Vanvn- Nhà văn Cao Duy Thảo đã có 12 tác phẩm được xuất bản[1] và có nhiều tác phẩm in trong các Tuyển tập. Tiểu thuyết “Chim bay về núi”[2] được viết sau ngày miền Nam giải phóng 35 năm, tác phẩm có độ dài vừa phải (237 trang, gồm bố cục 2 phẩn, với 30 mục theo số thứ tự từ 1 – 30).
Chọn lựa cách nhìn và điểm nhìn, cũng như giọng văn và lối viết, nhà văn Cao Duy Thảo đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lòng độc giả về thể loại tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh. Văn học viết về chiến tranh lúc nào, thời nào và bao giờ cũng mới, cũng hấp dẫn. Đặc biệt, từ ưu thế của một nhà văn viết truyện ngắn có tên tuổi[3], nhà văn Cao Duy Thảo thật tài năng khi miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật, sử dụng chi tiết để bộc lộ chiều sâu của suy tư, trải nghiệm trong cái nhìn của ông về chiến tranh. Kết cấu của tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là Ngàn – từ một cô thôn nữ giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng và trở thành cán bộ Khu ủy Khu V. Khi đọc đến trang cuối của tác phẩm cảm giác thật tiếc nuối, với nghệ thuật kết thúc mở, nhà văn đã đưa đến cho người đọc liên tưởng về cuộc sống trong tiểu thuyết là một cái gì chưa xong xuôi.
Cắt nghĩa về số phận dân tộc, số phận con người trong chiến tranh, nhà văn Cao Duy Thảo không viết về chuyện “ta thắng, địch thua”, mà viết về bi kịch cá nhân về “lòng tin” và “tình yêu” của một cô thôn nữ theo cách mạng. Đây mới là điểm mấu chốt để làm nên sự trường tồn của giá trị văn chương. Chọn điểm nhìn từ góc độ đời tư của một người phụ nữ trong chiến tranh, nhà văn đã tạo nên sức khái quát về thân phận con người theo lối “từ giọt nước nhìn ra biển cả”.

Xây dựng hình tượng nhân vật Ngàn, nhà văn rất ít miêu tả ngoại hình, chỉ vài dòng thoáng qua: “In hình chị Bé giấu bông dủ dẻ trong ngực áo phải hôn? Thơm ghê” (tr.7). Câu nói hồn nhiên của Út Sơn cùng cái áp mặt của em lên ngực áo của Ngàn được viết ra thật tự nhiên. Cái đẹp về ngoại hình trong mắt của nhà văn vừa tinh tế, thanh tao mà cũng kín đáo. Bút lực nhà văn dồn nén vào miêu tả nội tâm, ngôn ngữ, hành động của nhân vật để từ đó nổi bật tính cách. Để miêu tả nội tâm nhân vật một cách khách quan, nhà văn Cao Duy Thảo đã chọn cho mình giọng văn trầm ổn. Giọng văn thể hiện nội lực của ông, đây cũng là dấu ấn trong phong cách nghệ thuật của ông. Vừa tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam, ngành Biên kịch, ông đã tình nguyện trở về quê hương Bình Định tham gia chiến trận (1966), người cầm bút đứng trong chiến hào viết văn mang hơi thở chiến trường chân thật, đó là phẩm chất tạo nên sức hấp dẫn, thuyết phục của tác phẩm. Tài năng văn chương, sự cẩn trọng trong văn chương, cùng cái nhìn của nhà biên kịch được đào tạo bài bản đã in đậm trên trang văn của ông, bởi vậy, có những trang văn trong tiếu thuyết “Chim bay về núi” đọc xong mà vẫn đọng lại dư âm.
Từ cái nhìn cuộc sống ở góc độ đời tư, con người nếm trải; nhà văn Cao Duy Thảo đã gia tăng chất tiểu thuyết khi miêu tả nội tâm nhân vật. Nội tâm nhân vật Ngàn chuyển biến từ hoang mang, lo lắng đến niềm tin, hi vọng và rồi cô lại bị nghi ngờ, bị xa lánh, bị đặt điều… tất cả mọi diễn biến trong tâm hồn cô được nhà văn kể bằng giọng văn bình thản, trầm ổn mà chứa đựng biết bao cảm thông, chia sẻ về một cô gái thôn quê từ trong gian khó, nguy hiểm, thử thách mà trưởng thành. Hình tượng nhân vật Ngàn giản dị, chân quê từ vóc dáng đến cách làm việc, cô được cấp trên tin tưởng, nhân dân tin yêu bởi tấm lòng ngay thẳng, yêu nước không gợn một chút toan tính cho cá nhân mình.
Lần nghi ngờ thứ nhất. Để bắt được liên lạc với cách mạng, Ngàn lên làng Thạnh Mỹ (nơi mẹ cô sống tạm), cô hỏi han, tìm kiếm, khiến dân làng nghi ngờ, dẫu vậy, cô vẫn kiên trì và cô gặp lại anh Trung – người đã giúp cô liên lạc được với tổ chức cách mạng ở quê và cũng nhận chỉ thị từ anh Trung trong việc động viên bà con, đào hầm bí mật… “Thực ra việc được giao cũng là những việc lâu nay Ngàn vẫn làm nhưng bây giờ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới” (tr.36). Câu văn đọc thì giản dị mà tầm tư tưởng lại lớn lao, lòng yêu nước của nhân dân ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc là vậy, trong sáng tự nhiên, giản dị như cây lúa, bờ tre… Ý thức cách mạng dường như có từ trong máu huyết của Ngàn để rồi cô phải vượt qua sự nghi ngờ của mọi người. Từ hoang mang, bơ vơ, Ngàn gặp lại đồng đội, nhân dân trong niềm tin yêu và hạnh phúc.

Lần nghi ngờ thứ hai. Đang vui say với công việc, với những lần đón Trung lên khu tây họp, bỗng dưng Ngàn bị gạt ra rìa, tổ chức nghi ngờ cô có quan hệ với địch. Nỗi buồn đau trong cô không thể nào tả xiết, bắt đầu từ chuyện Trung chuyển địa bàn công tác, đến chuyện mấy anh trong đội công tác né tránh, quần chúng cơ sở tìm cách ngó lơ, chỉ vì thằng Tám Lèo – người của phòng tình báo quận đến nhà tán tỉnh Ngàn… Cô đau thắt ruột, cô như ngồi trên đống lửa, đặc biệt là thằng Dương – em trai cô nhìn cô như kẻ thù. Trước thách thức đó, cô rời An Nhuệ vào Bà Rịa với một niềm tin không đổi là cách mạng thì ở đâu cũng có. Trung đấu tranh cho cô, nhưng không thể phản bác được anh Tùng – bí thư Huyện ủy và Ba Nhớ – thường vụ phụ trách công tác Tuyên huấn – kẻ mà sau này khiến cho chị Nhị làm cấp dưỡng ở ban Tuyên huấn phải tự tử vì xấu hổ do mang thai với y. Lúc nào, thời nào và ở đâu cũng có những con người cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, định kiến. Ba Nhớ từng định kiến với Trung – thư sinh, con nhà giàu, tiểu tư sản trăm phần trăm… chỉ vài câu văn ngắn ngủi nhà văn đã tái hiện cái thời duy ý chí, cái thời lấy thước đo con người chỉ từ ngoại hình, lý lịch… Những hình ảnh, chi tiết được nhà văn viết ra thể hiện sự suy tư, trải nghiệm, mang tính lịch sử.
Bị nghi ngờ, cô không ngã quỵ mà tìm đường đến với cách mạng. Thân gái dặm trường, vào Bà Rịa cô sống nhờ ở nhà bà Mười Tốt, may mắn bà cũng là cơ sở cách mạng, cô nhờ bà chắp nối, liên lạc với cách mạng, biết bao đêm cô trăn trở, nhớ lại những tháng ngày hăm hở tiễn đưa những đoàn người đi tập kết, hồi tưởng của cô như cuốn phim quay chậm. Khắc khoải, đợi chờ và vui đến líu cả lưỡi khi cô gặp người đàng mình – Sáu Danh. Miêu tả diễn biến tâm lý của một chiến sĩ cách mạng bị nghi ngờ tìm cách trở lại đội ngũ thì nhà văn Cao Duy Thảo quả là bậc thầy về “biện chứng pháp tâm hồn”. Câu chuyện lưu lạc và hồi hương của cô cũng là minh chứng bất di bất dịch về tinh thần yêu nước của nhân dân ta, ở nơi nào cũng có những con người với tinh thần yêu nước nồng nàn. Ngàn đau đáu, khắc khoải, trông mong, hi vọng… rồi đến khi anh Trung nói là cách mạng đã thực lòng tin cô thì cô như muốn ngã quỵ, tất cả sự chịu đựng, căng thẳng dường như đã hút kiệt sức lực của cô. Trở ngại lần thứ hai này đã thay đổi tầm nhận thức của Ngàn, cô trưởng thành, chín chắn và tin tưởng con đường mình đã lựa chọn.
Ngàn được ở trong Ban hành động của An Nhuệ chuẩn bị cho chiến dịch H3. Cô xông xáo, năng nổ, tìm hiểu, đốc thúc tất cả các tổ chức quần chúng, người hướng dẫn, động viên cô là anh Trung, vậy mà cuộc nổi dậy chưa nổ ra thì anh Trung hi sinh. Anh Trung hi sinh, Ngàn mất đi một chỗ dựa vững chắc, mất đi người yêu thương cô và nỗi đau lớn đến nỗi cô ngồi lặng yên như đá tảng, rồi vùng đứng lên tiếp tục làm thay việc của anh. Cực tả diễn biến tâm trạng của cô, nhà văn đã rất giỏi khi đọc được nội tâm nhân vật. Người con gái đó trải qua biết bao thử thách để đủ kiên cường đối mặt với mất mát, đau thương, đủ tỉnh táo để đi tiếp chặng đường mà anh Trung còn dang dở. Cô còn nhờ được Sư Kịch mai táng cho Trung và khi chỉ có một mình cô đã bật khóc, khóc vì thương nhớ, vì thấy mình có lỗi… Trận đánh lớn đã hút Ngàn với chiến trận, tạm lắng xuống nỗi đau thương – đây cũng là nghệ thuật kể chuyện của nhà văn, vì thời gian các sự kiện nối tiếp nhau, không có khoảng trống cho nhân vật buồn đau, vật vã.
Cuộc nổi dậy được kể tỉ mỉ với việc giết bọn ác ôn, trong đó có thằng Cảm; nhà văn rất tỉnh táo khi kể về cái chết của nó phải nhờ đến nhát chém của ông Tám Khùng, trước đó cả hai ba du kích cũng không giết được nó, hiện thực quá ư chân thật. Sau chiến dịch, Ngàn được đứng vào hàng ngũ của Đảng, cô phải báo cáo thành tích, lại là Ba Nhớ yêu cầu sửa đổi nhân vật Tám Khùng thành quần chúng tích cực diệt ác ôn; chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng thông điệp mà nhà văn gửi gắm vào đó quá lớn, giữa thuộc tính hiện thực và phẩm chất chân thực vẫn còn một khoảng cách, khoảng cách nhiều khi do sự toan tính của cá nhân. Cũng như bức phác thảo mà họa sĩ Văn Tuấn vẽ cho Ngàn đã bị đồng đội chê là không giống, lúc đó nhà họa sĩ trẻ chỉ biết than thở, vì mấy ai hiểu được tính chân thực của nghệ thuật.
Lần nghi ngờ thứ ba. Ngàn may mắn khi gặp cán bộ Khu ủy là ông Tư Râu, người hướng dẫn cô trong cả hành trình tiếp theo với cuộc chiến ở An Nhuệ. Rồi cô được lên Khu công tác, sau đó được biên chế vào Hội Phụ nữ… Ở Ngàn ưu điểm của một chiến sĩ hoạt động cách mạng thì có thừa, bởi cô mưu trí, thông minh, có chút liều lĩnh… nhưng để làm một báo cáo viên trong các hội nghị thì cô gặp nhiều khó khăn, đây mới là sự chân thực trong xây dựng tính cách nhân vật, học hành thì ít mà đánh giặc thì nhiều, nói bằng thực tế thì dễ, nói bằng chữ nghĩa thì khó. Sau trận sốt rét, cô lại bị chứng buồn ngủ, cô bị người ta bàn tán, nghi ngờ chuyện mang thai, nhà văn thật tinh tế khi kể về những “thị phi” mà giới nữ gây ra cho Ngàn “Đau đớn, xấu hổ, bởi những nghi kị không được giải tỏa” (tr.173). Khi bị nghi ngờ theo giặc, Ngàn vẫn tìm cách liên lạc với cách mạng, vậy mà giờ bị nghi ngờ mang thai cô lại nghĩ đến cái chết. Thế mới nói, người phụ nữ rất cần phẩm hạnh. Cũng may là lúc ấy đơn vị phải chuyển địa điểm, Ngàn không có thời gian nghĩ đến bản thân, lại cùng anh chị em lo toan mọi việc. Tài năng của nhà văn Cao Duy Thảo thể hiện trong việc kết cấu các chi tiết, vừa logic, vừa tạo hướng cho nhân vật tự giải thoát khỏi nỗi buồn đau của cá nhân, vừa lý giải được câu chuyện tình của Ngàn với anh Chương. Cô đã cưới anh Chương làm chồng, dù chưa cảm thấy có tình yêu, bởi vì Chương là điểm tựa cho cô thoát khỏi thị phi và cũng nhờ đó mà cô được làm mẹ – là hạnh phúc của người đàn bà thời chiến, và khi vừa sinh con thì cô vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, dù lúc xa con cô vô cùng đau khổ, nỗi đau khổ mà nhà văn Dương Thị Xuân Quý từng viết: người phụ nữ ra chiến trận dễ dàng vượt qua muôn nỗi khó khăn, nhưng khó lòng vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm. Cả hai mối tình của Ngàn trải qua trong bom đạn, chiến tranh, mối tình thứ nhất chưa kịp đằm sâu thì anh Trung đã hi sinh. Mối tình thứ hai, anh Chương – chồng của Ngàn đã chết bất ngờ trên đường đi công tác – “Nghe nói người nớ còn thiếu kinh nghiệm ở đồng bằng…” (tr.216). Câu chuyện tình yêu của Ngàn không thi vị hóa, lãng mạn hóa mà tình yêu và chiến trận gần như cân bằng bổ trợ cho nhau.
Diễn biến tâm lý nhân vật Ngàn qua ba lần bị nghi ngờ, nghĩ oan theo chiều tăng tiến về hướng bi kịch, mỗi lần như vậy tài viết của nhà văn đã bộc lộ; khi thì chỉ một câu văn giản dị đã khái quát cả một vấn đề lớn, khi thì đạt đến độ kịch tính bởi nhân vật đã nghĩ đến cái chết. Mối gỡ cho bi kịch tâm hồn của Ngàn là cuộc chiến rất cần những con người yêu nước như cô, và bên cô đã luôn có những đồng đội tốt, những người yêu thương, quý trọng cô như anh Trung, anh Chương, chú Tư Râu… những bức thư của thằng Dương, Út Sơn, rồi bà con chòm xóm đã tiếp thêm sức mạnh cho cô.

Hình tượng nhân vật Văn Tuấn đã gia tăng bi kịch nội tâm của Ngàn và Văn Tuấn đã làm sáng bừng ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Đây là những trang viết đặc sắc, bộc lộ tài năng xuất sắc của nhà văn (mục 22: tr.161-169; mục 25:tr.184-190). Họa sĩ Văn Tuấn hăm hở vào chiến trường với niềm tin, tri thức về nghệ thuật, về lý tưởng… vậy mà ngã xuống bởi sự nghi kị của ta và sự tàn độc của kẻ thù. Viết về cái chết của anh, giọng văn của ông vẫn trầm ổn, và ông giữ được sự thăng bằng đó bởi thông điệp ông gửi đến độc giả lớn hơn cả chữ nghĩa trên trang văn: “Văn Tuấn phải trả giá đắt cho sự ngây thơ về chiến tranh, “chàng hoạ sĩ ấy không biết rằng chiến tranh (nhất là chiến tranh ở Việt Nam) vốn tạo ra lằn ranh về lý tưởng và anh chỉ có thể đứng về một phía” (Cao Duy Thảo, Trả lời phỏng vấn của Tập san Áo trắng).[4].
Nếu như truyện ngắn “Thời gian”[5] của ông đã để lại dấu ấn khó quên trong trái tim bạn đọc bởi sự tài tình khi sử dụng chi tiết và khai thác vai trò đắc địa của chi tiết “chiếc đồng hồ vẫn chạy”; thì ở tiểu thuyết “Chim bay về núi” chỉ với gần 30 trang văn viết về nhân vật Văn Tuấn, nhà văn đã lý giải sâu sắc cái “lằn ranh sinh tử” trong chiến tranh. Nhân vật chính là Ngàn đang bước trên “lằn ranh” đó, và nhân vật Văn Tuấn như là một lát cắt đồng hiện trong nghệ thuật điện ảnh của một nhà biên kịch đa tài khi sắp đặt hệ thống nhân vật, bởi vậy nỗi đau về cái chết của anh xuyên thấu tâm hồn ta. Ở đây mất lòng tin không chỉ là đau khổ như câu thơ của Evtusenko: “Trong chúng ta ai là người khổ nhất/ người khổ nhất là người không tin ai/ Trong bọn họ ai là người khổ nhất/ người khổ nhất là người không ai tin”; trong chiến tranh mất lòng tin là chết. Đã hơn một lần nhà văn Cao Duy Thảo viết về điều này, khi Ngàn bị tổ chức nghi ngờ: “Anh Tùng nói với Ba Nhớ: “Anh có biết anh chị em công tác trong lòng địch người ta nói với nhau sao không? Họ nói đi công tác rủi bị địch phát hiện thì cứ co cảng mà chạy. Thà bị bắn chết chứ không để chúng bắt được… Nghĩa là cơ hội sống sót trong trường hợp này có khi còn đau khổ hơn cái chết nếu như sau đó họ có cơ may trở về với đội ngũ mà lòng tin của chúng ta giành cho họ không còn…” (tr.68)
Người lính ra trận không chỉ hi sinh vì bom đạn của giặc, mà nhiều khi cái chết đến với họ thật vô lý, sự nghi kị, đố kị, lời đồn thổi ngay từ đồng đội mình cũng khiến họ hi sinh. Nghệ thuật kể chuyện của nhà văn về nhân vật Ngàn cứ như giọt nước tí tách rơi, rồi đến nhân vật Văn Tuấn bỗng dưng như dồn nén, bật tung khiến người đọc bàng hoàng. Nhẽ ra người lính trẻ có tài năng nghệ sĩ đó không chết một cách oan uổng như vậy. Chỉ bị nghi kị sau khi ra khỏi nhà tù của giặc mà anh đã bỏ cả tính mạng. Vậy thì nhân vật Ngàn đã mấy lần vượt qua sự nghi kị đó, hình tượng của cô vụt sáng.
Là nhà văn cẩn trọng trong sử dụng ngôn ngữ, nên dù là thể loại tiểu thuyết mà văn của ông đã gần như lọc hết mọi cái ngổn ngang bề bộn dư thừa của thể loại; văn của ông lựa chọn và nén chặt, cô đúc và lắng đọng. Thỉnh thoảng đâu đó ta bắt gặp hình tượng tác giả qua nhân vật Út Sơn, hay tư tưởng nghệ thuật của ông qua câu chuyện “vẽ phác thảo” của nhân vật Văn Tuấn. Đọc tiểu thuyết “Chim bay về núi”, độc giả dường như chìm đắm vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, vượt qua tính hữu hạn của thực tại để đắm mình vào chiều sâu vô hạn của ý nghĩa sáng tạo, độc đáo, toàn vẹn trong chỉnh thể tác phẩm sang ngời giá trị nhân văn.
Huế ngày 24.10.2023
TS. HOÀNG THỊ THU THỦY
______________________
[1] 1 tiểu thuyết, 1 tập thơ, 4 tập truyện ngắn, 4 tập bút ký, 2 tuyển tập truyện ngắn và bút ký.
[2] Giải thưởng Văn học 5 năm (2009-2014) của Bộ Quốc phòng Việt Nam
[3] Cá trắm đẻ – truyện ngắn – Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ Việt Nam; Thời gian – truyện ngắn – giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983 – 1984
[4] Nhà văn Cao Duy Thảo và con đường nghệ thuật, Chế Diễm Trâm https://vanvn.vn/nha-van-cao-duy-thao-va-con-duong-nghe-thuat/
[5] Nhà văn Cao Duy Thảo – Lắng tiếng thời gian, Đoàn Tuấn, https://cand.com.vn/Nhan-vat/Nha-van-Cao-Duy-Thao-Lang-tieng-thoi-gian-i594216/