Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Cánh chim đầu đàn ngừng bay

Vanvn- Mỗi chuyến đi, thầy Nguyễn Văn Hiệu đều ấp ủ rất nhiều hoài bão. Thầy chỉ mong máy bay hạ cánh là về thẳng trường, trao đổi ngay với chúng tôi để triển khai những ý tưởng đã nung nấu trong những ngày công tác…

GS Nguyễn Hữu Đức (bìa phải) và GS Nguyễn Văn Hiệu (thứ hai từ phải sang) – Ảnh: GS Nguyễn Hữu Đức 

Hôm qua (23.1), Hội đồng giáo sư (GS) ngành vật lý họp phiên cuối cùng để đánh giá 28 ứng viên GS và phó GS của năm 2021. Khi nhận được tin GS Nguyễn Văn Hiệu qua đời, tôi đang chủ trì cuộc họp ấy và đã không thể phát biểu nên lời…

Tôi đã nghẹn ngào và phải nhờ GS.TS Nguyễn Quang Liêm, phó chủ tịch hội đồng, điều hành tiếp phiên họp. Bởi vì thầy Hiệu không chỉ là người có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn trong khoa học Việt Nam nói chung, khoa học và vật lý Việt Nam nói riêng, mà đối với bản thân tôi còn gắn bó qua quá nhiều kỷ niệm.

“Tổng công trình sư”

Tôi là sinh viên vật lý khóa 21 của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Lúc đó (năm 1978), thầy Hiệu đang là giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (nay là Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam). Vì rất quan tâm đến sự phát triển tương lai ngành vật lý Việt Nam nên dù rất bận bịu, thầy vẫn trực tiếp đến giảng bài cho lớp của chúng tôi môn cơ học lượng tử. Cả lớp chúng tôi rất hào hứng nhờ được thầy truyền nhiệt huyết và niềm đam mê vật lý.

Đến khoảng năm 1993, cố GS Nguyễn Phú Thùy nhận thấy chúng tôi là những nhà vật lý trẻ, có nhiệt huyết nên đã chủ động đưa chúng tôi ra nhà thầy Hiệu ở phố Bát Đàn diện kiến thầy. Thầy Hiệu rất vui và cởi mở khi gặp những nhà vật lý trẻ như chúng tôi. Thầy còn giao nhiệm vụ cho cố GS Nguyễn Phú Thùy dìu dắt chúng tôi phát triển. Sau đấy có những đoàn công tác đi tham quan các phòng thí nghiệm vật lý ở Hàn Quốc, tôi được cho đi cùng ngay.

Năm 2004, Thủ tướng thành lập Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Dù thầy Nguyễn Văn Hiệu đã trên 60 tuổi, nhưng vì là trường hợp rất đặc biệt, thầy vẫn được Thủ tướng cho phép tiếp tục làm hiệu trưởng sáng lập thêm 2 năm nữa. Tôi được vinh dự làm phó hiệu trưởng, giúp việc cho thầy.

Thật bất ngờ khi chỉ mới 6 tháng sau, thầy Hiệu đã đích thân lên báo cáo cho GS Đào Trọng Thi, giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khi đó, xin thôi làm hiệu trưởng. Thầy Hiệu nói rằng thầy đã phát hiện ra tôi và muốn giao trọng trách ấy lại cho tôi. Lúc ấy tôi không biết, mãi đến sau này mới nghe GS Đào Trọng Thi kể lại. Không riêng tôi, mà những lúc có dịp kể câu chuyện trên với nhiều thế hệ trẻ, mọi người đều cảm phục về một hành động cao cả của GS Nguyễn Văn Hiệu.

Tại Trường ĐH Công nghệ, người ta vẫn nói thầy Hiệu là “tổng công trình sư”, là hiệu trưởng sáng lập, xây dựng nên nền móng cho Trường ĐH Công nghệ. Tôi vinh dự là người thực thi bản thiết kế đấy, nhưng lại rất may khi trong quá trình tôi lãnh trách nhiệm, thầy vẫn luôn luôn quan tâm, trao đổi, góp ý kiến.

Linh hồn của các tạp chí ISI đầu tiên

Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần ngay sau khi đi công tác ở nước ngoài về từ sân bay Nội Bài, nơi thầy ghé lại đầu tiên là văn phòng tại Trường ĐH Công nghệ chứ không phải về nhà nghỉ ngơi. Vì mỗi chuyến đi, thầy đều ấp ủ rất nhiều hoài bão. Thầy chỉ mong máy bay hạ cánh là về thẳng đến trường, gõ cửa phòng tôi và trao đổi ngay với tôi và các cộng sự để triển khai những ý tưởng đã nung nấu trong những ngày công tác vừa qua.

Cho đến tận khi thầy đã nghỉ hưu, thầy cũng tiếp tục dành những ý tưởng và trăn trở cho ngành vật lý nói riêng và khoa học Việt Nam nói chung. Thầy phát hiện rằng suốt một giai đoạn rất dài cho đến năm 2010, Việt Nam chưa có tạp chí nào vào hệ thống ISI-Scopus.

Thầy đã mời nhiều nhà khoa học, trong đó có tôi, tham gia xây dựng tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology – ANSN (tạm dịch “Những tiến bộ trong khoa học tự nhiên: Khoa học và công nghệ nano”) và vài năm sau trở thành tạp chí đầu tiên của Việt Nam vào hệ thống ISI. Thầy Hiệu cũng chính là vị tổng biên tập đầu tiên của tạp chí ANSN.

Ngoài ra, thầy còn gợi ý làm sao để tôi cùng “thi đua” với thầy để xây dựng thêm một tạp chí khoa học thuộc tạp chí ISI ở ĐH Quốc gia Hà Nội nữa, bởi vì cả nền khoa học công nghệ lớn của Việt Nam nhưng chỉ mới có một tạp chí vào ISI.

Tôi cũng chia sẻ quyết tâm của thầy và bắt đầu tổ chức một tạp chí Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Chuyên san khoa học: Vật liệu và linh kiện tiên tiến). Đến nay, đây trở thành tạp chí ISI duy nhất còn lại của Việt Nam.

***

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – nhà vật lý hàng đầu của Việt Nam – qua đời ở tuổi 84, lúc 11h52 ngày 23.1 do tuổi cao, bệnh nặng. Ông là cánh chim đầu đàn trong ngành vật lý, là tấm gương miệt mài và đầy đam mê cống hiến khoa học. GS Nguyễn Văn Hiệu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VI, VII và VIII; ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, đồng thời là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, VIII.

***

Bước ra phòng thí nghiệm để gần dân

Ngoài nỗi lo cho ngành vật lý và khoa học Việt Nam, thầy Hiệu còn có một nỗi lo chung cho người dân. Năm 1996, GS Nguyễn Văn Hiệu đã tham gia cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt về công trình thoát lũ ra biển Tây tại Đồng bằng sông Cửu Long. Suốt cả một giai đoạn, thầy Hiệu tạm gác lại những vấn đề về nghiên cứu vật lý “cao siêu” để tìm cách áp dụng khoa học vào giải quyết những bài toán liên quan đến cuộc sống của người dân như thế.

***

Người truyền cảm hứng

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21.7.1938 tại Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna thuộc Liên Xô cũ. Trong 2 năm tại đây, ông công bố 12 công trình về vật lý, bảo vệ xong luận án tiến sĩ khi chưa đầy 26 tuổi. Bốn năm sau, ông được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonoxop.

Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý – Viện Khoa học Việt Nam. Trong 60 năm hoạt động, ông từng đảm nhiệm các vị trí viện trưởng Viện Vật lý, viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Ông được Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ 3 phong hàm viện sĩ. Ông cũng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (thứ hai từ trái sang) cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long cho công trình thoát lũ ra biển Tây – Ảnh tư liệu

Từng chia sẻ nghiên cứu khoa học là niềm vui, niềm đam mê mà ông gắn bó tới cuối đời, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã để lại cho ngành vật lý Việt Nam trên 200 công trình nghiên cứu, trải rộng ở nhiều lĩnh vực: tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn…

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước như công trình thoát lũ miền Tây tại Đồng bằng sông Cửu Long, công trình chống sốt rét bằng nguyên liệu trong nước. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam thông qua chương trình intercosmos…

Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín trong và ngoài nước như Giải thưởng Lênin về khoa học và kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996. Ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).

Với những gì để lại cho ngành vật lý, ông là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Khi chia sẻ về hành trình đã trải qua, ông nhấn mạnh: “Để thành công trong khoa học trước hết phải có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nỗ lực học tập và luôn theo sát để biết về những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình”.

VĨNH HÀ/TTO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *