Vanvn- Tôi vụng củi, nhưng gói bánh tét, bánh chưng thì biết làm ngon ơ từ thời lớp năm lớp bảy. Mấy chục năm nay, và có lẽ mãi về sau khi tay vẫn còn chún được lạt, với tôi Tết nghĩa là lửa bánh chưng bánh tét. Chẳng phải ngon miếng bánh chưng bánh tét với dưa hành, đã đành. Mà hơn thế nữa, là cho con cháu, người thân, cho đêm cuối năm cái xôn xao lửa củi bếp núc cùng nhau. Tôi thèm tết, nhớ tết như một đứa trẻ là vì thế, củi Khúc Rò ơi!

Cái thời rừng chưa cấm khai thác lung tung, bếp điện, bếp dầu, bếp ga chỉ những nhà giàu ở thành phố mới sắm nổi, thì củi là chất đốt chính để bếp núc. Củi chủ yếu từ rừng, ở đâu họ cũng gọi là: đi đốn củi, đi kiếm củi…làng tôi thì gọi công việc này là “đi hái củi”… nhẹ hều, cứ như đấy là công việc vừa làm vừa chơi: hẹn nhau đi hái củi, hò nhau đi hái củi…nghe như làng tôi nấu nướng, đun bếp bằng…hoa.
Củi từ núi Khúc Rò, một thời như là của nả, như là một món tết, là một phần quan trọng hun thơm hương vị làng tôi. Nồi bánh tét lúc búc sôi đêm hai chín ba mươi, thơm đến đâu một phần từ đượm than, chắc lửa củi Khúc Rò mà có. Tôi sẽ kể chuyện củi lửa này ngay đây, nhưng trước tiên bạn hãy cùng tôi dạo một vòng quanh làng ngó nghiêng, chơi, chút đã.
Làng tôi vui lắm. Vui, vì cả làng tôi hay học dọi [bắt chước] nhau, hay đua nhau, một kiểu thi đua tự giác, hay bởi chằng có gì vui nên cứ thấy việc gì nhà bên xóm làm thì nhà mình cũng làm. Làm cho vui. Làm để có cái ăn, làm để có cái đút bếp, có cái mà hỏi han nhau.
Cả xã có ba thôn: Bình Minh, Bình Hải, Mỹ Trung, đầu thôn ni cách đầu thôn tê cũng ngai ngái vài ba cây số, ở giữa làng có cái sân bóng đá, quanh năm chỉ đá vài trận dịp 2.9, tết. Bà con kéo nhau ra đứng vòng quanh sân, ở giữa thì bên ở trần bên mặc áo [giải không chính thức] còn thì bên xanh bên vàng bên đỏ [giải tết, giải 2.9]…sáng rực như ai, cũng trọng tài, cũng khung thành là ba ống thuồng luồng cắt ra, hàn lại vuông vắn [không lưới]. Hồi tôi chừng lớp 3, lớp 4…chẳng nhớ giải thưởng là gì cho đội chiến thắng… mà hăng lắm, cầu thủ vào sân là cứ huỳnh huỵch giống như thắng trận này sẽ đi World Cup. Anh em trẻ trung không nói, đến chị em, các ông bô các bà lão, reo hò vỗ tay ràn rạt quên cả… áo khăn. Ừ, giải thưởng là đấy chứ đâu, đá bóng vừa khỏe người, vừa lộng gió đến bay quần bay áo… lại còn được vỗ tay khen hay, giải thưởng đấy chứ đâu. Vui!
Những năm bảy mấy, tám mươi, đến chín tư làng tôi mới có điện. Không điện thì không gì liên quan đến điện cả, và không điện thì tối đến nhà tranh như nhà ngói, không tivi, không điện thoại… chấp thời sự, chấp game show… chấp tất. Chỉ trăng là sáng quanh làng, từ ngọn tre tới hàng dâm bụt. Mùa hè, tụm năm tụm bảy theo trăng trai gái cả đêm…Vui!
Tuổi học trò cấp 1, cấp 2 của tôi may mắn được gắn bó giữa làng, sau này ra huyện, ra tỉnh học cấp 3, rồi lên thành phố học đại học, và bây giờ lưu lạc khắp nơi trên đất nước mình. Lạ, là trong giấc mơ [rất thường] chẳng phải là công viên rực rỡ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Hải Phòng… mà phần nhiều là những lối mòn, đường đê, những cây cau, cây khế, những con bò khoang, trâu trắng…
Trong mơ, cái cổng làng tôi như vừa được dựng lại, trong mơ cây đa chục người ôm như vừa mới thêm cành… dù nó đã bị ai đó nhóm lửa, đốt rác ngay trong lòng nó, nó chết lâu rồi.
Trong mơ, cái giếng làng vuông vuông, nước trong vắt và ngọt đến chóp nón, mo cau vẫn còn thả xuống, sóng vẫn còn chao, dù nó đã bỏ phế mấy chục năm nay.
Trong mơ, đôi lần tôi choàng dậy rồi khóc, thời gian & cơm áo đẩy tôi quá xa làng, tôi chằng thể mang theo được gì, ngoài cái trời cho: mơ về … Tôi no khói và hương thơm từ nồi bánh đúc [mùi tro trắng, mùi nước vôi trong] mẹ tôi đội quanh vùng đổi lúa, đổi khoai… Nhiều đêm, choàng dậy giữa bóng tối tôi quờ tay như để bắt lại vài mảnh ghép rơi rụng khắp nơi… làng mình.
Chắc không riêng gì tôi, mà với ai cũng vậy, bất luận lý do gì khi không được gắn bó trọn đời trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn thì những chiêm bao thường là hồi cố, là tìm về, là thấy mình như cỏ cây bé dại… đấy là một phần không thể thiếu để nhắc nhở: mỗi ngày còn tồn tại trên cuộc đời này đều là một ngày đáng sống & phải sống thật hơn, hồn nhiên hơn, hiếu nghĩa hơn?
Với tôi, làng và chuyện quanh làng, dẫu lang thang khắp cùng đó đây thì cái màu làng, mùi làng luôn ruộm vàng thơm tho như một mẻ ngô rang mẹ ta vừa xuống bếp, từng hạt, từng hạt nở hoa.
“…làng tôi nhỏ ven sông/ nửa đồi núi/ nửa ruộng đồng/ sông bao quanh làng bốn bến đò ngang…” trong bài thơ “Làng tôi” đã đăng trên Văn nghệ Quân đội, tôi mường tượng dáng dấp làng tôi như vậy.
Ấy là khi tôi nhớ về Rú Vắp bên kia sông, thời chiến tranh trên đỉnh Rú vắp là một trận địa pháo phòng không, tôi chưa lên đỉnh rú bao giờ, chỉ những đêm 1972 khi B52, F4H gầm rú bay qua làng tôi thấy lửa xé trời vút lên từ đó. Trong lòng đứa trẻ lớp 3, lớp 2, Rú Vắp thật vạm vỡ oai phong, Rú Vắp như một người đàn ông từng trải giấu trong lòng bao nhiêu chuyện chờ người… Nhớ những chiều hôm lùa bò về ngang giếng Mối, bóng Rú Vắp phủ tràn mặt sông Son, mặt sông được phối màu xanh đậm/nhạt nó in vào hồn tôi bức tranh huyền bí của đất trời. Đến giờ, tôi vẫn mang nó đi khắp nơi.
Ấy là khi tôi nhớ về núi Động Nhoi, Động Bằng, chẳng ai biết những cái tên ấy từ đâu, có lẽ cái chóp núi nhô cao gợi ngực thiếu nữ… nên ai cũng phải nhoi [ngắm, nhìn, ngó… cùng một nghĩa làng tôi thêm: Nhoi] vậy thì bằng “Động Bằng” là răng, thì vì hắn bằng thì gọi là động bằng chơ răng. Hồi đó tôi chưa hỏi, nếu hỏi chắc mẹ tôi sẽ trả lời tôi vậy.
Đất đặt tên cho đất, giản đơn, trực quan, như con gái làng tôi, con nhà ai cũng Mẹt, con trai làng tôi…con nhà ai cũng Cu.
Đấy, làng tôi vui chưa?
Khúc Rò, là núi thuộc làng Liên Trạch, cách làng tôi chừng ba bốn cây số. Không như hai cái động kia, Khúc Rò thời đó còn dáng dấp của một cánh rừng nguyên sinh, nhiều dây leo, nhiều cây cổ thụ, nhiều củi khô, nhiều dương xỉ, nhiều tầng thực vật và cả muông thú cộng sinh. Tháng chạp, ngoài việc lúa ngô đồng áng phải sớm hoàn thành tươm tất, thì “đi hái củi trạ Khúc Rò” là một công việc thường niên có tính “xã hội hóa cao”. Củi trạ là loại củi được chẻ ra từ những khúc cây to, củi này dùng để đun bánh tét, phải là củi trạ thì lửa mới chắc, than mới đượm cả đêm, củi trạ thì nước trong nồi bánh tét mới sôi đều. Chỉ vì để đốt đít nồi bánh tét, mà những khi trời nắng ráo hiếm hoi nửa đầu tháng chạp, từ chiều hôm trước họ đến từng nhà hẹn nhau, rủ nhau, đến sáng sớm hôm sau họ cơm đùm, khoai bới, dao, rựa, đòn xóc… họ hú nhau đi Khúc Rò. Họ tập trung ở rìa làng, chờ nhau, điểm danh đủ. Đi. Cả đoàn quân đi hái củi, nhìn ai cũng khí thế hân hoan…Ừ, có lẽ làng tôi gọi là “đi hái củi” là vì vậy. Tôi vụng chuyện chặt cây bổ củi, nhưng vì ham vui mà năm lớp 7 cũng vác rựa theo làng. Chiều tối đó, tôi vác một khúc cây to, khúc cây trắng trẻo trơn tru, về đến gốc khế nhà tôi, tôi thả cái uỵch, nghe tiếng củi về, mẹ ra ngó ngó cây củi rồi nhìn tôi cười: Cơn Chim Chim nớ không nấu nướng chi được mô con, lửa cháy ngún, than đen sì sì nổ boi boi khắp nhà… mà thôi kệ hắn, vô tắm rửa ăn cơm.
Tôi buồn lắm, ừ thì mình vụng củi lửa mà, biết chi mô? Mà răng trong rú họ không bày cho mềnh hè? Lần đi củi Khúc Rò đầu tiên và duy nhất của tôi thất bại. Nhưng bù lại, Khúc Rò là nơi cho tôi chiêm ngưỡng mùi rừng đầu tiên trong đời. Tiếng Bìm bịp rúc, tiếng lạo xạo lá khô, tiếng hú loạn xạ, hốt hoảng của con gì chẳng rõ… theo tôi đến tận bây giờ. Chừng chục năm trước, lúc ngồi đun nồi bánh chưng, tôi hỏi em trai tôi: làng mềnh lâu nay còn thói quen hái củi Khúc Rò không? Còn mô nữa mà hái, em tôi nói tỉnh bơ không cần nhìn mặt tôi… buồn!
À không, làng tôi vẫn vui.
Tôi vụng củi, nhưng gói bánh tét, bánh chưng thì biết làm ngon ơ từ thời lớp năm lớp bảy. Mấy chục năm nay, và có lẽ mãi về sau khi tay vẫn còn chún được lạt, với tôi Tết nghĩa là lửa bánh chưng bánh tét. Chẳng phải ngon miếng bánh chưng bánh tét với dưa hành, đã đành. Mà hơn thế nữa, là cho con cháu, người thân, cho đêm cuối năm cái xôn xao lửa củi bếp núc cùng nhau. Tôi thèm tết, nhớ tết như một đứa trẻ là vì thế, củi Khúc Rò ơi!
HỒ MINH TÂM