Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung (1923-2023): Tôn vinh những giá trị người!

Vanvn- “Trần Hữu Thung đã để lại không chỉ những câu thơ, những viên ngọc trong đời sống văn chương nước nhà mà ông còn để lại những giá trị người trong đời sống của chúng ta hôm nay”, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu như vậy trong buổi Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình tổ chức chiều 5.8tại thị trấn Diễn Châu, Nghệ An quê nhà của nhà thơ Trần Hữu Thung.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hồi tưởng lại chuyến về thăm nhà thơ Trần Hữu Thung tại chính ngôi nhà của nhà thơ 30 năm trước. Ngôi nhà mái thủng lỗ chỗ, nhà thơ phải lấy những mảnh nilon xanh che lại mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi đó là “những mảnh trời lúc nào cũng xanh”.

Trần Hữu Thung có giọng nói nhỏ nhẹ ngoài đời và thơ ông cũng có chất giọng dân gian, mộc mạc, chất phác. Trong hoàn cảnh sống hết sức khó khăn của những năm đất nước kháng chiến, nhà thơ Trần Hữu Thung vẫn ung dung sống một đời sống bình dị, sáng tác những vần thơ thiết tha với con người, với quê hương, đất nước.

Trần Hữu Thung (1923 – 1999 )

“Tôi nhiều lúc ngẫm nghĩ cái gì đã làm nên một nhà thơ, một tác phẩm vẫn có giá trị xuyên suốt qua thời gian như trường hợp nhà thơ Trần Hữu Thung? – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm- Cuối cùng, điều tôi rút ra là Trần Hữu Thung đã sống một đời sống kiêu hãnh, đã sáng tạo ra những vần thơ có sức sống xuyên suốt qua thời gian đến với chúng ta hôm nay. Chúng ta gặp gỡ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Trần Hữu Thung, cũng đồng thời để tôn vinh và tái tôn vinh những giá trị người trong các tác phẩm chói sáng của ông”.

Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26.7.1923, quê quán tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông tham gia Việt Minh năm 1944, từng làm cán bộ tuyên truyền ở Thanh Hoá và Liên khu IV. Ông đã tham gia hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm tháng 4.1957, là Uỷ viên ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957 đến 1959. Trong suốt thời gian từ 1965 đến 1986, nhà thơ Trần Hữu Thung đã nhiều lần nắm giữ cương vị quản lý các hội văn nghệ Nghệ An – Nghệ Tĩnh. Ông mất ngày 31.7.1999.

Trần Hữu Thung là tác giả của gần 20 tác phẩm đã xuất bản, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Ông để lại nhiều tác phẩm được nhiều người biết đến như bài thơ Anh vẫn hành quân được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc đã theo bước chân người chiến sỹ quân giải phóng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ; kịch bản phim Ngày ấy bên sông Lam về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được dựng thành phim truyện hồi thập niên 80 thu hút đông đảo người xem màn ảnh lớn, là một tác phẩm nổi bật trong dòng điện ảnh cách mạng.

Nhà thơ Trần Hữu Thung cũng là tác giả của nhiều tập thơ như Dặn con (1955), Đồng tháng Tám (1956), Ngày thu ấy (1957), Hai Tộ hò khoan (1961), Gió nam (1962), Đất quê mình (1971), Tiếng chim đồng (1975), Anh vẫn hành quân (1983), Sen quê Bác (1985)…

Tập thơ Đồng tháng Tám xuất bản năm 1956 của Trần Hữu Thung

Nhưng có một bài thơ của ông được biết đến rộng rãi, được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa (với tên gọi Buổi sáng ngoài đồng) và còn đoạt giải thưởng văn học tại Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên Thế giới năm 1953 tại Bucharest (Romania) năm 1953; đó là bài Thăm lúa, Trần Hữu Thung viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Thăm lúa tái hiện tâm trạng của một người vợ hồi nhớ lại ngày người chồng tình nguyện ra đi đánh giặc, là tâm tình người vợ hậu phương gửi ra người chồng nơi tiền tuyến. Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, lời thơ mộc mạc, chất phác. Chỉ có những người sống chết với đồng ruộng, quê hương như Trần Hữu Thung mới dùng được những từ rất đắt về mùa màng, cây trái bằng những ngôn ngữ địa phương như “lúa sẫm hột”, “cày xáo”, “chuối đã lổ”, “lúa sây hạt”…Từ tình riêng đi đến cái tình chung trong thời kháng chiến, bài thơ mang đậm cái tình điệu vợ chồng thiết tha qua những “bảo em ngoái lại”, “cầm thư anh mân mê”, “bụng giừ phấp phới”, “không nhớ anh răng được”…

Thăm lúa bộc lộ giọng điệu hồn hậu của một nhà thơ nặng tình với quê hương đất nước, thể hiện niềm tin của nhà thơ vào cuộc kháng chiến của dân tộc tất yếu sẽ đến ngày toàn thắng.

Cùng với Nhớ của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Hữu Thung thuộc vào những tác phẩm mà sức hủy hoại của thời gian không có ý nghĩa, góp thêm một tác phẩm vào dòng thơ độc đáo của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã găm sâu vào tâm trí bạn đọc Việt Nam trong suốt nhiều thế hệ, lưu giữ Trần Hữu Thung là một trong những tên tuổi chói sáng trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thắp hương tưởng niệm tại mộ nhà thơ Trần Hữu Thung

YÊN BA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *