Hữu Ước thơ

Vanvn- Trung tướng Hữu Ước viết kịch, viết truyện ngắn, vẽ tranh, sáng tác nhạc, làm phim, viết tiểu thuyết và làm thơ. Đã có nhiều bài viết về các lĩnh vực này, tôi có xem một số bài đăng trên báo viết về nhà văn Hữu Ước. Tôi chưa xem kịch, chưa xem truyện nhưng đã nghe ca khúc Hữu Ước sáng tác, đọc tiểu thuyết và xem tranh Hữu Ước vẽ, đọc thơ Hữu Ước tặng tôi. Tôi thích thơ và tranh của Hữu Ước và trong bài viết này tôi chỉ nói về thơ và con người thơ của Hữu Ước…

Nhà văn Hữu Ước

…Bỗng một ngày căn nhà tôi vắng hoe/ Cây mùa xuân đã không còn thay lá/ Bạn bè cũ đã thay lòng đổi dạ/ Đám học trò có đứa quay lưng/ Câu hỏi vân vi sau nỗi buồn vấn víu- (Câu hỏi niềm tin)

Khi đọc đến hai câu cuối của bài thơ này, thì tôi tự vỗ đùi mình kêu lên: hay!

Thời gian trôi như cây già rụng lá/ Niềm tin gầy theo giọt thời gian…- (Câu hỏi niềm tin)

Đúng là “Người thơ phong vận như thơ ấy”! Đọc thơ để thấy người, gặp người để thấy thơ! Tôi gặp Hữu Ước lần đầu tại thư viện Báo Tiền phong. Lúc đó Hữu Ước đang làm đại diện cho Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Hữu Ước bảo tôi: “Em sang học anh để làm báo đây”. Dạo đó tờ Tiền phong Chủ nhật in khổ nhỏ là tờ báo có số lượng phát hành trên 25 vạn bản, đang là tờ báo ăn khách nhất nước. Tôi vừa làm Tổng biên tập Báo Tiền phong vừa trực tiếp phụ trách tờ Tiền phong Chủ nhật.

Ít lâu sau Hữu Ước đến bảo tôi: Em sẽ ra tờ báo có tên An ninh Thế giới. Tôi bảo: “Tên nghe hay, nguyên cái tên báo có thể phát hành hàng vạn bản rồi…”. Tờ  An ninh Thế giới  ra đời, khổ nhỏ hệt Báo Tiền phong Chủ nhật với nhiều bài viết hay, nhiều tư liệu mới đã thu hút bạn đọc gần xa…

Có lẽ thời kỳ Hữu Ước làm Tổng biên tập (TBT) Báo Công an Nhân dân có nhiều bước phát triển mới, nhiều ấn phẩm thu hút bạn đọc, tập hợp được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên gồm nhiều nhà văn, nhà thơ có năng lực làm báo.

Tôi biết, làm TBT một tờ báo có nhiều ấn phẩm rất bận, nhưng có lẽ Hữu Ước biết cách “phân thân” nên vẫn làm thơ, viết kịch, vẽ tranh… Tôi thích tranh Hữu Ước vì giầu chất thơ và cũng khá ấn tượng. Hữu Ước đã xuất bản 5 tập thơ, tôi thích nhất là tập “Mùi lửa”. Thơ chính là người. Bài thơ “Tự bạch” của Hữu Ước chỉ có hai câu nhưng đã nói được điều cần nói của một người làm thơ:

Một thi sĩ dại khờ/ Giữa thế giới người khôn

Những thi sĩ đích thực thường có nét dại khờ, nhiều khi ngơ ngác đi giữa cuộc đời… Hữu Ước không dại! Tôi thích cái hồn nhiên, bộc trực, nhiều đam mê, nhiều mộng tưởn  và có khi cũng bốc đồng của người thơ Hữu Ước. Chính điều này làm nên con người văn chương Hữu Ước.

Tranh của Hữu Ước

Con người, cái cuối cùng để ta làm chỗ dựa chính là gia đình, là vợ, là con, là cháu… sau bao nhiêu được mất ở đời:

…Ngồi buồn đếm nợ nông sâu/ Khi còn đương chức giống đâu bây giờ/ Cũng đành nhắm mắt làm ngơ…/…Hỏi trời trời chẳng trả lời/ Hỏi đất, đất cũng như trời lặng thinh/ Nương thân còn một chút tình/ Chiều buông… tiếng cháu giật mình gọi ông…/- (Chỗ dựa)

Đây chính là con người thơ của Trung tướng Hữu Ước:

…Câu văn viết dở cạn nguồn/ Bài thơ tẻ nhạt, nỗi buồn vân vi/ Bức tranh xám ngắt mầu chì/ Cơn mưa mọng nước khóc chi đất trời/ Nhìn ngang, nhìn dọc: Đơn côi/ Và một cái bóng cùng tôi chập chờn… (Chỗ dựa)

“Đi vào trong láo nháo cuộc đời/ Mới biết chúng ta nhầm lẫn cả” câu này không biết của ai nhưng tôi thấy đúng. Và chính người thơ Hữu Ước bây giờ cũng đã viết về tâm trạng mình: “…Một mình/ Mong manh/ Hoài nghi/ Giữa thiện-ác/ Làm người… Khó (Làm người… Khó). Bởi trong mỗi con người luôn có một con thú: …“Con mãnh thú/ Len lỏi vào giấc ngủ/ Đánh thức sự lo lắng vu vơ/ Khơi gọi sự sợ hãi mơ hồ/ Uất hận trào dâng…/ Con mãnh thú/ Vô hình không đường ra/ Quẫy đạp trào dâng sóng ngầm/ Con mãnh thú vô hình là những nỗi đau/ Miệng lưỡi người đời” (Con mãnh thú vô hình). Đúng là “Miệng thế gian hơn làn sóng bể” mà ông cha ta bao đời luôn nhắc nhở chúng ta!

Đọc bài “Leo núi” trong tập thơ “Mùi lửa” tôi lại nghĩ về con người nhiều khát vọng, nhiều ảo vọng, như không bao giờ chịu dừng lại trên đường đời, ngã quỵ lại cố đứng dậy và đi và quyết leo lên hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác … Rồi cuối cùng mới nhận ra rằng cũng chẳng để làm gì! Tôi mạo muội nghĩ rằng đây là những đỉnh núi quyền lực, văn chương?! “Người leo núi/ Muốn leo núi/ Một núi/ Hai núi/ Ba núi… Vấp ngã/ đau đớn/ Nước mắt rơi/ Đôi chân bị xiềng xích/ Vuốt nước mắt/ Đứng dậy/ Tập tễnh/ Lại leo lên đỉnh núi khác/ Chẳng để làm gì…”.

Bây giờ nhiều người nhân danh đổi mới thơ, hiện đại hay hậu hiện đại gì đó để quay ngang, quay ngược với nhiều triết lý vụn vặt, tôi càng quý những nhà thơ như Hữu Ước luôn sống hết mình, yêu hết mình, trung thực hết mình trong thơ:

Sắp bảy mươi rồi không thấy xuân/ Ngẫm thương con tạo nó xoay vần/ Trẻ lo cơm áo không đủ bữa/ Lớn mãi bon chen chốn quan trường/ Chữ nghĩa lâu rồi văn thơ nhạt Có chút tài hèn bạn ghét ghen/ Nay về lưu ẩn miền sơn cước / Vui buồn giấu kín giữa trời xanh…- (Than)

…Càng uống càng bốc/ Càng bốc càng say/ Rượu vào khôn dại…- (Rượu)

Chợ tình người bán ta mua/ Mua rồi ta gặp miếng bùa yêu ma.- (Tình)

…Hôm qua em ở bên tôi/ Má hồng/ Môi đỏ/ Miệng cười/ Đôi mắt ướt/ Tôi run run tựa vào em đứng dậy/ Nỗi buồn tê dại sau lưng…/ Hôm nay gặp lại em/ Cái hôn vội em nâng tay ngăn lại/ Cái ôm hờ miễn cưỡng em trao/ Bàn tay lỏng đã không còn hơi ấm/ Đôi môi gầy lạnh ngắt… mùa đông… (Tình-Tiền)

Tôi rất thích câu “Anh có thể dối em/ Thơ anh không thể dối” của một nhà thơ Nga. Khi người thơ Hữu Ước trung thực hết mình, không còn giấu giếm, phô bày tất cả trong thơ thì Hữu Ước đã là nhà thơ đích thực!

Hữu Ước có người vợ yêu chồng hết mình, giúp nhà báo, nhà văn Hữu Ước vượt qua được những khúc ngặt của cuộc đời như là một “lá bùa” mầu nhiệm: … “Bước vào vòng lao lý/ Vợ đưa tôi lá bùa/ Đêm ngày tôi cầu nguyện/ Nam mô a di đà/ Lá bùa trong địa ngục/ Nuôi tôi tròn ba năm…” (Lá bùa). Khi vợ mất do một tại nạn xe ôtô có lẽ Hữu Ước đau đớn tột cùng:

Chỉ khi vợ tôi mất/ Tôi mới nhận ra rằng/ Nỗi đau là có thật…- (Khóc vợ)

Tôi đọc những bài thơ Hữu Ước viết về vợ mà trào nước mắt, cảm động, chân thật và sâu xa…

Tôi xin đăng nguyên văn bài “Vịnh thi sĩ” của Hữu Ước, tôi thích từ khi bài thơ mới in trên báo, tôi đã trích mấy câu đưa vào tập “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (NXB Giáo dục, 2013):

Cũng là danh họa cầm thi/ Bên thì cô quạnh, bên thì đông vui/ Người yêu, kẻ ghét duyên trời/ Giọt sương chỉ thấm lên môi má hồng/ Trời xa, đất có gần không/ Hỏi mây – mây tản, gọi giông – giông buồn…/ Thế gian an phận thủ thường/ Phù du một thoáng, xót thương một thì…

Hữu Ước không phải là người an phận thủ thường! Tôi ít gặp người thơ nào đam mê như người thơ Hữu Ước. Có lần đi mấy nước Bắc Âu với Hữu Ước, lúc sang Anh ở cùng khách sạn, gần phòng nhau. Tôi sang gọi Hữu Ước đi ăn sáng. Hữu Ước đang ở trong phòng tắm. Tôi về phòng mình ngồi chờ hơn 30 phút lại sang gọi, từ trong phòng tắm Hữu Ước nói vọng ra: “Em đang sáng tác nhạc…!” Đam mê đến thế là cùng!.

Nhà vườn Sóc Sơn, 6.2023

DƯƠNG KỲ ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *