Gió xuân nhè nhẹ – Truyện ngắn của Đỗ Thị Hiền Hòa

Vanvn- Sát Tết năm ngoái Mai hoàn thành ngôi nhà năm tầng bề thế, được thiên hạ bình luận là đẹp nhất nhì khu phố này. Mai muốn trang trí cho ngôi nhà mới thật sang trọng và đúng kiểu thời thượng.

Gian chính sẽ đặt một cây đào, sao cho đứng ngoài đường lớn mãi xa cũng nhìn thấy sắc hồng của nó. Cậu lái xe muốn đưa vợ chồng Mai lên tận làng hoa Nhật Tân để chọn cây đào vừa ý, nhưng chồng Mai lại thích chen chúc vào chợ hoa Tết ngay khu phố nhà mình. Khi thấy chồng sán bên chậu vạn thọ cây thấp lủn củn hoa nhỏ li ti, Mai thấy khó chịu. Người bán chậu hoa là một trung niên ăn mặc lùi xùi. Chiếc mũ len thô, xỉn mầu che gần kín mặt. Chậu hoa anh ta bán trông cũng lạ, nhưng nhìn chủ nhân của nó, Mai không có một chút cảm tình. Chị giục chồng đi. Anh hàng hoa ngước nhìn lên. Bỗng nhiên Mai run bắn…

Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa (1951-2022)

>> Vĩnh biệt nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa

>> “Gió chuyển mùa” và bước chuyển của một nữ tác giả

 

Mai không dám tin ở mắt mình. Chị bảo chồng về trước, còn mình thì quay lại chỗ người bán chậu hoa: “Anh có phải là Quang?”. Người bán hoa thản nhiên: “Vâng, chào Mai”. “Trời ạ, sao anh lại ở đây?”. “Tôi ở đây lâu rồi. Nhà tôi ở khu tập thể Phú Lư mà”.

Khu tập thể ấy kề ngay khu liên cơ cao cấp, trong đó có căn hộ dành cho gia đình chị trước đây. Ngày nào chị cũng đi qua và hầu như ngày nào chị cũng bực bội với đám trẻ con hỗn láo ở đấy. Chúng thường nghĩ ra đủ những trò tinh quái để ách tắc những chiếc xe qua đường. Mỗi khi qua đấy Mai thường đi thật nhanh để tránh mùi nước cống bốc lên từ các rãnh nước ngập ngụa, có khi tràn cả lối đi. Ðó là khu tập thể của nhà máy X. Nhà máy ở mãi cuối thành phố, mà công nhân phải chấp hành giờ giấc rất nghiêm. Vào lúc Mai đến cơ quan thì người lớn ở đây đã đi làm. Còn lúc hết giờ thì họ cũng về sau. Vì con đường có phần “trở ngại” này mà đã nhiều lần Mai đề nghị với ủy ban tỉnh mở một lối đi khác, tiện lợi hơn cho khu liên cơ cao cấp.

Thời đánh Mỹ, Mai là một học trò hồn nhiên, trong trẻo. Nơi đóng quân của tiểu đoàn 18 cách nhà Mai hai mảnh vườn xoan. Các chú nuôi quân thường vào giếng nhà Mai múc nước. Chú tiểu đoàn trưởng hay vào hút thuốc lào và chuyện vãn với bố Mai. Còn cậu liên lạc thì thoắt đến, thoắt đi nhưng cũng trở nên thân thiết với gia đình. Tiểu đoàn trưởng là người vui tính. Thấy hai đứa trẻ trông đẹp đôi, ông liền gán ghép ngay. Mai không xấu hổ mà bạo dạn đối đáp lại:

– Chú cứ trêu bạn ấy làm gì – Mai nhấn mạnh vào từ “bạn” – chắc bạn ấy đang nhớ đám trẻ trâu ở nhà.

Tiểu đoàn trưởng lừ mắt, nhưng vẫn cười huých vào vai cậu liên lạc trẻ. Cậu ta chưa kịp lên tiếng, Mai đã nói tiếp:

– Một hôm bạn ấy đang thả trâu, gặp đơn vị chú hành quân qua, bạn ấy thích quá nên lẵng nhẵng đi theo. Thế là chú nhận bạn ấy vào làm liên lạc chứ gì.

– Hừ, mày khéo phịa thật đấy. Thằng Quang đâu, trai thành phố mà chịu nó à!

Quang đỏ mặt lúng túng rồi lỉnh mất. Hai chú cháu Mai được mẻ cười. Mỗi lần thấy Mai làm gì đó một mình, tiểu đoàn trưởng lại nháy mắt gọi “Quang ơi!”. Quang “dạ” thật to rồi huỳnh huỵch chạy tới:

– Thủ trưởng bảo gì ạ?

– Tương trợ cháu gái tao một chút đi. Có biết xay thóc không?

– Báo cáo!… Báo cáo… Không! – Và Quang co cẳng chạy.

Một buổi trưa Mai đang loay hoay với chiếc xe đạp nằm kềnh trên đất, trông thấy chú tiểu đoàn trưởng, Mai liền rối rít:

– Chú ơi! Chữa hộ cháu.

– Ừ, để đấy.

– Nhưng cháu đi học muộn mất rồi!

– Thôi được. Ðể xe đấy, ở nhà tao chữa. Bây giờ mày chuẩn bị sách vở đi. Tao bảo thằng Quang nó đèo đến trường.

– Ứ, phiền lắm. Chú cho cháu mượn xe.

– Không được, chiều tao phải lên trung đoàn họp.

– Nhưng tối cháu về thế nào?

– Tao lại cử “xế” đến đón.

Và ông lại gọi to: “Quang ơi!”. Quang lại huỳnh huỵch chạy tới:

– Báo cáo, em đang chuẩn bị ngủ trưa ạ!

– Tốt. Nhưng hãy tạm hoãn giấc ngủ đến trưa mai. Bây giờ cần chở cô bé này đến trường. Về lấy xe của tao. Bơm căng vào. Nhanh lên.

Mười phút sau Quang dắt xe đạp đến đứng thập thò ngoài cổng. Tiểu đoàn trưởng mỉm cười, giục Mai:

– Ði đi và đừng có bắt nạt nó đấy nhé.

Suốt dọc đường Mai im lặng. Mãi lúc đến cổng trường mới khẽ nói:

– Năm giờ chiều đón Mai với nhé.

Quang không nói gì, lẳng lặng đạp xe về. Thế mà lúc tan học, Mai đã thấy Quang đứng ở cổng rồi.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Buổi trưa khác thấy Mai ỉu xìu ngồi trong giường mất hẳn vẻ vui nhộn thường ngày. Tiểu đoàn trưởng ngạc nhiên hỏi:

– Mày làm sao vậy? Mà sao giờ này mày chưa đi học.

– Dạ hôm nay cháu… cháu không muốn đi.

– Có chuyện gì thế?

– Cháu nói thật, nhưng chú đừng bảo với bố cháu cơ. Hôm nay bài khó lắm. Cháu không làm được, nên trốn.

– Ơ con này hay nhỉ. Khó mới phải học chứ.

– Chú không biết. Hôm nay thầy giáo kiểm tra. Cháu trốn tức là cháu chịu lại, hôm khác kiểm tra bù, để khỏi bị điểm kém.

– Thế còn bài giảng ngày hôm nay thì sao?

– Thì mai cháu chép.

– Không được! Tao hỏi, mày khó hiểu lý thuyết hay khó làm bài tập.

– Dạ, bài tập ạ.

– Ðưa tao xem.

Mai rụt rè đưa cuốn sách cho chú bộ đội mà Mai quý như bố mình.

– Lượng giác à? Ðược rồi. Mày chuẩn bị giấy bút đi, để tao gọi thằng Quang.

Lúc Quang chạy đến thì Mai đã ngồi nghiêm chỉnh trước bàn với giấy bút trong tay. Quang cầm cuốn sách lướt xem rồi nói to:

– Trước hết bạn thử nói cho tôi nghe lý thuyết của phần này.

Mai ấp úng:

– Sin của góc alfa bằng…

– Bạn phải nói rành mạch đi. Hiểu rõ lý thuyết mới làm được bài tập.

Lúc này Quang mất hết vẻ nhút nhát thường ngày. Tiểu đoàn trưởng ngồi bên kia bàn cứ gật đầu hoài. Thấy Mai lúng túng, đỏ bừng mặt lên, ông giục Quang:

– Thôi, mày làm cho nó cái bài tập khó ấy đi, để nó còn đến lớp. Còn việc giảng giải để sau.

Một buổi chiều cuối năm, trời rét dữ lắm. Mai đi học về thấy Quang đứng thẩn thơ ở cổng nhà mình. Dĩ nhiên Mai vẫn là người nhanh nhảu. Cô hỏi trước:

– Người chờ ai ở đây?

– Chờ cậu đấy.

– Bốc! Chờ tớ có việc gì? Hay lại bị chú Huân mắng phải không.

– Thế tớ chờ cậu thật thì sao?

– Thì tớ sẽ bảo là cậu hấp.

Giọng Quang buồn hẳn đi:

– Thế thì thôi vậy. Tôi chờ người khác.

– Người nào? Mai hấp tấp hỏi và bỗng gặp đôi mắt Quang nhìn xoáy vào mình. Nhưng giọng Quang rất bình thản:

– Miễn hỏi.

Và Quang bước đi, dứt khoát.

Mai tự nhủ: Có lẽ mình quá lời, Quang tự ái chăng. “Chờ cậu”, có lẽ nào… Tối nay mình hỏi chú Huân sẽ rõ hết. Nghĩ thế và Mai thấp thỏm mừng thầm.

Tối đó Mai chờ mãi mà chú Huân không xuống. Sáng hôm sau Mai vùng dậy chạy ngay ra giếng, mong gặp chú nuôi quân nào đó. Nhưng không gặp ai cả. Nhìn lên phía doanh trại của các chú, Mai thảng thốt. Những mái lều bạt xinh xắn thân yêu đã không cánh mà bay đâu hết. Cô vội vã chạy về hỏi bố, mới biết tiểu đoàn 18 đã được lệnh chuyển đi từ đêm qua rồi. Mai thấy tim mình thắt lại.

Một tháng sau, đúng chiều 30 Tết, Mai nhận được thư Quang. Người đưa thư vừa chìa chiếc phong bì, cô giật vội lấy, len lén ra sau nhà, dựa lưng vào gốc cây đào. Quang bảo rằng giá hôm ấy Mai hiểu lòng Quang thì chúng mình đã có cuộc chia tay đáng nhớ rồi.

Sau này Mai mới hiểu rằng khi những cành đào trên bàn thờ nhà cô đang rung rinh chào những tràng pháo Tết, thì cũng là lúc Quang cùng đồng đội của anh lao mình dưới làn đạn pháo xông lên chiếm tổng hành dinh của bọn ngụy quyền thành phố Huế. Ở một lá thư sau này Quang viết cho Mai như vậy. Anh còn viết: “Sau này đất nước thống nhất, Mai có dành cho Quang cành đào đẹp nhất không?”. Gần một năm thư từ trao đổi, chợt Mai không nhận được thư Quang nữa. Hàng chục năm sau Mai vẫn nhớ người bạn trai đầu tiên ấy. Nhưng gần đây thì Mai quên. Cuộc đời có nhiều việc quá. Giờ đây Mai đã thành một cán bộ tỉnh, được nhiều người biết tiếng, kính trọng và nể vì.

Cuộc gặp lại bất ngờ cũng làm chị vui lên đôi chút, nhưng cái vui hẫng hụt rất nhiều so với ao ước ngày xưa. Với chị bây giờ Quang khác lạ và xa xôi làm sao. Kỷ niệm đã nhạt nhòa, những công thức toán học thì hoàn toàn xa lạ. Bây giờ chị quen với những công thức khác. Ðã gần một năm qua đi, chị vẫn chưa đến thăm nhà Quang. Mãi sau này, nhân dịp cùng đoàn cán bộ của tỉnh về dự lễ đón nhận huân chương của nhà máy X, chị mới gặp lại người bạn cũ của mình. Ðến lúc ấy chị cũng mới biết bạn của chị là kỹ sư trưởng của nhà máy. Anh tiếp Mai dè dặt và có phần miễn cưỡng. Không biết tình bạn cũ sống lại, hay vì trân trọng cái cương vị kỹ sư trưởng mà Mai nồng nhiệt với Quang hơn. Nhân dịp cuối năm Mai quyết định đến thăm nhà Quang. Trước khi đi chị đã bảo lái xe vào chợ chọn  mua một cây đào thật to. Có thể xem như đó là cành đào đẹp nhất mà có lúc Quang đã ước ao.

Gia đình Quang ở sâu trong dãy nhà xuống cấp ấy. Cũng như mọi gia đình khác, nhà Quang có mái hiên chìa ra phía trước. Ở đấy là bếp và công trình vệ sinh. Hôm ấy là 29 Tết. Vợ Quang đang thu xếp căn phòng nhỏ. Ðiều làm Mai ngạc nhiên là chị chưa kịp giới thiệu về mình, cô ta đã nhận ra và nồng nhiệt mời “chị Mai” vào nhà chơi. Mai nửa đùa, nửa thật:

– Anh Quang đâu, hay lại ra chợ bán hoa như năm ngoái rồi?

Vợ Quang thật thà:

– Có hoa đâu mà bán hả chị. Chả là các cháu nhà em xin đâu được ít hạt hoa. Chúng trồng vào chậu thau, nhưng chịu khó tưới tắm, đến dịp Tết nó nở hoa. Chẳng giấu gì chị, năm ngoái em bận theo lớp cao học ở Hà Nội, lại mắc thi nên về muộn, khiến mấy bố con ở nhà lúng túng. Giáp Tết rồi, con đòi may áo mới, bố thì hết tiền, có người bảo mang chậu hoa ấy đi bán cũng được vài trăm. Nào ngờ, lại đắt hàng.

Ra thế. Mai bảo lái xe mang cành đào vào nhà. Vợ Quang cuống quýt:

– Ôi!

Cô lúng túng thực sự, nhìn đi, nhìn lại căn phòng nhỏ của mình, không biết đặt món quà quý vào đâu. Nếu đặt chỗ bàn tiếp khách, nơi trang trọng nhất, thì cành đào che mất lối đi vào phía trong. Nếu đặt ở khoảng trống thông sang gian bếp thì e mất sự trân trọng với chủ nhân của nó. Cuối cùng cô đặt ngay cành đào lên chiếc giường đôi của mình, miệng ríu rít:

– Cây đào tuyệt quá. Em cứ để tạm lên đây, phần anh Quang về sẽ thu xếp chỗ sau. Thú thật với chị, bọn em không bao giờ dám mơ đến cành đào đẹp thế này.

Vợ Quang hồn nhiên hỏi:

– Chị có sang bác Huân chơi, em chỉ lối?

– Bác Huân nào nhỉ?

– Bác Huân mà nhà em bảo ngày xưa quý chị lắm.

Mai nghĩ ngợi:

– Có phải chú Huân tiểu đoàn trưởng…

– Ðúng rồi.

– Sao chú ấy lại ở đây nhỉ.

– Bác ấy hay nói chuyện về chị lắm. Chị họp ở tỉnh phát biểu gì bác ấy cũng biết, lại kể cho nhà em nghe.

– Thế chú ấy làm gì?

– Nghỉ hưu rồi. Bây giờ bác ấy trông xe ngoài bách hóa.

– Trông xe? – Mai thảng thốt hỏi.

– Vâng! Có khi tại bác ấy già quá nên chị không nhận ra đấy thôi. Tuy trông xe nhưng bác ấy theo dõi sát báo chí lắm. Thời sự, chính trị diễn ra khắp thế giới bác ấy cập nhật hết. Lương hưu của bác ấy cũng cao, nhưng bác ấy bảo đi làm cho vui. Nhà bác ấy kia kìa.

Mai nhìn theo tay vợ Quang, thấy cũng một mái hiên nho nhỏ chìa ra phía trước che đậy bằng những tấm fibro xi-măng đã cũ. Chị sẽ sàng nói:

– Ðể lúc khác mình đến chơi. Giờ chắc chú cũng bận.

– Còn bên này là nhà cô Thu. Cô ấy nói ngày xưa cũng học trung cấp với chị.

– Thu à? Nó đi nam cơ mà.

 

– Chị ấy trở về từ năm bảy tám cơ.

Trong lòng Mai chợt dâng đầy một nỗi buồn. Chị day dứt mãi với một câu hỏi: Tại sao những người thân ấy không tìm đến với chị, trong khi bao nhiêu người xa lạ khác họ lũ lượt kéo tới nhà chị?

Và tự nhiên chị nhớ lại những lần mình gửi xe để vào bách hóa. Lần nào chị cũng thản nhiên, lạnh lùng. Có lần thấy người soát vé già giương kính lên nhìn đi, nhìn lại chiếc vé nhàu nát từ tay chị, Mai sẵng giọng:

– Ông đã nhìn kỹ chưa. Vé thật đấy, không ai vẽ ra được đâu.

Ông già vẫn lạnh lùng nhìn lại chiếc vé lần nữa rồi mới gật đầu cho chị dắt xe ra. Lần khác, Mai cùng với anh bạn bên sở tài chính đi thăm bách hóa, lúc quay ra lấy xe thì người bạn kêu mất bộ áo mưa để trong giỏ xe. Anh ta to tiếng, nhất định bắt đền người trông xe. Người đàn bà chuyên ngồi viết vé, lý sự lại:

– Chúng tôi chỉ trông xe chứ trông sao được đồ dùng. Biết anh mất ở đây hay đánh rơi ở đâu.

Mai lên tiếng chấn chỉnh:

– Các ông các bà vô trách nhiệm. Mất của người ta thì phải đền. Rồi tôi sẽ đề nghị với sở xem lại trách nhiệm của những người làm việc ở đây. Nếu các vị không thể làm tốt thì để các anh ấy hợp đồng với người khác.

Không hiểu lời của Mai có uy lực thế nào mà chị phụ nữ kia im bặt. Còn ông già vẫn kiểm vé thì lặng lẽ móc túi lấy ra 50 ngàn đồng đưa cho người bạn của Mai, rồi lại thản nhiên ngồi thu vé…

Ðấy chính là chú Huân ư? Mai cảm thấy mặt mình nóng bừng lên. Ðường phố những ngày giáp Tết vừa chật chội, vừa náo nức khác thường. Mầu áo, mầu hoa, mầu cờ làm không gian bừng sáng sau những ngày đông ảm đạm. Mai đi chậm trên lòng đường, lẫn trong những cành đào, cành quất nườm nượp theo các chủ nhân tỏa về khắp ngả. Nghĩ đến cành đào tặng của mình được đặt trên giường của vợ chồng Quang, Mai thấy nhói lòng. Bao nhiêu người như Quang, như chú Huân còn phải ở trong khu nhà tập thể và chung cư xuống cấp. Họ vẫn miệt mài làm việc và học tập, chẳng làm phiền đến những người như Mai.

Năm cũ sắp qua đi. Những làn gió xuân nhè nhẹ đã mang về hơi ấm dịu dàng. Dù sao Mai cũng đã đến thăm nhà Quang trong cái khu tập thể bộn bề và chật chội ấy. Dù sao Mai cũng đã nhận ra nhiều người thân đang lặng lẽ và thản nhiên sống ở cạnh mình…

ÐỖ THỊ HIỀN HÒA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *