Vanvn- Như tin đã đưa, nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa quê Hải Dương vừa qua đời ngày 01.5.2022 ở Hà Nội hưởng thọ 71 tuổi. Tưởng nhớ nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa, Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Cao Năm về tiểu thuyết Gió chuyển mùa của bà…

>> Vĩnh biệt nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa
Tiểu thuyết có 15 chương, nhưng có thể nói chương nào cũng có tình tiết sống động, có sức đột phá tính cách nhân vật, tạo bước ngoặt cho tình huống truyện. Nhà văn lại viết với lối kể chuyện, theo cách những ông bà nông dân đi làm đồng nghỉ giải lao kể cho nhau nghe, nên rất đời thường và đậm chất hài. Dẫu sao vẫn có thể thấy bám sát chất liệu đời sống là bút pháp chủ đạo trong “Gió chuyển mùa”…
Đọc nhiều truyện ngắn của nhà văn nữ đất Thành Đông Đỗ Thị Hiền Hòa nhưng đây là lần đầu tôi đọc truyện dài của chị, tiểu thuyết “Gió chuyển mùa” (NXB Hội Nhà văn – 2010). Chỉ với 300 trang sách khổ 13x19cm, viết theo lối tiểu thuyết truyền thống chương hồi, nhưng “Gió chuyển mùa” ngồn ngộn chất liệu đời sống, mà qua đó, người đọc có thể thấy một thực trạng không hiện diện, nhưng lại ngấm ngầm diễn ra khá phổ biến, là bệnh ham hố quyền lực, danh vọng, tiền tài ở một số người có chức, có quyền. Bên cạnh đó, nhà văn cũng dụng công xây dựng những nhân vật sống nghĩa tình, chung thủy trong cả tình vợ chồng, xóm làng, bạn hữu, dù có lúc bị dập vùi thì vẫn lạc quan sống và làm việc, vì tình yêu con người và niềm tin lẽ phải.
Như có ý tạo dựng sự phản chiếu hai mẫu nhân vật chủ chốt ở huyện để bạn đọc dễ đối chiếu, nhà văn không ngần ngại đi thẳng vào thực trạng đời sống ở hai huyện Phương Đông và Trại Bến làm bối cảnh triển khai tính cách nhân vật và tình huống truyện. Trường THPT Tân Tiến đang yên lành bỗng nháo nhác cả lên bởi một tin: Huyện sắp có bí thư mới về thay Bí thư Châu. Thế là Hiệu trưởng Tinh Tú, một người trình độ thấp, nhưng bằng con đường luồn lách mà lên được chức hiệu trưởng liền lệnh cho cô kế toán cùng cánh với mình, làm cái phong bì dầy dầy một chút, chuẩn bị đến “ra mắt” bí thư mới. Bao nhiêu năm làm Bí thư Huyện ủy Phương Đông, Châu, bí thư cũ, một phần tin vào cán bộ cấp dưới, phần bận nhiều công việc cũng ít đến trường Tân Tiến. Ít đến, nhưng Châu vẫn nắm được tình hình của trường, có điều ở một huyện thuần nông, đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có rất nhiều việc đòi hỏi bí thư huyện ủy phải năng động, đi sâu đi sát cơ sở, nắm tâm tư, nguyện vọng của dân, nên một số việc Châu biết đấy, nhưng chưa thể giải quyết ngay một lúc.
Với nhân vật Châu, nhà văn không chỉ ngợi ca một bí thư cấp huyện luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, mà còn gợi ra nhiều vấn đề về chính sách và cơ chế điều hành ở huyện trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hội nhập. Chỉ có điều, vấn đề nhà văn đặt ra chưa được khắc họa sâu đậm, thông qua những nhân vật tích cực như Châu, thì ở tuyến nhân vật tiêu cực, ngòi bút Đỗ Thị Hiền Hòa lại tỏ ra khá sắc sảo, nhất là với nhân vật Hoài Nghi. Dường như nhà văn muốn qua nhân vật nữ này để đặt ra vấn đề nhìn nhận, cất nhắc cán bộ không thể nhìn cái dáng bên ngoài, cái tài khua môi múa mép, hay vài ba việc “nổi riêu cua”, cộng với kiến thức “ăn đong” và học vấn “nhảy cóc”, mà cho là có năng lực, trình độ để từ đó bồi dưỡng, cất nhắc và trao vào tay họ những trọng trách, để cuối cùng gây ra hậu quả khó lường, làm dân mất niềm tin.
Nhà văn tỏ ra am hiểu loại nhân vật nữ như Hoài Nghi, nên đã xây dựng được một nữ cán bộ chủ chốt của huyện khá góc cạnh, với một đời sống riêng có phần hiu hắt, mới học dở cấp ba thì tình cờ được Sung, bạn cũ của bố, làm Trưởng ban Tài chính huyện Trại Bến nhận làm con nuôi, đưa lên huyện đoàn. Cái bước đi đầu tiên này của Hoài Nghi hẳn cũng không có gì “ấn tượng” với hàng ngũ cán bộ huyện, nếu như ông bố nuôi là người nghiêm cẩn, đúng mực. Nhưng đúng như ai đó từng viết, trong những cái làm người ta dễ thoái hoá phẩm chất thì gái mú và tiền bạc là hai cái đáng sợ nhất. Và cũng lại đúng như người xưa nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, tuy con gái nuôi làm ở huyện đoàn nhưng hàng ngày vẫn về chỗ bố làm việc bên Ban Tài chính huyện ăn uống, tắm giặt, rồi cái gì đến tất phải đến, ông bố với cô con gái nuôi ăn ở với nhau “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Đến khi Hoài Nghi có thai, cũng là khi ông bố nuôi tìm cách cho cô được vào Đảng và học xong cấp ba, rồi thi vào đại học tài chính tại chức, với ý định (được cả hai bố con “giao kèo”): Khi ông Sung đến tuổi hưu, Hoài Nghi sẽ thay ông làm Trưởng ban Tài chính huyện.
Nhưng đúng như các cụ dạy: “ở hiền thì lại gặp lành/ ở ác gặp ác xoáy quanh vào mình”, khi đã giữ cương vị cao thì đồng thời Hoài Nghi cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa trong thực tế, và chính một lần gặp người lao động ở cơ sở nọ, Hoài Nghi đã bị lật tẩy là kẻ dối trá, lừa đảo, ăn hối lộ…
Tiểu thuyết có 15 chương, nhưng có thể nói chương nào cũng có tình tiết sống động, có sức đột phá tính cách nhân vật, tạo bước ngoặt cho tình huống truyện. Nhà văn lại viết với lối kể chuyện, theo cách những ông bà nông dân đi làm đồng nghỉ giải lao kể cho nhau nghe, nên rất đời thường và đậm chất hài. Dẫu sao vẫn có thể thấy bám sát chất liệu đời sống là bút pháp chủ đạo trong “Gió chuyển mùa”, từ đó, dù triển khai tác phẩm theo hướng nào, nhà văn cũng không đi quá xa thực tế đời sống xã hội nông thôn những năm vừa qua. Cách viết này có thế mạnh là tác phẩm văn học gần với thực tế cuộc sống, mang hàm lượng thông tin và tính chân thực cao, trong chừng mực nào đó dễ tạo sự hòa đồng giữa người đọc và trang viết; nhưng cũng có hạn chế là trang viết ít sức lay động, bay bổng và gợi mở. Nhưng có lẽ trong bối cảnh thực tế như “Gió chuyển mùa” cũng khó chọn cách viết nào có sức kéo người đọc hơn là cách viết chân thực, với một lối kể chuyện có duyên, pha chút dí dỏm, hài hước như nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, mà theo chị thì đây là cuốn sách chị tâm đắc nhất
CAO NĂM