Hội Nhà văn đã làm tất cả những gì tốt nhất cho các em

Vanvn- Từ 14h đến 18h ngày 16.9.2022 tại Viện Goethe 56 Nguyễn Thái Học Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo trực tuyến về Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tham dự. Vanvn.vn xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của nhà thơ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách cho bạn đọc thiếu nhi

Kính thưa Ngài Wilfried Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe!

Kính thưa các quý vị và các bạn!

Trước tiên, tôi xin chuyển lời chào mừng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến ngài Viện trưởng và các quý vị, các bạn đã có mặt trong Hội thảo quan trọng và rất có ý nghĩa này.

Ở Việt Nam chúng tôi, trẻ em luôn được quý trọng và chăm sóc chu đáo tận tình. Riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và đời sống tinh thần, chúng tôi có những tờ báo, những nhà xuất bản riêng chỉ in những tác phẩm viết về các em và viết cho các em, như nhà xuất bảnTrẻ, đặc biệt nhà xuất bản Kim Đồng, mỗi năm có hàng triệu ấn phẩm của các nhà văn trong nước và thế giới, rồi các báo Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò, nâng niu từng bước chân các em từ khi mới lẫm chẫm đến trường mẫu giáo cho đến khi thành học sinh, sinh viên…

Hầu hết các nhà văn chúng tôi đều viết cho các em. Có người chỉ viết cho chính con mình mà thành nhà văn nhà thơ xuất sắc viết cho thiếu nhi, như nhà văn Duy Khán với  tác phẩm “Tuổi thơ im lặng”, nhà thơ Xuân Quỳnh với tác phẩm “Bầu trời trong quả trứng”. Gần đây nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chỉ viết riêng cho cháu nội cháu ngoại của mình là hai bé Mem và Kya nhưng anh lại gặp được đông đảo các em nhỏ. Có người trọn đời dâng hiến cho trẻ em, vì ngoài trẻ em, không viết cho các đối tượng khác như nhà văn Võ Quảng, nhà thơ Định Hải. Có người viết cho nhiều đối tượng, nhưng phần tinh túy nhất lại dành cho trẻ em như  nhà văn Tô Hoài với tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” rất nổi tiếng và nhà văn  Đoàn Giỏi với tác phẩm “Đất rừng phương Nam” được nhiều thế hệ các em yêu thích. Có những nhà văn viết cho nhiều đối tượng, nhưng đến với trẻ con mới nhận ra giá trị đích thực của mình. Đó là trường hợp các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Hổ, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Mạnh Hảo, Đặng Hấn…

Chúng tôi còn có nhiều nhà thơ nhà văn “nhí ” mà bạn đọc nhiều nước biết đến. Tác phẩm của các em còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xuất bản ở một số nước như Pháp, Hunggari, Bungari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc… Mảng sáng tác của các em rất phong phú và đa dạng. Có em viết cho chính mình, có em viết cho bạn bè mình đọc, đặc biệt, có em lại viết cho cả người lớn đọc. Có những nhà văn người lớn viết cho thiếu nhi thì hà cớ gì lại không có “ nhà văn thiếu nhi” viết cho người lớn đọc. Đó là trường hợp nhà thơ Khánh Chi. Tôi cũng là một em bé hình thành trong đội ngũ ấy và tác phẩm của tôi viết từ năm lên 8 tuổi đến năm 11 -12 tuổi,  đến nay, cũng đã được dịch ra trên 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Đức của Đại thi hào Goethe của nền văn hóa, văn chương Đức mà tôi rất khâm phục. Đến năm 2000, khi tôi 42 tuổi,  tập thơ viết thời trẻ con của tôi là 1 trong 3 tác phẩm đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà Nước Việt Nam về Văn học Nghệ thuật  ngay đợt đầu. Hãng truyền hình Pháp cũng đã có bộ phim về tôi làm từ năm 1968, khi tôi tròn 10 tuổi, với tên “Thế giới nhỏ của Khoa”. Hiện bộ phim này vẫn còn trên mạng xã hội.

Viết cho trẻ em là một việc rất khó. Một tác phẩm đích thực viết cho trẻ em phải là một tác phẩm mà trẻ em đọc thích mà người lớn đọc cũng thích. Thậm chí tuổi càng cao đọc càng thấy thích. Bởi trong một đứa trẻ, bao giờ cũng có một người lớn đang trưởng thành và trong một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi. Ai chơi được với trẻ em, người đó sẽ bất tử. Kinh nghiệm của Andersen, Marsac, Saint Exupery, Mark Twain… đã cho chúng ta bài học thấm thía này.

Hội Nhà văn Việt Nam chúng tôi cũng đã làm tất cả những gì mình có thể làm được, dành cho các em. Chúng tôi kết hợp với báo Thể thao & Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức cuộc thi văn học Dế mèn (Tên một tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài). Chúng tôi đang tiến hành thành lập Quỹ Văn học Thiếu nhi, đã phát động cuộc vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi. Ngài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc của chúng tôi đã đến dự và trực tiếp trao Giải thưởng cho các tác giả trẻ. Chúng tôi còn xã hội hóa, huy động nguồn lực của tất cả những ai hằng yêu mến con trẻ để mỗi năm chọn in những ấn phẩm đặc sắc phát tặng miễn phí cho các trẻ em vùng sâu vùng xa. Mới cách đây mấy hôm, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã cùng các nhà văn của Hội mang sách trao tận tay các em thiếu nhi ở những vùng xa khó khăn nhất. Cuộc trao tặng này sẽ còn tiếp tục.

Sách được Hội Nhà văn trao tận tay các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi đánh giá rất cao Ngài Viện trưởng Viện Goethe  và các quý vị, đã có sáng kiến mở cuộc hội thảo về Văn học dành cho Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu. Chúng tôi hy vọng sẽ học được nhiều bài học quý giá của các bạn trong việc sáng tác, truyền bá, tổ chức, các  kinh nghiệm thúc đẩy, phát triển mảng văn học thiếu nhi và thu hút các em đến với văn hóa đọc. Chúng tôi cũng mong có sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện Goethe, Hội Chợ sách Frankfurt Đức với Hội Nhà văn Việt Nam trong việc giới thiệu văn học của hai nước chúng ta. Hiện nay, tác phẩm của các nhà văn Đức được dịch ở Việt Nam rất nhiều. Hầu hết các tác giả lớn như Goethe, Sinlơ, Henrích Hainơ,Tômát Man, Henri Bon, Berton Brech, Erich Rơmac đều được dịch rất bài bản ở Việt Nam. Một số tác giả Đức còn được tuyển chọn học trong các chương trình phổ thông. Nhưng văn học viết cho thiếu nhi thì lại ít. Các em vẫn chỉ biết nhiều đến những chuyện cổ tích dân gian do hai anh em nhà văn Grim sưu tầm và chỉnh lý. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam cũng rất yêu thích tập truyện cổ dân gian  tuyệt vời này.

Một lần nữa, xin cảm ơn Ngài Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe và tất cả các quý vị. Chúc sức khỏe các quí vị và chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!

TRẦN ĐĂNG KHOA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *