Không chỉ thức giấc với mùa thu

Vanvn- Nguyễn Thế Yên sinh năm 1958, hiện đang sống tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Anh là hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ. Anh đã xuất bản 4 tập thơ và đạt được nhiều giải thưởng của Hội VHNT tỉnh từ các năm 2011 đến nay.

Năm 2011, tôi tham dự Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ VIII. Trong chuyến về nguồn, đoàn văn trẻ có đến Phú Thọ, đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp anh. Người gầy, lãng tử với điểm nhấn là mái tóc dài vừa chấm xuống đôi vai rộng. Chỉ chục phút ngắn ngủi trò chuyện, đọc thơ, tặng thơ, tôi bị gây ấn tượng bởi một giọng thơ rất mới, rất lạ… Tôi còn nhớ, hồi anh đọc bài thơ “Em và mùa thu” của tôi, anh đã “mạo muội biên tập” cho tôi một chữ cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. “Em ập vào mùa thu/ Mùa thu cõng em đi/ Mải miết”. Là chữ “ập”. Và trong mỗi tập thơ của anh luôn gây cho tôi những ám ảnh khôn nguôi.

Tập thơ “Thức giấc với mùa thu” của Nguyễn Thế Yên

Vừa qua, tôi nhận được tập thơ mới xuất bản của anh “Thức giấc với mùa thu” – NXB Thanh Niên. Sách dày hơn 90 trang. Bìa sách là chiếc lá thu vàng với mấy phiến lá xanh non nhỏ xíu nhú lên. Điều này khiến cho tôi liên tưởng đến mùa thu trong sách xưa, tích cũ đã từng luận về sự sinh trưởng của bốn mùa. Đâu chỉ đẹp và gợi lên tính nhân văn nên khi xử trãm các tội nhân thường tiến hành vào cuối thu. Hay có phải vì thế mà thu luôn man mác buồn. Một năm có bốn mùa. Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở. Mùa hạ là mùa kết trái. Mùa thu là mùa quả ngọt, mùa thu hoạch. Mùa đông là mùa của ẩn tàng, trái, hạt, mầm non, nằm trong lòng đất chờ tái sinh. Kể cả dùng lưỡi đao để hành hình, người ta cũng chọn mùa thu, con đường đẹp nhất, ngắn nhất trong vòng luân hồi để cho tội đồ sám hối, quay đầu tìm nẻo thiện để tái sinh vào mùa xuân. “Lá nằm run rẩy/ ủ lòng sâu/ cho những bắt đầu mùa…” (Vườn khuya).

Hình ảnh lá thu vàng xào xạc có thể nói đó là một hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ khi nói về mùa thu trong các tác phẩm văn học. Nguyễn Thế Yên cũng có hình ảnh những chiếc lá xào xạc trong rừng thu. “Em lớn lên tôi chưa kịp ngỡ ngàng/ Đã vội gói nụ cười em ra trận/ Bao nhiêu năm băng rừng ngủ võng/ Xào xạc nào cũng xào xạc vườn em”. Nhưng “xào xạc” trong bài thơ “Cây trám nhà em” của Nguyễn Thế Yên vô cùng độc đáo. Dùng từ cũ nhưng sức gợi rất mới. Tác giả dùng động từ “xào xạc” nhưng khi đọc ta lại thấy nỗi nhớ dâng lên da diết. Thi ảnh như thế mà không độc, không lạ thì chỉ có thể là độc giả quá khắt khe.

Có thể nói, cách sử dụng từ của Nguyễn Thế Yên rất ấn tượng. Chỉ một từ thôi làm cho người đọc suy nghĩ, liên tưởng đến một hình ảnh, một cảnh tượng, hay thậm chí một trường cảm xúc của nhân vật, cái mà người viết thường khó dùng từ để diễn tả cho thật hay.

Thế mới biết cái khờ khạo nhất/ Là cái khờ của kẻ luỵ tình/ Yêu rất nhiều muốn trao nhiều lắm/ Môi, môi kề cái mặt lại thộn ra”. Chữ “thộn” trong bài thơ Nụ hôn đầu là một ví dụ. Trong ngữ cảnh này cái mặt ngây ngô, có vẻ đần độn, khi đã đến lúc chín muồi chuẩn bị bày tỏ tình cảm “chốt hạ” đối phương thì lại thừ ra, “ngu đột xuất”. Chỉ một chữ thôi cũng đã làm cho ta nhập tâm vào nhân vật, chia sẻ cùng nhân vật, tiếc nuối cùng nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Hai kẻ đương thì quấn quýt bên nhau/ Bơi, bơi mãi vờn nhau như đôi cá/ mỗi người ôm một bờ cong mộng mị/ hai kẻ khờ – đơn độc thở vọng nhau…” Cũng mô típ trên, chữ “vọng” trong bài thơ “Tìm em ngày cũ” cho ta thấy sự đơn độc dâng lên tột đỉnh. Thường thì có nhau, cùng nhau là không thấy cô đơn, hoặc làm giảm bớt đi sự cô đơn. Nhưng “thở vọng nhau” trong câu thơ trên thể hiện sự cô độc nhân lên nhiều lần khi hai kẻ yêu nhau cùng nhau “thở vọng nhau”. Cũng là cùng nhau nhưng cùng thở vọng nhau thì quả thật là đau, thật là buồn, thật là cô đơn.

Nhà thơ Trần Nhã My – tác giả bài viết

Chúng ta cùng đọc chữ “rúm” trong bài thơ “Mộc mạc cao nguyên”. “Những em bé đầu trần chân đất/ Ngơ ngác nhìn, nhút nhát dạ thưa/ Chú chó nuôi quẩn quanh chân khách lạ/ xởi lởi mẹ cười rúm cả nếp thời gian”. Nghĩa của “rúm” là thu nhỏ, méo mó, biến dạng, thường dùng để diễn tả sự sợ hãi, chân tay co rúm, hay rúm người lại. Nhưng ở đây, tác giả dùng để diễn tả nếp nhăn của mẹ. Cái cười “rúm” nếp thời gian có lẽ chỉ có ở Nguyễn Thế Yên.

Đối diện đêm mới biết đêm tri kỷ/ đối diện đêm hiểu đời sống rộng dài/ đối diện đêm cởi cái tôi dần nhỏ/ đối diện đêm ta sống người hơn”. Những câu thơ này trích trong bài “Đối diện đêm”. Đọc qua chắc hẳn bạn cũng đoán được tôi muốn “chắt” từ nào trong đây? Đúng vậy. Từ “cởi”. Không phải cởi quần, cởi áo, cởi giày… mà là “cởi cái tôi”. Cách sử dụng từ như thế này thật không thể có ở bất cứ ai khác.

Ngoài ra, Nguyễn Thế Yên còn dùng từ có âm điệu gần giống nhau vừa để tạo hình, vừa tạo nhịp điệu cho thơ. “Sóng dữ chùng cơn/ kẻ thù chùn bước/ Dềnh mình đảo xanh” trong bài “Chuông vọng từ đảo xa”.

Còn trong bài thơ “Lỡ phiên chợ tình” ta bắt gặp từ “vịn”. Vịn là gần nghĩa bá vào, tựa vào, chống hoặc tì vào cái gì đó có thể giúp chúng ta giữ thăng bằng. Đằng này Nguyễn Thế Yên lại viết “Duyên lỡ/ chợ tình lỡ nhau/ em ngồi vịn gió phía đèo không anh”. Vịn vào gió. Gió ở phía đèo. Mà phía ấy không anh nữa chứ! Thật là “đặc sản” Nguyễn Thế Yên.

Còn rất nhiều những từ như thế trong thơ Nguyễn Thế Yên tôi không đưa ra hết, mà chờ độc giả phát hiện và cảm nhận. Xin trân trọng cảm ơn tác giả Nguyễn Thế Yên đã tặng tập thơ “Thức giấc với mùa thu” đã làm cho tôi trăn trở suốt cả bốn mùa trong tập sách chứ không chỉ với mỗi mùa thu.

TRẦN NHÃ MY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *