Khuyến đọc cần thực chất

Vanvn- Trong bối cảnh Internet trở nên phổ cập và điện thoại thông minh, máy tính trở nên phổ biến, việc khuyến đọc có vẻ trở nên lạc lõng. Nhiều người bao gồm cả cán bộ văn hóa, giáo viên khi nghe nói đến “khuyến đọc” đã cười xòa gạt đi. Đấy là một cách nhìn phản ánh hiện thực trước mắt, nhưng sai lầm và đáng phê phán.

Trước hiện thực đó, người lớn phải có thái độ ngược lại mới đúng. Chính vì trẻ em, học sinh, người dân chưa yêu sách, chưa đọc sách như một thói quen mà chúng ta cần phải nỗ lực khuyến đọc để biến “không” thành “có”.

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương. 

Muốn nền kinh tế phát triển cao, cần có văn hóa đọc mạnh

“Người Việt Nam có truyền thống hiếu học”, “Đất nước chúng ta là đất nước bốn nghìn năm văn hiến”… mỗi người Việt chúng ta đã không còn xa lạ với những câu nói này. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm một cách thận trọng và có trách nhiệm sẽ thấy rằng truyền thống “đọc và viết” của chúng ta chưa thực sự “dày dặn”. Chữ viết và sách xuất hiện ở nước ta muộn, tỉ lệ người biết chữ trong lịch sử trước 1945 luôn rất thấp… Chiến tranh kéo dài cùng những biến động khắc nghiệt khác của lịch sử khiến cho ngành xuất bản phát triển không liên tục.

Hạn chế này có mối quan hệ mật thiết với sự tụt hậu và nghèo đói. Đơn giản vì văn hóa đọc là thứ trực tiếp thể hiện, trình độ dân trí và là nền tảng cơ bản cho sự phát triên của quốc gia. Những quốc gia tiên tiến nhất, sớm chớp được cơ hội khai sáng và công nghiệp hóa trong lịch sử nhân loại cũng đồng thời là các quốc gia có nền văn hóa đọc sớm hình thành, phát triển mạnh mẽ. Ở châu Á, Nhật Bản là một ví dụ điển hình trong việc học tập khoa học kĩ thuật, văn minh phương Tây để chuyển mình thành công nhờ vào nền tảng văn hóa đọc vững chắc. Trước khi mở cửa giao lưu với phương Tây (1854), và tiến hành Duy tân Minh Trị (1868), Nhật Bản đã có hàng trăm học giả đọc thông viết thạo các ngôn ngữ phương Tây (Hà Lan, Anh…) và tỉ lệ người dân biết đọc, viết ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto rất lớn. Nhờ vậy, trong vòng 30-50 năm sau khi mở cửa người Nhật đã nhanh chóng học được những gì tinh túy nhất của phương Tây lúc bấy giờ như kĩ thuật đóng tàu biển, kĩ thuật đường sắt, pháo binh, luyện kim, cùng cách thức quản trị xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục…

Trong bối cảnh thế kỉ 21 này, ta cũng dễ dàng nhận ra rằng những nước có nền kinh tế phát triển cao, với hàm lượng tri thức lớn đồng thời cũng là những quốc gia có văn hóa đọc rất mạnh.

Đối với cá nhân, trong thời đại kĩ thuật số khi thông tin trở nên phong phú, đến từ nhiều nguồn, dễ dàng tiếp cận bằng nhiều phương thức khác nhau, năng lực đọc để lựa chọn, tiếp nhận, xử lý, tái cấu trúc thông tin theo mục đích càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thiếu năng lực này, cá nhân sẽ trở thành người tiêu thụ thông tin thuần túy và bị rơi vào trạng thái “nghẹn” thông tin.

Xã hội biến đổi ngày một nhanh cũng khiến cho các kiến thức học được trong trường học nhanh chóng trở nên lạc hậu và đòi hỏi khả năng thích nghi nhanh, ứng biến linh hoạt trong cuộc sống. Vì vậy, tự học và học tập suốt đời trở thành hoạt động sinh tồn của con người hiện đại. Đọc sách bởi thế sẽ là phương thức cơ bản nhất giúp cá nhân có thể tự học và học tập suốt đời.

Những khó khăn của hiện tại

Mặc dù khuyến đọc có ý nghĩa lớn lao như trên, nhưng trên thực tế việc tiến hành các hoạt động khuyến đọc không phải là chuyện dễ dàng. Khó khăn đến từ rất nhiều phía.

Trước hết là trong tâm tưởng của người Việt “khuyến đọc” là một chuyện xa lạ. Xét về mặt thuật ngữ, “khuyến đọc” là một từ có lẽ cũng mới được dùng phổ biến trên dưới 20 năm trở lại đây. Người Việt từ rất lâu đã tách bạch giữa “khuyến học” và “khuyến đọc” cho nên ta sẽ khó tìm thấy sự xuất hiện của “khuyến đọc” trong các văn bản liên quan đến giáo dục, văn hóa trước.

Ở châu Á, từ rất sớm Nhật Bản đã có những chính sách vĩ mô ưu tiên cho văn hóa đọc và ngay khi bước vào thế kỉ 21, dựa trên các nghiên cứu về tình trạng “xa rời văn hóa đọc” họ đã có ngay “Luật chấn hưng văn hóa đọc” (2005), “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2011), Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc (ban hành định kì 2-3 năm một lần), phong trào Book Start (tặng sách cho trẻ em chào đời tại Nhật Bản)…

Trong khi đó Việt Nam xuất phát chậm hơn. Chúng ta mới có Luật thư viện (2019), Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (2017)…

Đi sâu vào từng phương diện ta sẽ thấy nhiều vấn đề, nhiều khó khăn hơn nữa. Chẳng hạn hệ thống thư viện công tuy được xây dựng lại rộng rãi, đẹp nhưng luôn ở trong tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, thiếu vắng bạn đọc đến đọc và mượn thường xuyên. Các nhà văn hóa thôn xã, các trung tâm học tập cộng đồng không có thư viện đúng nghĩa và hoạt động hiệu quả. Ngay ở các nhà trường nơi lẽ ra phải đọc sách nhiều nhất, thường xuyên nhất thì rất nhiều trường đã chỉ có “thư viện” tồn tại trên danh nghĩa. Sách trong thư viện trường chỉ là sách giáo khoa cũ, sách tham khảo phục vụ soạn bài, đóng cửa thường xuyên, không có các hoạt động khuyến đọc…

Cần biến văn hóa đọc trở thành một “tiêu chuẩn cộng đồng”

Để xây dựng được văn hóa đọc cho quốc gia công việc sẽ nhiều như núi. Chúng ta cần can đảm nhìn vào truyền thống và hiện thực từ đó cùng nhau giải quyết. Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách vĩ mô để thúc đẩy khuyến đọc sao cho “văn hóa đọc” trở thành một “tiêu chuẩn cộng đồng”.

Ngành văn hóa, thông tin, giáo dục phải nỗ lực biến các hoạt động khuyến đọc từ chỗ là “kỉ niệm”, “phong trào” thành thực chất, thành nội dung công việc tiến hành thường xuyên, đều đặn mỗi ngày.

Đặc biệt, cần phải cải cách giáo dục mạnh mẽ, thực chất để việc học gắn liền và dựa trên nền tảng của việc đọc. Cần mạnh dạn công nhận quyền tự chủ của giáo viên, nhà trường trong xây dựng nội dung học tập và lựa chọn phương pháp hướng dẫn học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ sử dụng các giáo tài khác nhau cho học sinh đọc, phân tích, suy ngẫm. Việc dạy và học loanh quanh với nội dung sách giáo khoa sẽ không kích thích được việc đọc sách. Kiểm tra đánh giá cũng cần hướng trọng tâm vào các năng lực như tư duy phê phán, đọc hiểu, phân tích-xử lý thông tin, biểu đạt thay vì ghi nhớ thuần túy hoặc viết lại thông tin theo hướng diễn giải được định sẵn (kiểu văn mẫu). Cần làm cho thư viện hoạt động hiệu quả với đầu sách phong phú, phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh, giáo viên thay vì có đủ tiêu chuẩn công nhận trường chuẩn quốc gia hay đối phó với thanh tra, kiểm tra. Thư viện và nhà trường phải tiến hành các hoạt động khuyến đọc thường xuyên, hiệu quả.

Đối với từng cá nhân công dân, cần giác ngộ sâu sắc về vai trò của văn hóa từ đó tùy theo hoàn cảnh, năng lực mà tham gia khuyến đọc như giúp xây dựng thư viện nhà trường, tủ sách lớp học, thành lập thư viện-tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng, lập các quỹ khuyến đọc, khuyến học… Những hoạt động như tặng sách cho người thân nhân dịp sinh nhật, đám cưới, tân gia, mừng tuổi năm mới… cũng là các hoạt động khuyến đọc vi mô có hiệu quả và thiết thực.

***

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh đã dịch và viết trên 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu có thể kể như:

– Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Thư nhà…

– Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

– Giải thưởng: Giải Sách hay 2020 dành cho cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản”.

NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

Báo Lao Động 4.2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *