Khoảng trống khó lấp

Vanvn- Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã khép lại năm Canh Tý tốt nhất mà nó có thể. Tám năm trước, năm 2013, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn ông Nguyễn Trí Huân về nhậm chức tổng biên tập, Tạp chí nợ nhiều khoản tiền. Tám năm sau, trước khi chia tay chúng tôi phấn khởi với một cái Tết không đến nỗi ngượng với người nhà. Vui nhất là sạch nợ. Những tác giả chưa nhận nhuận bút, chúng tôi cộng dồn thành một con số rồi để lại tài khoản số tiền kèm danh sách nhờ Ban biên tập mới trả hộ.

Nghỉ Tết Tân Sửu xong, sáng hôm sau sẽ là ngày đầu tiên mà tôi không đi làm; tối hôm ấy có một chút buồn vẩn vơ. Nó khác với 12 năm trước, khi tôi nhận sổ hưu từ báo Nông nghiệp Việt Nam. Hồi đó tôi còn khỏe mạnh, lòng đầy hăm hở với những dự định sáng tác. Và sống. Nhưng rồi vì nể mà sang làm website của Hội Nhà văn Việt Nam. Không làm được nhiều nhặn gì. Có một tí ti dấu vết là thay tên miền hoinhavan.com thành vanvn.net. Là bởi cái oái oăm của tiếng Việt, khi viết hoinhavan thì nhiều người sẽ đọc ngay thành “hoi nhà văn”. Đằng khác “chấm org” hay “chấm vn” là cùng, chứ sao lại “chấm com?” Ở các nước, người ta ít lập website cá nhân mà chỉ có các công ty (company) cần giao diện trên mạng để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và bán hàng nên các nhà lập trình dùng “com” sau dấu chấm (.com) với tên miền của các công ty cho tiện. Còn tên miền là hoinhavan.com thì đối với thế giới, đây là website của một công ty nào đó chứ không phải là giao diện của văn chương một nước.

Nỗi buồn sau Tết Tân Sửu vẩn vơ ngay cả khi tôi bắt đầu làm việc, tại nhà.

Nhà văn Văn Chinh

Mươi năm trước, tôi đã xin nghỉ làm ở vanvn.net để viết. Đã không có nỗi buồn vẩn vơ nào xuất hiện sau cái Tết Nhâm Thìn. Tôi dành mấy tháng đầu viết tiếp những tiểu luận về các nhà thơ hàng đầu, cho đủ bản thảo cuốn Đa cực và Điểm đến đưa xuất bản. Sang năm 2013 thì bắt đầu cuốn tiểu thuyết tự truyện của đời mình, Nằm ngửa đấm với. Viết rất nhanh, ngày trung bình viết bốn năm nghìn chữ, có ngày sáu nghìn. Say sưa, sảng khoái và đầy hăm hở. Cho đến trang 700 thì tắc. Tự truyện dễ viết, cái khó nhất là cấu trúc thì đã được định mệnh bố cục giúp; tôi có cảm giác như có người lôi mình lại mỗi khi muốn vượt thoát khỏi những ràng buộc, thậm chí là cú đấm từ trước mặt. Tôi nghiệm ra rằng, ai cũng cảm thấy đời người có số, nhưng người có cá tính mạnh thì cảm nhận nó rõ hơn. Tuy nhiên, tự truyện cũng có cái khó. Cái xấu cái dở của anh, anh thoải mái kể; vậy còn nhân vật có vai vế trong gia đình, ví dụ như bố anh, anh sẽ kể thế nào để em anh, con cháu anh chấp nhận? Tôi tự nhủ, tránh đi cho nó lành. Tránh né tức là phải loanh quanh, vòng vo. Đó là những trang nhạt nhòa, gắng gượng. Tiểu thuyết ở ta, tập hai thường dở hơn tập một – chả lẽ mình lại thêm một ví dụ nữa? Tôi bực mình bỏ đấy.

Giữa lúc tắc tị thì ông Nguyễn Trí Huân gọi sang làm Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Tôi sang liền. Tức là liền một mạch từ đấy tiểu thuyết của tôi ngủ lịm trong máy. Và liền một mạch đầu óc thì giờ của tôi bị cuốn vào công việc, không hở lúc nào để cái buồn lẻn vào làm tổ.

Như lúc này.

Mở Nằm ngửa đấm với ra đọc lại. Đọc xong, việc đầu tiên là tôi xóa 200 trang cuối, xóa – delete không thương tiếc. Nhưng cả tuần ngồi trước màn hình trống mà không viết được dòng nào. Trong đầu tôi cũng trống rỗng y như màn hình laptop. Tôi bắt đầu lo lắng. Dăm năm trước, tôi bị tiền đình, các cháu đưa vào bệnh viện vì sốt mà nôn nên bác sĩ đưa vào chụp cắt lớp. Họ bảo não của bác đã teo 10%. May là không bị tổn thương, ví dụ xuất huyết não. Như thế, đến 2021 này có thể đã teo thêm 10% nữa. Dưới hộp sọ của tôi bây giờ là khoảng trống sẽ không ngừng lớn lên, rộng ra. Một khoảng trống chứa đầy thán khí, những xác tế bào não chưa được vận chuyển theo tuần hoàn mà thải ra ngoài. Nó “tồn kho”, ứ trệ trong cái khoảng mà khi còn trẻ tôi đã tung hoành nghĩ ngợi và tưởng tượng; nghĩ ngợi và sáng tạo. Tôi có cả đống bệnh nền: cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Tôi sợ là không thể viết xong nổi cuốn sách đời mình. Tôi cứ ra ra vào vào, hết pha chè rồi châm thuốc lá, ra balcon ngâm ngợi Nazim Hikmet:

Xưa tôi như cửa sổ con tàu

Nay chỉ là thềm ga lát đá

Thế rồi, chính cái tiếc nuối một thời sôi nổi đã đẩy tôi đến nhận thức: tuổi trẻ của tôi đã bị sử dụng lãng phí, đã được ném vào các toan tính nhảm nhí hão huyền mà không để lại được mấy dấu vết đủ để làm chứng rằng tôi đã sống từng ấy năm.  Tôi hiểu rằng có thể không làm một số việc thì cuộc đời cũng chả bớt cái có. Tôi bắt đầu “kê dọn” lại ký ức, bỏ đi nhiều quy phạm tư duy; cũng buông bỏ nhiều chấp nhặt cũ, thói quen phán xử hay cật vấn cũ. Nhẹ nhõm hơn – vừa tầm hơn với phần còn lại của não sau teo, tôi đọc kỹ để lược bỏ bớt những dư thừa của Nằm ngửa đấm với. Cũng giảm bớt độ cay nghiệt, nghiệt ngã quá khi cắt nghĩa hành vi của các nhân vật và tôi nhận ra, 8 năm trước, tôi ác hơn bây giờ. Vừa chữa vừa ngậm ngùi thương thân, thương người và kỳ lạ thay, khi tiếp tục tiểu thuyết, tôi đã vượt qua cái tắc tị năm xưa dễ dàng đến không ngờ. Vẫn sự cố bố con căng thẳng – một sự cố khiến đời tôi rẽ về hướng khác hẳn với xiết bao cay đắng, vẫn những cử chỉ lời nói của bố tôi viết năm xưa mà bây giờ viết ra đọc lại cứ nhẹ như không; lại vẫn chứa chan tình phụ tử. Tôi đưa cho thằng cháu đọc thử, để xem nó có cấn cá gì về nhân vật ông nội. Nó bảo không. Hóa ra, khi viết tự truyện, anh có thể nói tất cả không cần né tránh che giấu; miễn là thái độ của anh là thế nào đối với các sự vật ấy, có đủ lớn để ôm chứa hay chưa. Tôi hào hứng viết tiếp. Không còn cảm giác nhớ nhớ quên quên cứ như trục vớt cái mạch cũ rêu bám trơn nhầy như khi bắt đầu lại hơn một tháng trước đó, tôi viết như lao chạy. Phải luôn đếm chữ để du di lắm cũng chỉ 3000 chữ là kiên quyết đóng máy. Não teo, nếu cứ mải miết làm việc khiến máu không kịp lên não, sẽ rất dễ đột quỵ. Nhờ vậy, Nằm ngửa đấm với đã đi đến dấu chấm hết trong an toàn mao mạch. Cũng xin nói thêm rằng, tiểu thuyết viết làm hai thời kỳ xa nhau nhưng toàn thể vẫn có được cái “nhất khí quán hạ.”

Viết xong, lòng đầy phấn khích và do đó, lại thèm viết.

Tôi có ý định từ lâu lắm rồi: Viết về Ỷ Lan Thái hậu – người đàn bà từ cô bé hái dâu đến làm vua sau rèm. Muốn bắt tay ngay vào viết để lợi dụng cái đà bút. Nhưng chợt ớ ra, chỉ có cái xác ý tưởng mà trong người rỗng rễnh thì làm sao thành tiểu thuyết? Hóa ra, cảm giác thèm viết đã đánh lừa tôi. Cụ Chekhov khuyên nhà văn “không rang cơm nguội cho bữa sáng” nếu vận vào cái dư ba hiện có trong tôi thì vừa vặn, nó chỉ là cơm nguội của một bữa ăn khác.

Nói trắng ra, tôi đang ở trong vòng kiềm tỏa cái khoảng trống đầy hiểm họa, như câu nói vui: “Về hưu tức là khoảng thời gian chờ chết.”

Tôi biết là lần trống rỗng này khó thoát hơn lần trước.

Muốn thoát nó, đầu óc tôi phải rũ sạch ngổn ngang thế sự. Nhưng thoát làm sao? Người ta – những thầy cô được chọn làm chương trình và soạn sách giáo khoa, gọi là “văn mẫu” thì chưa đúng hẳn nhưng là một thứ đọc hiểu mẫu mực và coi đó là pháp lệnh mà giáo viên học sinh phải tuân thủ. Chưa là văn mẫu nhưng là nền tảng để người ta soạn văn mẫu bán như là “sách tham khảo” cho học trò, cho thầy cô của chúng. Như thế là người ta triệt tiêu mọi ý hiểu của các thầy cô giáo – hàng vạn hàng vạn cử nhân sư phạm ngữ văn do tri thức và kinh nghiệm kinh phí đất nước đã truyền thụ và đào tạo nên họ – biến họ thành những người giữ trẻ. Là nhà văn, anh bỏ cái thế sự liên quan đến tương lai đất nước ra ngoài mọi chú tâm của anh, thì anh là nhà văn kiểu gì? Vâng, đầu này thì anh không rũ bỏ được trước ngổn ngang thế sự nhưng đầu kia thì anh cũng không thể có sáng kiến gì, giải pháp gì mà hiến góp tháo gỡ cái bùng nhùng thế sự. Mâu thuẫn này chất chồng thêm khiến khoảng trống trĩu nặng hơn trong anh.

Lại nữa, đại dịch Covid-19 khiến hàng trăm ngàn người lâm vào tình thế nguy hiểm: mất việc làm, đói ăn, nhiễm bệnh, tử vong, mồ côi cả cha lẫn mẹ; bị giãn cách xã hội, chi phí xét nghiệm với mọi lo lắng bí bách khi bị cấm túc tại nhà. Mấy đợt người vùng chạy khỏi tâm dịch, những hình ảnh hàng ngàn người tháo chạy khỏi Sài Gòn thương tâm tràn ngập facebook, tràn ngập lòng người. Lại những kiểu kiếm tiền qua các chốt, kiểu hành dân bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu rồi sinh ra kiểu lập danh sách mặt hàng thiết yếu; từ kiểu tự phát tháo chạy khỏi thành phố xong mới nghĩ ra chiêu dùng xe, dùng tàu đón dân xa xứ về quê…Lại bảo nhau mua nhiều triệu kit test covid, cho giá bán (mua 1 bán 10) rồi ra chính sách test 100% dân số…

Nó bộc lộ một trình độ quản trị xã hội không lường trước, kiểu đánh cờ tính nước một, đặt xã hội trước tình thế thụ động và tự phát. Tôi không có kế sách gì khả dĩ giúp đại dịch nhanh chóng qua đi, đành chỉ biết 5 K và giữ nghiêm chỉ thị 16 +, nghĩa là ở yên trong nhà mà xót xa thương cảm. Bất lực trước thế sự đau thương này thêm trĩu nặng, cay đắng trong cái khoảng trống kinh khủng đang chiếm cứ tôi.

Cái tỉ lệ 20% não teo cứ thản nhiên rộng ra mỗi ngày. Mấy năm trước, Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên đĩa con chim xõa cánh với dòng chữ: “Ta già rồi, tóc bạc rồi” tặng tôi. Tôi để trước mặt và ngắm hằng ngày, như lúc này đây. Chỗ rìa não teo kia là nơi chứa thán khí, những nghĩ suy vô tích sự, những dự án lực bất tòng tâm nhưng không chịu theo tuần hoàn mà thải đi. Cứ khư khư bám níu lấy phần não còn lại. Mà không phải là cái khư khư vô hại. Nó bám não để làm mồi, làm chất dẫn cho thời gian gặm dần như dác cây lấn dần phần lõi gỗ.

Cứ thế, tôi loay hoay với khoảng trống rỗng hằng ngày. Như là đánh vật. Cuốn tiểu thuyết về Ỷ Lan Thái hậu thấp thoáng ở đâu đó, có thể trên vùng não còn, cũng có thể ở trong vùng não teo, như có như không. Chỉ khoảng trống là có thực, rất thực.

VĂN CHINH

Theo Viết & Đọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *