Trường Sa trong trái tim tôi – Ký sự của Trương Anh Quốc – Kỳ 1

Vanvn- Đi khắp năm châu, với tôi không đâu thể có cảm xúc như đi Trường Sa, bởi Trường Sa là máu thịt không thể tách rời trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Tháng 5.2023, tôi may mắn và vinh hạnh cùng nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh là một trong hai thành viên Hội Nhà văn Việt Nam cùng các văn nghệ sĩ được tham gia đoàn công tác số 10 do Quân chủng Hải quân và Trung ương đoàn Thanh niên tổ chức, lên con tàu KN-390 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2- Phúc Tần thiêng liêng của Tổ quốc đúng vào Ngày Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5 lịch sử.

Viếng tượng đài Trường Sa

Phát biểu trước buổi lễ khởi hành, Trưởng đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang – Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân đã nhấn mạnh: Chuyến đi lần này chúng ta thăm hỏi động viên ủng hộ quân và dân, để cảm thông chia sẻ, để thấu hiểu, để tự hào và lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương.

Cùng chuyến đi này có Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy, nhân viên đội 4 Bộ Tham mưu hải quân, ra thắp hương viếng bố mình là chiến sĩ Lê Đình Thơ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 lúc cô vừa tròn 1 tuổi. Lần đầu tiên được đi viếng bố và đồng đội bố, cô khóc suốt hành trình.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây đón khách lên thăm
Cột mốc chủ quyền ở đảo Song Tử Tây

1.

Một tuần lênh đênh, chuyến hải hành đoàn công tác số 10 “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2023” chúng tôi đã đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1/2- Phúc Tần trong điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi dù rằng áp thấp nhiệt đới đang tràn đến. Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi khi hơn 200 đại biểu đều được xuống tàu đi xuồng lên thăm đảo thăm giàn, không như những chuyến khác chỉ được cử đại diện.

Đại biểu khắp mọi miền đất nước được tìm hiểu giao lưu với Ban chỉ huy, Ban điều hành công tác và Sĩ quan thuyền viên con tàu KN 390. Các đồng chí vô cùng dễ mến và tận tình tận tụy, giúp đỡ đại biểu ân cần, đến nỗi tôi là thủy thủ tàu biển cũng quá đỗi ngạc nhiên và càng quý trọng các đồng chí hơn.

Ngoài thăm hỏi chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ đảo xa, chúng tôi luôn tò mò về cuộc sống người dân trên đảo. Lên đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp những em học sinh tiểu học chơi đùa vô tư. Thấy có khách lên đảo, các em chạy đến, vây lấy chúng tôi ríu tươi cười hớn hở, rít nói cười. Các em tặng cho chiếc vỏ ốc hay nhánh san hô đỏ nhặt được ở bãi biển. Quà của biển đảo Trường Sa.

Chúng tôi chỉ nhận tượng trưng vì không nhận sợ các em buồn. Chúng tôi không thể mang gì từ Trường Sa về vì sợ hao mòn quần đảo thiêng liêng. Đáng ra chúng tôi phải mang theo những viên đá để xây đắp Trường Sa mới phải. Mỗi người khách ra thăm đảo, mang theo một viên đá thì Trường Sa sẽ thêm rộng thêm cao và vững chắc.

Các chiến sĩ hải quân trên đảo Sinh Tồn Đông chơi cờ giờ giải lao
Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn đọc báo

Năm năm trên đảo, các em cùng gia đình đã thầm lặng hy sinh cuộc sống náo nhiệt trên đất liền để vun trồng góp phần cho đảo được mãi xanh tươi. Mấy em sắp hết lớp năm, ngày về lại đất liền tiếp tục học hành theo đuổi ước mơ “làm thuyền trưởng” hay “học công nghệ thông tin” như lời các em không còn xa.

Các đại biểu biểu diễn văn nghệ
Chúng tôi yêu Trường Sa
Hai nhà văn Trương Anh Quốc và Hoàng Thụy Anh thăm gia đình vợ chồng ngư dân đảo Trường Sa Lớn

Khi tàu KN 390 đến vùng biển Len Đao thì dừng lại. Đang thời gian áp thấp nhưng biển bỗng lặng sóng một cách lạ thường. Dưới sự chủ trì của Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, đoàn công tác làm lễ Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ tưởng niệm 64 anh hùng đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Những vòng hoa tươi thắm và lễ vật được cẩn trọng giòng dây thả xuống nước, hoa dập dềnh trên mặt biển giữa trời đêm vắng lặng, lặng đến nghe được tiếng trống ngực và nhịp thở từng người. Những ngọn nến lung linh trên biển đêm như thắp sáng và sưởi ấm linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã quên mình bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Nghe lời diễn văn, chứng kiến lễ viếng thả những vòng hoa xuống biển, không một ai cầm được nước mắt và tự hứa quyết ra sức bảo vệ và giữ gìn biển đảo Tổ quốc.

Trong lễ viếng, thiếu tá Lê Thị Minh Thủy đã gần như ngất do xúc động. Sau khi lấy nước nơi bố hy sinh và sau đó xin ít cát ở đảo Trường Sa Lớn, cô nói đã thấy lòng nhẹ nhõm, khỏe hơn thường ngày và thỉnh thoảng mỉm cười.

 TRƯƠNG ANH QUỐC

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *