Ko Hyung-Ryul lắng nghe hoa than khóc

Nhà thơ Ko Hyung-Ryul

Vanvn- “Lần đầu tiên tôi đến với Việt Nam là năm 2001. Việt Nam thực sự là một đất nước đẹp lấp lánh. Khung cảnh của những cánh đồng lúa hai vụ mùa tĩnh lặng, trù phú và quá đỗi xinh đẹp. Có một cậu bé đang phe phẩy một cành cây nhỏ trên lưng chú bò, còn chú bò thì đang tha thẩn gặm cỏ. Văng vẳng đâu đó là âm thanh tiếng bò kêu. Đó là những khung cảnh và âm thanh thực sự đã biến mất ở đất nước chúng tôi. Trong lòng tôi từ khi ấy đã dâng trào cảm giác đầy ngưỡng mộ và yêu mến đất nước này. Tôi đã không thể quên được vẻ đẹp của Hà Nội với những chiếc xe máy tấp nập qua lại vào lúc tan tầm khi trời dần sẩm tối. Âm thanh náo nhiệt của những chiếc xe máy nhất loạt xuất phát khi có tín hiệu giao thông dường như đã lấy đi thần vía của tôi. Tôi cũng đã muốn trở thành một thành viên trong số những con người đang đeo khẩu trang kín mặt kia. Đó là dáng vẻ của những con người đang trở về nhà sau một ngày dài”.

(Rút từ Lời ngỏ của Ko Hyung-Ryul trong tập thơ Thác mặt trời, do Nguyễn Thị Thu Vân dịch, Nxb Hội Nhà văn 2019)

 

Chuyến tàu, ánh bạc

 

Hay ta lên một chuyến tàu chậm rãi, nâng niu thời gian và tình yêu để đi mấy ngày chăng?

 

Ngọn gió đùa nghịch chạy sượt qua sống mũi, mùi hương lướt qua làn tóc mai rồi biến mất, khi phần thân thể phía trên lành vết thương, ánh sáng bạc của chuyến tàu đưa mùa thu trở lại và đến bến ga.

 

Cũng giống như lần đầu tiên tôi làm thơ, cây hoa xô thơm của thanh niên thiếu nữ

Giống như một vùng ngoại ô của Seoul

À không, giống như một vùng ngoại ô nào đó của Hà Nội nơi lập thu đến rồi lại đi

 

Nhưng giờ đây nghe như giọng nói của những vị thần đã ẩn mình đâu đó, hay đã chết.

 

Nước trên bàn

 

Trong nước không có xương, không não và không nội tạng

Nhìn rõ tận tường, sao lại sóng sánh được thế kia

Có phải chăng là ngọn lửa trong lòng địa cầu đang truyền đến

Xa xa cứ mỗi khi có chuyến tàu ngang tới

Tôi lại thấy xao động

Kể cả khi máy bay ngang qua bầu trời

Chẳng thể làm tôi không cảm thấy xốn xang.

 

Sự xao động khi không có bất cứ thứ gì đi ngang qua

Đó chính là

Khi trái đất quay quanh quỹ đạo tạo nên sự rung lắc.

Và tôi cũng sẽ phải làm gì đây?

Ngay cả khi chúng ta đang bận tâm làm một điều gì đó

Nước không ngừng và vẫn rung rinh.

 

Dù chẳng có ai tìm đến với nước

Nước cũng chẳng cần chữa khỏi những vết thương

Hướng về bạn là nỗi bất an đang ca hát

Mặt nước chứa trong chiếc bình nhựa

đặt trên chiếc bàn hai tầng

vẫn sóng sánh

 

Nước trên độ cao 25 xăng ti mét.

Tranh của Nguyễn Quang Thiều

Lắng nghe hoa than khóc

 

Ngoài kia có ai đó gọi mời nên hoa nở?

 

Họ đã tìm đến rồi đi và những người tìm đến với ta đều đã chết

Lặng lẽ đưa nắm đấm lên trước mặt

Những đốt ngón tay giữa cộc, cộc, cộc khẽ gõ vào cửa lớn

Liệu đó có phải là chứng nhân của một vị thần

dẫm chân lên những gốc cây và tảng băng của năm trước

ở một nơi xa để đến đây?

Tôi đã lỡ mất câu trả lời, ở bên trong chẳng có ai ư?

Có lưỡi mà ngôn từ đâu mất, không cất nổi một lời

Nước đọng lại lặng thinh.

Đã có quá nhiều lần viếng thăm thất lễ

Ngày hôm nay tôi không còn biết trong mình là ai nữa.

Lớp lõi cây ở bên trong đang lắng nghe

tiếng lòng của nhân gian

Nếu như có điều gì muốn giấu chắc hẳn sẽ có cách để lảng tránh câu trả lời

Vì thế nên con đường hoa vô cùng lạnh lẽo, và khoảng thời gian ấy

Chính là dòng chảy của sự im lặng khi chúng ta được sinh ra

Vậy nên dù chẳng có ai gọi mời thì hoa kia vẫn nở?

Trên cành kia những đóa hoa đang đua nở

Chẳng phải là biểu hiện của rất nhiều người đã chết?

 

Ẩn sâu trong cây

Sự chấn động và dòng chảy một cấu trúc khác

Lời nhân gian chẳng thể thốt ra.

 

Hôm nay, ai đó trong chiếc ấm điện đun nước

 

Tạch. Tôi ấn nắp chiếc ấm điện rồi nhấn nút

Dòng điện chạy vào, nước kinh ngạc giật mình

Từ dưới đáy ấm, tiếng ùng ục cùng vạn ngàn giọt nước

Đã thức dậy như một cơn bão nhỏ.

 

Chẳng bao lâu, sùng sục, sùng sục nước vỡ òa dâng lên phía trên

Nước sôi thình thịch thình thịch, chiếc ấm điện chao đảo

Tốc độ sôi phải chăng phải nhanh hơn nữa

Hình như mọi thứ đều nhanh hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Những người hàng xóm sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi

Những thảm họa lạ kỳ còn lớn hơn những giọt nước nhỏ bé kia

 

Chiếc ấm khổ sở vì sức nóng quá độ, rung lắc với siêu tốc độ

Nước luôn phải đạt đến một giới hạn nào đó mới đun sôi được

Liệu có ai đã nhìn vào bên trong chiếc ấm

nơi chưa có người từng đi vào bên trong

Chiếc ấm đun nước luôn chỉ là chiếc ấm đun nước

Ảo giác luôn luôn phủ nhận hiện thực đang sục sôi.

 

Tạch, nguồn điện tắt. Lớp nước tối đen

Lặng xuống phía dưới như một thi thể

và dòng nước lại quay trở lại với bản ngã

vốn chẳng hề có bản ngã

Ôi chao hôm nay, một ai đó trong chiếc ấm đun nước

Rốt cục làm thế nào mà mọi việc lại kết thúc như vậy?

 

Lên một chuyến tàu

 

Đi từ Hà Nội đến phía Nam của Vịnh Hạ Long

Đi qua Thái Bình rồi đến Nam Định, qua Nam Định rồi đến Ninh Bình

Đi qua Ninh Bình rồi đến Đà Nẵng, đi qua Đà Nẵng là đến Vinh

Rồi cứ thế từ Vinh đến Hà Tĩnh, từ Hà Tĩnh đến Đồng Hới, từ Đồng Hới đến Huế

Và từ Huế không lâu sau lại tới Lăng Cô.

 

Đến đây rồi vui xiết bao

Quay trở lại Đà Nẵng, việc rời đi thật đầy háo hức?

Từ Đà Nẵng hướng về phía Nam chờ đợi

Kí ức chẳng kịp theo chân,

Đi xuống TP Hồ Chí Minh nhanh hơn cả ánh nắng

Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang và cuối cùng

Băng qua con sông ở Sóc Trăng khiến luyến lưu chẳng muốn rời

Giống như ánh nắng buổi sớm mai của mọi người ở đó.

 

Cà Mau, đến tận mũi Cà Mau

Thanh xuân rồi đến thanh xuân đi qua như ánh lửa

Khi trở về nhớ chuyển lại lời tôi.

 

Những chiếc xe máy phủ sắc vàng cam[1]

              Gửi tặng nhà thơ Mai Văn Phấn, năm 2011

 

Mặt trời lặn Hà Nội trở thành vũ trụ

Những ngôi sao đã trải qua một ngày đón ánh sáng dát vàng lấp lánh

lên những mái đầu bé nhỏ

Những con người đang xuôi ngược giao nhau.

 

Brừm, brừm, ngôi sao căng thẳng trên đầu tay lái

Vì sao ở xa nhất chiếu sáng tương lai

bằng một vầng sáng chỉ nhỏ bằng con ngươi mắt

Ở nơi đó, có tôi, có gia đình và bè bạn

Tất cả giao thoa bằng nỗi hoan hỉ, hợp lưu, sự giải phóng và niềm vui

Tưởng như đã tới một cánh đồng cỏ ở một miền quê nào đó của Hàn Quốc.

 

Những khuôn mặt nhỏ bé mà kiên định trên những chiếc xe máy màu ánh cam

Với những chiếc khẩu trang mà muốn thử mở ra chiêm ngưỡng bên trong,

 

Nhiều ánh đèn đang tắt dần, sau một ngày dài lao động và thu nhập

Hài lòng, và trên trái đất một ngày dài kết thúc.

 

Giờ tôi đang bước đi qua con đường tối

Đến một ngôi nhà nhỏ của ánh sao, và khi tôi quay lại, tôi chính là một con người trong vũ trụ, một con người Hà Nội

Con người Á châu đang trở về nhà sau một ngày làm việc.

 

Và giờ đây, chỉ một chút nữa thôi, sau cuộc hội hè đan xen của giờ cao điểm kết thúc

Sẽ chỉ còn lại màn đêm

 

Lang thang, cô độc, lặng thinh…

KO HYUNG-RYUL (HÀN QUỐC)

NGUYỄN THỊ THU VÂN dịch từ tiếng Hàn

____________

[1] Vào mùa đông năm 2010, nhà thơ Mai Văn Phấn đã đến thăm quê hương Sokcho của tôi, sau đó gửi tặng tôi bài thơ “Ở Sokcho” đầy ý nghĩa. Sau đó, mùa đông năm 2011, tôi đã có dịp đến Hà Nội và ngắm nhìn quang cảnh đường phố Hà Nội buổi tối tan tầm với những chiếc xe máy tấp nập qua lại. Khung cảnh đó đã tạo một ấn tượng khó quên đối với tôi. Năm 2014, trong tác phẩm Ngọn hải đăng và chiếc sừng, tôi đã dành tặng bài thơ này đến nhà thơ Mai Văn Phấn. Có thể nói rằng việc tôi nhớ đến nhà thơ Mai Văn Phấn cũng giống như tôi nhớ đến buổi tối của Hà Nội khi ấy – khung cảnh lúc tan tầm của mùa đông Hà Nội mà tôi không thể quên được.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *