Vanvn- “Sáu ơi, tuần này con Nga có về không?”
Đây không phải lần đầu tiên má hỏi nhưng ông Sáu tự nhiên nghe chạnh lòng. Ông Sáu đáp quấy quả cho qua chuyện rồi đem bộ ấm trà vừa dọn rửa hong nắng ngoài sân. Nga là con gái duy nhất của ông và cũng là chiến sĩ chống dịch tuyến đầu của thành phố. Đã quá lâu ông không nghe tiếng nói cười của con gái dưới nếp nhà này.
Má là người từng trải qua chiến tranh, bom đạn dạy má cách sinh tồn trong khó khăn nhưng cũng gieo rắc trong tâm hồn má sự sợ hãi mất người thân. Lần lượt tiễn chồng con ra mặt trận, chỉ có ông Sáu trở về với vết sẹo trên lưng dài đến 2 tấc. Má chết lặng mỗi lần nhận giấy báo tử trên tay. Dịch bệnh bùng lên, đứa cháu gái bé bỏng của má ở ngoài đó, kiên cường chiến đấu như ông nó, chú nó đã từng.
Thời gian này má không còn minh mẫn như trước, má chỉ nhớ được mỗi ông Sáu và cháu gái nhưng tình yêu dành cho chồng và các con trai đã hy sinh luôn tràn ngập trong từng hơi thở của má. Một đời má đã vất vả quá nhiều.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
Ngày Nga thông báo cho cả nhà mình xung phong đi chống dịch, Nga thấy trong mắt của ba sự tự hào vô bờ bến. Mất mẹ từ bé, Nga chỉ có tình yêu của ba và bà nội. Nga luôn biết mình là người hạnh phúc nhất. Sức khỏe của bà nội ngày càng yếu và do di chứng từ chiến tranh, ba của Nga cũng phải chịu dày vò nhiều bởi những cơn đau nhức. Đó chính là lý do đầu tiên đưa Nga đến với nghề y. Đang trong quá trình ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp thì tình hình dịch bệnh bỗng chuyển biến phức tạp, Nga xung phong vào tuyến đầu theo sự động viên của nhà trường. Mắt bà nội rưng rưng nước và ôm chặt Nga vào lòng như những ngày còn bé, bà dặn phải ráng giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà nội chuẩn bị cho Nga nhiều hành trang lắm, nào dầu gió, đồ ăn vặt, quần áo ấm nhưng Nga chỉ mang theo chai dầu để khi nhớ nội sẽ bỏ ra ngắm. Nga có sợ không? Bước chân vào một thành phố phía Nam xa lạ và đối đầu với chủng virus mà cả thế giới đang phải oằn mình đau đớn? Không, đó là câu trả lời vào lần duy nhất Nga tự hỏi lòng mình như thế.
Sáng nay, Nga được nghỉ ngơi 4 tiếng trước khi trở vào phòng hồi sức tích cực. Cô luôn tưởng mình mạnh mẽ lắm cho đến khi chính mình phải giúp bệnh nhân giành giật từng hơi thở với tử thần. Đây là chủng virus có tính lây lan nhanh và tác động đến cơ thể của con người một cách khủng khiếp. Trước khi ra đi, bệnh nhân chỉ có cô là người thân, là bạn, là người cuối cùng được nắm tay và nói rằng họ đã chiến đấu rất mạnh mẽ. Những ngày đầu tiên phải trải qua cảm giác như thế, cô khóc nấc như đứa trẻ nhưng khi nước mắt đã không còn, cô đanh người lại, cố giữ bình tĩnh để trấn an người thân của bệnh nhân.
Hôm nay là giỗ của ông nội, Nga gọi điện về nhà. Ba chuẩn bị bữa cỗ đơn giản với mấy món ăn ông thích, bà ra sân hái vài khóm hoa trang đặt lên bàn thờ ông. Thấy Nga gọi, bà cười tít mắt. Người lớn tuổi sau những dạn dày của cuộc sống, họ sẽ mỉm cười vô âu vô lo như ngày trẻ con họ vẫn từng, Nga yêu nụ cười của bà lắm. Ba và bà nội vẫn khỏe, tình hình gần nhà cũng ổn định giúp Nga yên tâm hơn, không nhìn được mặt cháu gái bà đâm ra dỗi. Dù không phải ca trực nhưng cô vẫn luôn trang bị sẵn sàng để hỗ trợ ngay lập tức khi cần. Sao bỗng dưng cô thấy yêu giây phút này đến vô cùng, được nhìn thấy người thân của mình khỏe mạnh, với chúng ta còn gì quý giá hơn lúc này.
“Nga, phòng hồi sức số 5, sản phụ có dấu hiệu chuyển biến nặng”. Nhận được lệnh điều động, cô vội gác máy và hứa sẽ gọi về ngay khi có cơ hội. Con gái tắt máy rồi mà ông Sáu vẫn ngồi cầm điện thoại rồi quay sang, ông thấy má lau vội giọt nước mắt. Không biết có phải tại má nhớ chồng vào ngày giỗ hay không nữa. Ngoài hiên nắng vàng cùng cơn gió nhẹ thổi từ đồng lúa, thơm quá.
Dạo này Nga có thói quen viết nhật ký. Những dòng chữ viết vội như liều thuốc xoa dịu trái tim cô. Trước chuyến đi này, Nga còn bận tâm quá nhiều đến những điều nhỏ nhặt, bây giờ, với cô chỉ cần mỗi ngày được tiễn bệnh nhân hồi phục về nhà là điều đáng trông chờ nhất. Thành phố này trước đây tấp nập khói bụi đến nỗi người ta tin, đây là một nơi không biết ngủ. Dịch bệnh ghé qua, trên đường phố không còn những vẻ hào nhoáng khi xưa mà sự tĩnh mịch đã len lỏi đến từng ngóc ngách. Cô từng ước ao được một lần đến đây để khám phá ẩm thực, cảm nhận sự mến khách của con người và những buổi cà phê sáng trên vỉa hè ing ỏi tiếng còi xe – chứ không phải theo cách bây giờ cô đang ở đây. Đôi khi cô cũng nghĩ, bao giờ thì được về nhà, về nơi mái ấm có ba, có bà nội. Cô thèm quá cảm giác úp mặt xuống ngụm nước mát giếng giữa sân, thèm ăn cốm giã từ hạt gạo ngậm sữa béo ngậy, thèm thấy lũ trẻ con tíu tít chạy ra đón cô như hôm nào.
Tất cả những điều cô hằng mong ước sẽ sớm được trở về, trong tình hình bình thường mới. Ở đó sẽ có cô, có ba, có bà nội, vùng trời sẽ vẫn bình yên và con người vẫn sẽ yêu mến nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần chúng ta vững tin, kiên cường chiến đấu và hướng về tương lai phía trước. Đường về nhà của chúng ta đang ngay ở trước mắt, không xa không gần.
DƯƠNG TÚ XUYÊN (PHÚ QUỐC)