Hà Lâm Kỳ và “duyên nợ” với người anh hùng nhỏ tuổi

Vanvn- Trong đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi của làng văn Yên Bái hiện nay, không thể không nhắc tới nhà văn Hà Lâm Kỳ bởi ông là một trong những người tâm huyết và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này. Các tác phẩm của ông luôn mang hơi thở của núi rừng quê hương Đại Lịch, là tiếng nói của trẻ em miền núi và đậm chất nhân văn.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Yên Bái thuộc Hội Nhà văn Việt Nam

Con người Hà Lâm Kỳ luôn toát lên sức sống mãnh liệt và ngày ngày vẫn cần mẫn với công việc vừa làm công tác quản lý vừa sáng tác văn chương. Mấy chục năm cầm bút, nhà văn đã được ghi nhận qua rất nhiều giải thưởng: Giải C (không có giải A) cho truyện dài Kỷ vật cuối cùng trong cuộc thi sáng tác về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn và Trung ương Đoàn tổ chức năm 1991; giải Ba của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam với tác phẩm Mỗi nét hoa văn (2005); Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” (2004); giải thưởng của UBND tỉnh Yên Bái cho tác phẩm Chim Ri núi và Gió Mù Căng…

Ông đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là một nhà văn viết cho thiếu nhi. Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông bộc bạch: “Khi tôi lẫm chẫm, mẹ tôi bảo: con bám theo hàng hiên mà đi!… Nhà sàn có cầu thang, bố dặn đừng làm nó mục, đầu hồi cái máng dẫn nước, lối vào nhà rửa chân … Lớn lên chút nữa mẹ bảo: con phải biết đọc, biết viết để ghi rõ những chuyện cổ tích mẹ kể…”. Ở cuốn Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, ông tự bạch: “Tôi nhớ mãi khi về đón bố ra ở cùng, bố tôi khóc nói: Đi thì đi nhưng bố mẹ không bỏ làng đâu. Truyện dài “Làng nhỏ” của tôi bắt mạch từ đấy. Bố mẹ, chị dâu, chị gái, làng xóm, bạn bè thuở chăn trâu cắt cỏ cứ lần lượt xuất hiện với tư cách nhân vật làng quê chân đất, hài hòa cùng khe suối, chim thú, cây cỏ…”. Có thể thấy, tình cảm với quê hương, với những người thân và bè bạn luôn trong trái tim và sống cùng tác phẩm của ông.

Trong số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn như: Gió Mù Căng, Quả nhạc xòe của mẹ, Những đứa con lên núi, Ông tướng bọ ngựa, Vượt rừng, Từng vuông thổ cẩm, Mỗi nét hoa văn, Một góc nhìn, Xôn xao rừng lá, Con trai bà chúa Nả… thì Kỷ vật cuối cùng đã làm nên tên tuổi Hà Lâm Kỳ. Nguyên mẫu nhân vật chính trong tác phẩm là Hoàng Văn Thọ – người anh hùng trẻ tuổi, liệt sĩ thời chống Pháp nơi quê hương Đại Lịch (Văn Chấn) của ông. Truyện này ban đầu có tên Áo chàm chân núi, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1991 – đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và đã được đón nhận nhiệt tình cũng như lập tức được tái bản nhiều lần.

Ngay năm sau, Chim Ri núi – được coi như phần hai của Kỷ vật cuối cùng ra mắt độc giả. Lần tái bản năm 2008, tác giả đã hợp nhất hai tác phẩm đó và kèm thêm một số bài viết, tư liệu ảnh về Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thọ. Đọc tác phẩm này, các em nhỏ sẽ hiểu hơn về sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của Đội trưởng Đội Thiếu niên trung kiên Đại Lịch. Thông minh, nhanh nhẹn nên Hoàng Văn Thọ được chọn làm liên lạc cho Xã bộ Việt Minh. Đội Thiếu niên của Thọ phát triển mạnh, hoạt động kháng chiến có tiếng một vùng. Sự hy sinh là một mất mát lớn nhưng tinh thần quả cảm, anh dũng của người Đội trưởng ấy còn mãi và được đồng đội tiếp nối đến ngày quê hương giải phóng. Hình tượng tấm áo chàm mà anh gửi lại cô bạn gái trước lúc đi xa là kỷ vật thiêng liêng lưu giữ một tình yêu đẹp, trong sáng. Tuy không giống hệt những chuyện có thật xảy ra ở Đại Lịch nhưng bài ca về chất anh hùng, về tình cảm gắn bó của nhân dân với cán bộ, cách mạng cùng tình yêu thương, đùm bọc thật xúc động đã giúp tác phẩm sống mãi.

Ngay từ thơ bé, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã được nghe kể về người anh hùng của quê hương mình nhưng khi viết truyện, ông đã phải “nhiều đêm xách đèn bão đi hết bản này bản khác, tìm gặp các nhân chứng từ bốn chục năm trước để tập hợp các tình tiết rồi dẫn dắt chuyện sao cho không bi lụy trước mất mát khi người anh hùng hy sinh”. Ông chỉ mong, công lao của Hoàng Văn Thọ được đánh giá đúng và để mọi người biết đến một tấm gương anh hùng nhỏ tuổi. Với Kỷ vật cuối cùng, các bạn trẻ đã hiểu thêm về Hoàng Văn Thọ và coi anh là “Kim Đồng của Hoàng Liên Sơn”. Sau đó, Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thọ cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ như: Hương cốm mùa thu – ca kịch của Xuân Nguyên được Đoàn Nghệ thuật tỉnh dàn dựng và tham dự hội diễn toàn quốc; Chim Ri đá – kịch của Phạm Tuất; Hoàng Văn Thọ cướp súng Tây – tranh sơn dầu của Quách Hùng…

Bức tranh Hoàng Văn Thọ cướp súng Tây đã được nhà văn Hà Lâm Kỳ cùng Đoàn Thiếu nhi Yên Bái gửi tặng bác Phạm Văn Đồng khi về thăm bác. Năm 1998, Hoàng Văn Thọ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (hơn 50 năm sau ngày anh hi sinh) và trên quê hương Đại Lịch có ngôi trường mang tên anh. Với nhà văn Hà Lâm Kỳ, ông còn nhiều trăn trở là làm thế nào để thế hệ trẻ hôm nay thật sự hiểu và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Những kỷ vật quê hương như: ớp, coóng, nỏ, túi thổ cẩm… luôn được ông nâng niu, trân trọng, đặc biệt là kỷ vật của một trong số những đội viên Đội Thiếu niên trung kiên năm xưa từng tham gia chiến đấu với Hoàng Văn Thọ. Đó chỉ là chiếc cặp da cũ sờn nhưng là kỷ vật gắn bó thân thiết với ông Hoàng Văn Vinh – nguyên mẫu nhân vật Vịnh trong tác phẩm. Sau khi ông Vinh nghỉ công tác đã chuyển chiếc cặp đó cho ông Hà Văn Đê là cha của Hà Lâm Kỳ. Từ đó đến nay, ông luôn lưu giữ trân trọng và kể cho con cháu nghe về kỷ vật đó.

Có niềm vinh dự lớn, tác phẩm Kỷ vật cuối cùng của nhà văn Hà Lâm Kỳ là một trong hai tác phẩm được chọn giảng dạy trong chương trình Ngữ văn địa phương dành cho học sinh bậc trung học cơ sở.

Hiện tại, ông đang ấp ủ nhiều dự định. Giàu lòng yêu trẻ, chắc hẳn những độc giả tuổi thơ sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm hay của nhà văn Hà Lâm Kỳ.

ANH THƯ

Báo Yên Bái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *