Vanvn- Sáng ngày 14.4 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2021. Hội nghị đã thống nhất Báo cáo công tác nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2025, công bố quyết định thành lập các Hội đồng chuyên môn và Ban công tác, Công bố Quy chế Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, công bố Quy chế xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…
Hội nghị văn học có sự tham dự của nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam; ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Trần Thị Phương Lan, Vụ phó Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Kiều Cao Trung, Vụ phó Vụ 5 Ban Tổ chức Trung ương, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch.
Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội; các Ủy viên BCH gồm các nhà văn, nhà thơ: Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hùng, Bích Ngân, Phan Hoàng, Hữu Việt, Vũ Hồng, Lương Ngọc An; các nhà văn, nhà thơ trong các Hội đồng chuyên môn và Ban công tác tham dự.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Hội nghị đã nghe các quyết đinh thành lập các Hội đồng, Ban chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2025; Công bố Quy chế Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; Công bố Quy chế xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam do các nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Trần Hùng công bố.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, thừa ủy quyền Ban Tổ chức Trung ương, ông Kiều Cao Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Văn học nghệ thuật Trung ương, đọc quyết định số 27 ngày 26.3.2021 kiện toàn nhân sự tham gia Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2025. Theo đó, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được chỉ định làm Bí thư Đảng Đoàn; các ủy viên gồm các nhà văn, nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy, Trần Hùng.

Hội nghị đã nghe Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều báo cáo công tác toàn nhiệm kỳ. Khác với nhiệm kỳ trước, tại nhiệm kỳ này các Hội đồng chuyên môn và Ban công tác sẽ đề ra chương trình hành động toàn khóa (5 năm) thay vì 2 năm như trước. Do đó, Hội nghị được đánh giá là hết sức quan trọng khi đưa ra bàn thảo và thống nhất một số phương pháp làm việc nhằm thực hiện tốt nhất chương trình đặt ra.
Tại báo cáo công tác nhiệm kỳ 2021-2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định sẽ dừng cuộc thi tiểu thuyết trong nhiệm kỳ để dồn sức cho cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều khẳng định, nếu không có tài trợ từ Nhà nước, Hội Nhà văn sẽ xã hội hóa dự án để dành những điều tốt đẹp nhất cho các em. Cũng trong năm 2021, Hội sẽ tiến hành Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 11.2021 tại Đà Nẵng. Hội nghị sẽ lắng nghe những người trẻ muốn gì, đồng thời gợi mở cho họ những điều cần có và hướng đến trong sáng tác những năm tới.

Về các cơ quan báo chí của Hội, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho rằng, các cơ quan báo chí của Hội cần có đổi mới mạnh mẽ. BCH Hội sẽ khôi phục lại tờ Văn Nghệ Trẻ dưới tên gọi Nhà Văn Trẻ phát hành hàng tháng. Đối với báo Văn Nghệ sẽ có những cải cách nhằm tăng tư thế của nhà văn trong xã hội. Tờ Văn Nghệ sẽ hướng đến nghệ thuật hơn, tư thế hơn và trách nhiệm hơn với đời sống. Hãng phim Hội Nhà văn sẽ tập trung làm phim chân dung các Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra các cơ quan cấp 2 của Hội cũng sẽ được cải tổ lại. Về Quỹ hỗ trợ sáng tác, Hội sẽ dành số phần trăm đầu tư nhất định cho các chi hội nhà văn địa phương theo tính chuyên sâu, những người đã có công đóng góp cho các văn học, thông qua việc giao chỉ tiêu cho các Hội nhằm tạo mối liên hệ giữa BCH với Hội viên.
Cũng trong nhiệm kỳ, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chuẩn bị những công tác cần thiết để tiến tới tổng kết công tác văn học 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhằm đánh giá văn học hậu chiến, văn học thời kỳ đổi mới, văn học thế hệ trẻ 8X, 9x và một phần văn học của các tác giả trước 1975, tiếp tục con đường khai mở văn chương trong thời kỳ mới, trong khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó đưa ra những kết luận về sự chuyển biến của văn học 50 năm qua, có gi cần bổ sung cần khắc phục và phát huy.

Ghi nhận những nỗ lực của BCH Hội Nhà văn VN khóa X, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, vui mừng trước sự hoàn thiện, bổ sung và kiện toàn lãnh đạo và các cơ quan giúp việc của Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của BCH Hội Nhà văn khóa X khi đã hoàn thành tốt sự ủy thác của các hội viên ngay từ những ngày đầu đắc cử. Ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, Nghị quyết chương trình toàn khóa của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X cần phải gắn với Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng. BCH khóa X cần đánh giá và nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng và vị trí của văn học nước nhà sẽ phải đóng góp thế nào cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đề nghị Hội tiếp tục quan tâm đến lộ trình tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Đại hội XIV của Đảng, bên cạnh công tác tổng kết tình hình kinh tế – xã hội, cũng cần phải nhìn nhận lại nền văn học nghệ thuật Việt Nam
Nhắc lại lời ông Võ Văn Thưởng tại Hội Nghị khóa IX, Hội Nhà văn Việt Nam, kỳ vọng Đại hội lần sau chúng ta có những tác phẩm hay hơn nữa phục vụ nhân dân. Ông Nguyễn Minh Nhựt cũng mong muốn Hội Nhà văn khóa X sẽ có những đột phá.
Đứng ở góc độ cố vấn, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đánh giá cao chương trình toàn khóa X. Nêu ra 3 điểm nhấn trong chương trình hoạt động toàn khóa là chú ý đến tài năng trẻ, phát triển văn học thiếu nhi, xã hội hóa hoạt động văn học, hy vọng BCH khóa X sẽ thực hiện được thành công những mục tiêu đã đặt ra. Nói về công tác nhân sự tại các Hội đồng, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, sau 40 năm hoạt động tại Hội, ông nhận thấy, dù có bộ máy hoàn hảo nhất, thì BCH hay Hội đồng cũng không thể tạo ra được tài năng, mà tài năng chỉ xuất hiện ngoài xã hội, phụ thuộc vào tự thân mỗi người. BCH chỉ có thể tập hợp, đoàn kết, khích lệ, đẩy mạnh tài năng phát triển, nên không cần quá quan tâm đến công tác nhân sự trước những bàn luận của dư luận xã hội. Nhắc lại quan điểm của chính ông trong nhiệm kỳ khóa IX về hệ giá trị gia đình trong văn học, ông khẳng định BCH khóa X chọn văn học trẻ, văn học thiếu nhi là chính xác, bởi đây chính là nhân tố, là trung tâm để hệ giá trị gia đình được củng cố. Ông cũng đánh giá cao quan điểm đổi mới, cải tổ báo Văn Nghệ, đồng thời cho rằng BCH cần tập trung công sức nâng cao chất lượng báo Văn Nghệ. Đây là nhiệm vụ khó khi thời hoàng kim của báo viết đã qua, nhưng khó không có nghĩa là không làm được, mà phải chú ý đến cách làm. Ông khẳng định, xu hướng xã hội hóa trong văn học đặc biệt quan trọng, bản thân tác phẩm văn học đã là xã hội hóa, việc còn lại của BCH cần phải đẩy mạnh hơn nữa…
Bài và ảnh: VN – HỮU ĐỐ