Vanvn- Tươi Nguyễn là con người của những cảm xúc thiết tha. Tươi Nguyễn là con người của những yêu thương có thể đến độ dại khờ. Cho nên trong “cuộc lữ trần ai” này, những gì còn neo lại trong anh, biểu hiện qua thơ anh là những hình ảnh khơi vơi, sầu mộng, tái tê.

Đường thơ của Tươi Nguyễn (tức Nguyễn Như Tươi) không hẳn là trắc trở, gập ghềnh, nhưng có chút kỳ lạ.
Cách đây mấy chục năm về trước, giữa Sài Gòn, khi đám bạn bè 7X lao vào thơ như nhập đồng, như những con thiêu thân, thì Tươi Nguyễn đã có mặt, nhưng chỉ với tư cách người chứng. Giờ thì sau mấy chục năm, những gương mặt thi sĩ đầy dấn thân sáng tạo vẫn còn đó: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Bá Thọ, Vương Huy, Đàm Hà Phú, Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lê Quý Nghi… Và, thật bất ngờ, Tươi Nguyễn bắt đầu đường thơ của mình như một “nhà thơ trẻ”, khiến ai nấy đều ngạc nhiên lẫn thích thú.
Tươi Nguyễn là con trai của nhân vật văn nghệ nổi tiếng đất Quảng: ông Xuân Thống. Một người chưa từng xuất bản tập thơ nào, nhưng vẫn thường được gọi là “nhà thơ” vì “giang hồ hành hiệp” với nhiều văn nghệ sĩ tài danh thời bao cấp, như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Phùng Quán…
Sống với một người cha hào hiệp, phóng túng, không màng chuyện cơm áo gạo tiền; Tươi Nguyễn khi còn trẻ dường như “kinh sợ” con đường văn nghệ, thậm chí muốn trở thành một đối trọng.
Tươi Nguyễn tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, có nhiều năm làm việc ở vị trí cao trong các tập đoàn nước ngoài như Toyota, Huyndai. Nhưng khi kinh tế “vừa đủ” thì Tươi Nguyễn buông bỏ công việc, từ đó sống một cuộc đời tự do và có phần ẩn dật.

Tươi Nguyễn là con người của nhiều trải nghiệm. Không hẳn là lăn lộn nhiều cảnh đời mà trải qua nhiều cảnh giới. Anh từng cư trú trong những am thiền lúc còn trẻ để tìm cân bằng trong đời sống tinh thần. Anh cũng từng chay trường rất nhiều năm. Nhưng tôi thấy, sau tất cả, Tươi Nguyễn là con người của những cảm xúc thiết tha. Tươi Nguyễn là con người của những yêu thương có thể đến độ dại khờ. Cho nên trong “cuộc lữ trần ai” này, những gì còn neo lại trong anh, biểu hiện qua thơ anh là những hình ảnh khơi vơi, sầu mộng, tái tê.
Tươi Nguyễn là người quá đỗi yêu thương những mảnh đời hắt hiu, những mảnh tình lận đận. Cũng như anh luôn nhớ về bạn thơ của mình ở Cai Lậy là Vương Huy – một thi sĩ hiu hắt bên đời. Cái cảm thức: Cùng một lứa bên trời lận đận dường như luôn sẵn có trong Tươi Nguyễn, mặc dù anh chỉ mới làm thơ trong vài ba năm trở lại đây và đi theo một đường thơ của riêng mình.
Học và vận dụng trước hết là những thể thơ cũ, Tươi Nguyễn cũng chỉ nói những chuyện “muôn năm cũ” chứ không cố tình làm mới hay nói ngược. Có lẽ anh cũng đã qua cái tuổi ấy rồi. Thơ Tươi Nguyễn là những dòng tự sự, là những câu chuyện kể nhỏ bé bên đời, là tiếng thở dài rất khẽ, hay đôi khi chỉ là những khoảng lặng hư vô…
Kỳ thật là chúng ta không thể sáng tạo được thêm gì trong thế giới đã được sáng tạo bởi Thượng đế này. Chúng ta chỉ đi tìm kiếm và đặt tên cho từng thứ theo cách của mình. Thi sĩ cũng chỉ là những người rong ruổi trong cuộc tìm kiếm đó. Ai bền bỉ hơn, ai tha thiết hơn thì người đó sẽ được đền đáp. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nhận thấy Tươi Nguyễn là người tha thiết vô cùng. Cho nên tôi chỉ chúc cho bạn thêm bền bỉ trên đường thơ của mình.
Vanvn trân trọng giới thiệu chùm thơ của Tươi Nguyễn được rút từ tập thơ đầu tay: Chút ánh sáng trong tim (NXB Hội Nhà văn 2022).
TRẦN NHÃ THỤY giới thiệu
ĐỘC CƯ
Ngày xưa mở cửa ra ngoài
Học hành đủ thứ hơn thua với đời
Dọc ngang mệt muốn đứt hơi
Mù tăm chân lí biển đời tối đen
Tuổi đời quá nửa trôi lăn
Quyết tâm đóng cửa một phen ở nhà
Ngày ngày nhổ cỏ trồng hoa
Đói ăn khát uống vỡ oà chân kinh
Hóa ra lúc ở một mình
Ngồi chơi hít thở làm thinh thấy liền
Không nói giác, chẳng tọa thiền
Rộ bừng chân lí ngạc nhiên quá trời
Hồi xưa tầm đạo mù khơi
Mượn vay chữ nghĩa đã đời hơn thua
Bây chừ đóng cửa mút mùa
Mới hay đạo chẳng ở chùa hay am
Liền ngay rụng hết sân tham
Cầm gươm bát nhã chẳng ham độ người
Quét nhà rửa chén mà vui
Khỏe chơi mệt nghỉ khà cười nhân sinh.
QUY ẨN
Từ bữa về đây không ghé phố
Nghe lòng nhẹ hẳn những ưu tư
Nằm chơi dưới bóng cây râm mát
Ngắm gió mây trời không vấn vương
Từ dạo tập tành làm thi sĩ
Viết mấy trăm bài chẳng thành thơ
Buồn quá mang hồn ra đốt sạch
Bỏ một đời thơ thẩn dại khờ
Từ bữa không còn mê con hát
Không ham tụ tập lũ bạn cuồng
Rống to những lời ca vô nghĩa
Đỏ mặt nốc tràn be rượu suông
Bây chừ chẳng buồn vui chi nữa
Hưng khởi từ bi sống trọn đời
Không mơ danh vọng trong trời đất
Ngồi giữa vườn thiền nghe lá rơi.
LÊN NÚI
(Gửi Trương Tuấn)
Mỏi đời lên núi nằm ôm gió
Nghe nhạt trăm năm chuyện khóc cười
Hơn thua được mất trò con nít
Ngửa mặt cười khan một kiếp người
Dưới núi bầy người ngơ ngác đếm
Tháng ngày còn lại chẳng bao nhiêu
Tham sân theo tuổi đời tăng trưởng
Chẳng biết rằng ta đã xế chiều
Nay lên Am núi trông trời cũ
Tập chết từ đây để trở về
Sân si rụng xuống bên bờ giác
Bỏ lại ta bà cả bến mê.
NẾU CÒN CÓ NGÀY MAI
Nếu chỉ còn một ngày mai để sống
Thì em ơi đời đã quá nhiệm màu
Trần gian đó với bao điều diễm lệ
Ta làm gì cho ngày cuối bên nhau
Nếu chỉ còn được sống đến ngày mai
Anh sẽ yêu thương từng sát na bé mọn
Yêu tất cả bạn bè cây cỏ
Và không quên tạ lỗi với mây ngàn
Nếu chỉ còn được sống hết hôm nay
Mộng sẽ tàn bên đêm dài huyệt mộ
Chút ánh sáng trong tim bùng cháy rộ
Hóa tình yêu bất tử chênh chao
Nếu chắc rằng ngày mai anh phải chết
Thì xin em một phút nói yêu thương
Xác thân đó cháy lên ngàn ánh lửa
Cho đêm dài chới với mộng miên trường
Ta xin sống vì yêu em quá đỗi
Trần gian ơi còn ngày cuối rộn ràng
Ta không khóc không nói lời vĩnh biệt
Xin đươc yêu dù rất đỗi muộn màng.
MƯA XUÂN
Những ngày có mưa bụi
Làm tôi nhớ quê nhà
Trời rải mưa rất nhẹ
Cánh đồng xanh mờ xa
Mẹ tôi gầy bóng núi
Xanh xao đời áo cơm
Bếp quê nâu màu khói
Bên hè hương lúa thơm
Quê tôi làng Câu Nhí
Đồng chân mạ xanh non
Con đường làng cong quẹo
Tháp Chàm buồn héo hon
Ngày xuân tôi ghé chợ
Mua về mấy cành hoa
Ba tôi chờ trước cửa
Cùng dọn dẹp vườn nhà
Quê chỉ còn nỗi nhớ
Trong tâm trí nhạt nhòa
Ba mươi năm tròn lẻ
Tôi biết mình đi xa.
MƯA GỌI
Mưa gọi ta về tìm chốn cũ
Bỗng nghe rúc rích tiếng ai cười
Lất phất mưa bay nhòa hơi gió
Tháng mười lay lắt giọt đôi mươi
Quê cũ nhà em bên dốc núi
Nghe chừng đá mỏi với non cao
Dắt díu về xuôi tìm chỗ trú
Phận nghèo nên cứ mãi lao đao
Hình như có tiếng người qua ngõ
Thủ thỉ dăm câu chuyện khóc cười
Nước lũ tràn biền giun dế khóc
Lênh đênh theo vận nước trêu ngươi
Qua sông mưa gọi con đò nhỏ
Quay quắt làm sao nỗi nhớ nhà
Tí tách mưa rơi ngoài hiên vắng
Đường dài mỏi mệt bước chân qua.
TẠ
Tạ ơn trời đất sinh em
Cho ta còn chỗ yếu mềm náu nương
Tạ ơn khắp những nẻo đường
Cây cao bóng lớn sầu vương xuống đầy
Tạ ơn cả những cơn say
Cho em biết cuộc đời này mông lung
Tạ ơn cõi sống hãi hùng
Hồn thơ bé dại ngại ngùng hiến trao.
CHÂN DUNG THI SĨ
(Gửi Vương Huy, ẩn sĩ Cai Lậy)
Bạn sống gần ngã tư Cai Lậy
Vài ba nóc nhà bên mé sông
Thuở đó hồn thơ còn trong trẻo
Nào biết gì đâu chuyện đổi dòng
Bạn về Sài phố lòng son trẻ
Yêu người trao hết cánh thiên di
Tả tơi từ đó hồn thi sĩ
Thơ giết đời ai cũng bởi vì
Phồn hoa phận mỏng đường sa ngã
Tình người bạc trắng cánh tay không
Quay về quê cũ làm thầy triết
Bạn nhốt đời côi chốn ruộng đồng
Thế rồi trầm cảm thành điên sĩ
Ai người sao nỡ vẽ chân dung
Thói đời chi lạ tôi không hiểu
Buồn quá làm sao hết não nùng
Thế rồi lặng im không thèm nói
Những lời thừa thãi chốn nhân gian
Thâm sơn cùng cốc chàng ẩn sĩ
Sống kiếp hiện sinh với xóm làng.
CHÂN DUNG
Mưa hạ buồn tôi rời xa quê
Con ve chết trên cành kỷ niệm
Hành lý mang theo chỉ là tuổi trẻ
Sài Gòn ơi! mộng ước tan tành
Năm tháng lao đao, đời mỏi mệt
Xác hồn mang đổi gạo mưu sinh
Lắt lay ánh đèn đô thị
Níu câu thơ sống tiếp với đời
Ba mươi năm tuổi trẻ bỏ đi
Đùa chơi chữ nghĩa thành thi sĩ
Dâng đời chút ánh sáng trong tim.
TƯƠI NGUYỄN