Giá mà kéo lùi được thời gian trở lại…

Vanvn- Đào Quốc Vịnh là một trường hợp khá kì lạ trên văn đàn, nếu xét ở khía cạnh tiểu sử tác giả. Ông vốn theo nghề buôn, quăng mình trong đủ thứ gió bụi gắn với tiền bạc, gắn với các thương vụ, rồi bất ngờ chuyển qua làm giáo dục, một lĩnh vực cần nhiều sự dịu dàng và đức nhường nhịn.

Khi đã gây dựng được một cơ sở giáo dục hoàn chỉnh, tưởng mọi chuyện đến thế là mãn nguyện để chấp nhận an bài. Nhưng đúng vào lúc đã ở dốc bên kia cuộc đời, ông lại khiến mọi người bất ngờ bằng việc cầm bút sáng tác văn học. Có nhiều lý do cho việc “muộn mằn” này, nhưng chủ yếu, như đã nói, vì ông phải dồn sức lực cho việc kiếm sống.

Hình như những ai đã từng đi qua tuổi trẻ của mình trong muôn nỗi nhọc nhằn, trong vô vàn tai ương, thì thể nào cũng phải cầm bút viết một điều gì đó. Với họ, chỉ nguyên kể chuyện cuộc đời mình, gia đình mình, quê hương bản quán của mình, kể một cách thật thà, không cần phải hư cấu mảy may, không cần cấu tứ, sắp đặt, không cần đến bất cứ thủ pháp cao siêu nào, cũng đã thành tác phẩm. Nhiều sáng tác văn học như vậy đã ra đời và không ít tác phẩm vẫn đang lay động tâm can người đọc, nhất là với những người trẻ tuổi, không phải sống như những gì cha anh mình trải qua.

Những đôi mắt khoảng trời – Đào Quốc Vịnh

Đó cũng là cảm nhận của tôi khi khép lại tập bản thảo Những đôi mắt khoảng trời.

Bảo nó là truyện hay tiểu thuyết cũng được. Bảo nó là thiên ghi chép dài về một thời cũng không sai. Theo tôi, chính xác hơn cả thì đây là một khúc tự truyện mà tác giả không thể âm thầm giữ một mình được nữa. Giữ một mình sẽ khiến ông có thể phải chịu đựng quá sức. Vì thế nhất định ông phải kể lại, phải viết ra. Nhất định ông phải tìm sự chia sẻ rộng rãi từ các bạn đọc. Trước hết để cho “nhẹ kiếp nhân sinh”. Nhưng quan trọng hơn, những người trẻ tuổi (trong đó có con cháu ông) có thể tìm thấy cội nguồn của họ qua những trang viết như vậy. Bởi vì câu chuyện về bản thân ông, một nhân chứng, cũng là câu chuyện của một thời. Cái thời mà sự nghèo đói, rét mướt luôn là nỗi sợ. Nhưng cũng lại là cái thời mà con người có nhiều điều để lưu giữ, tự hào, không dễ quên. Đó là sự trong sáng, chân thành được tôn vinh như một lẽ sống quan trọng; đó là niềm tin vào điều tốt đẹp luôn bao bọc quanh mỗi con người; đó là tình làng nghĩa xóm tuy nguyên sơ, đơn giản nhưng đủ để người ta luôn phải tu sửa mình hàng ngày, phải cật vấn mình về cách sống mỗi sáng thức dậy.

Cậu bé Khang trong tác phẩm là tuổi thơ của tác giả và không chỉ có thế, là tuổi thơ của bất cứ ai sinh cùng thời với tác giả. Cái làng quê sinh thành ra Khang, là bất cứ cái làng quê nào trên đất nước này. Ngay từ trang mở đầu, tác giả đã cho thấy một không gian sinh tồn kèm theo một không gian lịch sử, không gian văn hóa, nơi chứa đựng những câu chuyện kì lạ. Kì lạ từ cách xưng hô, từ cách gọi tên các đồ vật, đến thói quen nhường cơm xẻ áo. Và tuy là chuyện nhà, chuyện xóm làng, nhưng được tác giả đặt nó trên cái nền của thời cuộc, vì thế, nó cũng là chuyện của cả một thế hệ. Nó không chỉ gây tò mò, mà còn khiến bạn đọc cứ phải dừng lại, cứ phải động tâm để suy tư. Tình thầy trò một thời là thế. Tình làng nghĩa nước một thời là thế. Tình bạn bè một thời là thế. Con người vượt qua muôn nỗi tai ương, vượt qua cái chết, vượt qua đói khát, bệnh tật không đơn giản chỉ nhờ ở nghị lực, mà còn vì họ biết bền bỉ nuôi dưỡng hy vọng.

Trong sách có nhiều câu chuyện cảm động về tình cha con, thầy trò, bạn bè. Nhiều đoạn giống như một câu thơ dài:

“Tôi chạy vội theo cha, bỏ lại phía sau lưng mình cái cổng Cái với những kí ức đợi bu tôi mỗi khi tan buổi chợ phiên để được bu dúi cho xâu bánh đa, mấy cái kẹo lạc vừng hay cặp bánh dày, bỏ lại kí ức ngóng đợi bác Bào tôi về quê mỗi lần làm giỗ ông, bà nội của tôi, để rẽ vào con ngõ nhỏ về với căn nhà lợp rạ của mình”.

Ai cũng có những kỉ niệm học trò, từ thời để chỏm cho đến lúc biết đỏ mặt trước bạn gái. Nhưng tôi tin rằng những trang Đào Quốc Vịnh viết về tình bạn thủa thiếu thời vẫn khiến ta phải ao ước giá mà kéo lùi được thời gian trở lại.

Nhà văn Đào Quốc Vịnh

Tác giả vốn là một nhà thơ, vì thế cách ông kể lại một chuyện gì đó, dù phản ánh một hiện thực khô cằn, gai góc, thậm chí khốc liệt thì vẫn mềm mại, đượm chất thơ. Vì thế, dù cứ có cảm giác ta đã đọc ở đâu đó, cứ như ai đó viết rồi, cứ như những chuyện ấy mình cũng từng trải qua, thì Những đôi mắt khoảng trời vẫn có sự cuốn hút riêng, vẫn tìm được lối đi riêng để len lỏi vào tâm hồn bạn đọc.

Đào Quốc Vịnh ban đầu chỉ có ý định viết văn, làm thơ cho bản thân, để làm liền những vết thương mà thời cuộc gây cho ông. Nhưng cứ tự nhiên, những tình cảm của ông cuối cùng đã tìm được nơi trú ngụ là trái tim bạn đọc. Với người viết có lẽ cũng chỉ cần có vậy, hơn mọi thứ quà tặng.

TẠ DUY ANH

Báo Văn Nghệ, 8/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.