Giai điệu mùa xuân trong thơ Lương Minh Cừ

Vanvn- Thơ anh ghi lấy cuộc đời anh. Đó là những vần thơ vừa chất chứa hoài niệm về bao niềm vui, nỗi buồn và cả niềm trăn trở, vừa ghi lại những cảm xúc sâu lắng nhất của anh về đời, về người.

Nhà thơ Lương Minh Cừ

1. Đến với thơ Lương Minh Cừ là đến với thơ của một người lính và một nhà giáo có tâm hồn thi nhân. So với nhiều nhà thơ cùng thời, Lương Minh Cừ sáng tác thơ không nhiều nhưng tìm hiểu thơ anh, chắc chắn người yêu thơ sẽ cảm nhận được bao điều thú vị qua những vần thơ giàu cảm xúc, có sự mới lạ về cấu tứ và cách thể hiện.

Trước năm 1975, ở tuổi đôi mươi cầm súng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, cảm hứng thơ đến với anh là những cảnh tình “người với đất tựa lưng nhau đánh giặc” và luôn “thấy rộng bao la một khoảng quê mình”. Còn sau năm 1975, anh là nhà giáo, những tháng năm dạy học với nhiều trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc về đời đã làm cho tâm hồn anh không chỉ tràn đầy niềm vui với nghề, mà còn chất chứa nguồn thi hứng về cái đẹp của tình đất, tình người trên khắp mọi miền quê hương, đất nước.

Mỗi bài thơ của Lương Minh Cừ đều như in dấu tự truyện, là lời tự tình qua “những trang nhật kí của đời mình bằng thơ” (Giang Nam) với nhiều cung bậc, nỗi niềm. Thơ anh ghi lấy cuộc đời anh. Đó là những vần thơ vừa chất chứa hoài niệm về bao niềm vui, nỗi buồn và cả niềm trăn trở, vừa ghi lại những cảm xúc sâu lắng nhất của anh về đời, về người. Giữa bao niềm cảm xúc đó có những cảm xúc đằm thắm thiết tha về mùa xuân. Điều đó được nhà thơ gửi gắm qua các bài thơ như: Giai điệu mùa xuân; Nụ tầm xuân; Bất chợt mùa xuân; Với mùa xuân ở ngoại ô; Tôi sinh ra ở làng Đông; Cánh đào xưa,… Những bài thơ xuân này mang giai điệu trữ tình, đậm đà âm hưởng và hương sắc dân tộc, nó góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp riêng cho thế giới nghệ thuật thơ Lương Minh Cừ.

2. Với Lương Minh Cừ, cảm xúc về mùa xuân gắn liền với nỗi nhớ quê hương. Trong thơ ca từ xưa đến nay, các nhà thơ có nhiều cách cảm nhận và thể hiện nỗi nhớ với nhiều cung bậc khác nhau như: nhớ thương, nhớ mỏi mòn, nhớ da diết, nhớ bổi hổi bồi hồi, nhớ chơi vơi, nhớ cồn cào, hay chao ôi nhớ,…

Với thơ Lương Minh Cừ, ngoài những cung bậc đó, còn có nỗi nhớ thèm: “dấu xưa dậy nỗi nhớ thèm”. Tôi cho rằng, cách thể hiện nỗi nhớ đó của anh quả là đặc sắc, bởi rất ít nhà thơ cảm nhận nỗi nhớ quê hương là “nỗi nhớ thèm”. Bằng cách đó, nhà thơ gửi gắm được niềm riêng, sự thôi thúc, nhu cầu bức thiết được trở lại với những gì đã gắn bó máu thịt với cuộc đời mình, dù anh hiểu rằng hoàn cảnh chiến tranh và bao khó khăn trong cuộc mưu sinh, việc trở về với quê hương khi xuân đến không phải là điều đơn giản, nên chỉ “nhớ thèm” cho thỏa niềm thương nhớ, ước mong. Chính cách diễn tả đó sẽ góp phần tạo nên sự thú vị cho người đọc khi tìm hiểu nỗi nhớ quê hương trong thơ anh.

Ở bài Tôi sinh ra ở làng Đông, nhà thơ đã giãi bày tâm trạng của người đi xa nhớ quê hương trong cảnh xuân về. Với anh, giữa bao nhiêu nỗi nhớ, nhớ nhất vẫn là nhớ lời ru của mẹ. Nếu Nguyễn Duy cảm nhận: “Dẫu con đi hết cuộc đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa), thì Lương Minh Cừ lại có tâm tình riêng về sức ngân vang mãi của lời mẹ ru:

“Tôi đi góc biển, chân trời

Lòng riêng, riêng vẫn đọng lời mẹ ru”

(Tôi sinh ra ở làng Đông)

Nhớ quê hương là nhớ về kỉ niệm của tuổi thơ, nơi đó có hình ảnh của “cánh đồng tuổi thơ” với “cánh diều”; nhớ hương vị của đồng nội và âm thanh của “tiếng cu gù … chân đê”. Từ nỗi nhớ đó, cảnh sắc mùa xuân trong thơ Lương Minh Cừ được tái hiện mang đậm nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với hình ảnh: “Hoa xoan rơi tím ngõ về/ Bụi mưa xuân ướt tóc thề của em”. Với nhà thơ, vẻ đẹp trữ tình của “dấu xưa” càng làm “nỗi nhớ thèm” trỗi dậy. Cũng vì thế, dẫu xa quê, nhưng xuân của quê nhà với anh bao giờ cũng rất gần, rất rõ và thoáng chút niềm trăn trở:

“Tháng giêng, nắng ướt cánh đào

Em đi dát lúa sắc vào trời xanh,

Vườn xưa hương bưởi hương chanh

Tiếng chim ríu rít rung cành, còn không?

(Tôi sinh ra ở làng Đông)

Có lẽ, những hoài niệm của tuổi thơ với mùa xuân quê hương đã vun bồi niềm hạnh phúc và giúp anh thỏa niềm thương, nỗi nhớ quê hương, nhớ “đầu làng cây gạo xòe bông, đỏ trời”. Màu đỏ ấy là một phần của sắc hương quê, nó thắm đượm tình quê và như dõi theo anh suốt cả cuộc đời.

Đặc biệt, những năm tháng đời quân ngũ, trong thơ Lương Minh Cừ, mùa xuân đến với cảnh sắc, giai điệu bất ngờ mà thú vị. Không hương vị của bánh chưng xanh, dưa hành; không sắc màu câu đối đỏ, hay nhành đào đỏ thắm trước nhà, mà chỉ là:

“Hoa mai rừng mang lửa

Dẫn lối vàomùa xuân …

Nghe đất trời chuyển động

Chiến trường xa, đã gần …”

(Giai điệu mùa xuân)

Sau này, sống trong cảnh thanh bình với phố phường bao sắc màu gợi cảm khi xuân về, nhất là khi đến Đà Lạt giữa mùa hoa Tết “với ngàn hoa khoe hương sắc”, hay “ngây ngất trời xuân, sắc hoa đào” (Anh lên Đà Lạt), nhưng bao nhành hoa đầy hương sắc ấy cũng không thể nào làm phai nhạt hình ảnh nhành “mai rừng” trong niềm riêng của nhà thơ. Giai điệu nhớ đó đối với anh bao giờ cũng đậm đà nhất, bởi đó là “Màu hoa chung thủy suốt thời bom rung…”, nó luôn ngời hương sắc trong hoài niệm, để rồi tình yêu mùa xuân càng thêm mãnh liệt, da diết hơn và anh cảm nhận:

“Mùa xuân gian díu cùng anh

Để cho người với đất lành sinh sôi”

(Với mùa xuân ở ngoại ô)

Như lẽ thường tình khi xuân về Tết đến, ai cũng mong muốn cảnh vui vầy, sum họp, nhất là với những ai xa nhà, xa quê hương. Thế nhưng, trong chiến tranh, người lính ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình lúc này là đến với chiến trận. Với họ, đó là “Nơi hội tụ của lòng dũng cảm/ Đồng đội gọi nhau về nơi tiếng súng” (Gặp nhau ở chiến trường biên giới). Người lính lắng nghe âm thanh của đất trời chuyển động, sinh sôi, không chỉ để đón xuân sang mà còn để cảm thấy “chiến trường xa, đã gần”, “không gian như hẹp lại” khi mà “đường hành quân dài mãi”. Điều này dễ làm nên sự bất ngờ, thú vị cho người đọc, bởi lời thơ tuy giản dị, nhưng tình thơ chân thật, sâu lắng trong cách giãi bày, còn ý thơ hào hùng nhưng vẫn đậm chất trữ tình lãng mạn khi thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người lính “đón giai điệu xuân về” với cảnh:

“Rừng làng, thơm bông bưởi

Em cài mũ tai bèo

Đón xuân trên đất lửa

Thắng trận về cờ reo”

(Giai điệu mùa xuân)

Đoạn thơ trên viết về mùa xuân, cảnh đón xuân sang của tuổi trẻ nơi chiến trận, thật giản dị mà ấm lòng người đi xa, giúp họ vượt lên chính mình trước bao thử thách. Hơn nữa, nó đã gợi cho người đọc hôm nay và cả mai sau nhớ về một thời lửa đạn, tự hào thêm về một thế hệ không tiếc máu xương, tuổi xuân của mình để góp phần làm nên chiến thắng. Cũng vì thế, giai điệu nhớ về quê hương khi xuân về trong thơ Lương Minh Cừ không chỉ trầm lắng thiết tha, mà còn đậm đà chất hùng ca.

3. Tìm hiểu những bài thơ tình của Lương Minh Cừ nói chung và những bài thơ viết về tình yêu lứa đôi trong cảnh xuân về nói riêng của anh, người đọc cảm nhận được cái giai điệu thương thiết tha, đằm thắm toát lên qua nhiều vần thơ. Đến với bài Cánh đào xưa, người đọc cảm nhận được giai điệu thương của người xa quê khi xuân về. Ở phương Nam dù có nhánh mai vàng đậm nghĩa tình qua nhiều năm tháng trong chiến tranh, cũng như trong cảnh thanh bình, nhưng anh vẫn nhớ về Cánh đào xưa và giãi bày rất thành thực cái “ngây thơ” của mình:

Tết ngày xưa ấy cánh đào

Mùa xuân in sắc thắm vào hồn nhau

Bây giờ đã biết gì đâu,

Tuổi ngây thơ thoảng hoa ngâu bên thềm

(Cánh đào xưa)

Cái “ngây thơ” ấy làm cho cái tình thơ thêm trong sáng, lãng mạn, còn khi tình yêu đã được giãi bày, anh cảm giác cái không gian của đời mình trở nên trữ tình, thơ mộng hơn với cảnh “bên thềm trăng rơi” và sinh động hơn khi “Hương xuân dậy cả đất trời/ Màu hoa em đã gói lời gửi trao” nên dẫu có “rét cũng ngọt ngào”. Cách cảm nhận này vừa thanh tao, tinh tế, vừa mang nét mới mẻ khi thể hiện mối tình đầu của lứa đôi.

Cái thiết tha, đằm thắm và hương vị ngọt ngào của tình đầu đó, dù có thoảng qua vẫn không thể nào quên được. Cũng vì thế, người lính ra trận càng thêm nhớ nhà, nhớ người mình yêu, nhất là khi xuân về Tết đến. Nỗi nhớ đó âm thầm và như “rắc hương vào cánh võng chao nghiêng” giữa khoảng trời của niềm khao khát yêu thương, chứa chan niềm tin và hi vọng:

“Khoảng trời anh đi là khoảng trời đầy lửa

Khoảng trời em miền đất nhớ âm thầm…”

(Một miền đất hai khoảng trời)

Nếu người lính trong thơ Nguyễn Trọng Tạo qua cuộc chiến tranh, qua tuổi xuân xanh trở về với niềm xúc động bởi người của ngày xưa vẫn đợi chờ với “nước mắt ướt nhòe ngực tôi”, để cảm nhận tất cả vẫn còn đây: “vẫn dòng sông thuở xa xôi”, “vẫn bờ đê gió trong ngời trăng khuya” và “bàn tay nắm như vừa yêu nhau” (Thơ tình của người đứng tuổi), thì người lính trong thơ Lương Minh Cừ, tình đầu đã đi qua và dẫu có qua đi, nhưng với anh, hoài niệm đẹp ấy vẫn còn mãi trong niềm thao thức, băn khoăn:

“Cho anh về với ngày xưa

Sắc hoa đào ấy, bây giờ còn không?”

(Cành đào xưa)

Bên cạnh hoa đào, hoa mai, hình ảnh nụ tầm xuân cũng góp phần làm nên không khí của cảnh xuân về. Ở chiến trường, mỗi bận xuân về, dẫu có đi cuối đất cùng trời, anh vẫn nhớ em – nhớ “nụ tầm xuân chúm chím rồi”, “nụ tầm xuân sắc vẫn hồng, mảnh mai”; nhớ mưa xuân và sắc hương nhài, để rồi luôn dành riêng cho nụ tầm xuân một khoảng trời riêng của thương nhớ, có cả sự thao thức, niềm hi vọng:

“Chân trời xa lắc

tuổi thơ

Nụ tầm xuân, có còn chờ,

người không?

(Nụ tầm xuân)

Thời gian qua đi không bao giờ trở lại, khoảng cách nơi chiến trường dường như là vô hạn và người lính dẫu hiểu “chiến trường đi mấy người trở lại”, hay “nhỡ khi mình không về…” (Màu tím hoa sim – Hữu Loan) nhưng tâm hồn họ vẫn cứ mãi vấn vương cái tình, vẫn hi vọng “Nụ tầm xuân, có còn chờ, người không”. Câu thơ lục bát được ngắt dòng góp phần tạo nên sức lắng đọng của ý thơ, còn lời thơ đậm đà chất trữ tình lãng mạn gợi được niềm xúc động cho người đọc và làm cho họ thêm trân quý, tự hào trước vẻ đẹp tâm hồn người lính.

Trong khung cảnh thời bình, giai điệu thương trong thơ tình của anh càng thêm đằm thắm thiết tha. Người đọc dễ nhận ra cái tôi trữ tình lãng mạn trong thơ anh qua nhiều bài thơ tình viết vào mùa xuân và bài thơ Bất chợt mùa xuân là một trong số những bài thơ đó, nhà thơ viết: “Bỗng nhiên … chạm nhánh mai vàng

Biết xuân đã bất chợt sang với người

Em về một thoáng xinh tươi

Mùa xuân nối với đất trời gần nhau

Em về, thoang thoảng mưa ngâu

Nửa tà áo tím, nửa bầu trời xanh

Em về đốt trái tim anh

Nửa rừng rực nóng, nửa lành lạnh thêm

Bỗng dưng chạm sóng tóc mềm

Bỗng dưng mai cũng vàng thêm hơn rồi

Em về, bất chợt mưa rơi

Cùng xuân ghép những cuộc đời vào nhau

Bây giờ, mới thoảng hương cau

Bao giờ dậy mối tình đầu, hả em?”

Chỉ là “bất chợt” thôi, nhưng sao mỗi vần thơ đều thiết tha, đằm thắm làm xao lòng người. Mùa xuân được Lương Minh Cừ thể hiện là mùa “nối đất với trời gần nhau”, “ghép những cuộc đời vào nhau”. Các từ “bỗng nhiên”, “bỗng dưng” và “bất chợt”, hay khẽ “chạm sóng tóc mềm” được nhà thơ sử dụng đúng thời điểm để diễn tả sinh động trạng thái tình cảm Bất chợt mùa xuân. Bên cạnh đó, điệp ngữ “em về” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ góp phần khẳng định cuộc đời sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi có em:

– “Em về, một thoáng xinh tươi”

– “Em về, thoang thoảng hoa ngâu”

– “Em về, đốt trái tim anh”

– “Em về, bất chợt mưa rơi”

Cách thể hiện trên đã gợi lên giai điệu thương càng lúc càng cháy bỏng, càng da diết hơn, nên dù “một thoáng”, dù “thoang thoảng”, dù “bất chợt” nhưng sức ám ảnh của tình em, của xuân về chắc hẳn theo suốt cuộc đời anh. Cũng vì thế, chỉ là “Nửa tà áo tím, nửa bầu trời xanh”, “Nửa rừng rực nóng, nửa lành lạnh thêm” mà tình xuân vẫn không vơi, trái lại, cái tình ấy vẫn thêm đằm thắm, tròn đầy và ấm áp trong nỗi niềm của thi nhân và của cả người đọc. Cái phi lí mà lại có lí trong nghệ thuật là vậy.

Có thể nói, Lương Minh Cừ đã có cách cảm nhận riêng về mùa xuân và tình yêu nên không rơi vào lối mòn khi viết về thi đề mùa xuân và chính điều này càng biểu hiện rõ cho sự tìm tòi, sáng tạo của nhà thơ để góp phần làm nên nét riêng trong thế giới nghệ thuật thơ anh.

4. Thơ xuân của Lương Minh Cừ không nhiều nhưng giai điệu mùa xuân trong thơ anh lại có sức làm lay động lòng người bởi nó được hình thành trên cơ sở sự chân thành của cái tình đời, tình thơ luôn quyện hòa với nhau; bởi anh luôn vấn vương trong nỗi niềm về một thời đã qua và luôn trân trọng, giữ gìn bao điều đằm thắm yêu thương của hiện tại. Những bài thơ xuân, những câu thơ xuân của anh được cảm nhận từ những góc nhìn, thời điểm và tâm trạng khác nhau, nhưng bao trùm lên vẫn là tâm tình của người lính, người thầy với nhiều trải nghiệm và suy ngẫm về đời, về người. Vì lẽ đó, thơ xuân của anh mang giai điệu nhớ, giai điệu thương, khi bổng khi trầm, ngân vang mãi trong tâm hồn người đọc một cách nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cần Thơ – Vĩnh Long tháng 01.2023

NGUYỄN LÂM ĐIỀN

———————————
Tài liệu tham khảo:

1. Lương Minh Cừ (2007), Bất chợt mùa xuân, Nxb Hội Nhà văn.

2. Lương Minh Cừ (2015), Nụ tầm xuân, Nxb Hội Nhà văn.

3. Nhiều tác giả (2022), Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi, (Lương Minh Cừ tuyển chọn), Nxb Quân đội Nhân dân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *