Vanvn- Nội chỉ tay vào bức tường, lấy giùm nội năm chục ngàn cả tí lạc mất. Nội gõ gõ vào tấm gạch men, rồi mê man. Những cơn gió ban trưa như ngủ quên rồi, không như mọi lần, vào ru nội ngủ. Oi bức, hừng hực, chói sáng cả mảnh sân nhà.
Nội tỉnh dậy, gọi ba, bắt con rắn to đó đi, nó đang bò kìa. Ba khăng khăng giải thích, ba nỗ lực chứng minh những gì nội nói là không có, ba đập tay vào bức tường trống trơn, làm gì có con rắn nào đâu má, làm gì có con nào. Nội nói có, ba lại giải thích. Tôi rầy ba. Ba biết nội lẫn rồi sao ba không ừ đại, cãi chi, ba mệt nội cũng mệt. Ai đời như vậy bao giờ, lỡ nội tưởng thiệt hoang tưởng luôn thì sao? Trưa đó, ba ngồi kế mâm cơm không nhờ tôi đơm giúp.

Thời gian đầu bị lẫn, tôi thích nói chuyện với nội, tôi tiếp nối, chấp nhận những câu chuyện “không có trong hiện tại” của nội. Có đêm đang ngủ, nội thức dậy cười anh ách, vỗ tay rồi đòi bế cháu. Nội quên rồi nhớ, tỉnh rồi mê, chỉ có ba vẫn kiên nhẫn từ chối một-nội-khác khi bị lẫn mà thôi.
Thằng Cò hay qua chơi, nó học cùng lớp, chắc nó mê tôi. Con gái luôn giỏi để biết ai thích mình mà, linh cảm lắm. Nó bị gãy hai cái răng cửa, mỗi lần hắt xì là như mưa đầu mùa hạ, cà giựt, ướt át, nhớp nháp, lành lạnh. “Mày dơ quá, sao không bịt miệng lại trời.” Nó nhe răng cười, “Có ai cố tình đâu, tại không cản kịp chớ bộ, xin lỗi nha.” Tôi giận vì hai cái răng của nó tự nhiên biến mất làm chi để mỗi lần ngồi cạnh tôi phải tốn hơi sức nhìn trước nhìn sau.
Thằng Cò cũng khoái nói chuyện với nội như tôi nhưng không phải lúc nào nó cũng dám đến gần. “Nội mày hôm nay có nói gì lạ lạ không?” “Có, nội nói với tao là trong nhà sao có nhiều người đi qua đi lại vậy, trong khi nhà chẳng có ai”. Nó co rúm người lại. “Eo ơi, có nào nhà mày có ma không?” Tôi đánh bốp vào đầu nó. “Ma cái đầu mày.”
Dần dần, thằng Cò trở nên thích thú hơn với những câu chuyện lạ lùng của nội. Nó tò mò về thế giới mà nội có thể thấy, mà những người khác không thể thấy được. “Mày không thấy lạ kỳ sao, quá là lạ kỳ luôn á.”

Cứ thế, cuối tuần nó lại xin ba má nó qua nhà tôi chơi cả ngày trời. Có nói khéo, có dụ, có đuổi mấy cũng chẳng chịu về. “Ba má tao cho tao ở lại rồi, ba má mày cũng có đuổi tao đâu, tao không về”. Nó rống gân cổ lên cãi, thấy tôi im, nó lại đến ngồi gần nội. Nội cười với nó hiền khô.
Đến một ngày tôi thấy nó ôm nội bằng cánh tay nhỏ bé của nó, như nội là của nó vậy. Nếu tôi biết nội của nó là ai thì đã chạy một mạch sang méc nội nó cho vừa lòng hả dạ. Nó vòng một tay ôm trọn thân thể gầy mòn của nội, đầu nó rút vào cổ nội như con chim sẻ đòi mẹ âu yếm. Nội vỗ vỗ cánh tay nó, nhè nhẹ như ru nó ngủ, như an ủi nó điều gì, hai người lim dim ngủ. Kể từ đó, ngày nào nó cũng sang chơi với nội, cứ học về nó lại tức tốc có mặt ngay nhà tôi. Khi nó cầm tay nội, khi thì ôm. Ba nhìn tấm lưng nhỏ của thằng Cò, nhảy chân sáo lúc ra về với một niềm vui không tên nào đó. “Nhìn thằng Cò như mọc thêm đôi cánh vậy ha Mè?” Ba nhìn nó thật lâu dù đã khuất bóng. Có nào ba cũng muốn mọc cánh giống như nó không? Từ đó tôi chính thức ghét thằng Cò. Bù lại, tôi không còn để ý mỗi khi nó hắt xì nữa vì tôi không còn muốn ngồi cạnh nó.
Có những ngày đi học về, chưa cởi giày đã nghe tiếng nó ríu rít trong phòng nội, nội cười giòn tan, “tổ cha thằng cháu tao.” Tôi chưng hửng, kéo vạt áo mẹ khóc như mưa giữa mùa, ngập đầy những mất mát, trống trơn. Tôi càn quét trong tâm trí mình những hình ảnh của thằng Cò với nội và với tôi, muốn quét hết hoặc làm phép cho thằng Cò biến mất. Má gặng hỏi, tôi nính thinh.
Ngày qua ngày, thằng Cò càng gần nội hơn thì nó càng đẩy tôi ra xa nội hơn, hoặc là do tôi cứ đứng yên một chỗ mãi. Trong cơn mê nào đó của một chiều tháng bảy, nội gọi tên tôi khi đang ôm thằng Cò. “Sao còn bé Mè lại chết, cháu tao đâu rồi? Sao tụi bây để cháu tao chết.” Nội khóc hưng hức cả chiều. “Tao thấy tụi bây chôn cháu tao, sao tụi bây để con nhỏ chết?” Thằng Cò bỏ chạy về nhà, vừa chạy nó lấy tay quệt đi hai hàng nước mắt. Tự dưng tôi thấy thương nó quá. Ước chi nhà nó ở xa hơn chút để về đến nhà nước mắt nó đã ráo hoảnh, để nó khóc đã đời. Có nào nội thương nó vì tưởng nó là tôi.
Ba nói, “xưa dì Út mất tầm tuổi con, con giống dì lắm.” Nội ngang nhiên chấp nối nhiều mảnh ký ức mới cũ. Nội khóc mệt, ngủ một giấc dậy tỉnh bơ, quên hết chuyện. Chỉ có thằng Cò và tôi đứt lìa những cảm xúc, đôi cánh của nó biến mất không một lời trăng trối sau cùng.
TRẦN PHAN ĐINH LĂNG