Lê Đức Thịnh và tác phẩm “Dưới những lớp ngôn từ”

Vanvn- “Dưới những lớp ngôn từ” mới chỉ là một phần trong đội ngũ văn học nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng của Xứ Quảng. Dù vậy, “Dưới những lớp ngôn từ” đã đem đến cho người đọc một lượng thông tin rất hữu ích để hiểu được một phần về vùng đất, con người và diện mạo của nền văn học Xứ Quảng đa dạng…

Nhà văn Lê Đức Thịnh – bút danh Mộc Nhân, hội viên Hội VHNT Quảng Nam là một người đa năng. Ngoài nghề chính là giảng dạy văn học, ông còn viết văn, làm thơ, vẽ, dịch thuật…và còn là một tay chơi ghi ta rất nghề. Lê Đức Thịnh bắt đầu nghiệp viết khá muộn, sau khi đã sống, đã làm việc, đã đi và trải nghiệm, tích luỹ kiến thức và vốn sống đủ đầy ông mới bắt tay vào viết và năm mươi tuổi mới trình làng cuốn sách đầu tay của mình.

Dù mới bước vào nghiệp văn chương từ 2015 khi đã ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh” hơi muộn mằn, nhưng đĩnh đạc, chắc bước, không có bước nào hỏng phải bước lại. Trong 8 năm, ông đã xuất bản 9 đầu sách văn học và 2 đầu sách giáo khoa tham khảo. Đã kịp gặt hái được 3 giải thưởng Văn học Quảng Nam trong các năm 2017-2020-2022 và giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2022.

Thịnh viết tốt các thể loại; văn xuôi, thơ, lý luận PBVH, dịch thuật… Tôi đã có may mắn được đọc 4 cuốn trong số 9 đầu sách văn học của ông. Có những cuốn thuộc loại khó viết và kén người đọc. Những sáng tác của ông: Bụi trong gió – dịch thuật, NXB Đà Nẵng, 2016; Bob Dylan – những hòn đá lăn; Nobel Văn học 2016, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2017; Bob Dylan – Mai sau biết đến bao giờ – Nobel Văn học 2016, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2018; Yesterday – 60 năm The Beatles, nghiên cứu âm nhạc, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2020; AUBADE – Tuyển thơ Louise Glück, Nobel Văn học 2020, nghiên cứu, dịch thuật, NXB Hội Nhà văn, 2021…) và mới đây ông vừa ra mắt tác phẩm tiểu luận văn học “Dưới những lớp ngôn từ” do Nxb Đà Nẵng phát hành 2023.

Quả nhiên, ông là một người có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, có cuộc sống, trải nghiệm rất phong phú, một năng lực sáng tạo sung mãn và bay bổng. Trong văn chương Việt Nam hôm nay, người có sức viết như thế quả thật là không có nhiều.

“Dưới những lớp ngôn từ” là tập tiểu luận văn học, khắc hoạ chân dung và tác phẩm của 19 nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ đương đại, đa số là của Xứ Quảng. Có những tác giả đã mất, nhiều cây bút trẻ đang độ sung sức, nhiều gương mặt “phu chữ” quen thuộc trên văn đàn như: Nguyễn Giúp; Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Vĩnh, Huỳnh Minh Tâm, Huệ Thi, Nguyễn Tấn Ái….

Tập tiểu luận “Dưới những lớp ngôn từ”

Theo như Lê Đức Thịnh tự nhận thì “Dưới những lớp ngôn từ” chưa hẳn là tập phê bình văn học, bởi người viết chưa chạm tới ngưỡng học thuật của phê bình – tuy nhiên vẫn phải định danh thể loại theo yêu cầu xuất bản. Nó không hẳn là bút ký văn học dẫu tính tự sự trong nhiều bài viết khá đậm nét; cũng không đơn giản là những bài điểm sách dẫu đối tượng của nó là sách và review sách. Tôi cho rằng đây là các tiểu luận về “chân dung văn học” hơn bởi lẽ nó tổng hợp các yếu tố nghị luận, tự sự, biểu cảm, thuyết minh về tác giả và tác phẩm.

Tập tiểu luận “Dưới những lớp ngôn từ” dù chưa phải là sự “mổ xẻ” cụ thể từng tác phẩm mang tính học thuật của phê bình, mà chỉ là những tập hợp khái quát về tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, những bài viết giới thiệu khá sắc bén và kỹ càng về phong cách, tư duy và khả năng sáng tác của từng tác giả, đã cho thấy một Lê Đức Thịnh không chỉ trải nghiệm qua tác phẩm mà còn là quá trình yêu mến, dõi theo con đường văn chương của các tác giả. Thịnh tự nhận: “đây chỉ là những gì tôi đọc – thấy – cảm – hiểu – yêu quý và trân trọng để khi gấp sách lại, càng thấy lao tâm khổ tứ của người viết khi thai nghén – sinh hạ những đứa con tinh thần của mình trong thúc bách của bản ngã mà tạo ra những chuyển động thơ văn vào lúc xung yếu của cảm xúc”.

Không có tham vọng giới thiệu đủ đầy những gương mặt tiêu biểu của văn chương Xứ Quảng, “Dưới những lớp ngôn từ” mới chỉ là một phần trong đội ngũ VHNT nói chung và văn chương nói riêng của Xứ Quảng. Dù vậy, “Dưới những lớp ngôn từ” đã đem đến cho người đọc một lượng thông tin rất hữu ích để hiểu được một phần về vùng đất, con người và diện mạo của nền văn học Xứ Quảng đa dạng và nhiều thành tựu.

NHẬT LIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *