Hạnh phúc là dưới mức đau khổ

Vanvn- Thạch Quỳ kể những ngày đầu làm thơ, anh tự đề ra cho mình một bảng Cấm: Cấm viết chữ người khác đã viết; Cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ; Cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật; Cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mỹ. 

Nhà thơ Thạch Quỳ

Thạch Quỳ sinh trưởng trong một gia đình khá đặc biệt. Theo gia phả, gốc gác tổ tiên anh là một ông quan Thượng Thư bộ Hình triều Minh, bị đuổi đánh phải rời Bắc Kinh dong buồm đến Hội An sống cuộc sống lưu vong. Ông tổ của dòng họ Thạch Quỳ là một đứa trẻ được một người lính quân của Nguyễn Ánh nhặt đưa về xứ Nghệ cho làm con nuôi. Sau này khi gia thất đề huề, gần 80 tuổi, cụ đã vẽ lại đường đi để con cháu tìm và lấy lại được họ Vương.

Ông nội Thạch Quỳ là người thông tuệ đặc biệt, một đêm có thể đọc thuộc 56 trang chữ Nho, nhưng do thể lực yếu nên bố mẹ không cho đi thi. Những cuốn sách như Nhị thập tứ hiếu, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm Thạch Quỳ từng thuộc lòng từ khi chưa nhìn thấy sách, do được nghe ông nội đọc suốt thời thơ ấu. Chính ông nội là người đã đem đến cho anh nguồn tri thức thâm thuý từ văn học cổ điển. Riêng ngọn gió mát lành của văn học dân gian thì Thạch Quỳ được hưởng từ bà nội và mẹ. Mẹ anh là cả một kho tàng văn học truyền miệng. Bà là con gái một nhà nho hào hoa phong nhã, học vấn cao nhất vùng, đỗ đạt nhưng không làm quan, chỉ ở nhà bốc thuốc.

Ngọn gió núi quỳ hay hạt cát làng đông bích

Không biết trí tuệ mẫn tiệp nơi những người đàn ông và tâm hồn phong phú nơi những người đàn bà của dòng họ, hay ngọn gió núi Quỳ và hạt cát làng Đông Bích, đã hun đúc nên con người nhà thơ có cái Tôi như đá rắn – Thạch Quỳ.

Mới học lớp 7 Thạch Quỳ đã viết truyện ngắn, làm thơ. Năm 1957, anh từng gửi hai tập truyện cho Nhà xuất bản Thanh Niên và có thơ in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Lúc còn nhỏ anh mơ ước thi vào trường đại học Tổng hợp để trở thành nhà nghiên cứu nhưng rồi lớn lên lại vào học ở một trường đại học sư phạm. Yêu văn học nhưng anh chọn lựa làm một thầy giáo dạy toán. Chàng học trò Thạch Quỳ ngày ấy có ý nghĩ độc đáo: văn thì tự đọc cũng có thể hiểu được nên có thể tự học, riêng toán không có thầy thì chịu, nên cần phải được học.

Là sinh viên khoá 2 của trường đại học sư phạm Vinh, năm 1962 tốt nghiệp đại học anh về một huyện nghèo dạy học và bắt đầu số phận không bình lặng của một kẻ lập thân mà không biết “Tối hạ thị văn chương”.

Thạch Quỳ kể ngày còn là sinh viên, anh thường phải thức trong bóng tối để viết ra những suy nghĩ, những bài thơ bằng chiếc bút chì nhỏ, sáng ra mới mò mẫm chép lại. Ngày ấy, để rèn luyện nếp sống tập thể, nhà trường bắt buộc tất cả các sinh viên phải nhất loạt cùng dậy lúc 5h và cùng ngủ lúc 11h, nếu ai không thực hiện được điều đó thì coi như vi phạm kỷ luật và bị khiển trách. Là một chàng trai lãng mạn, thông minh, đầy tài năng, chỉ thích đắm mình vào những suy tưởng, những khát vọng của riêng mình, “Phớt Ăng-lê” trước mọi chuyện, Thạch Quỳ trở thành một sinh viên “Cá biệt”: Thiếu ý thức kỷ luật, trốn thể dục tập thể buổi sáng, lên lớp muộn… và sớm trở thành người “Có vấn đề” trong tác phong, lối sống. Ra trường, là một giáo viên dạy giỏi nổi tiếng, được phân công làm chủ nhiệm, nhưng anh không phải là đoàn viên. Cách lên lớp, cách soạn giáo án, nhất là lối sống “tập thể” (kiểu đêm đến tất cả giáo viên phải tập trung trong một căn phòng để soạn bài, phải hết 4 tiếng đồng hồ tất cả mới được về nghỉ, trong khi nhiều người chỉ cần soạn trong 1giờ v.v.) đã làm Thạch Quỳ cảm thấy nhàm chán và bị ức chế.

Là người sâu sắc, nhạy cảm với các vấn đề của đời sống, lại có khiếu quan sát tinh tế, nhu cầu muốn được chia sẻ, Thạch Quỳ đã hơn một lần tự làm khó cho mình bởi chính các phát hiện của mình. Ngày dạy học ở miền núi, có một gia đình học sinh của Thạch Quỳ xin ra khỏi Hợp tác. Ngày ấy ra khỏi Hợp tác xã là một chuyện tày trời, lý lịch sẽ có một vết đen và tương lai của cậu học sinh đó coi như mù mịt. Là giáo viên chủ nhiệm, anh có trách nhiệm phải tìm hiểu sự thật. Anh đến nhà và hỏi ông chủ của gia đình, một người Thổ: “Cụ nghĩ gì mà lại xin ra khỏi hợp tác xã?”, người đàn ông trả lời: “Ta như con gà ! ta cũng muốn ở trong chuồng lắm chớ ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mồ” (tiếng địa phương “mô mồ” nghĩa là “đâu nào”). Thấy ngộ nghĩnh, Thạch Quỳ đem kể cho bạn bè nghe và thế là anh bị coi như đã tuyên truyền, ủng hộ cho một thứ tư tưởng tiêu cực. Một lần khác, khi về một huyện nhỏ, Thạch Quỳ thấy người ta phá đi cả một làng trù phú để đưa dân lên núi, cây nhãn cổ thụ của làng đội một mâm hoa vàng rực rỡ, bị máy húc đẩy đi hàng trăm mét nhưng không đổ, cứ đứng trơ mà chết, anh đã đem kể với mọi người và gọi đó là một “cây nhãn Từ Hải”, tình thế lại giống với câu chuyện trên.

Chính cái Tôi đời thường xù xì, không được vừa vặn với khuôn thước đã làm nhiều người biết đến Thạch Quỳ. Như người phải mặc chiếc áo hẹp với khổ của mình, anh cựa quậy, chật vật bức bối trước hiện thực cuộc sống. Áp lực của đời sống khốn khó, cách nghĩ cách làm giáo điều, đầy tính hình thức một thời, sự bất cập nơi khát vọng của tuổi trẻ và hiện thực đầy bó buộc… đã làm Thạch Quỳ luôn thấy không yên.

Một “cái tôi” như đá rắn

Hình tượng bao trùm và cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất trong sáng tác của Thạch Quỳ chính là cái Tôi trữ tình của nhà thơ. Đây không chỉ là cái tôi thi sĩ toát lên đằng sau những quan niệm nghệ thuật, mà đây còn là cái tôi được thể hiện như một đối tượng bao trùm của thơ. Dường như một “đường thẳng hình học” đã được thiết lập, nối từ nhà thơ đến độc giả.

Đó là cái Tôi mạnh mẽ, tỉnh táo, tự tin trực diện với người đọc: “Tôi một nửa nam-mô/Một nửa a-men / Một phía ngóng trời, một phần ngóng đất / Thân thể tôi như chiếc cột ăng-ten / Vừa phát sóng, vừa tự mình rỉ rét”(Tự khúc mùa xuân); “Không bé nhỏ tầm thường, không vĩ đại / Có thể vứt đi trong xó tối u buồn / Có thể đứng trên đôi chân vững chãi / Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng /… Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã / Tôi áo cơm no đói với ngày thường”(Tôi). “Thân buộc ràng áo mũ / lòng gửi trời núi xanh / ôm trọn niềm tâm sự / nghìn năm trong ngực mình” (Viết bên mộ cụ Nguyễn Du).

Một cái Tôi thẳng thắn, lạnh lùng: “Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / máu tuôn trào, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn”(Tôi); “Chiêm bao thấy mộ mình không mọc cỏ / riêng điều này là nỗi sợ của tôi”(Bên lề cỏ Uýtman); “Cái mất đi hú gọi không về / cái còn lại trơ mòn sỏi đá / nửa phần đời mắt chong đèn xó tối / nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên” (Nửa phần đời); “Lẽo đẽo bóng mình dị dạng sau chân…”

 Một cái Tôi nếm trải đến tận cùng thân phận, sắc sảo và chát chúa trong những cảm nhận về đời sống: “Cái nghèo / Mày núp trong vầng trán mẹ răn reo / Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ / để nằm trong mảnh vá áo con ta/mày sinh ra khi chưa sinh ta” (Cái nghèo).

Cái Tôi ấy trong thất vọng kiếm tìm vẫn căng tràn nhiệt huyết: “Cuối cùng vẫn một mình em / Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi / Nhưng anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi / Nhưng anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ / Cuối cùng vẫn một mình em / Nhưng em ở nơi  đâu ? em ở”(Cuối cùng vẫn một mình em).

Đó là một cái Tôi khát khao muốn được dâng hiến, được thấu thị: “Và nếu cần tôi sẽ hoá thân tôi / Thành thuốc đắng, thành chanh chua, quả ngọt / Thành chi nữa… trời ơi tôi muốn biết / Phút lặng im bạn đã muốn mong gì…”

Một cái Tôi rắn, lạnh, đầy ứ khát vọng … một cái Tôi không nguôi yên, không cách gì xoa dịu: “Tôi gọi hồn về trong những câu thơ / Giam trong ngục tối con chữ / Hồn ơi, hồn hãy ở tù / Để xác tôi yên giấc ngủ”.

Thạch Quỳ kể những ngày đầu làm thơ, anh tự đề ra cho mình một bảng Cấm: Cấm viết chữ người khác đã viết; Cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ; Cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật; Cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mỹ. Ngay cách đặt tên cho những bài thơ của mình, Thạch Quỳ cũng tạo nên những “Phản ứng đầu đề” (Chữ dùng của nhà LLPB văn học Diễm Phương), kiểu như: Cái đường thẳng nằm trong hình học; Gom nhặt trên bãi B52; Bài hát của những người nhổ cỏ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm; Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín…

Dưới ngòi bút của Thạch Quỳ các khái niệm cũng trở thành vật sống: “Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn”; “Cái nghèo đội nón cời và bước đi từng bước / cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi”… Và những câu thơ toát lên thứ âm nhạc nghe thật lạ: “Thương nhớ mười năm loang như khói / có thể thành mây, có thể mất hút đi trong núi / nhớ chi mà lặng bên bờ / con chèo bẻo về bay trong mưa và lúc đó đầu tôi ngoảnh lại / hoa dứa dại bên bờ đang lặng lẽ bay…”(Hoa Dứa); “Con người tự biết mình / trong trái tim cá thể / chạy trốn sự cô lẻ / bằng tình yêu hai người / hạnh phúc đơn giản vậy? / Hạnh phúc thì thế thôi !”(Không đề)…

Cái Tôi trong đời, đó là cá tính, cái Tôi trong nghệ thuật, đó là tài năng.

Nhà thơ không phải là con diều giấy

* Một  ý nghĩ nhỏ về thơ, thưa anh ?

– Thơ có cái gì đó mà người ta muốn tìm hiểu. Nhưng cái đó là gì thì không ai biết nổi. Cái đã biết chưa phải là thơ. Nó là thế mà không phải là thế…

* Quan niệm của anh có vẻ thần bí?

– Thần bí là bản chất của cuộc sống, và vì thế mới có thơ. Thử hỏi trên đời này loài người đã hiểu hết được con kiến chưa? Nếu hiểu được hãy tạo một con kiến thật, một con kiến có thể đẻ được, một con kiến có thể cảm nhận được thời tiết, biết cõng những chiếc trứng của mình đi tránh mưa, tránh lũ trước hàng tháng. Như vậy mà không thần bí à? Theo tôi cái không hiểu được mới là bản chất tận cùng của thế giới.

* Vậy phải viết như thế nào thì mới…?

– Dẫu thơ biến hoá thế nào, nếu không chứa những ý nghĩ sắc sảo, mới mẻ, xé toang  những ý niệm cũ, triết học cũ, thì cũng không thể hay được.

* Thế mối quan hệ giữa nhà thơ, đời sống và thời đại ?

– Thời đại là gió, nhưng nhà thơ không phải là con diều giấy !

* Có vẻ như nếu được bắt đầu lại từ đầu, anh sẽ…?

– Tôi sẽ chỉ viết văn thôi, không lãng phí nữa và chỉ viết những thứ mình thích, mình nghĩ, không nghe theo, không đầu hàng. Cái mình đã viết không phải là toàn bộ con người mình. Có cái gì đó như sắc đẹp, mất đi không bao giờ lấy lại được.

* Anh có thể cho độc giả biết đôi điều về truyền thống văn chương xứ Nghệ được không ?

– Bàn về truyền thống văn chương thì tất phải đặt câu hỏi văn chương là gì? rồi mới nói đến có hay không có truyền thống. Bác Hồ và cụ Phan Bội Châu là hai lãnh tụ tiêu biểu cho một quan niệm thơ mà chúng ta đã biết. Hai cụ là những bậc thầy về việc vận dụng văn chương để phục vụ cho một sự nghiệp khác, sự nghiệp cao cả hơn văn chương. Mục đích chính trị là nội dung tác phẩm của hai cụ. Nếu xét hai cụ trên phương diện nhà văn thì e là đã xét vào cái “tối hạ” của các cụ. Còn ông Hoài Thanh chỉ là một người bình thơ, cụ thể là người đồng cảm với Thơ Mới, ca tụng và thưởng thức lọai thơ ấy. Vậy thôi. Nói ông là nhà thơ hay không thì thực chất cũng là thế. Ông Đặng Thai Mai là một nhà giáo, viết giáo trình, có quan niệm văn chương giống như Bác Hồ và cụ Phan, ông rất hợp thời. Sau 1945, các nhà văn Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh khốn khổ vì nhận thức văn học của chính mình. Mỗi người là một khối bức bách về quan niệm văn học của thời đại. Bởi khác nhau về quan niệm nên không dễ nói…

* Thêm một quan niệm nữa, về con người, thưa nhà thơ?

– Ban đầu khi mới được sinh ra, con người cũng như con kiến, con ong, con chuồn chuồn. Con người là động vật cao cấp của tự nhiên. Sau đó trong quá trình đấu tranh để sinh tồn, kẻ mạnh đưa ra luật chơi, đưa ra hệ thống lý thuyết. Chính hệ thống lý thuyết bắt nguồn tự sự hèn kém (phục vụ kẻ mạnh). Ví dụ Khổng Tử không mạnh bằng kẻ mạnh nên mới đưa ra Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tôi cho rằng giữa chân lý và điều kiện sống của con người, có một chút trí khôn ở đó. Với tôi, hạnh phúc là dưới mức đau khổ.

* Còn về bản thân?

– Tôi tự thấy mình thiếu trí tuệ, vì không nhận thức được thế giới.

Trong đời sống xã hội hiện đại, một xã hội nghiền nát cái Tôi cá thể trong tính dây chuyền, tính công nghệ, trong sự giao thoa, hoà nhập của nó, biểu hiện của cái Tôi riêng gần như là một thách thức. Trong sáng tạo nghệ thuật, màu sắc cái Tôi của người nghệ sĩ càng quan trọng. Nó gần như là vấn đề sống còn của một tên tuổi, một sự nghiệp. Với một bản ngã nguyên chất và một ý thức mạnh mẽ về cái Tôi riêng, như một sự tuyên chiến với xu thế luôn muốn đánh tráo, đồng hoá của đời sống, Thạch Quỳ đã tạo được dấu ấn về cá tính. Anh trở thành một gương mặt khó lẫn trong số những cây bút thế hệ chống Mỹ.

Hà Nội tháng 11.2004.

TUYẾT NGA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *