Vanvn- Đào Duy Bình là một nhà báo kỳ cựu của báo “Tuổi trẻ” với những bài viết chuyên về thể thao và đặc biệt là mảng phóng sự. Gần đây anh cho ra mắt tác phẩm ký sự “Hành trình tử thần: ghi chép từ nước Anh” có nội dung nói về cuộc điều tra của chính anh, mang tính chất xuyên quốc gia, xuyên lục địa về nạn buôn người và những thảm kịch. Cuốn sách khiến cho độc giả chú ý đến một tiểu thể loại mà xưa nay thường bị bỏ qua: ký sự.
Những ghi chép xuyên lục địa công phu qua nhiều năm tháng

Trong lịch sử phát triển của văn học, có những thể loại, tiểu thể loại mang tính chất giao thoa, ra đời trong những môi trường, hoàn cảnh xã hội đặc thù và do vậy, thừa hưởng những tính chất đặc trưng của cả hai lĩnh vực văn chương và báo chí. Ký sự là phản ánh chuyện người thật, việc thật, thông qua ngôn ngữ thông tấn báo chí nhưng có kết hợp các thủ pháp nghệ thuật của văn chương. Do vậy, ký sự có tính hiện thực, chi tiết của văn chương. Một người viết ký sự thành công là người sử dụng thành thạo kỹ năng viết văn thông tấn, báo chí, với kỹ năng viết văn chương và biết dung hòa chúng một cách hợp lý trong tác phẩm của mình.
Với cuốn sách “Hành trình tử thần: Ghi chép từ nước Anh”, tác giả Đào Duy Bình đã dùng 12 năm và 4 lần đến nước Anh để dõi theo một hành trình buôn người thời đương đại. Có lẽ đó là tấn thảm kịch gây kinh hoàng của cả thế giới ngày 23.10.2019, khi 39 thi thể người Việt Nam được phát hiện, gồm 29 người đàn ông, 8 người phụ nữ và 2 thiếu niên mới 15 tuổi trong một container tại Khu công nghiệp Waterglade thuộc Hạt Essex nước Anh. Vài năm sau, ngày 7.5.2022, một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, thành phố Manchester bị cháy với bốn người Việt bị mất tích. Điều gì đã dẫn đến những tấn thảm kịch đó? Chỉ có một lý giải duy nhất: nạn buôn người.
Để hoàn thành cuốn sách ký sự này, tác giả Đào Duy Bình đã đến nhà của một số nạn nhân người Việt trong tấn thảm kịch chết ngạt: cô gái Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, anh Nguyễn Đình Tứ ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Bá Vũ Hùng, một kiến trúc sư ở Huế, Tác giả cũng đã gặp những người thuộc những cơ quan chức năng điều tra vụ thảm kịch, đã xem xét, chọn lọc nhiều thông tin, tư liệu chính thức từ phía Việt Nam và nước ngoài.
Câu chuyện buồn và bi thảm về những số phận không may mắn này, cùng với tội ác đã phải trả giá của những kẻ buôn người xuyên lục địa khép lại phần 1 của cuốn sách. Nhưng không chỉ dừng ở đó, nhà báo Đào Duy Bình đã tiếp tục hành trình phần 2 và 3 của mình bằng những cuộc gặp gỡ, tìm hiểu thông tin từ những người Việt định cư tại Anh. Họ có thể là người định cư hợp pháp hay vẫn là bất hợp pháp. Họ làm đủ mọi nghề để mưu sinh kiếm sống, từ nấu bếp, bồi bàn, rửa chén bát, làm nail cho đến trồng cần sa. Tất nhiên cũng có những người thành công, trở thành chủ nhà hàng nổi tiếng như đôi vợ chồng Trần Văn Sử và Lê Thị Mỹ Lệ. Cũng có những gia đình người Việt định cư nhiều thế hệ, ấm êm, hạnh phúc. Nhưng những sắc màu tươi sáng ấy chỉ làm nổi bật thêm những khoảng xám xịt của những thân phận người nhập cư bất hợp pháp, hoặc tuy đã được định cư chính thức nhưng hàng ngày vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền mưu sinh và gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

Những đường đi, nước bước của chuyện nhập cư bất hợp pháp được miêu tả trần trụi, ghê người với chuyện chui rúc trong container, sống lay lắt ở khu rừng Calais của Pháp, đi xuồng bơm hơi vượt qua eo biển Manche giữa nước Anh và nước Pháp. Những con số chi trả lạnh lùng cho những chuyến đi đầy may rủi, đưa sinh mạng của mình vào tình thế nguy hiểm. Đằng sau đó là những mất mát, đau thương, đổ vỡ, biệt ly của những số phận người thật việc thật… Tất cả đã khiến cho cuốn sách “Hành trình tử thần: Ghi chép từ nước Anh” của tác giả Đào Duy Bình trở thành nguồn tư liệu cho những ai quan tâm đến một khía cạnh nghiên cứu của ngành nhân học xã hội: sự di cư, hội nhập và nạn buôn người cùng với tâm lý của những người yếu thế trong xã hội và khát vọng đổi đời của họ.
Cái tôi trần thuật của một nhà báo yêu nghề
Với tác phẩm ký sự “Hành trình tử thần: Ghi chép từ nước Anh”, tác giả Đào Duy Bình đã vận dụng tối đa vai trò của cái tôi trần thuật, làm khâu kết nối các dữ kiện, thông tin, đưa ra những dẫn chứng đáng tin cậy với những con người thật. Chính vì thế, hiện thực được trình bày trong tác phẩm ký sự này trở nên sinh động, đa diện, có hồn, khiến cho người đọc có cảm xúc, có băn khoăn, trăn trở. Các nhân vật đều có tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh rõ ràng.
Cuốn sách cũng được minh họa bằng những hình ảnh chọn lọc hợp lý, có ghi rõ nguồn, làm tốt vai trò minh chứng. Những người tác giả đã gặp, đã phỏng vấn đều cho thấy sự công phu kết nối tìm thông tin từ nhiều nguồn. Cuốn sách có lối kết cấu tường minh nhưng co giãn, linh hoạt, chia thành bốn phần với những bài viết vừa kết nối với nhau, vừa có thể tách riêng ra đứng độc lập như một bài báo. Từ đặc điểm kết cấu này, những câu chuyện hiện thực được trình bày trong tác phẩm ký sự “Hành trình tử thần: Ghi chép từ nước Anh” mang dáng dấp văn phong báo chí với nhiều tình huống khác nhau của đời sống con người, đan xen nhiều mảng sáng tối cuộc đời, với những màu sắc, âm thanh, hoàn cảnh, sự kiện, số phận con người… phong phú, đa dạng, nên đầy sức thuyết phục người đọc. Nhưng bút pháp viết cũng đậm chất văn học thông qua những câu văn ngắn, giàu cảm xúc, những câu hỏi tu từ đầy băn khoăn, trăn trở để trả lời cho câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp trọn vẹn: Tại sao nước Anh lại hấp dẫn đối với người di cư Việt Nam, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp? Tại sao họ lại sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm để tìm đến miền đất hứa phương xa? Những làng quê nghèo của Việt Nam nay bỗng khang trang nhờ lượng kiều hối của những người con di cư gửi về có tác động gì đến những người còn ở lại và những thế hệ kế tiếp? Các cơ quan chức năng của Việt Nam và nước ngoài đã làm gì để ngăn chặn, làm giảm bớt tình trạng nhập cư lậu? Những phận người trôi dạt bất hợp pháp nơi xứ người rồi sẽ ra sao? v.v…
Câu chuyện về những người nhập cư đi mưu cầu hạnh phúc và sự đổi đời qua sự trần thuật của tác giả Đào Duy Bình nhắc nhở cho độc giả biết rằng cuộc đời bên ngoài luôn có những điều bất toàn. Rằng cuộc đời bên ngoài luôn có những mất mát, đau thương, và mọi dân tộc hay quốc gia xét cho cùng đều có những giá trị chung, đó là pháp luật, nhưng cũng là tình thương và lòng nhân đạo. Vấn đề người nhập cư ngày nay là một vấn đề nan giải không chỉ của riêng một quốc gia nào, mà là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự lựa chọn của mỗi cá nhân con người cũng đóng vai trò quan trọng và chính họ mới là người nếm trải, hay trả giá cho mỗi bài học trên đường đời nhập cư. Với một “thế giới phẳng” như ngày nay, từ những số phận riêng lẻ của những con người, cộng đồng nhân loại cần hướng đến những cách thức chung để hạn chế, ngăn chặn những thảm kịch hơn là để đi giải quyết những hậu quả xảy ra sau đó.
HÀ THANH VÂN