Hoàng Bình Trọng và cuộc hành trình thơ

Vanvn- Trong giới cầm bút ở Quảng Bình, nhà văn Hoàng Bình Trọng là người viết nhiều thể loại nhất: tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn, thơ, trường ca, câu đối. Anh có số trang in nhiều nhất (trên 10 000 trang). Anh là người biết nhiều ngoại ngữ nhất: Pháp, Nga, Trung. Anh cũng là một trong những người đi nhiều nhất (khắp các tỉnh miền núi phía Bắc thời kỹ sư địa chất, khắp các tỉnh miền Nam thời bộ đội). Ở bài viết nhỏ này, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu cuộc hành trình thơ của anh.

Nhà văn Hoàng Bình Trọng

>> Nhà văn Hoàng Bình Trọng qua đời ở Quảng Bình

>> Hoàng Bình Trọng cây đã hóa trầm

Độc giả biết đến Hoàng Bình Trọng bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết Bí mật một khu rừng (in với số lượng lớn và tái bản nhiều lần) nhưng thơ mới là thể loại mà anh theo đuổi suốt đời. Anh yêu thơ và tập làm thơ từ thời đang học phổ thông. Thời học Đại học Bách khoa Hà Nội, nhờ tài làm thơ báo tường mà anh lọt mắt xanh của người đẹp ngồi cùng bàn, cùng lớp. Những năm làm công tác thăm dò địa chất, đặt chân đến vùng đất mới nào anh cũng làm thơ. Bản thảo thơ chép đầy mấy cuốn sổ tay, nhưng anh chỉ đọc cho bạn bè thân nghe. Đây là mấy câu thơ anh viết vào năm 1967: “Mới Đông Bắc, thoắt đã về Tây Bắc/ Dưới chân ta đâu có những xa vời/ Nơi nào còn kho tàng bí mật/ Ta về chia cùng đất những niềm vui…” (Tình đất). Sau này, anh “hồi tưởng lại” cái thời gian khổ nhưng giàu ước mơ ấy: “Cứ lăm le bắt đá hóa thành vàng/ Mà bát cơm ăn độn mì, độn bắp/ Chẳng bao giờ dám ước chuyện giàu sang”. 5 năm đi bộ đội, mặc dù 4 năm chuyên giữ “chức” ăn nuôi, chỉ năm cuối cùng mới trở thành “lính chiến” nhưng anh vẫn một lòng chung thủy với thơ. Thơ anh thời điểm này đã bắt đầu khởi sắc. Một số bài được anh em trong đơn vị chuyền tay nhau. Trong số đó đáng chú ý là bài Mưa dột:

Nhà mẹ mới lợp xong

Chiếu giường thôi dột ướt

Các con lại lên đường

Rừng đêm đầy ánh chớp

 

Cơn mưa dần nặng hạt

Dựa cửa dõi lối mòn

Mẹ thương con thấm ướt

Thêm vai nặng đường trơn

 

Càng nghĩ lại càng thương

Mẹ thức cùng con trẻ

Mưa không ướt chiếu giường

Mà dột vào lòng mẹ.

Những bài thơ có tứ, cô đúc như Mưa dột rất hiếm, phần lớn thơ anh lúc đó bị lấp chìm trong “dàn đồng ca” chung và không thoát khỏi cái bóng của những “cây đa, cây đề”. Phải đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi có chủ trương đổi mới, anh và một số nhà thơ khác mới tìm cách thoát khỏi “dàn đồng ca” và thực hiện một cuộc hành trình thơ chẳng khác nào là sự lột xác. Cuộc hành trình đó bắt đầu từ việc đi tìm lại cái “tôi” đã mất: “Tơi bời trăm trận bão giông/ Tôi tìm tôi giữa long đong kiếp người” (Đường thơ). Anh thú nhận từ trước đến thời điểm chưa có chủ trương đổi mới, ở anh có hai con người:

Khi bóng hình tôi thất lạc nhau rồi

Tôi hay nói những lời tôi không thích nói

Tôi thâm thúy để mà nông nổi

Tôi sướng vui để xiết nỗi buồn đau!

Cuộc hành trình đi tìm lại cái tôi của mình đối với Hoàng Bình Trọng thật không dễ dàng chút nào. Đã quen nói “những lời không thích nói”, đã quen lấy cái sướng vui giả tạo để che giấu “nỗi buồn đau”, giờ dám nói những lời mình thích, giờ dám bày tỏ “nỗi buồn đau” của lòng mình, đâu phải ngày một ngày hai có thể làm được. Anh khẩn thiết cầu cứu: “Tôi của tôi ơi ! Giờ ngươi ở đâu?/ Ai nhận ra tôi mách giùm tôi với” (Tìm). Đến khi tìm lại được cái tôi rồi thì việc xác định con đường thơ mà mình sễ hướng tới là vô cùng quan trọng. Bởi vì chỉ cần tính “sai một ly” sẽ đi lạc cả “một dặm”. Giai đoạn đầu, Hoàng Bình Trọng cũng “ham thanh, chuộng lạ”, nhưng rồi anh nhanh chống nhận ra những thứ ấy không phù hợp với khí chất của mình. Thế là anh cương quyết rũ bỏ hoa sói, hoa hòe mà người đời đang hết sức ưa chuộng để tìm lối đi riêng: “Khi ta khóc thiên hạ cười/ Nơi ta trân trọng, người người khinh khi”. Có thể nói thời điểm năm 1993, Hoàng Bình Trọng đã thực hiện một bước đột phá đầy may rủi. Đó là lúc anh làm Thư ký toà soạn Văn nghệ Đất Tổ, một số lãnh đạo cảm thấy khó chịu với tính khí cương trực, thẳng thắn khác người của anh, đã tìm cách thuyết phục anh tự nguyện “nhận một cục” rời cơ quan với chủ trương giảm biên chế. Sẵn có máu tự ái, anh chặc lưỡi: “Về thì về, sợ đếch gì!”. Nhân vợ anh có quyết định nghỉ hưu non, anh dắt díu vợ con trở về Quảng Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) sinh sống. Những năm đầu vô vàn cực khổ. Số tiền “nhận một cục” chưa đủ cho anh dựng tạm ngôi nhà cấp 4. Đồng lương hưu non của vợ không đủ trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày. Anh phải đi vào rừng hái củi, cuốc đất trồng rau, chăn nuôi, trông trọt… với bao chuyện bi hài mà các bài báo viết về anh đã khai thác hết “công suất”. Những người phụ trách Tạp chí Nhật Lệ lúc bấy giờ vừa thương hoàn cảnh gia đình anh vừa đánh giá cao tài năng văn chương của anh nên đã trân trọng mời anh về làm hợp. Kể từ đó (1995), gánh nặng gia đình có vơi đi chút ít. Như dân gian từng đúc kết “được mùa cau đau mùa lúa, được mùa lúa úa mùa cau”, sự trở với quê hương có thể khiến anh vất vả, thiếu thốn nhưng bù lại anh lại được mùa thơ. Những bài thơ anh viết thời kỳ này chân thật hơn, gan ruột hơn, sâu lắng hơn. Trong khi một số cây bút chọn hướng tiếp cận với các trường phái: hiện đại, hậu hiện đại, siêu thực, tân hình thức… thì anh lại tìm về với cội nguồn dân tộc. Anh tâm sự: Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối đi, miễn có thơ hay”.

Và đây là con đường mà anh lựa chọn:

Về cùng bãi mía nương dâu
Tìm trong bùn đất sắc màu quê hương
Về cùng đụn rạ, cây rơm
Tìm trong ải mục mùi thơm thật thà              

                                     (Tìm thơ)

Bài thơ đầu tiên ghi dấu ấn cho cuộc tìm về ấy là Sông quê (được anh sáng tác vào năm 1995). Anh tâm đắc với bài thơ này đến mức trong cả 3 tập thơ anh xuất bản gần đây: Những miền ký ức (2002), Khúc ca cây nến (2007) và Cõi lặng (2014) đều có mặt bài thơ này. Có thể xem Sông quê là “tuyên ngôn thơ” của anh:

Với ai đó sông mềm như dải lụa,

Sông trong tôi có đá đứng, đá nằm

Phía chớp biển, sóng xô thuyền nghiêng ngửa

Phía mưa nguồn, thác lũ cuốn băng băng.

Anh lựa chọn con sông quê làm “sư phụ”: “Sông trong tôi dạy tôi làm thi sĩ/ Câu thơ nào cũng mặn chất quê hương”. Nhờ những năm tháng gian khổ, lăn lộn kiếm sống ở quê nhà, anh mới phát hiện: “Có vợ chồng sam kiếm ăn lầm lũi/ Có con còng xe cát cũng lao đao…”. Rồi những “con trai, con trạng”; rồi những “quả mít, quả dưa”; rồi những “củ khoai, hạt bắp…” cứ lần lượt đi vào thơ anh một cách tự nhiên. Kể từ đó thơ anh ngổn ngang, bề bộn cái thứ ngôn ngữ đồng quê mộc mạc, dân dã mà một số cây bút  vốn gốc gác nông thôn đã gần như quên lãng. Về La Hà, ở đâu anh cũng như thấy hình bóng của mẹ mình: “Mẹ cào luống khoai, mẹ vin cành khế/ Mẹ gánh gồng chen chúc chốn đò sông/ Mẹ lắc lư trên khung cửi lưng còng/ Và câu hát có cánh cò, cánh vạc…” (Bản sắc quê nhà). Anh về Thanh Khê – quê cha: “Nhớ cua bến Lội, nhớ tép hói Đồng/ Nhớ quán bánh bèo, nhớ hàng bánh ít/ Nhớ lá rau mưng kẹp con cá lẹp/ Nhớ túp lều chợ, nhớ bến đò ngang… (Về quê tảo mộ).  Từ những chuyến trở về  như thế, anh mới có thể đồng cảm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Anh về làng trong trang phục quân nhân

Tiếng An Xá vẫn eng ni, o nớ

Đi lâu rứa mà chừ anh vẫn nhớ:

Từng bạn bè thuở cắt cỏ, chăn trâu

(Anh về làng)

Cũng từ những sự trở về như thế, anh mới tưởng tưởng cái cảnh trở về thăm mẹ của 4 anh em liệt sĩ. Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, hiếm có bài thơ nào viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ xúc động như Về với mẹ của anh:

Mấy chục năm rồi, đâu ngày một ngày hai
Đừng khóc nữa, mẹ ơi! Đừng khóc nữa!
Chúng con biết quay về khi mẹ hiền đợi cửa
Trong khói hương, trong gió lay rèm

Trước 1945, các nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Tản Đà… có những bài thơ tự trào rất hay. Ở miền Bắc từ sau 1954, may chỉ còn Tú Mỡ thỉnh thoảng mới tự trào, còn thì các nhà thơ chủ yếu làm thơ trữ – tình – công – dân.  Làm thơ tự trào đòi hỏi phải thật tự tin, phải thật bản lĩnh, phải thật thông minh, phải là người có cá tính mạnh mẽ. Hoàng Bình Trong sau thời gian được “cởi trói” có một vài câu thơ viết theo lối tự trào khá hóm hỉnh và thâm thúy:  “Tớ không có chí làm vua/ Nên trời bắt tớ cày bừa ruộng văn!” (Tự trào); “Trải bao cơn túng, hồi đen/ Vẫn thơ, vẫn rượu, út em rầy rà…” (Kính thưa); “Đã lầm một kiếp làm người/ Thì đi cho hết trận cười bể dâu” (Tự hát)… Anh cũng có không ít những câu thơ tài hoa: “Nơi sạt lở những khúc kè hoài niệm” (Về Nhật Lệ); “Tôi tha thẩn lại lần theo ký ức/ Chợt thương mình không ngủ cũng chiêm bao” (Ký ức); “Ta rót tỉnh vào mơ/ Ta rót hư vào thực” (Bài ca ẩm thực)…

Mấy năm lại đây, nhà thơ Hoàng Bình Trọng không được khỏe, phải thuốc thang và nằm viện liên tục nhưng anh vẫn miệt mài sáng tạo. Sau trường ca Tướng Giáp – Người anh cả của toàn quân (được giải thưởng Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn), anh lại  xuất bản tập trường ca thứ hai Hoàng đế Quang Trung (với trên 1000 câu). Hoàng Bình Trọng vẫn cần mẫn, lặng lẽ như cây nến: “Âm thầm cháy, nến âm thầm tỏa sáng/ Âm thầm soi, những góc tối âm thầm”. Hơn ai hết, anh nhận biết giờ đây sức đã gần tàn, lực đã gần kiệt, nhưng anh không hề tỏ ra tiếc nuối. Bởi như cây nến kia, anh đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho cái nghiệp văn chương: “Một giọt rơi một quãng đời tàn lụi/ Tiếc làm chi cái kiếp phù sinh/ Chỉ cần biết bao giờ nến tắt/ Ấy là khi đã cháy hết mình” (Khúc ca cây nến). Và cho tới đêm Nguyên Tiêu Tân Sửu  anh đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.

       MAI VĂN HOAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *