Ký ức về “thầy giáo Thạch Quỳ”

Vanvn- Tôi nhìn lên trời, thấy mấy quả bom dài ngoằng lao xuống. “Thấy quả bom dài như trái bí xanh là bom nó vượt qua đầu, rơi xuống xa. Khi mô (nào) thấy nó tròn như trái bưởi tức là nó rơi trúng đầu”, bên cạnh lại có người nói oang oang khiến tôi chú ý: “Thạch Quỳ!”, nhà thơ cũng đang bưng trên tay bát miến ăn dở! Dịp may hiếm có, tôi chào thầy và tự giới thiệu là … “Mình có nghe nói đến cậu cũng có làm thơ… Lúc nào lên mình chơi”, thầy nói. Đó là kỉ niệm, duyên gặp gỡ giữa nhà văn Lê Quán Miên với thầy giáo Thạch Quỳ.    

Nhà thơ – nhà giáo Thạch Quỳ (1941 – 2022)

… Mấy người bạn giáo sinh Khoa Toán – Lý (Trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An, năm 1972) nói với tôi là “được học với thầy mới đến – nhà thơ Thạch Quỳ!”… Thạch Quỳ! Nhà thơ đã rất nổi danh với “Gạch vụn thành Vinh”, và bây giờ là “Cỏ”, “Gom nhặt trên bãi bom B52”, “Tặng những cô gái đập đá bên đường không tên”, v.v. Tất nhiên là tôi rất muốn gặp thầy. Và dịp đó đã đến trong một tình huống “bom gầm đạn réo”. Một buổi sáng, tôi từ trong rừng mà trường sơ tán ra Hiệu sách ở Ngã ba Lạt (Tân Kỳ), khi về ghé vào ăn bát miến ở Cửa hàng ăn uống gần đó. Vừa lúc ấy có máy bay Mỹ đến. Mọi người bưng cả bát miến xuống hào sâu để tránh. “Uỳnh! Uỳnh!”… Một loạt bom nổ chát chúa ở rất gần. “Nó lại ném tiếp nữa rồi! Xem kìa!”, có tiếng ai đó kêu lên. Tôi nhìn lên trời, thấy mấy quả bom dài ngoằng lao xuống. “Thấy quả bom dài như trái bí xanh là bom nó vượt qua đầu, rơi xuống xa. Khi mô (nào) thấy nó tròn như trái bưởi tức là nó rơi trúng đầu”, bên cạnh lại có người nói oang oang khiến tôi chú ý: “Thạch Quỳ!”, nhà thơ cũng đang bưng trên tay bát miến ăn dở! Dịp may hiếm có, tôi chào thầy và tự giới thiệu là … “Mình có nghe nói đến cậu cũng có làm thơ … Lúc nào lên mình chơi”, thầy nói.

Một buổi trưa hè trời nắng chói chang, khu trường sơ tán im ắng lạ thường. Có thể đây là khoảng lặng giữa hai trận bom chăng? Mấy dãy nhà ký túc xá giáo sinh đang thiu thiu ngủ. Dãy nhà ở của giáo viên ở phía trên đồi nhìn bề ngoài có vẻ yên lặng, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng rít sòng sọc của ống điếu thuốc Lào và tiếng kẹt cửa mở đóng…

Theo lời hẹn, tôi từ khu nhà ở của giáo sinh khoa Xã hội đi về phía căn phòng của nhà thơ Thạch Quỳ ở khu nhà giáo viên, trong tay cầm tập bản thảo để nhờ thầy đọc xem. Tôi đưa cho thầy xem bài thơ tôi mới viết về con ngựa thồ hàng về bản, đem muối dầu cho dân bản, giấy bút cho trẻ em. Bài thơ có tiếng chim rừng, dòng suối nhỏ, tiếng gõ móng của con ngựa, v.v. Nhà thơ đọc, rồi ngước đôi mắt nhìn xa xăm như nhìn vào thung lũng núi xa xôi… Cuối cùng, nhà thơ cầm bút viết thêm 2 dòng kết: “Dấu chân, dấu móng/ In trên lưng đèo”. Viết xong, ngẩng đầu lên, nhà thơ nói:

“Cần phải có hình ảnh của con người – người đi chở hàng – ở giữa khung cảnh núi rừng. Phải tô đậm hình ảnh đó, nên phải chữa câu kết đó thành “Dấu chân, dấu móng”. Dấu chân người bên dấu chân ngựa!”. Nhà thơ nói oang oang, khoái trá.

***

 “Con đường này tôi đi ngày đi đêm…”. Câu thơ của nhà thơ Thạch Quỳ thỉnh thoảng lại ngân nga trong tâm trí tôi, nhắc tôi về cái thời ác liệt của chiến tranh trên cung đường 15A Tân Kỳ – Đô Lương đất đỏ ngày xưa.   

Hồi đó, thỉnh thoảng tôi lại gặp nhà thơ từ trong rừng sơ tán đi ra, đạp xe xuống Truông Dong, về thăm nhà ở dưới Đô Lương. Hôm sau thấy nhà thơ lên trường, cả người và xe đầy bụi đỏ. Độ ấy, con đường đang bị máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội cả ngày và đêm để chặn các đoàn xe của ta đi vào Nam. Các đơn vị 307 và 328 của Đội 63 Thanh niên xung phong Nghệ An chốt giữ để đảm bảo giao thông liên tục. Trong số 170 người của đại đội 328 thì có hơn 80% là nữ… Nhà thơ có lần kể là đã có mấy lần “chết hụt” vì bom. Một lần xe đạp của thầy bị hỏng, lao xuống vực, người thì bay ra khỏi xe… Thầy ngất đi, khi tỉnh lại thì thấy có một anh bộ đội cao xạ rất trẻ đang lau vết thương cho mình ở trong nhà. Hoá ra đó là một học sinh cấp 3 Đô Lương cũ, là pháo thủ bảo vệ Bara Đô Lương (đập nước)… Lại có lần trời tối, nhà thơ đang đẩy xe đi trên đường thì gặp một kẻ mặc đồ đen, bịt mặt đi tới. Nhà thơ nói vùng đó thường có “cướp đêm”, thầy liền nắm chặt khung xe thủ thế, nhìn thẳng vào kẻ lạ mặt, tỏ ý “không sợ”, buộc hắn phải thoái lui…

***

Một hôm tôi lại lên thầy. Tôi thấy cửa phòng mở, nhưng nhìn vào không thấy thầy đâu, chỉ thấy khói thuốc Lào còn bảng lảng trên khoảng nắng chiếu vào. “Phập, phập!…”, có tiếng cuốc đất sau nhà. Tôi vòng ra sau hồi, thì thấy nhà thơ mặc áo may ô, cao khòng khòng, đứng dạng chân, đang vung cuốc lên, chuẩn bị bổ xuống đất… Thấy tôi, nhà thơ buông cuốc: “Trời nóng quá, không làm gì được. Mình phải ra cuốc đất cho khuây”. Nhà thơ nói và thu dọn mấy thứ vào nhà. Tôi đưa cho thầy tập bản dịch về một truyện thơ dân gian dân tộc Thái mới sưu tầm. Nhà thơ cầm lấy và đẩy sang một góc bàn và nói: “Để mình đọc rồi mình sẽ có ý kiến nhận xét”. Nhà thơ rót nước cho tôi rồi hút một điếu thuốc Lào, phả khói ra cuồn cuộn, nói tiếp: “Người Thái có truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” rất độc đáo. Tình yêu ở đây thật là dữ dội: “Không lấy được nàng ta làm loạn giữa phủ/ Không lấy được em, anh làm loạn giữa mường”. Tình yêu thật vững bền: “Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”. Lặng đi một hồi, rồi nhà thơ quờ tay lấy cuốn sổ ghi chép ở trên bàn, mở soạch soạch mấy trang, rồi nói: “Tình yêu của người Mèo (H’Mông) cũng rất mạnh mẽ, bạo liệt. Đây là sự phản kháng của người con gái bị ép duyên trong “Tiếng hát làm dâu”: “Em ơi, chị ngắt lá thuốc độc, thuốc đắng, thật đắng/ Đưa lên mồm, nuốt ực, cho nát quách lá gan/ Chị ngắt lá thuốc độc, thuốc cay, thật cay/ Đưa lên miệng, nuốt ực, cho rách nốt buồng tim…”. Một tuần sau tôi lên nhận lại bản thảo về. Nhà thơ ghi ngoài lề mấy dòng chữ ngắn gọn: “Tình yêu của cô gái và chàng trai trong truyện có nhớ nhung, có day dứt trước mối tình dang dở, nhưng chưa thấy thái độ phản ứng của họ. Chắc chắn truyện chưa sưu tầm hết”.

Quả đúng như vậy! Sau này tôi đã sưu tầm đầy đủ và xuất bản nó trong cuốn “Truyện thơ và đồng dao Thái miền Tây – Nghệ An”…

LA QUÁN MIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *