Hoài niệm mùa lê-ki-ma – Tản văn Lê Trương Thúy Diễm

Vanvn- Hồi trước, trong xóm nhà nào cũng đều có những cây lê-ki-ma vàng hoe mỗi mùa trái chín. Nhà thằng Thinh cũng chẳng ngoại lệ. Từ khi nào chẳng biết, kế bên cái giếng cao ngang bụng người lớn, sâu hỏm, quanh năm no nước, một loài cây thân gỗ màu xám nâu, thẳng đứng, cành to xù xì mọc lên.

Những cái lá mọc ở đầu cành rậm rạp, từ xa trông như lá xoài nhưng lại gần, nhìn kỹ nó ngắn và tròn trịa hơn, chính xác là hình bầu dục. Lê-ki-ma là loài cây ưa sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, không chịu được cái lạnh nên trong xóm nhỏ giữa mảnh đất miền Trung bao la này, mười nhà hết chín, lê-ki-ma đã mọc từ trước ngõ đến tận sau vườn.

Hồi Thinh lên mười, nó thường thắc mắc cây lê-ki-ma đã bao nhiêu tuổi. Cha nó hay trêu: “Mày phải xưng “em” gọi “anh” với giống cây mỗi mùa trĩu quả vàng ươm này đấy!”. Thinh không ngạc nhiên trước lời của cha, vì khi nó chập chững đứng tới miệng giếng thì loài cây kia đã cao lớn hơn Thinh bấy nhiêu lần.

Trong khoa học, lê-ki-ma mang tên Pouteria lucuma, thuộc họ Sapotaceae, một loài cây ăn quả có nguồn gốc từ vùng núi Andes ở Nam Mỹ. Về với những làng quê Việt Nam, người dân đã đặt cho nó cái tên thật gần gũi là cây trứng gà. Có lẽ, vì quả của nó khi chín có màu sắc và hương vị giống lòng đỏ trứng gà đã luộc chín, nên các bà các mẹ cứ “trông mặt đặt tên” cho quen thuộc, thay vì phải chật vật nhớ ra cái tên tiếng Pháp “sang chảnh” dài ngoằn. Ở quê Thinh, người ta gọi đó cây ô mai khiến nhiều khách phương xa bị nhầm lẫn với cây xí muội ngoài phía Bắc.

Thinh nhớ hồi bé, cứ chiều đến, nó với con Thơm lại chờ nhau dưới bóng cây lê-ki-ma để chơi đồ hàng. Người bán, người mua, rồi thay phiên nhau. Mấy cái lá hình bầu dục trên đầu được hái xuống dùng làm “tờ tiền” đi mua hàng. Lá nào cũng giống nhau còn mệnh giá thì theo ý thích của hai “diễn viên”. Sản phẩm mà Thơm bán cho Thinh là món “trang sức sang trọng” làm từ hoa của cây lê-ki-ma rụng xuống. Hoa lê-ki-ma có màu xanh như ngọc, mọc thành từng chùm ở phần đầu ngọn, có mùi thơm nhẹ và lỗ nhỏ bên trong. Thơm dùng một đoạn chỉ khâu và cây kim may khéo léo kết thành những chiếc vòng tay, dây chuyền, khuyên tai… những thành phẩm của cô gái trông thật bắt mắt. Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu khoảnh khắc. Cứ như thế, hai đứa nhỏ đi qua cùng nhau suốt những mùa lê-ki-ma.

Ngày trước, lê-ki-ma được trồng từ hạt, phải mất gần mười năm mới cho quả. Quả lê-ki-ma có nhiều kiểu dáng. Có loại hình tròn, có loại dài và loại hình trái tim. Tuy khác nhau vẻ bên ngoài, nhưng bên trong tựu chung đều có vị ngọt, khi chín thịt dày, có màu như lòng đỏ trứng gà, rất hấp dẫn. Lê-ki-ma cho quả quanh năm nhưng chính vụ từ tháng Tư đến tháng Tám âm lịch. Quả lê-ki-ma khi chín thường bị nứt ra, mùi thơm nhẹ nhàng len lỏi, phảng phất đến khứu giác con người. Khi đã chín đến độ mùi mẫn, lê-ki-ma rơi xuống đất, từ những kẽ hở quả vỡ làm đôi, hạt văng ra ngoài. Đó cũng là lý do mà lê-ki-ma xuất hiện từ sau vườn đến đầu ngõ ở mọi nhà trong xóm thằng Thinh. Lâu lâu, có quả chín mùi rụng xuống, Thinh và Thơm như vồ được “chiến lợi phẩm”, hai đứa “chia ngọt sẻ bùi” miếng thịt quả thơm phức, vàng ưm sánh mịn.

Tác giả trẻ Lê Trương Thúy Diễm ở Phú Yên

Ngày còn là cậu học trò cấp một, cấp hai, Thinh được nghe cô giáo dạy Lịch sử nhắc về những gian khổ của ông cha khi thực dân Pháp xâm lược. Trong đó có câu chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu và loài cây lê-ki-ma. Vào những năm tháng kháng Pháp, cây lê-ki-ma là một biểu tượng văn hóa, gắn liền với cuộc đời của chị Võ Thị Sáu, người con gái vinh quang vùng Đất Đỏ. Với những ca từ hùng tráng: “Mùa hoa lê-ki-ma nở/Ở quê ta miền đất đỏ/Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở…” ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã vang vọng, đi vào lòng mọi thế hệ. Cũng chính vì thế, hoa lê-ki-ma tượng trưng cho sự bất diệt và trường tồn của người nữ anh hùng cách mạng đã hy sinh cả tuổi xuân và thời niên thiếu của mình cho sự tự do và hòa bình dân tộc.

Bao mùa lê-ki-ma đã qua. Cậu học trò ngày nào giờ đã là một kỹ sư nông nghiệp. Nay Thinh đã hai lăm nhưng cây lê-ki-ma bên giếng nước, cùng Thinh suốt dọc đường tuổi thơ đã ngừng lại ở một tuổi nào? Một lần nữa, Thinh chẳng biết. Thinh tiếc hùi hụi ngày bóng cây tuổi thơ giữa trận bão lớn, gió mạnh nhổ cả gốc. Khó cứu được nên cha quyết định phá bỏ, trồng một vườn rau thay vào đó. Bây giờ, những cây lê-ki-ma cổ thụ trong xóm chẳng còn nhiều như trước. Người ta phá đi để trồng những loài cây ăn quả khác, nhanh thu hoạch và được ưa chuộng hơn. Những quả lê-ki-ma căng mịn, vàng hoe trở nên khó tìm. Ra chợ lâu lâu chỉ vẻn vẹn vài quả trong chiếc rổ con con, hay một quầy bé xíu trong hàng rau củ quả ở siêu thị. Những kỷ niệm cùng Thơm theo đó cũng chỉ còn vẻn vẹn một góc trong trí nhớ. Thơm giờ là cô giáo dạy Ngữ văn tại một trường cấp hai trong huyện, thỉnh thoảng cả hai mới có dịp gặp nhau, hàn huyên những trò bán buôn thuở nhỏ. Thinh thèm cái cảm giác ngồi bên nền giếng cắn miếng lê-ki-ma bùi bùi, béo ngậy. Vì lê-ki-ma ngọt lành và… vì trong từng khoảnh khắc có nụ cười của cô gái tên Thơm.

Với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, Thinh ấp ủ dự định gây dựng một vườn lê-ki-ma trĩu quả, áp dụng kỹ thuật tiên tiến hiện đại bằng cách chiết, ghép cành, để rút ngắn thời gian ra quả hơn so với “thuyết chim ăn quả nhả hạt” mà cha Thinh hay kể ngày trước. Phần để mang hương vị của xóm quê ra thị trường, đưa vị ngọt bùi, thơm béo đến gần với người dân, phần nhiều hơn để tìm lại bóng mát đầy kỷ niệm, có cô bạn nhà bên chiều chiều sang chơi đồ hàng.

LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *