Lan tỏa những hình tượng văn hóa Việt

Vanvn- Gần một năm sau khi phục dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh và Tu Di đăng thời Lý, Sen Heritage vừa mới ra mắt các phiên bản thương mại bằng đồng, đá, composite hay các chất liệu quý bằng vàng, bạc nếu khách có nhu cầu. Đây là cách để Sen Heritage đưa nét đẹp mỹ thuật Phật giáo thời Lý đến cộng đồng.

Sản phẩm Tu Di tòa của nhóm Sen Heritage phiên bản thực vừa công bố có phần chân trụ hình lục giác, giật ba cấp. Phần thân gồm hình tượng cửu sơn bát hải (chín núi, tám biển) ở dưới cùng, hai rồng thời Lý hiến châu trong tư thế quấn vào nhau. Tu Di tòa thể hiện vũ trụ quan của Phật giáo. Tuy nhiên, so với mô hình 3D, điểm khác biệt của sản phẩm thực tế là phần Tu Di tòa được thiết kế rời với phần tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen và đèn thời Lý. Trên một Tu Di tòa, người sử dụng có thể chuyển đổi công năng thành Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh hay Tu Di đăng.

Kiến trúc, mỹ thuật, nhất là mỹ thuật cung đình, mỹ thuật Phật giáo thời Lý luôn được xem là thời kỳ vàng son của mỹ thuật Việt, với nhiều công trình vừa quy mô, vừa tinh xảo. Đó là lý do những nhà nghiên cứu của nhóm Sen Heritage tiến hành hành trình tìm lại những nét đẹp văn hóa thời Lý để đưa vào cuộc sống đương đại.

Do khoảng cách quá xa về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật thời Lý chủ yếu là phế tích. Các nhà nghiên cứu của Sen Heritage đã chắp nối những mảnh vỡ của lịch sử để tìm lại nét đẹp xưa. Trong các tư liệu, hiện vật đời Lý, trụ đá thời Lý tìm được ở khu vực Công viên Bách Thảo (Hà Nội), vốn có hình tượng cửu sơn bát hải và song long hiến châu, nhưng lại mất phần đầu rồng và tay rồng, còn trụ đá Phật Tích (tại Bắc Ninh, hiện chỉ còn ảnh chụp) lại bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên.

Hai hiện vật tìm được ở các địa điểm khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy những điểm gắn kết, chứng tỏ hai hiện vật xuất phát từ một hình tượng trang trí. Khi chắp nối lại, kết hợp với các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã phục dựng một Tu Di tòa hoàn chỉnh.

Tiếp đó, kết hợp với bức ảnh chụp không gian chùa Phật Tích và những ghi chép của học giả Bezacier được công bố tại Pháp năm 1954; ghi chép của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng về trụ đá chùa Phật Tích có tượng Thích Ca sơ sinh, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về Tu Di tòa có thể là bệ đặt tượng Thích Ca sơ sinh dành cho nghi lễ tắm Phật. Cũng có thể là một đài đèn (Tu Di đăng), nhưng nhóm nghiên cứu thiên về giả thuyết Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh hơn.

Từ những nghiên cứu này, Sen Heritage qua nhiều bước phục dựng trên mô hình 3D trước khi đưa ra phiên bản thực tế. Trong năm 2021, một phiên bản Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý của Sen Heritage với kích thước cao 1,61 m đã được sử dụng trong nghi lễ Tắm Phật 2021 trong Đại Lễ Phật Đản 2021 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Mặc dù vậy, việc đưa ra một phiên bản phục dựng Tu Di tòa thời Lý cũng gặp phải những luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến cho rằng việc phục dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh là chưa đủ cứ liệu.

Kiến trúc sư Trần Thanh Tùng, thành viên Sen Heritage cho biết: “Chúng ta chưa tìm được một Tu Di tòa, hay tượng Thích Ca sơ sinh hoàn chỉnh thời Lý, nên không thể đòi hỏi việc phục dựng giống 100% thực tế. Nhưng mỹ thuật Phật giáo thời Lý là một trong những đỉnh cao của mỹ thuật dân tộc. Sản phẩm phục chế của chúng tôi có đem mỹ thuật Lý trở lại cuộc sống không?

Điều này không ai có thể phủ nhận. Hiện giờ, các nghi lễ tắm Phật sử dụng hàng trăm mẫu tượng khác nhau. Nhiều bức tượng phong cách xa rời văn hóa dân tộc. Bằng việc làm của mình, chúng tôi mong muốn khi thực hiện các nghi thức Phật giáo, trang trí Phật giáo, chúng ta nên hướng về nguồn cội, cụ thể ở đây là mỹ thuật thời Lý, để khẳng định vẻ đẹp, tôn vinh, lan tỏa văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ, đó mới là điều quan trọng”.

GIANG NAM

Báo Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *