Ký ức tháng 5 – Bút ký của Hoàng Tiến Thắng

Vanvn- “Chào mấy chú giải phóng, tui có thể hỏi chút chuyện được không?”. Tôi lễ phép: “Dạ thưa bác được ạ!”. Ông nhìn sang dãy xe quân sự của một đơn vị đóng trong thành phố rồi chỉ tay lên mấy là cờ trên xe: “Chú bộ đội giải phóng cho hỏi, lá cờ đỏ sao vàng với lá cờ xanh đỏ sao vàng kia có khác nhau không?”. Câu hỏi của ông khá bất ngờ, và không dễ chút nào…

Chiếc GMC chở chúng tôi đi qua Hóc Môn, Sân bay Tân Sơn Nhất tiến vào trung tâm thành phố. Với hầu hết với những người lính miền Bắc ngày đó, thành phố Sài Gòn đẹp ngoài sức tưởng tượng. Những tòa nhà cao tầng kiến trúc thanh thoát hiện đại, tạo hình rất bắt mắt.

Chúng tôi có phần choáng ngợp trước vẻ đẹp lỗng lẫy của cái thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn Đông” này. Đường phố có khá đông người dân, đa phần họ đứng quan sát những người lính miền Bắc. Không chỉ có người Sài Gòn quan tâm đến sự có mặt của bộ đội giải phóng, mà còn có các nhà báo quốc tế tác nghiệp. Chiếc xe chở chúng tôi đến gần tượng đài Nguyễn Huệ thì dừng lại một chút. Từ bên đường một phóng viên người nước ngoài có mái tóc bồng bềnh lia ông kính máy quay về phía chúng tôi…

Thành phố mới giải phóng được mấy ngày, mọi thứ còn đang còn rất bề bộn. Sau khi chính phủ của ông Dương Văn Minh đầu hàng, lực lượng cảnh sát nội đô tan rã, việc điều hành giao thông đô thị bị bỏ trống. Nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự lúc này giao cho các đơn vị quân đội, việc điều khiển giao thông đường phố tạm thời do thanh niên, sinh viên tình nguyện đứng ra đảm nhận. Trong lúc lực lượng cảnh sát giao thông từ miền Bắc chưa kịp vào tăng cường, thì biện pháp tình thế này có thể chấp nhận.

Đường phố những ngày đầu giải phóng, lượng người và xe khá đông, thường xảy ra ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên các bạn tình nguyện viên luôn dành sự ưu tiên đối với những chiếc xe của bộ đội, vì vậy mà chiếc GMC của bọn tôi di chuyển tương đối thuận lợi. Đứng trên thùng xe chiêm ngưỡng vẻ đẹp và không khí nhộn nhịp của thành phố mới giải phóng, những người lính chúng tôi không khỏi  có chút tự hào. Bỗng anh Hinh chỉ lên những ô cửa số im lìm của các tòa nhà cao tầng hai bên đường nhắc: “Các ông hết sức cảnh giác nhé, hôm trước xe của đơn vị bạn đang đi bất ngờ bị mấy loạt AR15 từ trên xả xuống đấy”. Sài Gòn lúc này vẫn còn những tên địch ngoan cố liều lĩnh tấn bộ đội giải phóng.

Tác giả Hoàng Tiến Thắng

Chúng tôi vào đến trung tâm quận Nhất khoảng gần 8 giờ. Anh Thụy lái xe thò đầu lên bảo: “Tớ thả các cậu xuống chợ Bến Thành nhé. Đi chơi đâu thì tùy nhưng liệu nhớ đường về chỗ hẹn. Khoảng 15 giờ ta rút quân”. Mấy anh em tôi nhẩy xuống xe quan sát xung quanh một lượt. Chính trị viên Tô Xuân Hinh phổ biến: “Chia theo tổ 3 người, tôi một nhóm, Thắng một nhóm”. Tôi bổ sung: “Nếu quên đường cứ các em tình nguyện viên xinh đẹp hỏi thăm về Chợ Bến Thành”. Sau khi chia làm hai tổ bọn tôi ngẫu hứng chọn hướng xuất phát. Với tôi vẫn là cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự sầm uất của Sài Gòn. Tôi nhớ, trước năm 1971 Hà Nội mới có cái nhà Bưu điện Bờ Hồ 6 tầng đã oách lắm rồi, giờ đây đứng ngắm tòa nhà “Việt Nam Thương tín” 14 tầng thật ngưỡng mộ.

Tôi đứng chăm chú ngắm cô tình nguyện viên xinh đẹp đang vung cánh tay ra tín hiệu điều khiển giao thông giữa ngã tư quận Nhất. Bỗng bên cạnh có tiếng con gái nhỏ nhẹ: “Ảnh giải phóng ơi, nhỏ Tư ngoài đó là bạn học Văn khoa với em! Ảnh thấy bạn em dễ thương hông?”. Tôi quay sang bắt gặp ánh mắt long lanh của cô sinh viên có khuôn mặt rất ưa nhìn, chỉ là nước da hơi ngăm đen lại để mộc. Giá như cô ta thoa nhẹ chút phấn, chắc sẽ rất quyến rũ. Tôi gật đầu: “Rất dễ thương bạn à”.

Cô gái tỏ ra khá bạo dạn: “Dạ, em nghe nói con gái Hà Nội đẹp lắm, nhất là làn da trắng mịn hổng đen như tụi em trong này?”. Tôi cười: “Phụ nữ ở đâu cũng đẹp, mỗi người mỗi vẻ. Các bạn ở đây nắng nhiều nếu làn da hơi đen có thể trang điểm, thoa chút phấn …”. Cô gái cười trong veo bảo: “Ủa, anh hai đã có người thương chưa mà kinh nghiệm quá trời luôn …”. Không đợi tôi trả lời, cô bộc bạch tiếp: “Dạ, mấy đứa tụi em cũng rất muốn trang điểm chút xíu để thêm tự tin nhưng lại sợ…”. Tôi gặng hỏi: “Các bạn sợ chuyện gì ?”. Ngập ngừng một chút cô mới thổ lộ: “Dạ, có người biểu ‘Cách mạng về hổng được trưng diện, hổng được trang điểm người nào sơn móng tay sẽ bị cán bộ gọi ra dùng kìm lột hết trơn…’. Tụi em hổng đứa nào dám trang điểm …”. Tôi bật cười hỏi: “Thế họ tả bộ đội miền Bắc chúng tôi thế nào, có sợ lắm không…?”. Cô gái ngượng ngùng: “Dạ nhưng tụi em đâu có tin. Em thấy mấy ảnh ai cũng hiền khô, dễ thương mà”. Rồi cô nhìn tôi tinh nghịch: “Dạ như anh hai đây đẹp trai dễ sợ luôn!”. Tôi cũng bật cười theo cô sinh viên vui tính. Rất muốn được trò chuyện nhiều với cô, nhưng thời gian không không cho phép, chào tạm biệt cô sinh viên Sài Gòn xinh đẹp dễ thương, không ngờ lần chia tay ấy 48 năm sau chưa có dịp gặp lại.

Chúng tôi ăn trưa tại một nhà hàng của người Ấn độ, món Cari dê ở đây thật tuyệt. Sau bữa trưa mấy thằng rủ nhau đi mua mấy thứ đồ dùng cá nhân. Bữa ở Đồng Dù bọn tôi thu được khá nhiều tiền Sài Gòn nên chuyện tiêu pha lúc này không thành vấn đề. Qua khu vực bán trái cây nhìn những quả xoài thật thích mắt, ghé vào một hàng tôi hỏi: “Bác ơi xoài bán bao nhiêu một chục ạ?”. Bà chủ nói giọng Bắc: “Mua đi em, xoài Tượng này là nhất đấy. Mấy em giải phóng mua tôi bán hai ngàn đồng một chục”. Lần đầu tiên mua hàng ở Sài Gòn, đâu có biết giá cả thế nào mà mặc cả, trong túi lại đang sẵn tiền nên không cần tính toán, tôi rút luôn hai ngàn đưa cho bà chủ. Khuôn mặt bà ta rạng rỡ đến lạ, tôi cầm túi xoài lên đếm lại thấy thừa 2 quả, liền gửi trả. Bà ta ngạc nhiên hỏi: “Em thích trái nào chị đổi cho”. Tôi lắc đầu: “Cháu mua một chục mà bác đưa 12 quả nên trả bớt lại”. Một chị bên cạnh lên tiếng: “Chú ơi trong này tính một chục là 12 trái không phải 10 trái như ngoài Bắc”. À thì ra vậy!

Bọn tôi đi một đoạn nữa lại có mấy hàng bán xoài quả còn to hơn bạn tôi hỏi: “Cô ơi xoài bán bao nhiêu một chục ạ?”. Chị bán hàng bảo: “Xoài tượng hai trăm đồng một chục, mấy chú giải phóng mua tôi tính trăm rưỡi thôi”. Sợ mình nghe nhầm tôi hỏi lại: “ Chị ơi hai trăm đồng hay hai ngàn đồng ạ?”. Chi ta thửng thẳng đáp: “Nếu hai ngàn đồng chú mua được cả trăm trái”. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi và túi xoài trên tay, người phụ nữ như hiểu được phần nào. Chị bảo: “Buôn bán thường là vậy, nhiều khi người bán kêu giá trên trời để người mua mặc cả. Mấy chú mới vô thành phố chắc chưa quen…”.

Rời khu vực bán trái cây chúng tôi đi về hướng Chợ Bến Thành. Nhìn thấy một cửa hiệu bán đồng hồ rất khang trang mấy thằng rủ nhau ghé vào xem, tính mua một chiếc làm kỷ niệm. Sao mà nhiều đồng hồ đẹp đến thế! Thôi thì đủ loại Citizen, Seiko, Movado, Omega… toàn loại tự động không phải lên giây cót. Sau khi tham khảo giá với ông chủ cửa hàng, số tiền mà bọn tôi mang theo dư sức mua cho mỗi người vài chiếc đồng hồ. Có điều quân đội kỷ luật rất nghiêm khi kiểm tra quân tư trang nếu quá một chiếc sẽ bị tịch thu. Hai người bạn đi cùng mỗi người chọn mua một chiếc Citizen đẹp long lanh giá 25.000 đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa. Cân nhắc một lúc tôi quyết định mua chiếc Seiko 5 màu trắng nhìn rất lịch lãm giá có nhích hơn một chút nhưng không thành vấn đề. Vừa đúng lúc 12 giờ trưa, bỗng cậu Nguyễn Vinh kêu toáng lên: “Anh Thắng ơi chiếc Citizen của em rơi đâu mất 2 kim rồi…”. Thoáng giật mình quay sang thấy cậu ta cười ngoác miệng biết Vinh hay tếu táo, mọi người vui vẻ hùa theo…

Mấy anh em vừa bước ra khỏi cửa hiệu gặp ngay một nhóm 5 người đàn ông nhìn không mấy thiện cảm. Thấy bọn họ tiến lại gần, như một phản xạ tự nhiên cả ba thằng tôi đều đặt tay vào ốp khẩu AK khoác trên người. Mấy người đàn ông cũng khá nhạy cảm, họ vội đứng khựng lại dè dặt nhìn chúng tôi. Một người trong số họ cầm trên tay tờ 5 đồng tiền miền Bắc giơ lên nói: “Dạ tui eng chỉ muốn hỏi mấy ổng giải phóng chút chuyện thôi ạ”. Tôi nhìn người đàn ông cầm tờ 5 đồng bảo: “Mấy anh định hỏi chuyện gì?”. Anh ta lễ phép: “Dạ chắc mấy ổng giải phóng đã từng xài tiền Sài Gòn?”. Tôi gật đầu: “Thi thoảng cũng có dùng tiền Sài Gòn mua chút đồ, nhưng sao?”.

Trên khuôn mặt người đàn ông lộ vẻ mừng rỡ, liền hỏi: “Dạ, thưa ổng 1 đồng tiền miền Bắc bằng bao nhiêu tiền Sài Gòn ạ?”. Lưỡng lự một chút tôi bảo: “Tôi không rõ người ta đã từng hối đoái hai đồng tiền này chưa! Tôi cứ dẫn vài ví dụ để các anh tự suy luận”. Chỉ vào tờ 5 đồng tiền Bắc trên tay người đàn ông tôi bảo: “Như tờ 5 đồng này ở miền Bắc có thể mua được 10 bát phở. Nếu dùng mua gạo mậu dịch theo sổ lương thực tiêu chuẩn được khoảng 12kg nhưng mua theo giá chợ chắc khoảng 3kg”. Một người trong nhóm lên tiếng: “Dạ, nếu mua một chiếc đồng hồ như các ổng đang dùng thì khoảng bao nhiều tiền Bắc ạ?”. Tôi cười: “Ngoài Bắc chủ yếu là đồng hồ Liên Xô, đồng hồ Thụy Sĩ rất hiếm nên đắt lắm. Năm 1971 tôi có mua một chiếc Movado không còn mới lắm cũng mất 200 đồng”. Người đàn ông cầm tờ 5 đồng tiền Bắc bỗng thẫn thờ ngồi xuống đất hai tay ôm đầu…

Một người trong nhóm kể: “Thằng Tư khùng này vừa bán 2 chiếc Citizen cho một ổng khách mới từ miền Bắc dô với giá 5 đồng”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Đồng hồ gì mà rẻ thế?”. Người đàn ông có tên là Tư khùng bỗng đứng bật dậy phân bua: “Tại ổng ấy biểu giá trị 1 đồng tiền Bắc bằng mười ngàn đồng Sài Gòn tui mới …”. Người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn trong nhóm sẵng giọng: “Bay cũng thôi đi, 2 chiếc đồng hồ bán cho khách là hàng dổm, giá chưa bằng 10 bát phở oan ức gì…”. Thì ra là vậy! Nói theo kiểu các cụ “Mạt cưa, mướp đắng”! Bọn tôi cười thầm rồi quay về chỗ hẹn ở Chợ Bến Thành.

Trong lúc chờ đợi chiếc GMC của anh Thụy đến đón, hai nhóm bọn tôi gặp lại sau một ngày đi chơi, thôi thì đủ thứ chuyện. Mấy ông bạn thi nhau khoe về những thu hoạch của mình. Bỗng một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc rất lịch sự bước đến chỗ chúng tôi. Ông chủ động lên tiếng: “Chào mấy chú giải phóng, tui có thể hỏi chút chuyện được không?”. Tôi lễ phép: “Dạ thưa bác được ạ!”. Ông nhìn sang dãy xe quân sự của một đơn vị đóng trong thành phố rồi chỉ tay lên mấy là cờ trên xe: “Chú bộ đội giải phóng cho hỏi, lá cờ đỏ sao vàng với lá cờ xanh đỏ sao vàng kia có khác nhau không?”. Câu hỏi của ông khá bất ngờ, và không dễ chút nào.

May quá có Chính trị viên ở đây tôi quay sang cầu cứu. Đúng là cán bộ chính trị có khác, anh Hinh trả lời rất nhẹ nhàng: “Thưa bác khi non sông liền một dải hai lá cờ sẽ là một ạ”. Người đàn ông gật đầu: “Cảm ơn chú! Nếu đúng như chú biểu thì tui an tâm…”. Ông cười thân thiện, chào chúng tôi rồi thong thả bước đi. Thực sự lúc đó tôi cũng chưa hiểu được ẩn ý trong câu nói “… Nếu đúng như chú biểu thì tui an tâm”. Mãi sau này khi nhớ lại tôi mới cảm nhận được sự sâu sắc ẩn chứa trong câu nói của ông. Có lẽ khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng đang có mặt khắp thành phố ông lo lắng – Nếu vẫn còn hai lực lượng chính trị khác nhau, con đường thống nhất nước nhà sẽ khó khăn…

HOÀNG TIẾN THẮNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *