Dưới đáy hồ – Truyện ngắn của Nguyễn Ðức Hạnh

Vanvn- Ngày 4 tháng 7 năm 1986, một vụ chìm tàu trên hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) đã cướp đi sinh mệnh của 23 con người, trong đó hầu hết là cán bộ công nhân viên hoặc người nhà của đoàn kịch Bắc Thái.

Sau cơn lốc bất ngờ lật chìm con tàu định mệnh đó đến nay đã ba mươi lăm năm! Hơn mười hai nghìn ngày qua, 23 linh hồn cả siêu thoát lẫn chưa siêu thoát khỏi lòng hồ đã nuối tiếc, nhắn gửi, trông đợi điều gì với những người đang sống?

Nhà văn Nguyễn Ðức Hạnh ở Thái Nguyên

Những người trong cuộc còn sống và những người thân yêu của họ sau tai nạn thương tâm ấy đã trải qua nỗi đau tức tưởi thế nào? Vụ chìm tàu cùng những tiếc thương của người đã khuất đã tác động tới họ, tới xã hội ra sao ?… là những câu hỏi mấy chục năm qua mong mỏi được trả lời.

Bằng hình tượng văn học độc đáo, bút pháp hiện thực, huyền ảo, thẳng thắn đến nghiệt ngã, cùng khát vọng cảnh tỉnh con người, qua truyện ngắn Dưới đáy hồ, nhà văn Nguyễn Ðức Hạnh đã tái hiện lại vụ chìm tàu oan nghiệt năm xưa, qua đó góp thêm một thông điệp đầy nhân văn, nhân quả trước thế gian đang biến động khôn lường. Xin giới thiệu đến bạn đọc…

 

Hắn đến nhà sáng tác Hồ Xưa khi đã chiều tối. Nhận phòng xong, hắn mở toang cửa sổ, đứng ngắm nhìn mặt hồ tím sẫm trong bóng chiều. Nhà sáng tác chia làm bốn khu: văn, thơ, nhạc, họa, hắn ở khu dành cho các nhà văn. Những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác bên mép hồ, tĩnh lặng và biệt lập. Trong mỗi ngôi nhà nhỏ ấy, bao nhà văn đã đến ở, viết, rồi ra đi, có nhà văn đã thành người thiên cổ. Hắn có cảm giác từ sau những bức tường kia, những đôi mắt của bao văn sĩ đang dõi theo hắn với một câu hỏi không lời: nào, liệu anh chàng này có viết được cái gì ra hồn không?

Hắn đi xuống bờ hồ, ngồi trên một tảng đá, dõi nhìn ra xa. Đêm đã về, không nhìn rõ được những hòn đảo bơ vơ trên mặt hồ nữa. Chỉ có tiếng sóng khẽ khàng, những con sóng như những ngón tay đang cố nhoài tới chạm vào bờ thật khẽ, rồi như có ai đó lôi chúng ra thật xa, để sau đó những hành trình bền bỉ kia lại tiếp diễn không bao giờ ngừng nghỉ; có lẽ cũng giống như khát vọng muôn đời được chạm vào cái đẹp hoàn mỹ của các văn nghệ sĩ?

Đã nhiều ngày trôi qua, hắn không viết được gì. Bao cốt truyện đã có sẵn trong sổ tay tư liệu, vậy mà viết ra sao nhạt nhẽo, vô hồn đến thế? Có lúc nổi giận với chính mình, hắn xé giấy quăng bút, chạy một đoạn quanh hồ, vừa chạy vừa nguyền rủa sự bất tài của mình – một cây bút trẻ đang lên nhận được rất nhiều kỳ vọng của đồng nghiệp và bạn đọc. Trong giới viết trẻ, hắn được bạn bè yêu quý bởi những truyện ngắn xuất sắc, không ngại khai thác những đề tài “nóng” của xã hội như nạn tham nhũng, vấn đề đồng tính…, nhưng tất cả đều lắc đầu bởi sự cố chấp trong đời thường của hắn.

Hắn ghét hai thứ, và dù bao chiến hữu đã phân tích, thuyết phục mấy chục năm qua hắn vẫn khăng khăng cho mình là đúng: đó là ghét đàn bà và ghét chuyện ma quỷ. Có lần cãi nhau trong quán bia, hắn đã đứng phắt dậy, mặt đỏ phừng phừng: “Năm 1979, tôi đánh Tàu ở Cao Bằng, bắn đến đỏ nòng súng mà chúng nó cứ như kiến bò lên. Nhìn quanh, bạn bè đều chết cả, không còn 1 viên đạn, tôi đành lăn xuống khe núi, nằm dưới đám xác người chết hơn một ngày một đêm. Rồi bao lần, chôn xác đồng đội, ngủ ngay cạnh mả mới, nào có thấy ma quỷ gì. Các bố chỉ bốc phét dọa trẻ con. Tôi không tin. Bố nào giỏi mời con ma ra đây uống bia, tôi sẽ quỳ xuống vái và gọi bố là ông nội…”.

Cứ thế từ tranh luận đến cãi nhau, chẳng ai chịu ai. Còn chuyện hắn căm ghét đàn bà, chẳng ai nỡ chạm vào nỗi đau của hắn, chỉ nói gần nói xa: đàn bà cũng có người này người khác bố ạ. Không phải ai cũng xấu xa đâu…Hắn chỉ cười khẩy không thèm trả lời, uống một mạch mấy vại bia to đùng, đứng dậy, phủi đít quần bỏ đi.

Quả thực hắn đã “vấp” một lần đau đớn quá. Khi người ta quá tin tưởng để rồi bị phản bội thì không chỉ còn là nỗi đau nữa, nó đã chuyển thành hờn căm và tuyệt vọng. Ngày ấy, hắn và nàng học cùng lớp tại Khoa Văn, Đại học Sư phạm. Nàng là hoa khôi của khoa, yêu và lấy hắn cũng chỉ vì thơ. Hắn có một biệt danh là Thi sĩ của trường. Những năm tháng đói đến vàng mắt xanh da, vậy mà cứ những đêm mất điện, nửa đêm hắn ôm ghita lên sân thượng tầng 5, rồi vừa thả từng giọt đàn mềm và ngọt như mưa mùa xuân, vừa đọc thơ của hắn. Vậy mà một lúc sau, tất cả các cửa đơn nguyên đều mở, bọn con gái thò đầu ra há mồm nuốt từng lời của hắn rồi khóc thút thít. Hắn và nàng tổ chức đám cưới ngay sau khi ra trường. Nàng cắt mái tóc dài chấm gót chân trao cho hắn cùng lời thề: “Một túp lều tranh hai trái tim vàng. Yêu nhau đến chết. Nếu phản bội thì số phận sẽ bị cắt ngang như mái tóc này anh nhé”. Đáp lại, hắn chặt ngón tay trỏ ở bàn tay trái của mình, cho vào lọ nhỏ đầy cồn 90o, trao tặng cho nàng.

Nhưng than ôi, dạ dày không nuôi bằng thơ được. Đời giáo viên nghèo túng, đến miếng tóp mỡ cũng trở thành mơ ước, bây giờ mỗi khi nghe hắn đọc thơ nàng kêu buồn nôn hoặc đau đầu. Nàng đã ngoại tình với thằng cha không biết làm thơ nhưng rất giỏi đánh tiết canh, đòi ly dị bằng được rồi lấy cái gã làm nghề thịt lợn ở cửa hàng Thương nghiệp huyện, không biết thơ phú là gì. Đau hơn, để chọc tức hắn, căn phòng nhỏ là tài sản chung được chia đôi, vách ngăn là giấy dầu và bìa các tông, nàng đưa thằng thịt lợn về hưởng tuần trăng mật. Đêm đến, hắn bịt tai mà vẫn nghe rõ tiếng rên rỉ, gào thét của nàng: “Mạnh nữa lên anh. Trời ơi. Một giờ bên anh làm em sung sướng hơn chục năm trời bên kẻ khác”. Tiếng thằng thịt lợn tru lên trong cơn cực khoái: “Nào. Anh là con lợn đực vĩ đại của em đây. Nào, nữa nào, lợn đực lắm tiền của em đây”. Hắn đã khóc, đã muốn đập tan tành, cầm dao giết người mà không dám vì sợ đi tù. Hắn quyết định tìm đến cái chết. Giết người thì đi tù vậy tự giết mình thì đã làm sao? Đố thằng nào làm gì được tao? Sợi dây thừng cũ mục dùng để treo cổ đứt phựt. Trời ơi. Nghèo đến mức cái sợi dây thừng để treo cổ cũng cũ nát thì có còn là cuộc sống của một con người nữa không? Đến chết cũng không xong thì đành phải sống, sống trong nỗi hờn căm dành cho đàn bà…

Hắn bỏ ra đi sau đêm đó với lòng căm thù không nguôi. Đàn bà trong truyện ngắn của hắn, chao ôi, đó là những sinh vật đẹp đẽ mà tàn ác, nếu cụ Nam Cao có sống lại thì cũng phải lè lưỡi lắc đầu, bởi những Thị Nở, Thị Lợi, Thị Mơ của cụ chỉ đáng xách dép cho những Diễm Hương, Mộng Hoa, Bảo Ngọc của hắn. Hắn đã mang đến trại sáng tác này cốt truyện tâm đắc nhất cho một truyện ngắn để đời, trong đó nhân vật nữ chính xinh đẹp đã leo lên đỉnh cao quyền lực, làm khuynh quốc, khuynh thành chỉ nhờ buôn cái “vốn tự có” của mình. Vậy mà đã mấy đêm hì hục viết, sao chữ nghĩa cứ bò lổm ngổm như cua, lại còn nhạt nhẽo như bánh đúc thiu thế này?…

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Đã hơn mười hai giờ đêm, mưa dữ dội, cành Ngọc Lan bỗng luồn qua cửa sổ vào phòng, mùi thơm ngọt vốn có bỗng chuyển sang mùi tanh lợm. Hắn toan bẻ cành cây để đóng cửa sổ thì thấy sau lưng lạnh toát. Quay lại giật mình, hắn thấy một thiếu phụ ướt sũng, bụng chửa vượt mặt, đã ngồi trên ghế của hắn, đọc mấy trang bản thảo viết dở rồi nhếch mép cười bí hiểm. Hắn hoảng hốt:

– Xin lỗi. Chị là ai? Sao chị vào được đây? Chị muốn gì?

– Anh là nhà văn phải không? Cách đây hơn ba mươi năm chúng ta đã biết nhau rồi? Vì thế tôi muốn nhờ anh một việc…

Nghe thiếu phụ nói như vậy, hắn ngơ ngác; cách đây hơn ba mươi năm đã biết nhau? Làm sao có chuyện ấy? Khi đó hắn đang là sinh viên trường Đại học Sư phạm ở tại Xuân Hòa, gần hồ này. Nhưng gặp hay quen biết chị ta thì không? Nhìn hắn nhăn nhó lục lại ký ức, thiếu phụ cười buồn, rất tự nhiên lấy khăn của hắn lau khô mặt và tóc rồi thầm thào, một tiếng nói như gió nhẹ đẫm mưa, khi gần khi xa, lúc rõ ràng lúc lại thoang thoảng mơ hồ:

– Hơn ba mươi năm trước, khi anh là một cậu sinh viên cùng cả lớp vào chính chỗ này làm thuê, đúng hơn là đào hố trồng rừng cây quanh ngôi nhà này, tôi đã gặp anh khi cùng Đoàn văn công tỉnh X về đây ăn mừng sau khi đoạt được giải nhất, được tặng huy chương Vàng cho vở diễn “Nàng Sita”. Khi đi qua anh, tôi ấn tượng mãi ở dáng người lẻo khoẻo, gầy như không thể gầy hơn. Anh cắn răng đào hố, máu bật ra đỏ cả bàn tay mà không kêu lên một tiếng. Tôi đã đứng lại nhìn mà xót cả ruột, anh giống thằng em trai tôi lắm. Khi anh ngẩng lên nhìn, tôi giật mình vì đôi mắt rất xấu và rất buồn của anh; mắt anh hình tam giác, khổ tâm cả đời dù thân có sướng đến đâu…

Hắn hơi bực, mặt nóng lên. Quái lạ, chỉ vì gặp hơn ba mươi năm trước, vì đôi mắt rất xấu, lại còn hình tam giác nữa, chị ta tìm hắn vào lúc quá nửa đêm, hay là chị ta có mưu đồ gì?

– Xin lỗi chị một lần nữa. Tôi không nhớ gì cả. Và bây giờ cũng đã quá nửa đêm, chị ở đây không tiện, mời chị về cho…

Thiếu phụ đứng dậy, đôi mắt đẹp và sáng long lanh nhìn thẳng vào hắn:

– Vậy anh có còn nhớ đôi mắt này không? Đôi mắt đã nhìn anh từ đáy nước chiều hôm ấy…

Hắn run bắn người, bỗng thấy toàn thân nóng hầm hập như lên cơn sốt. Hắn nhớ ra rồi. Chiều hôm đó đang chuẩn bị về, bỗng nghe xôn xao náo loạn tin cả đoàn văn công tỉnh X bị lật cano trên hồ. Có ba mươi tư người mà chỉ có ba người sống sót, tất cả đã chết đuối. Khi hắn chạy xuống mép nước tò mò, ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi, hắn đã nhìn thấy một gương mặt thiếu phụ và đôi mắt này từ dưới đáy hồ nhìn hắn đau đớn.

Hắn lắp bắp:

– Tôi nhớ ra rồi, nhớ rồi. Vậy chị là ma? Có phải chị là ma không?

Mồ hôi hắn toát ra đầm đìa. Vốn là người gan lì từ bé, vậy mà giờ đây nỗi sợ hãi khiến tóc hắn cứ dựng đứng cả lên. Nháo nhác, hắn nhìn ra cửa định chạy, nhưng thiếu phụ lướt nhẹ như gió đứng chặn cửa ra ngoài.

– Anh đừng sợ, tôi là ma, nhưng ma không hại được ai bao giờ. Chỉ có quỷ mới hại người. Nếu làm được tôi đã không phải chờ mấy chục năm, để bây giờ đến đây tìm anh…

Thiếu phụ bật khóc nức nở, đưa hai bàn tay đẹp đẽ ôm mặt, nước mắt là máu tươi rỉ ròng ròng qua những kẽ ngón tay. Cũng không còn đường chạy nữa, thôi thì liều mà trò chuyện với ma đêm nay, rồi muốn ra sao thì ra. Hắn lảo đảo đến ngồi xuống ghế, châm thuốc lá, rít lấy rít để rồi khẽ hỏi:

– Nhưng sao chị lại tìm tôi? Còn bao nhiêu người khác nữa? Sao lại là tôi?

– Anh không biết đâu. Nhà Phật dạy phải có duyên mới gặp gỡ. Còn theo khoa học thì phải có cùng một tần số tâm linh người mới có thể nhìn thấy ma, người và ma mới có thể trò chuyện được. Tôi và anh có cái duyên ấy, có cùng tần số ấy. Tôi chờ anh mãi, biết thế nào anh cũng về đây. Tôi chờ hơn ba mươi năm để nhờ anh một việc…

– Thôi được rồi. Tôi không hề muốn có cuộc gặp này. Nhưng bây giờ thì đành vậy. Chị nói đi, tôi có thể giúp chị được việc gì?

Ngoài trời mưa gió dữ dội hơn, cành Ngọc Lan đập phành phạch vào cửa sổ như sốt ruột, sóng hồ bỗng gầm gào giận dữ xô bờ. Đêm hôm ấy, hắn đã buộc phải ngồi nghe câu chuyện buồn và lời nhờ cậy của hồn ma ấy.

– Sau khi nhận huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn tôi có ba mươi tư người đã về đây liên hoan mừng thành tích. Chồng tôi là nam diễn viên chính đóng vai Hoàng tử Rama. Tôi là nhạc công Violin. Chúng tôi đưa con trai mới được bốn tuổi đi cùng. Chúng tôi đến hồ khoảng mười bốn giờ, trước khi ăn chiều, cả đoàn quyết định lên cano đi dạo quanh hồ. Không hiểu sao tôi cứ máy mắt trái liên tục, ruột nóng như lửa đốt. Linh tính có điều không lành, tôi nói nhỏ với chồng:

– Anh ơi! Em có cảm giác không lành, như sắp có tai họa vậy. Hay là vợ chồng mình và con không đi nữa được không?

Chồng tôi cười, anh ấy không tin những chuyện mê tín dị đoan, anh bảo:

– Em có bầu bảy tháng rồi. Có khi vì thế mà hay tưởng tượng linh tinh. Anh và anh chị em có thấy gì đâu. Mà đang vui thế này, anh lại là Phó Đoàn, sắp lên Trưởng Đoàn rồi, bỏ anh em ở lại với vợ sao tiện? Hay em mệt thì cứ ở nhà?

Tôi cũng muốn ở lại phòng, không đi nữa. Nhưng khi ấy con bé Ngọc Trai đóng vai nàng Sita đang ve vãn chồng tôi. Tôi không đi nhỡ đâu hai người lại tí táu tí mẻ cũng nên? Vậy là tôi cùng mọi người xuống cano, lướt trên mặt hồ mênh mang. Đám diễn viên trẻ mang rượu ra uống, hát hò chán rồi lại nhảy múa điên cuồng. Tôi ôm chặt con trai vào lòng. Tôi linh cảm sẽ có chuyện sắp xảy ra mà chưa biết đó là chuyện gì. Nhìn xuống đáy nước trong veo, tôi khiếp đảm thấy những con mắt to tím ngắt nhìn lên thèm khát, những bàn tay đen xì từ đáy sâu đưa lên muốn túm lấy cano. Nhưng nếu tôi nói thì không ai tin, và lúc ấy có nói thì cũng không ai nghe thấy, tất cả đều ngà ngà say, đang nhảy múa và gào thét. Đoàn có rất nhiều cô diễn viên trẻ đẹp, tay lái cano trai tráng nên rất sĩ; hắn cũng tu hết nửa chai rượu nên muốn thể hiện “tay lái lụa” trước các em. Hắn cho cano “đánh võng” trên mặt hồ, để lại phía sau những đường sóng trắng xóa, tỏa hình rẻ quạt như đuôi chim công màu trắng. Thấy tôi tái nhợt, ôm ghì con thở dốc, chồng tôi vội chạy lại ôm hai mẹ con hỏi han. Anh ấy chưa dứt lời thì cano lật úp. Tiếng kêu gào khủng khiếp, cảnh tượng hỗn loạn, những người không biết bơi ôm ghì những người biết bơi. Tiếng kêu cứu tuyệt vọng, những thân hình giãy giụa tìm sự sống khi cận kề cái chết, ánh mắt họ như điên dại… Không có lời nào tả xiết. Khi ấy chồng tôi vốn là một người đàn ông lực lưỡng, bơi rất giỏi và tinh khôn đã ôm lấy mẹ con tôi, nhảy ra ngoài ngược chiều với chiều lật úp của Cano. Bỏ mặc đám đông hỗn loạn ấy, cho tôi bám một bên vai, bên vai còn lại cho con bám, anh ấy cố gắng bơi vào bờ. Cano lật ở giữa hồ, nhìn vào bờ chỉ thấy mờ mờ, chồng tôi bơi được một đoạn dài thì đuối dần. Tôi biết nếu cứ tiếp tục thế này thì cả nhà sẽ cùng chết. Tôi cảm thấy rõ những bàn tay đen đúa chỉ nhằm vào chân tôi mà túm lấy hòng kéo xuống, không hề nhằm vào chồng và con trai tôi. Biết mình đã được chọn, không thể thoát được, tôi khóc và nói với chồng:

– Anh hãy bỏ em ra, để em chết. Có như vậy mới cứu được con trai của chúng ta. Nó mới bốn tuổi. Nó đáng được sống. Cứ như thế này thì chết cả nhà…

– Không, sống cùng sống, chết cùng chết. Anh sẽ không bỏ em, anh sẽ cố được. Hãy tin anh…

– Không được đâu anh, em biết mà, em chỉ xin anh hứa với em hai điều: cứu bằng được con trai và dạy dỗ nó nên người. Sau này tìm hài cốt em và con trong bụng, đem mẹ con em về chôn trên đỉnh đồi sau nhà. Em sẽ ở gần để phù hộ cho anh và con…

– Em đừng nói nữa, anh sẽ cố được, sẽ cố được…

Như có ai đó tiếp thêm một sức mạnh phi thường, chồng tôi bỗng trở nên mạnh mẽ kì lạ, anh ấy bơi được gần 1km nữa thì kiệt sức; anh ứa nước mắt nhìn tôi tuyệt vọng, rồi chìm dần. Tôi đạp mạnh vào người anh để bật ra ngoài, rồi gào lớn “Anh hứa đi…” trước khi nước ộc vào miệng sặc sụa. Chồng tôi gào khóc, cố nhoài theo tôi, miệng lắp bắp “Anh hứa…”. Tôi từ từ chìm xuống, cố nhìn mặt chồng và con trai lần cuối cùng; những bàn tay nhầy lạnh đã túm lấy tôi kéo mạnh, một tràng cười cứ òng ọc òng ọc phát ra từ sâu thẳm dưới đáy hồ…

Hắn đã khóc từ lúc nào không rõ. Ngoài kia gió mưa cũng ngớt từ bao giờ. Những con sóng sau một đêm vật vã với bờ đã mệt, giờ khẽ khàng bò tới, gối đầu lên cát, muốn ngủ và mơ thấy bình minh. Hắn thổn thức hỏi:

– Đau buồn quá, mà cũng cao thượng quá. Vậy giờ chị muốn nhờ tôi việc gì? Chị nói đi, nếu giúp được tôi sẽ giúp chị!

Hồn ma thiếu phụ buồn thảm, rấm rứt:

– Con trai tôi hỏng rồi. Nó ăn chơi thác loạn lừa bán cả người yêu sang Trung Quốc, giờ đây đang thụ án trong tù; anh ấy không lấy vợ mới nhưng cũng không chăm sóc, dạy dỗ nó nên người. Còn sau hôm cano lật ấy, chồng tôi có thuê hai đội rà móc xác người chết đuối tìm xác Đoàn văn công và tìm tôi. Cả Đoàn được tìm thấy, trừ tôi ra. Tôi đã ở dưới đáy hồ mấy chục năm nay và chờ đợi. Anh có biết vì sao không? Vì sao trong vụ lật cano năm ấy xác của mọi người đều được tìm thấy, ngoại trừ xác của tôi? Có một thế lực siêu nhiên dưới đáy hồ, và nó đã chọn tôi từ trước. Xác tôi nằm cùng xác mọi người mà không ai nhìn thấy được, các loại câu móc không chạm được vào xác tôi.

– Chị nói sao? Có thế lực siêu nhiên dưới đáy hồ? Nó là cái gì vậy? Vì sao nó chọn chị? Và chọn để làm gì? Chẳng lẽ dưới ấy cũng có một thế giới tồn tại? Thế giới siêu nhiên?…

– Có giải thích anh cũng không hiểu và không tin được đâu. Có một thế giới tồn tại dưới đáy hồ, đáy sông và trong lòng đất, nghĩa là trong không gian tăm tối mắt thường không nhìn thấy được. Nó cũng có đủ thiện, ác, thủ đoạn, tranh giành quyền lực, lòng tham và tội ác như thế giới của con người. Và giờ đây, thế lực ấy cũng đã bắt đầu hoành hành trên dương thế. Tôi là một nạn nhân. Tôi không muốn nói ra tất cả để rồi anh cũng sẽ là một nạn nhân như tôi…

– Vậy chị muốn nhờ tôi giúp chị điều gì? Liệu tôi có làm được không? Tôi không phải là nhà ngoại cảm hay thầy phù thủy. Tôi chỉ là một gã nhà văn với cây bút trên tay. Những điều tôi viết bằng cả máu và nước mắt của mình, chưa chắc đã có ích gì cho xã hội này, hay cho ai cả…

– Anh giúp tôi được, chỉ có anh mới nhìn thấy và trò chuyện được với tôi – thiếu phụ quả quyết. Xương cốt tôi cũng tan nát, theo nước hồ ra sông, ra biển rồi. Linh hồn tôi không chịu đầu thai, sống vất vưởng bao năm qua làm con ma đói khát, chờ cơ hội để thực hiện một điều ước cuối cùng. Đó là gặp lại chồng tôi một lần cuối, nhắc anh ấy về lời hứa ở giây phút sinh ly tử biệt năm xưa, để anh ấy đừng buông tay khi con trai đang trượt xuống vực thẳm. Hãy cứu lấy nó. Có những bàn tay đen đúa, nhầy lạnh ở trên ấy đang muốn túm lấy nó, lôi tuột nó xuống bùn nhơ. Trái tim người mẹ của tôi đau đớn, bị cào xé vì mong ước ấy. Đây là địa chỉ nhà tôi ở thành phố T, mười lăm ngày nữa chính là ngày âm khí mạnh nhất. Anh làm ơn tìm và đưa anh ấy đến đây. Tôi mong ước được gặp lại anh ấy lần cuối cùng trước khi… à thôi. Anh biết thế thôi, cố gắng giúp tôi nhé, đến kiếp sau tôi sẽ đền ơn anh…

* * *

Hắn đến gặp người chồng ấy ở thành phố T. Ban đầu anh ta không tin câu chuyện hắn kể, còn ngờ vực nhìn hắn như nhìn một kẻ lừa đảo, nhưng khi hắn thuật lại chính xác hai yêu cầu của người vợ trong khoảnh khắc đau buồn năm ấy, anh ta đã đổ gục xuống ôm mặt khóc, vai rung bần bật, rất lâu anh ta mới nói nổi thành lời:

– Có lẽ chỉ đến khi nào chết tôi mới có thể quên được đôi mắt và cái nhìn cuối cùng giữa sóng nước của cô ấy. Có biết bao yêu thương, đau đớn, hi vọng và tuyệt vọng. Ánh mắt ấy như lưỡi dao đâm vào ngực tôi… suốt bao năm qua…

Nửa đêm hôm ấy, hắn cùng người chồng thiếu phụ xấu số đi cano ra giữa hồ, mang theo một mâm lễ gồm hoa, quả, tiền vàng, đèn nến, gạo muối và một cây cầu làm bằng bẹ chuối. Sau khi người chồng quỳ xuống vừa khóc vừa khấn, rồi rắc gạo, muối, hóa tiền vàng rải xuống hồ, đồng thời thả cây cầu xuống nước, mặt hồ đang lặng yên bỗng xao động rồi một bản nhạc dìu dịu bay lên từ đáy nước. Rồi người thiếu phụ ấy từ mặt sóng bay lên, hai tay chới với, run rẩy, gương mặt trắng xanh đầm đìa nước mắt. Người chồng gào khóc gọi vợ, đưa hai tay cố níu lấy tay vợ mà không được, chỉ có nước mắt của hai người gắng tìm đến với nhau kết thành hai sợi dây trong vắt, lát sau nước mắt hóa thành những hạt muối trắng tinh, gió thành sợi dây vô hình xâu chuỗi những hạt muối ấy, làm thành tràng hạt long lanh khoác lên cổ họ. Bỗng người thiếu phụ hoảng hốt ngoái đầu nhìn về phía sau lưng, một đợt sóng khổng lồ, đen xì đang ầm ào chạy tới. Thiếu phụ nghẹn ngào nói:

– Anh đừng nói gì. Cho em nói một câu cuối cùng, hãy dùng yêu thương và sự hi sinh để cứu lấy con, đưa con về với sự lương thiện. Đừng buông tay con như thế, thân xác em đã tan, em đã chịu đựng mọi đau đớn, phải chết đến hai lần, thành cô hồn dã quỷ lang thang trên hồ, chờ đợi anh mấy chục năm để khẩn cầu một điều: “Đừng phụ lòng em, đừng bỏ rơi con như thế. Rồi khi con hoàn lương, hãy tìm một người phụ nữ tốt thay thế em. Đừng sống cô độc như bây giờ, em đau lòng lắm. Vĩnh biệt anh và con…”.

Đợt sóng khổng lồ đã ập tới, cuốn người thiếu phụ đi. Vọng trong tiếng sóng gầm gào là tiếng kêu đau đớn tột cùng của người thiếu phụ ấy, xen lẫn vào tiếng kêu bi thảm kia là tiếng cười “òng ọc” thật kinh khủng. Rồi mặt hồ dưới ánh trăng vừa lên phẳng lặng như gương, đẹp đẽ vô cùng. Có mấy ai biết dưới đáy hồ sâu kia ẩn giấu những gì? Nhưng hắn biết dưới đáy hồ sâu thẳm kia từng có một trái tim trước khi tan biến vào hư không còn cố gắng cất lên những giai điệu tuyệt vời. Hắn chạy xuống hồ, bơi ra một tảng đá có hình con Gấu mẹ khổng lồ đang ngửa cổ lên trời gào thét, bên cạnh là mỏm đá nhỏ hơn hình con Gấu con đang sợ hãi. Từ tảng đá ấy, hắn đăm đắm nhìn xuống đáy hồ suy ngẫm về sứ mệnh của nhà văn: đâu chỉ viết về “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”? Còn có những nỗi đau và hi vọng mà rất ít người trông thấy? Hình như nhà văn không thể chỉ viết về nỗi đau của mình với sự hằn học? Hình như những tín điều mà chúng ta tin gần hết cuộc đời bỗng có thể thay đổi đột ngột chỉ trong một đêm? Bỗng hắn reo cười nhảy múa; hình như hắn đã nhìn thấy một vật gì quý giá đang nằm trên cát, dưới làn nước trong xanh, có lẽ đã chờ đợi kẻ có duyên với nó suốt ngàn năm qua.

NGUYỄN ÐỨC HẠNH

Báo Văn Nghệ số 37/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *