các anh hùng hào kiệt
Cảm ơn muôn người vì nghĩa lớn về đây
Hùm được thêm nanh, rồng được thêm vây
Suối được thêm khe, đại bàng thêm cánh
Chia sẻ cùng ta mạch ngầm tâm nguyện
Nhưng khởi nghĩa là công cuộc lớn
Không được chủ quan nông nổi trước kẻ thù
Cuộc chiến này không giống cuộc chơi đu
Thích thì nhún lên trời cao chót vót
Không thích thì dừng ngồi lắng nghe chim hót
Khua trống khua chiêng trai gái ngất ngây
Hàng triệu mạng người trên một sợi dây
Sợi dây đứt thì núi sông ngập máu!
Phải tính kỹ trước cung tên gươm giáo
Xương máu muôn dân không phải trò đùa
Góp lửa sáng hơn để ta nhìn thật rõ kẻ thù
Sức mạnh chúng ở đâu trong tột cùng ác độc
Chỗ vực thẳm nào ta chưa được học
Chỗ cạm bẫy nào chưa gọi thành tên
Chỗ chước quỷ nào chưa nhú bật mầm lên
Ẩn hiện giữa xanh vàng đỏ tím
Lửa hãy cháy lên cho ta thấy tận cùng gian hiểm
Để ta không ảo tưởng về mình
Để ta cặn kẽ thêm mỗi chiếc lá trên cành
Đã xanh được bằng bao nhiêu mưa nắng
Trận mưa lớn sấm sẽ là rất nặng
Và bầu trời vỡ ối một lần đau
Hỡi bạn bè tâm phúc, tâm giao
Ta chẳng khác nào người chèo thuyền lần đầu vượt bể
Chưa hiểu hết đá ngầm, sóng lớn
Chưa hiểu lốc xoáy cuồng phong
Chỉ có lòng thương dân làm cột buồm cao
Chỉ có chí diệt giặc Minh làm cánh buồm lộng gió
Muôn việc trên đầu chưa hình dung nổi
Đi chưa đến nơi sợ đường mất lối
Muôn sinh linh lạc kiếp bơ vơ
Kể từ khi nung chí lớn đến giờ
Đêm trũng xuống bởi bao nhiêu câu hỏi:
Ai sẽ là người tướng lĩnh cầm quân
Ai sẽ là người giúp ta làm mưu sĩ
Nơi nào đắc địa để dựng đồn dựng luỹ
Ai trông coi được việc lương thảo quân trang
Chiến trận xảy ra sẽ có thương vong
Ai người lo thuốc men chữa trị
Sắt thép lấy đâu để rèn vũ khí
Ai là người sản xuất cung tên
Khi quân hùng tướng mạnh lớn lên
Ta ra trận phải có voi, có ngựa
Phải có cả tàu thuyền vượt bể
Phải có thang cao, súng lớn công thành
Giải phóng đến đâu phải phủ dụ dân lành
Phải có kế sách lo việc ăn việc học
Ta nghĩ mãi vẫn còn trong vỏ bọc
Vẫn như gà dây nhợ mắc chân
Ta với danh nghĩa gì để tập hợp muôn dân
Không phải hô một tiếng là trở thành chủ soái
Lê Lai bảo “ Khi dòng sông chưa chảy
Chưa thể hình dung nước đến tự phương nào
Khe suối cũng chưa biết đổ về đâu
Chưa có lũ chưa biết dòng sông lớn
Khi mạch đất nứt ra mọi điều khắc rõ
Người khởi nghĩa cứu lê dân thống khổ
Dẫu thay trời cũng phải có tính danh
Khởi nghĩa để mang lại ấm no cuộc sống yên bình
Người là chủ soái phải định ra kế sách
Sứ mệnh ấy không thể là ai khác
Phải là lời khai sáng của Chúa Công
Nên theo thần, cờ nghĩa trương lên
Người hãy xưng danh Bình định vương Lê Lợi
Đó là mục tiêu cuộc khởi nghĩa này hướng tới
Đó cũng là sứ mệnh Người gánh trên vai
Thiên hạ bàn dân biết Chủ soái là ai
Thì họ mới dốc lòng đánh giặc”.
Lê Văn Linh bảo: “ Lê Lai nói phải
Còn người phân vân việc xây lũy xây thành
Xét thực tế của một cuộc chiến tranh
Theo thần nghĩ điều đó là thúc thủ
Lật nhìn xem những trang sử cũ
Thành Đại La có giữ được không ?
Thành Cổ Loa có gữ được không ?
Thành Thăng Long có giữ được không ?
Thành Tây Đô có giữ được không ?
Tan tác hết mà giặc không cần đánh !
Ngô Quyền có xây thành nào mà đại thắng quân Nam Hán
Lý Thường Kiệt có xây thành nào mà đánh tan ba
mươi vạn quân xâm lược Tống
Trần Thủ độ và Trần Quốc Tuấn có xây thành nào mà
ba lần đánh tan trăm vạn giặc Mông Nguyên
Ta khởi quân nơi ba bề núi, bốn bề sông
Phía Bắc có sông Bưởi, núi cao điệp trùng Tam Điệp
Đó là thành trì trời đất xây cho
Thượng nguồn Lỗi Giang có sông Luồng, sông Lò
Sông Luồng, sông Lò, Lỗi Giang bắt nguồn từ Ai Lao đổ xuống
Vững chãi gấp nghìn lần hào sâu, thành lớn
Phía nam phía đông có sông Lường, sông Bần, sông Chùy, sông Hép
Phía Bắc, phía đông có vùng Lương Sơn, Khôi Huyện
Phía Tây có Chí Linh, Phù Dinh
Phía Nam có Mục Sơn, Nưa Sơn, và vùng núi Kỳ Lân
vô cùng hiểm trở
Trước mặt ta là đồng bằng, là bể
Bao bọc ta điệp điệp trùng trùng
Nghìn dặm đến đây dẫu tướng mạnh binh hùng
Giặc sẽ bị lạc vào thiên la địa võng
Ta tha hồ tàng hình ẩn hiện
Đại quân dễ dàng chuyển đến chuyển đi
Nếu xây thành là tự đẩy mình vào thế lâm nguy
Tiến và lui ta đều bị động!
Nay ta đóng quân ở nơi rừng thẳm
Mai đóng quân ở cạnh triền sông
Di chuyển mau lẹ cũng là thế tấn công
Thế tự nhiên này trời đã cho ta đắc dụng
Sông núi của ta vững chãi hơn nghìn thành trì lớn
Nhưng thành trì nào cũng không bằng ý chí của muôn dân
Nghìn năm xưa, bà Trưng, bà Triệu có mấy vạn quân
Mà đánh tan hàng chục vạn quân Đông Hán?
Ngô Quyền có bao nhiêu quân mà đánh tan đội quân
Tùy –Đường thiện chiến
Lê Hoàn có bao nhiêu quân mà đánh tan tác
giặc Chiêm, giặc Tống
Một mặt các bậc tiền bối am hiểu tường tận
hình sông thế núi thiêng liêng
Nhưng quan trong hơn, các bậc tiền bối có
được sự đồng lòng trăm họ »
Ngô Kinh , Ngô Từ thưa:
« Chúng tôi người làm lụng
Từ tổ tiên quen việc cấy cày
Biết chỗ nông sâu, biết chỗ sình lầy
Nhìn nắng nhìn mưa biết mùa màng được mất
Biết đếm biết đong để dành ăn chắt
Xin Người giao cho lo việc quân lương
Phải khích lệ bản gần bản xa phát rẫy làm nương
Nhà lang nhà dân phải nhiều ngô nhiều lúa
Nuôi đại quân phải có nhiều kho chứa
Từ đồng bằng đến mường thấp, mường cao
Lương thực vụ này phải tích lũy vụ sau
Phòng thiên tai
Phòng cả khi giặc điên cuồng cướp phá
Nên phải có hệ thống kho dự trữ
Dù khó khăn, lòng quân không bị vỡ
Chủ soái tinh tường, xin tính kế dài lâu »
Bà Phạm Thị Ngọc Trần nghe kỹ nông sâu
Rồi từ tốn góp thêm tiếng nói:
«Thiếp là vợ của người chủ soái
Quán xuyến trông coi mọi việc trong nhà
Gạo thóc cháo cơm mắm muối tương cà
Con trâu con bò con dê con lợn
Nay Chúa Công mưu toan nghiệp lớn
Thiếp xin lo công việc hậu cần
Thiếp sẽ đi khắp thôn bản xa gần
Kêu gọi mọi người góp quân lương, khí giới
Thiếp sẽ cho người làm kho trữ muối
Sẽ động viên xa gần ủ rượu khao quân
Phát rẫy trồng bông để làm áo làm chăn
Xe đay, xe lanh để làm dây làm võng
Đánh giặc mạnh, phải trường kỳ kháng chiến
Không thể dàn hàng ngang ào ạt tiến công
Có lúc băng rừng, có lúc vượt sông
Có lúc đại quân chia năm bảy mũi
Những lúc ấy lương thực sao kịp tới
Đường xa nhiều ngày phải có lương khô
Thiếp sẽ cho người chế biến nhiều bánh gạo, bánh ngô
Thiếu xôi, thiếu cơm một tuần không bị đói
Thịt lợn, thịt bò, thịt thú rừng kiếm nhiều hun khói
Giữ quân không kiệt sức đường xa
Tướng công cho người hiệu triệu các vùng quê
Nhất định sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội »
Nguyễn Chích, Nguyễn Thị Bành thưa cùng Lê Lợi:
« Thần xin làm một mũi tiên phong
Hãy nhìn xem dưới trướng Chúa Công
Lê Hiểm, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Lôi
Đinh Liệt, Lê Lâm, Nguyễn Thận, Lưu Trung
Trịnh Khả, Phạm Hoành, Phạm Vấn, Phạm Cuông
Những người này có ai không là tướng?
Nhưng đại quân đánh giặc không phải từ một hướng
Mà phải có bao nhiêu hướng giáp công
Có hướng ngựa voi thuyền chiến xung phong
Có hướng reo hò dụ quân giặc tới
Có hướng giấu mình ém binh chờ đợi
Có hướng hỏa mù làm kế nghi binh
Có hướng bao vây chủ lực công thành
Có hướng mai phục diệt quân tiếp viện
Thần xin được cầm quân nơi chiến tuyến
Thề không phụ lòng mong mỏi của chúa công
Diệt bạo tàn thu phục lại giang sơn
Rạng tiên tổ xứng danh Đại Việt »
Đinh Lễ thưa « Cuộc khởi nghĩa này là vô cùng to lớn
Không kém vua Đinh, không kém vua Trần
Đánh đuổi giặc Minh cứu nước, cứu dân
Không phải của riêng làng Cham, làng Chủa
Không phải riêng của sách Khả Lam Lê Lợi
Cũng không phải riêng của xứ Thanh Hóa quê ta
Của chung mọi miền đất nước gần xa
Chung dòng máu con Rồng cháu Lạc
Nhiều cây nứa góp lại thành bè lớn
Nhiều hòn đá dựng ngọn núi cao
Người thạo đất rừng, người hiểu sông sâu
Người thông sử cũ, người am tường vận mới
Phải hịch đi cả nước tìm người tài giỏi
Đang giấu tính danh trà trộn trong dân
Những quan quân thất thế của nhà Trần
Kẻ giả đi tu, người đang ẩn dật
Những quan quân nhà Hồ đang bị giặc Minh truy bắt
Đã thay tên đổi họ tàng hình
Nhưng trong lòng nuôi thù hận giặc Minh
Đang nghe ngóng chờ thời cơ đền ơn báo quốc
Cả những người học hành thi cử rồi mà chưa đỗ đạt
Vẫn ngầm nuôi chí lớn trong lòng
Mời được họ về góp sức góp công
Chúa công lo chi không thành nghiệp lớn ”!
Lê Lợi càng nghe những lời tâm huyết trần tình
lòng càng phấn chấn :
“ Cảm ơn tất cả chư đệ, chư huynh
Ta như người cảm được giải đúng huyệt
Như người trong bóng tối được mở trăm cánh cửa
Như dòng suối tắc được khơi thông tảng đá
Trán ta giờ đã bớt ưu tư
Tay ta mạnh như có trăm thanh kiếm
Lời chư huynh cho ta nhìn thấy biển
Trời không chỉ cho ta Hàn Tín, Trương Lương
Trời không chỉ cho ta Nguyên phi Ỷ Lan
Trời còn cho ta Yết Kiêu Dã Tượng
Trời còn cho ta bao nhiêu Trần Nhật Duật
Một lạy này xin cảm ơn trời đất
Nguyện cùng chư huynh đòi lại cơ nghiệp nước nhà”…
Những choé rượu cần được gọi mở ra
Bếp lửa nhà sàn được chất thêm nhiều củi
Lửa hồng lên như trái tim rừng núi
Tiếng cồng chiêng đồng vọng thung sâu
Gương mặt người như những vì sao
Ngời sáng niềm tin quanh chúa công Lê Lợi
NGUYỄN MINH KHIÊM
(Còn tiếp)