Không kịp tạm biệt – Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

Vanvn- Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang là hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 02.7.1987, cử nhân viết văn, hiện sống tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Các tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang đã ấn hành: Tập truyện thiếu nhi Cỗ xe mây (NXB Kim Đồng 2010), Truyện dài thiếu nhi Khi không còn bà (NXB Kim Đồng 2010), Tập truyện ngắn Giặc bên ngô (NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2011), Tập truyện ngắn Chỉ cần nhắm chặt mắt (NXB Văn Học 2013), Tập truyện ngắn Ký ức miền quê (NXB Quân Đội Nhân Dân 2014), Tập tùy bút Thương nhớ đồng quê (NXB Quân Đội Nhân Dân 2016), Chiều nay có một cuộc hẹn (NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2017), Chỉ thấy mây trời (NXB Kim Đồng 2017), Bình yên bóng mẹ (NXB Kim Đồng 2018), Tập truyện ngắn Cánh sóng mùa xuân (NXB Hồng Đức 2021), Tập truyện ngắn Bố tôi (NXB Đồng Đức 2021), Tập truyện ngắn Đô thị ảo (NXB Hồng Đức 2021), Tập truyện ngắn Nơi không có hoa đào (NXB Hồng Đức 2021), Truyện thiếu nhi Hái trăng trên đỉnh núi (NXB Kim Đồng 2021).

Vũ Thị Huyền Trang đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn và thơ chủ đề ‘‘Người đô thị’’ do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức 2014-2015, Giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn “Dấu ấn quê hương” do HVHNT 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai tổ chức năm 2018, Giải Nhì Cuộc thi Truyện ngắn Báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh 2009, Giải Nhì Cuộc thi viết ‘‘Một chuyến đi’’ do Báo Thể Thao và Văn Hóa tổ chức 2009, Giải Nhì Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật ‘‘Hải Phòng – Khát vọng vươn lên’’ do Thành ủy Hải Phòng tổ chức 2019, Giải Tác giả trẻ Giải thưởng văn học 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và một số giải thưởng khác.

Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang

Hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam 2022:

>> Thơ Lê Minh Vũ: Chợt thấy mình bé nhỏ giữa mênh mông

>> Ca nương – Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến

>> Thơ Nguyễn Trung Nguyên: Bây ráng học để làm người nhân nghĩa

>> Ôi ngát hương thời gian – Tuỳ bút của Huỳnh Dũng Nhân

>> Thơ Huỳnh Thúy Kiều: Rót lòng mình vào chập chùng sương khói

>> Ráng chiều cù lao – Truyện ngắn Tống Phước Bảo

>> Tượng đồng – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hà

>> Thơ Cao Nguyên Quyền: Mặt giấy mọc nghiêng mầm buồn

>> Lưỡn – Truyện ngắn của Trịnh Đình Nghi

>> Thơ Bùi Việt Phương: Cây lên xanh nhận đất giữ biên thùy

>> Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng – Truyện Đào Thu Hà 

>> Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò”

>> Thơ Huỳnh Văn Quốc: Từ trong giá lạnh khơi nguồn mùa sau

>> Hoàng hôn có nắng – Truyện ngắn Hoàng Thị Trúc Ly

>> Thơ Bùi Minh Vũ: Gọi rẫy thiêng liêng như tên buôn, tên vợ, tên chồng

>> Cuộc phiêu lưu của Poly – Truyện ngắn của Hồng Cư

>> Thơ Nguyễn Phong Việt: Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió

>> Một chuyến hoa xuân – Truyện ngắn Trác Diễm

>> Hai truyện ngắn thiếu nhi của Lê Đức Dương

 

Bạc ngồi dựa lưng vào trụ cầu, ngửa cổ lên trời nhìn dòng xe qua lại, hỏi Phi:

– Đố em biết tại sao trước khi nhảy cầu tự tử họ thường bỏ dép ra?

– Hả? Thì như một phản xạ tự nhiên thôi. Hoặc là bỏ dép ra trèo cầu cho dễ. Hoặc là để đó cho người thân biết mình tự tử mà tìm vớt xác. Mà tại sao tự nhiên anh lại hỏi chuyện đó?

Phi gọi Bạc là anh. Bạc rất nhiều anh chị em kiểu đó. Sống cùng trong một nhà dù chẳng máu mủ gì. Phi gọi mẹ Bạc là dì. Bạc gọi cha Phi là dượng. Cho đến bây giờ mẹ đã bảy đời chồng. Gọi vợ chồng cho sang chứ thật ra chẳng cưới hỏi gì. Vui thì ở với nhau, hết vui thì mỗi người mỗi ngả. Mẹ không sinh thêm đứa con nào ngoài Bạc. Chồng của mẹ thì có khi nheo nhóc năm, sáu mụn con. Bữa cơm đầu tiên ngồi với nhau sẽ phân chia xem đứa nào nhiều tuổi làm anh, ít tuổi là em. May thay tụi Bạc đều hòa thuận, dễ thích nghi và chấp nhận nhau. Mẹ về ở với toàn người nghèo nên chẳng lo chia chác tài sản. Đến bữa nhiều khi chỉ có nồi cơm độn, xới mỗi người một bát thì đến đáy. Nghèo nên dễ thương nhau, có củ khoai lang sống cũng bẻ ra chia. Hồi mẹ về ở với dượng sáu trong căn nhà lụp xụp dưới chân cầu Long Biên, tâm trí Bạc còn đang nằm trên núi. Ở đó có cái Hân, thằng Dí, dượng năm. Hàng ngày Bạc dậy từ ba giờ sáng cùng dượng năm mổ lợn cho mẹ mang đi chợ bán. Cái Hân, thằng Dí trước khi đi học phải làm xong dồi lợn, nhặt xong trứng vịt ngoài chuồng. Hôm nào mổ lợn dượng năm cũng để lại ít lòng gan luộc lên nóng hổi bảo Bạc “ăn đi con”. Mấy bộ quần áo trông ra gì nhất của Bạc cũng là dượng năm mua.

Trong bốn năm ở cùng nhà có vài lần Bạc ốm. Người nấu cháo hay vội vàng chạy đi mua thuốc không phải là mẹ. Hai đứa em nhỏ đứng ngay đầu giường lo lắng hỏi anh đỡ đau chưa? Có ăn thêm cháo không? Cái Hân mới hơn bốn tuổi thấy Bạc nằm liệt giường, người run lập cập thì òa khóc “bố ơi anh ấy sắp chết rồi”. Tối đến tụi nhỏ bám lấy Bạc, ngủ lăn lóc sau khi thò đầu qua cửa sổ ngắm trăng. Chúng thường năm nỉ Bạc rủ rỉ kể về cuộc đời mình. Đã đi những đâu? Sống trong những ngôi nhà thế nào? Có nhớ những người anh em cũ hay không? Có khi vừa kể Bạc vừa khóc. Tụi nhỏ lau nước mắt cho Bạc. Chúng hỏi: có khi nào sau này anh em mình cũng phải xa nhau? Bạc bảo “không” nhưng trong thâm tâm biết rằng ngày đó chắc cũng sắp đến rồi. Vì mẹ bắt đầu chán ngồi một chỗ bán thịt lợn mà đòi đi buôn. Thỉnh thoảng mẹ bắt tàu xuôi xuống Hà Nội lấy hàng về bán. Bạc biết đó chỉ là cái cớ. Tính mẹ không chịu đựng được sự yên ổn. Rồi mẹ sẽ ra đi…

“Thực và mơ xa vời khoảng cách”, thơ Quang Hoài

Một buổi sáng mẹ lôi Bạc kéo phăng đi. Lúc ấy hai đứa nhỏ đang lúi húi ngoài chuồng vịt còn dượng năm mới chở thịt lợn ra chợ bán. Như những lần trước, Bạc không kịp mang theo đồ đạc gì cũng chẳng kịp chào tạm biệt ai. Như một cuộc trốn chạy. Bạc giằng tay khỏi mẹ. Bạc không muốn rời khỏi nơi đó. Nhưng Bạc biết mình chẳng bao giờ là lí do buộc mẹ lại một nơi nào đó. Nếu buông ra, mẹ sẵn sàng để Bạc lại nơi này. Nước mắt Bạc rơi xuống nắm lá bỏng vừa kịp tuốt ở hàng rào nhà cũ. Bạc đã có bao nơi gọi là “nhà cũ”? Có bao người đã trở thành cố nhân? Hai từ “cố nhân” là Bạc nghe trong một bài hát nào đó mà người ta vẫn bật rền rĩ mỗi ngày ở xóm chân cầu. Nơi đây buồn quá. Buồn đến mức không có cách nào vui lên được. Những căn nhà lụp xụp dựng kế bên nhau, dựa vào nhau mà tồn tại. Tưởng như nếu căn này sập xuống thì những căn khác cũng sập theo.

Ở đây người ta có thể nhìn thấy bầu trời chói chang nắng trên cao nhưng chẳng hiểu sao đập vào mắt Bạc lúc nào cũng là màu xám xịt của những tấm bờ rô xi măng cũ. Chẳng tấm nào lành lặn, không vỡ chỗ này cũng mẻ chỗ kia. Nhà ở đây được vá víu, đắp đậy bằng cả những tấm gỗ ép nhặt nhạnh đâu đó. Chúng mỏng manh đến mức tưởng như nắng có thể xuyên thấu hoặc vài hạt mưa rơi xuống cũng có thể làm tấm gỗ vỡ tung. Mùa hè thì nóng hầm hập. Mùa đông gió thổi tái tê. Gió luồn qua những rặng chuối len lỏi vào từng ngõ ngách trong xóm nghèo này. Phi đi làm về thường lệt xệt kéo theo khi thì tấm bạt quảng cáo liveshow của một ca sĩ nào đó, khi thì mấy chiếc tải đựng thức ăn gia súc, hoặc biển quảng cá giảm giá của siêu thị điện máy, cửa hàng thời trang. Phi quăng nó lên mái nhà, chằng buộc cửa sổ, cửa chính để che chắn gió. Những ngày mưa buồn Bạc nằm nhà nhìn không chớp mắt vào những dòng chữ giăng mắc khắp nơi. Bạn của nhà nông, sinh đẻ hai con gia đình hạnh phúc, sim số đẹp, sổ số kiến thiết ích nước lợi nhà, café ngon hơn người yêu cũ… Vài chữ đã bạc dần theo những cơn mưa. Bạc như đời người vậy.

Đêm đến cả nhà ra chợ Long Biên kiếm sống. Mẹ tìm nguồn rau củ rẻ, lấy về bán lại trong một khu chợ tạm. Bốn rưỡi sáng là mẹ chất hàng lên xe, có khi rau củ cao quá đầu người. Mẹ vội vàng rời chợ đầu mối để kịp đến chợ tạm lúc trời vừa kịp sáng. Mấy bố con Bạc nhận làm cửu vạn trong chợ. Ai thuê gì làm lấy, bốc xếp, thồ hàng, chẳng lo hết việc. Nghe nói mẹ quen dượng sáu cũng ở chợ này, rồi kéo tuột Bạc về thủ đô. Mẹ gọi đó là cuộc “cách mạng” số phận. Bạc phì cười. Ở trên rừng còn có lúc tâm hồn thảnh thơi, ngó một tán cây cũng thấy lòng dịu lại. Rừng núi bao la, lòng người rộng mở. Về đây Bạc hay thấy ngạt thở giữa đêm. Đang ngủ phải vục dậy mở cửa chạy ra ngoài, ngửa cổ lên trời như con cá đớp oxi để thở. Xuống phố chẳng có buổi sáng nào mẹ kịp soi gương. Bạc cũng chẳng kịp có thời gian ngắm bình minh, nghe tiếng chim hót, nghe lá lao xao. Sáng nào Bạc cũng lết về nhà bằng thân xác mỏi mệt. Đổ ập xuống giường chẳng kịp tắm gội gì. Mê man chìm đi giữa những âm thanh từ phía cầu vọng lại. Bạc thấy thân xác mình nằm đây nhưng hồn vía mình thì neo theo chuyến tàu ngược về với những miền đất cũ. Gặp lại cái Hân, cái Dí, anh Hậu, chị Cần, dượng ba, dượng bốn… Đông đủ những mặt người lướt qua vùng kí ức.

Những người đàn ông từng đi qua đời mẹ ôm chầm lấy Bạc. Con lớn thế này rồi à? Con được học nghề gì? Công việc giờ ra sao? Đã thầm thương trộm nhớ ai chưa? Có nhớ chỗ này ngày xưa dượng và con hay ngồi bện chổi, đan rổ rá hay không? Họ đều già mất rồi. Đầu họ hai thứ tóc. Họ hỏi Bạc về mẹ. Hỏi ngày xưa tại sao tự nhiên hai mẹ con bỏ đi không nói câu nào? Quần áo còn để đây, vẫn cất kĩ trong hòm mà chờ mãi không thấy người quay lại. Bạc khóc như đứa trẻ khi thấy trên cửa sổ của căn nhà cũ vẫn còn treo con quay mà mình đẽo từ mẩu gỗ nhặt được ngoài đường năm mười hai tuổi. Tụi nhỏ đứa níu áo, đứa nắm tay. Anh Bạc còn nhớ cách làm con trâu bằng lá mít không? Nhớ cách làm diều không? Trung thu này anh làm cho tụi em cái đèn ông sao khác nhé? Cái cũ năm 2017 nhà cháy thiêu rụi tất cả rồi. Em định lao vào đám cháy cứu cái đèn lồng của anh làm mà bố níu tay chặt quá. Bố cứ quả quyết tin rằng rồi anh sẽ trở lại. Thế mà em lại nghĩ anh đã quên tất cả ở nơi này. Tụi nhỏ níu Bạc lại ăn chung một bữa cơm. Hay là ngủ ở đây một đêm để ôn chuyện cũ. Tụi em nhớ hết đấy, kể cả lần đầu tiên dì dắt anh bước qua cửa vào nhà. Anh lơ ngơ, đen thui, tay cầm nắm cỏ gà. Anh biết không tụi em thương anh ngay từ lần đầu ấy. Lúc tỉnh giấc Bạc thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt mình. Mấy lần Bạc tính hỏi mẹ có khi nào nhớ họ không? Nhưng rồi lại sợ phải nghe câu trả lời từ mẹ. Mẹ không có thời gian để nhớ thương những thứ đã qua. Mẹ chỉ cần biết ngày mai sẽ thế nào?

– Có thể vì họ không muốn mang theo bất cứ thứ gì. Kể cả một đôi dép. Nhẹ bẫng mà đi.

Bạc nhìn xuống đôi dép da đang đi dưới chân mình bất chợt mỉm cười. Từ hồi về đây sống Bạc vài lần nhìn thấy người ta định gieo mình xuống sông tự vẫn. Có người được níu lại, có người không. Giữa đám đông hiếu kì ngó xuống dòng sông, chẳng hiểu sao Bạc luôn nhìn vào đôi dép được bỏ lại trên cầu. Một đôi giày cao gót lấp lánh, đôi dép lê đã mòn vẹt đế, đôi giày da hình như mới được chủ nhân lau chùi bóng lộn. Mỗi đôi giày, đôi dép đều có số phận của mình.

– Em chẳng hiểu tại sao họ lại không muốn sống? Em thì chẳng bao giờ nghĩ về cái chết. Vì để cho em sự sống, mẹ em đã mất trên bàn đẻ.

Bạc không nói gì. Dạo này Bạc hay mường tượng ra cảnh mình bay xuống dòng sông. Như thước phim quay chậm, Bạc thấy mình được bay về miền kí ức. Từ lúc được ngồi sau xe bố trôi qua cánh đồng lúa chín vàng. Những con muồm muỗm bay lên, chuồn chuồn bay xuống. Bố hứa sẽ làm diều cho Bạc thả khi nào lúa gặt hết. Thế rồi bố chỉ còn là nấm mộ nằm lại nghĩa trang đìu hiu gió. Bố ra đi trong một vụ đắm đò, không kịp chào tạm biệt với ai. Không lâu sau mẹ lấy chồng. Dượng đầu có nốt ruồi đằng sau gáy. Thỉnh thoảng uống rượu say dượng hay khóc. Dượng thương Bạc lắm, chẳng đánh mắng bao giờ. Hôm Bạc đi dượng còn chưa tỉnh rượu. Rồi dượng hai, dượng ba, dượng bốn chẳng biết ai còn nhớ đến Bạc không. Bạc bay mãi bay mãi, mặt nước cứ lấp lánh gọi mời trước mặt. Các em ơi, anh Bạc đang về với các em đây. Anh sẽ thăm từng đứa. Thực hiện hết những lời hứa vẫn còn dang dở. Nhưng Bạc cứ bay mãi mà không thể nào trầm mình xuống dòng sông được. Bạc muốn biết khi úp mặt vào dòng sông ấy có phải người ta sẽ quên đi mọi thứ hay không. Bạc đi lên cầu, đưa mắt ngắm xóm nghèo từ trên cao mới thấu hết những phận đời chấp vá. Dượng sáu ngủ li bì sau một đêm dốc hết sức mình cho những kiện hàng để nhận về mấy trăm tiền công. Phi có lẽ đang đeo tai phone nghe nhạc. Mẹ còn mải tính tiền chợ sáng nay lời lãi thế nào.

Bạc để lại đôi dép da của mình. Đôi dép ấy mẹ mua trong một shop ven đường vào chính hôm bỏ trốn khỏi nhà dượng năm. Hôm ấy mẹ lôi tay mạnh quá khiến Bạc đánh rơi đôi dép giữa đường. Phi từng nói rất thích đôi dép này. Phi ướm thử một lần trông vừa vặn lắm. Còn bây giờ Bạc muốn cùng đôi chân trần của mình chu du một chuyến…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *