Cảm hứng từ hồi ký “Cha tôi, Fedor Dostoevsky”

Vanvn- Tháng 11 năm 2021 tới đây, người yêu văn chương trên toàn thế giới sẽ chào đón một dịp lễ trọng: Kỷ niệm 200 năm ngày sinh và 140 năm ngày mất của đại văn hào Nga Fedor Dostoevsky. Được gây cảm hứng bởi cuốn sách Cha tôi Fedor Dostoevsky của con gái nhà văn, tác giả bài nghiên cứu dưới đây tập hợp những điều rất đáng lưu tâm từ cuộc đời của nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà văn Nga Fedor Dostoevsky…

Văn hào Nga Fedor Dostoevsky

Nhà văn vĩ đại Fedor Dostoevsky đã thành công không chỉ trong việc vượt qua những trở ngại cản trở dự định sáng tác của mình mà còn cả trong cuộc sống riêng tư. Con gái của nhà văn không chỉ đánh giá cao những sáng tác của cha mình mà còn cho rằng những trang viết ấy nhất định sẽ mang lại tiếng tăm và vinh quang cho ông. Chính vì vậy bà đã tận tình làm việc để ký ức về cha mình sống mãi mãi. Bà đã viết tiểu sử của Fedor Dostoevsky, ở đây không chỉ nhắc lại những di sản của nhà văn vĩ đại mà còn kể về những kỷ niệm về bà vợ nhà văn, Anna Grigorievna Dostoevsky.

Cuốn tiểu sử về nhà văn Nga mang tựa đề Cha tôi Fedor Dostoevsky của con gái nhà văn, bà Liubov Fedorovna Dostoevsky, đã được dịch qua tiếng Ả Rập bởi dịch giả người Ai Cập Anwar Ibraghim. Cuốn sách gồm 30 chương, mở đầu với chương Gia đình kể về nguồn gốc họ tộc Dostoevsky là người Litva, chứ không phải người Nga, như xưa nay nhiều người vẫn tin như vậy.

Tác giả của cuốn sách cuốn hút bạn đọc lần theo lịch sử xứ sở Litva do các công tước người Norman cai quản. Bà Liubov Fedorovna cho biết Litva là một công quốc đầy hấp dụ trong số tất cả xứ sở thuộc Nga. Chính vì vậy người Latvi là kết quả sự pha trộn giữa hai dòng máu Slave và Phần Lan. Vào thế kỷ XV, Litva trở thành một vương quốc vĩ đại bao gồm toàn bộ lãnh thổ Ucraina và một phần lớn lãnh thổ Nga. Litva sắm vai trò quan trọng trong lịch sử như một nhà nước Slavơ. Nói thêm, nhiều quý tộc Nga đấu tranh chống lại sự tiếm quyền của các lãnh chúa xứ họ, đã bỏ chạy sang Litva và được đón tiếp nồng hậu.

Từ chương đầu của cuốn sách, chúng ta được biết tằng tổ của Dostoevsky là người ở trấn Pinsk. Họ là những ông chủ đất và theo đạo. Vào thế kỷ 18, khi Litva liên kết với Nga, người Nga còn chưa biết gì về gia đình Dostoevsky. Mọi điều chỉ sáng rõ khi ông nội của nữ tác giả, Mikhail Andreevist Dostoevsky, xẩy ra xung khắc với cha của ông, vì muốn con trai trở thành một linh mục. Lặng lẽ rời khỏi nhà, ông nội lên đường tới Moskva học nghề thuốc, mong trở thành một bác sỹ.

Sau khi tốt nghiệp Viện phẫu thuật y học Moskva, Mikhail Andreevist Dostoevsky phục vụ trong quân đội. Vào năm 1812 ông tham gia cuộc chiến tranh chống Napoleon. Nhà văn tương lai Fedor Mikhailovist Dostoevsky cất tiếng khóc chào đời trong một căn phòng tại bệnh viện nơi cha ông phục vụ. Lớn lên thêm, tại ngôi nhà của cha mình chú thiếu niên Dostoievsky lần đầu tiên được tiếp xúc với những nghèo khó Nga, những ai mà cha ông cố tình ngăn không cho chú bé tiếp xúc. Người cha tỏ ý xem thường văn hóa Nga nên ông ta đã giáo dục đám con cái mình theo tinh thần châu Âu. Người cha bắt chú thiếu niên Dostoevsky phải học tiếng Pháp và tiếng Đức. Nói thêm, tiếng Đức vào lúc đó không được thông dụng.

Khi Fedor Dostoevsky 16 tuổi, còn người anh Mikhail 17, cha họ quyết định gửi họ theo học tại trường đào tạo các kỹ sư.  Nói ngay, tác phẩm đầu tiên của Dostoievsky nhà văn là Chuyện của chiếc áo choàng và thanh gươm mà cốt chuyện diễn ra tại thành phố Venise nước Italy, còn người anh thì làm thơ.

Đáng tiếc con đường nối tiếp của hai anh em rẽ theo hai ngả. Fedor Dostoevsky thi vào trường kỹ nghệ được xây cất bởi Hoàng đế Pavlov I tại Peterburg, còn anh trai nhà văn Mikhail chuyển tới một thành phố khác, nơi có chi nhánh của một trường kỹ nghệ khác. Trong các tiết học Fedor Dostoevsky thường bị các bạn cười nhạo vì chàng thanh niên tỏ ra quá nghiêm túc, đồng thời Dostoevsky cũng coi thường những bạn cùng lớp ví sự thiếu lịch sự.

Liubov Fedorovna viện dẫn lời cha của bà: “Ngay từ khi 16 tuổi tôi đã hay nhăn nhó ngạc nhiên trước lũ bạn cùng lớp. Những trò nhăng nhố, cung cách suy nghĩ, cái dốt nát trong học hành, các trò chơi, lời ăn tiếng nói của chúng luôn khiến tôi bực bội. Bọn chúng chỉ sung phục một thần tượng. Tất cả những gì là đúng đắn, nhưng bị thiên hạ xem thường hay không coi trọng, bọn bạn cùng lớp đều mang ra cười nhạo không tiếc thương và tỏ ra khinh bỉ. Tôi tôn trọng trí tuệ. Ở tuổi 16 tôi đã cố tìm ra những gì là ấm áp… Bọn bạn cùng lớp bệnh hoạn như một lũ rồ”.

BỆNH ĐỘNG KINH

Cơn chấn động đầu tiên Dostoevsky trải qua sau khi chàng thanh niên nhận được hung tin người cha từ trần. Bà Luibov Fedorovna viết: “Một lần, vào mùa hè, ông nội tôi rời khỏi Darova để tới một nơi có tên là Chermosnhi, nhưng rồi ông nội không trở về nữa. Người ta phát hiện ông nội đã chết trên một chiếc xe ngựa kéo. Người đánh xe biến mất cùng với con ngựa, còn những người dân trong vùng thì bỏ chạy. Trong lần thẩm vấn, vài người nông dân cho rằng ông nội bị giết vì ân oán”.

Fedor Dostoevsky yêu mến nông dân và những người lao động bình thường, chính vì thế thậm chí ông không thể ngờ rằng những người nông dân lại tham gia vào việc giết chết cha ông. Trong một chương với tiêu đề Cái chết của người cha, bà Liubov Fedorovna kể lại về căn bệnh thần kinh mà nhiều thành viên trong gia đình bà mắc phải. Bà nhắc tới nạn nát rượu của ông nội, truyền sự nghiện ngập ấy cho hai con trai mình là Mikhail và Nikolai. Bà Liubova Fedorovna cũng không quên chứng động kinh của cha bà và tính keo bẩn của người cô.

Fedor Dostoevsky học xong trường Công nghệ, nhưng thay cho việc tiếp tục xây dựng công danh tại Bộ phận kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, ông lại về hưu. Cái chết của người cha khiến như khơi dậy niềm ham mê viết ở nhà văn tương lai. Khởi đầu Dostoevsky bắt tay vào công việc dịch thuật, nhưng tiền kiếm được không đủ sống. Bà dì đã trợ giúp ông trong tình cảnh sống bữa nay không lo nổi bữa mai sau khi lấy được ông chồng giàu.

Trong cuốn sách cũng phủ nhận nhiều nhận định không đúng về Dostoevsky, kể cả ý kiến cho rằng nhà văn Nga này sống xa hoa, hư hỏng. Bà Liubova Fedornova nhận xét cha bà không hề trải qua một cuộc đời phóng đãng mà ngược lại là một người lao động không biết mệt mỏi, dường như suốt từ sáng đến tối không rời tay khỏi công việc. Khi Fedor Dostoevsky kết thúc cuốn tiểu thuyết đầu của mình – Những người nghèo, một người bạn ông đã mang sách tới cho Nhekrasov, lúc bấy giờ đang phụ trách một tờ tạp chí văn học. Tác phẩm đã khiến Nhekrasov ngạc nhiên đến nỗi mong muốn nhanh chóng được gặp tác giả của bản thảo.

Sau khi tiểu thuyết Những người nghèo được công bố, mà tác phẩm đã gây ra những cuộc tranh luận văn học, Dostoevsky trở nên nổi tiếng. Bà con gái nhà văn đã dành một phần cuốn sách của mình cho những lời đơm đặt bởi những người làm văn học ác ý, nhưng điểm đáng ghi nhận của sách là ở chỗ, bà Liubov đã có những phân tích xuất sắc về cuốn tiểu thuyết này của cha bà: “Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cha tôi, không nghi ngờ gì, đã được viết rất tốt, nhưng ở cuốn này cha tôi chưa bộc lộ được nét riêng của mình. Sách là sự mô phỏng tiểu thuyết của Gogol, mà tác phẩm của Gogol cũng bắt chước một cuốn văn học của Pháp vào thời kỳ đó – tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victo Hugo với nhân vật Jean Valjean nổi tiếng – như biểu tượng của phong trào văn học những năm ấy”.

BỊ CẦM TÙ VẪN CHỐNG LẠI NỀN CỘNG HÒA

Bà Liubov cũng kể về sự tham gia của Fedor Dostoevsky vào vụ âm mưu chính trị của nhóm Petrashevsky mà vì thế cha bà đã bị lưu đày. Sa Hoàng đã ân xá cho ông vào giây phút cuối, cùng với 40 can phạm khác. Bà con gái nhà văn tỏ ra khó giải thích vì sao cha mình đứng vào hàng ngũ những người chống lại Sa Hoàng, bởi Dostoevsky ít hiểu biết về nước Nga. Bà kể những năm bị lưu đày đi Siberi đã khiến ông mang những quan điểm chống đối, đặc biệt là sau khi ông ra trước tòa án binh và đã suýt chết khi bị Nikolai I kết án tử hình.

Trong chương 6 của cuốn sách mang tựa đề Ở nơi khổ sai, bà Liubov Fedorovna kể lại Dostoevsky đã lựa chọn con đường kết tình huynh đệ mang danh Chúa và thái độ gần gụi với nhân dân như thế nào; những tù nhân khác đã tỏ thái độ yêu mến, tôn trọng ông ra sao, dù họ là những kẻ trộm cắp hoặc phạm tội giết người. Chính vào thời điểm này nhà văn đã tiếp cận gần gụi hơn với nhân dân Nga, kết quả của sự hòa quện kỳ lạ giữa dòng máu Slavơ với dòng máu Mông cổ, những người đã chinh phục tới 1/6 trái đất. Cũng vì thế Dostoevsky nhận ra một sự khác biệt hoàn toàn về hình ảnh đám dân hoang dã mà xưa nay ông vẫn xa cách. Trên thực tế vây quanh ông là những người tốt và chính vì thế việc bị lưu đày đã cứu Dostoievsky thoát khỏi tình trạng mất trí và ý muốn tự vẫn.

Trong tù Dostoevsky khước từ những tư tưởng Cộng hòa, ông trở thành người bảo vệ nhà thờ và thậm chí kêu gọi biến nhà thờ thành một cấu trúc độc lập đứng đầu bởi một tộc trưởng. Dostoevsky hiểu rằng tôn giáo sắm một vai trò quan trọng tại nước Nga. Ông nghiên cứu chế độ quân chủ để cuối cùng hiểu ra rằng đối với xứ sở của mình Sa Hoàng còn tốt hơn người đứng đầu chế độ cộng hòa. Bởi vì Sa Hoàng còn được tin cậy và có gốc rễ, còn chế độ cộng hòa thì bị khinh rẻ. Như thế, Dostoevsky đã trở thành người bảo vệ chế độ quân chủ đồng thời cũng trở thành kẻ thù của giới trí thức viết văn Ở Peterburg, những người chống đối chế độ Sa Hoàng. Theo lời bà Liubov Fedorovna, trong khi tại nơi lưu đày cha bà tìm hiểu về nhân dân Nga, thì các bậc trí giả tiếp tục những cuộc tranh cãi của mình trong những phòng khách sang trọng tại Peterburg với những thông tin về nước Nga thu gom được từ sách báo châu Âu.

Trở thành một tín đồ ngoan đạo trong 4 năm bị lưu đày, đến lúc ấy Dostoevsky sẵn sàng viết ra những tác phẩm vĩ đại của mình – những gì mà ông không thể viết nổi trước khi bị lưu đày. Nhà văn đã bộc lộ sự nhiệt thành khi hiểu ra liều thuốc để chống lại nỗi thất vọng chính là sự lao động cực nhọc và tìm được sự minh triết trong thời gian bị cầm tù. Bà Liubov đã dẫn lời của Dostoevsky thống thiết gửi tới Chúa trời: “Xin hãy hành hạ con đi, nếu việc ấy mang tới cho con năng lực và làm cho con gây được ảnh hưởng với mọi người. Đừng thương xót con, con chịu đựng được tất cả khi thực hiện sứ mạng mà Chúa chất lên vai con để con mang về trái đất”.

NGƯỜI VỢ KHỦNG KHIẾP

Dostoevsky kết hôn với người đàn bà khiếp đảm ấy, người đã chiếm đoạt trái tim nhà văn chỉ sau khi ông hết hạn lưu đày được vài tháng. Đối với mụ đàn bà đã một đời chồng này Dostoevsky là một mỏ vàng: một nhà văn tiếng tăm, lại có bà dì giàu có tại Moskva. Như Liubov Fedorovna kể lại, bà vợ đầu ấy tên là Maria Dmitrievna. Bà này không sinh cho nhà văn người con nào, đã phản bội Dostoevsky ngay trước đám cưới. Về điều này, vài ngày trước khi nhắm mắt bà ta đã thú thật với nhà văn.

Theo lời bà Liubov, có thể do Dostoevsky đã tự khinh mình vì tính nhút nhát, hoặc ông biết về sự phản bội của bà vợ đầu đã quá muộn nên không trừng phạt bà ta. Cuốn sách của bà Liubov có những chương quan trọng kể về câu chuyện tình cảm giữa Dostoevsky và bà Anna, mẹ của nữ tác giả. Ví như sau khi quen biết nhà văn, bà Anna sửng sốt vì giới hạn tuổi tác giữa hai người. Thêm vào đó Dostoevsky đối xử với bà như với một cái máy chữ, bởi vì bà Anna đến với ông chỉ do công việc với tư cách như người ghi chép lại bản thảo của ông. Trước khi quen nhau, bà Anna rất thích việc làm của ông, nhưng sau này sự thay đổi thất thường trong tính khí của ông cũng ảnh hưởng tới bà.

Con gái Dostoevsky cũng kể về sự sa sút tinh thần của nhà văn. Khi bước sang tuổi 40, Dostoievsky bắt đầu không bình thường, ví như rất thích chơi với cái thước dây. Ông thật sung sướng khi đạt được điều gì đó, nhưng cũng rơi tuột xuống vực thẳm của nỗi thất vọng mỗi khi thua cuộc. Trước khi làm quen với bà Anna, Dostoevsky yêu một nữ sinh tên là Apolluinaria và theo cô ta sang tận Neapol và Roma, nước Italy. Sự nồng nhiệt, thích làm quen của cô gái này với nhiều đàn ông khác mang lại đau khổ cho nhà văn. Về cuộc du ngoạn này Dostoevsky đã miêu tả lại trong tiểu thuyết Con bạc của mình.

Cuốn sách Cha tôi Fedor Dostoevsky không đơn giản là một cuốn tiểu sử được người con gái viết về cha của mình. Nó còn là một tác phẩm kể về tình hình của nền văn học Nga ở thế kỷ 19, sự biến đổi của các nhà văn Nga, thái độ giữa họ với nhau, ví như cuộc tranh đua giữa Dostoevsky với nhà văn đầy kiêu ngạo, thích châm chọc Turghenev, cũng như tình yêu và tình bạn bền vững giữa Dostoevsky với Lev Tolstoi.

Luibov Fedorovna dành những chương nhiều trang cho cái gia đình nhiều gốc gác và tình trạng tài chính của cha mình sau cái chết của ông anh Mikhail. Bà Luibov cũng dành những chương sách kể về thời ký khó khăn mà bà Anna, thân sinh của bà phải trải qua sau khi lấy Dostoevsky bởi lòng căm ghét của người con trai và cô con gái của ông anh Mikhail, cả hai đã toàn phá hỏng cuộc hôn nhân giữa bà và Dostoevsky. Hai người kia sẽ làm được điều đó nếu không có chuyến Dostoevsky đưa Anna sang châu Âu nghỉ dưỡng trong hai năm. Nhà văn cùng bà Anna đã cứu được gia đình mình và sinh hạ được hai người con.

Thỉnh thoảng cũng có thể tìm thấy cuốn sách mô tả về cuộc đời của Fedor Dostoevsky do một trong những người họ hàng của nhà văn viết ra. Nhưng với cuốn Cha tôi Fedor Dostoevsky, con gái nhà văn đã có những lời bình luận xuất sắc về sáng tác của cha bà, kể lại văn học nước ngoài đã ảnh hưởng ra sao tới tác phẩm của ông trong giai đoạn sáng tác đầu đời; đã khơi nguồn cảm hứng như thế nào đối với nhà văn. Giữa các tác phẩm của Dostoevsky xuất sắc hơn cả là Tội ác và trừng phạtAnh em nhà Karamazov. Tất cả điều kể trên đã tạo nên giá trị của cuốn sách Cha tôi Fedor Dostoevsky, tuy tác phẩm này chưa đạt tới đỉnh cao vinh quang về văn học, nhưng đã trở nên rất nổi tiếng, vì là một cuốn về tiểu sử Dostoevsky được xuất hiện lần đầu tiên bằng tiếng Pháp, vào năm 1920.

                                          TÔ HOÀNG

Chuyển ngữ qua tiếng Nga từ báo Al Modol – Liban

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *