Dư vị đời – Truyện ngắn của Ngân Hằng

Vanvn- Xóm trọ nằm lọt trong một con ngõ nhỏ, hay nói đúng hơn là một lối đi vừa đủ cho một chiếc xe máy qua. Xóm trọ hơn mười phòng nhưng được chia làm hai khu rõ rệt. Một khu gia đình tôi hiện đang ở và một khu sinh viên. Khu sinh viên lúc nào cũng ồn ào và tấp nập người ra vào. Hằng đêm những tiếng cười bên ấy móc máy len vào từng ngách hở của các phòng trọ, khiến những con người bên đây lại anh ách khó chịu, thầm chửi trong bụng cái lớp trẻ chỉ biết suốt ngày rúc ráy như lũ chuột.

Tôi không chịu được cách sống nửa làng nửa thị của cái nề nếp tứ đại đồng đường cùng ăn cùng thở trong lễ nghĩa nửa vời bên chồng. Sau những lần cứu vãn không thành công của hai suy nghĩ ngược chiều, tôi ngậm ngùi mang hai con nhỏ ra đi khỏi ngôi nhà như ngôi chùa với bao đồ vật cổ, kim bầy biện nen kịch ấy. Chồng tôi là một người đàn ông tốt, được “bao ăn bao học” từ bé đến lớn trong lòng ông bà, cha mẹ và các chị. Anh hiền lành và cam chịu cách chăm sóc như một cậu ấm. Tôi gặp và lấy anh như một định mệnh khi đang xuôi chèo xuống cái dốc của chữ ế. Còn nhà anh gặp tôi như lựa chọn một người biết lo toan, tính toán hơn thiệt ở đời để ấp ủ anh một đời sau này nếu không có các cụ bên cạnh. Nhưng chưa kịp ấp ủ, tôi đã nhận ra chồng mình ngoài công việc chẳng biết thêm điều gì cả. Thì thôi, đàn bà lo toan nhà cửa, nấu nướng bếp núc cũng là đương nhiên, dù sao chồng tôi là người kiếm ra tiền với bàn tay ma thuật trong những ca mổ ở bệnh viện. Nhưng cũng từ đó nhà chồng bắt đầu soi xét tôi trong tất thảy công việc nhà, từ cái kim xâu không đúng cách, đến việc nấu mâm cao cỗ đầy trong ngày giỗ chưa đạt chuẩn với cái chóp chép của mẹ chồng và các chị chồng tôi khiến lòng tôi cứ dại dần đi. Có phải ít ỏi gì đâu, là đầu họ mỗi tháng nhà tôi lúc nào cũng rầm rầm tiếng người ra vào hỏi han về việc sẽ ăn gì cho đám giỗ sắp tới. Mỗi khi ấy tôi như bị trúng gió, người cứ lúc nóng lúc lạnh theo tiếng phán đanh lại của bố chồng ngồi ở tràng kỷ. Tôi ấm ức, tôi rộc người, than với chồng chỉ nhận được cái tặc lưỡi của anh: “Thôi các cụ có ở mãi với mình được đâu em”. Tôi cự lại: “Bố mẹ đã đành, còn hai chị nhà anh, lấy chồng không phải đi làm dâu mà cứ lỳ ở đây mãi, đụng tý lại mợ thế này, mợ thế kia chịu sao nổi. Ở nhà này, em sợ từ đứa cháu ba tuổi”. Nỗi lòng ấy cứ nhân theo dầy hơn khi tôi lần lượt sinh hai con mình. Vừa đi làm, vừa việc nhà, lo cho các con, người tôi oặt lại như củ khoai lang cuối vụ. Thương vợ, chồng tôi lén đỡ đần nhưng bị cả nhà chồng lên án nên tôi lại vò võ ôm con dệt sâu dệt kén trong cái mớ bòng bong ấy. Từ chỗ ấm ức, tôi quay sang trách giận chồng, khi chưa bao giờ anh biết mở lời bênh vực vợ. Thậm chí anh càng vô tâm, cứ mải miết với những thú vui riêng của mình mà không đoái hoài đến ba mẹ con tôi. Những căng thẳng nhân nhiều hơn, đến lúc tôi nhận ra mình đang vô cảm với những con người nhà chồng. Tôi đành quyết liệt mang các con mình ra đi, dặn lòng hạnh phúc sẽ lại bắt đầu từ con số không. Và tôi tìm được xóm trọ này như một trò chơi của số phận mình.

Nhà văn trẻ Ngân Hằng ở Thanh Hóa

Xóm trọ nằm trong quần cư của làng Oa Lang. Oa Lang là cái tên khá nổi của tỉnh tôi trước đây. Nổi tiếng không phải vì những điều lành lặn mà bởi ở cái làng này có những con người cứ gằn lên, liều lĩnh cả tính mạng để chỉ cướp lại một miếng bánh của kẻ vãng lai đến. Oa Lang như một cơn gió độc, khiến mỗi lần dượm chân đến lại như thấy ran rát. Đất Oa Lang mầu mỡ, tốt trái, sai hoa. Hoa Oa Lang có tiếng, gái Oa Lang nổi danh xinh đẹp, nhưng lại em ép chua chát bởi cái nghèo và ngấm máu nổi hùng. Ấy vậy mà chỉ một ngoảng thời gian tôi đi học và lấy chồng, cái ký ức về vùng Oa Lang cũng phai theo. Khi tôi quay trở lại, tôi đã ngỡ ngàng không nhận ra những vết tích xưa cũ. Làng lên phố, những bờ ruộng con mương năm nào lột mình thành nhà tầng chần chéo lên nhau, đường mở rộng ầm ầm tiếng ô tô ngược xuôi. Thoát được cái nghèo, những con người dĩ vãng và đương thời ở Oa Lang không còn kèo kẹo nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn từ nặng tai. Họ nhỏ nhẹ, thì thầm, họ xì xầm với ngữ âm thanh thót và trong veo, cố lắm mới nghe cái chan chát dội lại. Nhà ông bà chủ tôi trước đây là hộ nghèo nhất làng, thế nhưng giữa cái thời đất sốt hơn vàng, nghiễm nhiên ông bà thành những người tiêu tiền không hết. Sau khi xây ngôi biệt thự, sắm sanh xe cộ, quần áo, ông bà bắt đầu dát mình trong mác thượng lưu. Lúc đầu, ông chủ ý đầu tư vào chơi cây cảnh. Sau bao nhiêu ngày nghiên cứu, tìm tòi và được môi giới, ông thuê xe ô tô hàng nối hàng nấp nập cây lớn cây nhỏ ngang dọc khắp sân. Người Oa Lang đổ kín cổng, kẻ ngó người nhìn, kẻ xuýt xoa, trầm trồ, kẻ lại dè bỉu, khinh khi. Ông nghe nhưng mặc thiên hạ. Chơi cây phải yêu thương chăm sóc, phải dành rất nhiều thời gian để tỉa tót, bắt sâu và quan trọng hơn là phải đầy đủ kiến thức mới thành công được. Ông thì không được như thế, dù bỏ bao công sức tiền của nhưng cây của ông cứ héo đi, sâu ăn rỗng ruột. Ông ngán ngẩm, chán nản. Thấy chồng ngày đêm sầu muộn, tối tối, vợ ông thủ thỉ rồi an ủi chồng rất nhiều. Bà nỉ non để ông đến những canh bạc lớn, nơi chỉ toàn thương gia, quan chức. Mỗi khi được ngồi cùng bàn với họ, được nghe những câu chuyện chính trị, những thú vui mà bà chưa bao giờ biết, bà ngỡ như mình đang lạc vào chốn bồng lai. Ngoài giờ ngồi trên chiếu bài, bà còn được cùng các phu nhân đưa tới những trung tâm thẫm mỹ có tiếng, đến đó bà thấy mình giống bà hoàng đang được phục vụ tận tình, ai cũng đẹp, ai cũng quý phái, sang trọng. Chiều lòng vợ cũng là vơi đi cái đắng đót thất bại, ông càng ham đến chiếu bạc. Nếu vợ ông dùng chiếu bài để gột sạch cái quá khứ quê mùa, cái mùi mẻ mầu của Oa Lang, thì chồng bà lại tìm thấy thú vui mới trong những vận đỏ đen ấy. Thắng ít, thua nhiều, tiền dốc ra không biết bao nhiêu mà kể, từ trang sức, xe cộ đến đất đai cứ lần lượt ra đi. Để đến khi căn biệt thự chỉ còn trơ lại cái xác, cả ông và bà dồn gối một chỗ. Cũng may khu biệt thự còn có mảnh đất rộng, nên ông bà lại bán đi chút ít xây nên xóm trọ dằn dặt qua ngày.

Khi tôi chuyển đến khu gia đình, thì tất cả các phòng đã kín. Thấy tôi đến những cái đầu lớn nhỏ nhô ra nhìm chằm chặp nói đổng:

– Mới đến à… Còn trẻ quá mà đã lách nhách hai đứa. Đúng là tội nợ đàn bà…

Người phụ nữ tầm hơn bốn mươi tuổi, gương mặt vuông, da đen nhẻm và một đôi mắt lồi bất thường.

– Chị ở đây lâu chưa ạ? An ninh ở đây có tốt không vậy chị?

Nghe tôi dò hỏi, người đàn bà ấy lại dấm dẳng trả lời:

– Hỏi nhiều, cứ ở rồi thành ma hết…

– Maaaa… là gì hả mẹ?

Nghe tiếng không rõ vọng ra từ ngực người đàn bà mắt lồi ấy, tôi mới giật mình nhận ra cái đầu vẹo vọ của một thằng cu chừng hơn hai tuổi, đang chúi mặt vào bầu ngực tong teo của chị chàng. Dúm thằng con nhỏ như mèo, ấn vào góc cửa, chị chàng đóng cái sầm réo qua họng:

– Là cái tổ cha mày làm tội con mẹ mày…

Tôi khẽ thở dài rồi lặng lẽ chuyển đồ đạc vào phòng. Căn phòng tôi không rộng quá hai mươi mét vuông, tường và trần nhà loang lổ những mạng nhện. Cái mùi âm ẩm, hăng hắc cứ thay nhau ạt hết cả đầu mũi. Vật lộn mãi cuối cùng đâu cũng vào vị trí ấy, thấy căn phòng sáng hơn và ấm cúng hẳn. Đêm ở xóm trọ, những tiếng cười vướng víu vào không gian ở khu sinh viên làm tôi ám ảnh. Bao nhiêu âm thanh, bao nhiêu hỗn tạp của cuộc sống không bị đêm khỏa lấp, mà ngầy ngộn lên rõ ràng trong những thứ giác quan của tôi. Có lẽ dư vị dễ chịu khi đó là tiếng ra đi ô của ông bà cụ phòng đối diện dội lại. Trời mát dịu hơn, mùi hương đâu đó xen lẫn trong gió khiến tôi lại nhớ đến những bữa giỗ ê hề bên nhà chồng. Không níu kéo, không tranh giành những đứa cháu được đúc trong cuộc tình ngắn ngủi của vợ chồng tôi. Đêm sâu hơn, giấc ngủ vẫn cứ chập chờn trong mắt, tôi nhẹ đẩy cánh cửa phòng đi về ra phía ngoài. Khu gia đình im ỉm sệt lại sự u mê. Hít một hơi căng, tôi ngó sang nhà đối diện, sự mất ngủ và thời gian như bào mòn lên hai thân hình già nua ở phía ấy. Chiếc bàn gỗ sứt sẹo được ông kê lại cẩn thận, dưới ánh điện nhờ nhờ phả ra từ lối đi của xóm, mái tóc phơ bay của bà lão như đang xâu chuỗi lại những ký ức thập thò qua tiếng rủ rỉ của ông cụ:

– Mọi người ngủ cả rồi bà ạ, sản vật quý giá của tôi với bà là đây nhỉ, yên bình quá, lại nhớ tiếng súng đạn, lại nhớ những đồng đội của tôi với bà. Giờ họ đi đâu làm gì, họ có giống như mình mãi sống bằng cái quá khứ nhuộm máu ấy nữa không? Hay cũng như lũ trẻ bây giờ hễ nghe đến hai từ chiến tranh lại phủi tay đứng dậy.

Bà lão không trả lời, ở cổ bà chỉ bật ra những tiếng ù ặc. Bà lặng lẽ rót cho ông chén chè xanh, rồi ghé ngồi xuống bên cạnh. Những lời nhẹ bẫng của ông cụ khiến tôi thấy nôn nao, đắng ngắt trong miệng.

– Xin lỗi, cháu có thể ngồi đây cùng ông bà được không ạ.

Nghe tiếng tôi hỏi, ông cụ nở nụ cười rồi chỉ sang chiếc ghế trống:

– Vâng, mời cô. Cô cũng hay thức khuya quá nhỉ?

– Dạ công việc của cháu là thế, đánh vật với con chữ, đến sáng lại hết hơi để ngủ cụ ạ.

– Cũng hại sức khỏe đấy. Bà nhà tôi cũng mất ngủ đến non hai tháng nay rồi. Khổ thân bà ấy, nghe nhưng lại không nói được. Di chứng chiến tranh nó ăn cạn kiệt cơ thể đi, cô ạ.

Cổ họng bà cụ lại phát ra những tiếng ù ặc, đôi chân mày khẽ nhíu. Những nét son trẻ của một thời vẫn đọng ở làn da hồng hào của bà. Tiếng ông cụ đều đều, tay rót chén nước chè bốc khói đưa qua cho tôi:

– Bà nhà tôi vốn trước đây làm y tá đi phục vụ sau chiến tranh ở Quảng Trị. Cho đến khi con đẻ ra đứa nào đứa nấy người chẳng ra người, thú chẳng ra thú, tích tắc lại bỏ vợ chồng tôi mà đi… mới biết bà ấy đã nhiễm đi ô xin mà không hề hay biết. Thương chồng bà ấy đã không biết bao nhiêu lần bỏ đi, thậm chí tìm đến cái chết để mong tôi có hạnh phúc khác. Bà ấy thèm con trẻ mà phải ghìm lại. Huống chi tôi trở về sau chiến tranh thân thể cũng chẳng còn khỏe mạnh nữa. Trông thì nguyên vẹn nhưng hễ trở trời thì súng đạn cứ “bùm bùm” trong đầu, làm tôi phát ngộ, phát dại. Mỗi lần như vậy chỉ có bà ấy bên cạnh chăm và động viên tôi.

Những đợt gió hiếm hoi giữa cái hè tháng bảy như bong da tróc thịt. Gió không đủ để xua đi cái nóng nhưng cũng đủ đưa đẩy thư thả hơn. Tiếng bà cụ khùng khục trong cổ họng, những âm thanh không rõ ràng. Quá khứ tưởng chỉ còn là những thứ đồ cổ có giá trị với thời gian và có dịp khơi lại trong những ngày lễ trọng đại. Nhưng quá khứ vẫn là liều thuốc ám ảnh trong số phận, hình hài của từng con người mang trong mình chất độc chết chóc ấy. Tôi khẽ thở dài, hơi thở nặng nề như đang đứng trước một sa mạc lớn không định hướng được lối đi cho chính mình. Trăng chênh chếch, rồi nhẩn nhơ len qua từng đám mây hắt xuống một cách vô nghĩa trong những thứ ánh sáng đèn mầu của thành phố sầm uất. Tôi và ông bà cụ ngồi lặng đi, mỗi người đeo đuổi những ý nghĩ riêng cho mình. Phòng người đàn bà có đôi mắt lồi vẳng lên tiếng trẻ con mơ ngủ. Tôi tưởng tượng ra cái dáng nằm quặn quẹo của bà chầm chập ôm lấy đứa con tong teo qua bức tường trước mặt. Không hiểu sao mỗi lần nhìn mẹ con người phụ nữ ấy, tôi lại có cảm giác như tạo hóa đang trêu ghẹo con người. Dù đã quen với cuộc sống mới, nhưng tôi vẫn không thể nào chịu đựng được những âm thanh về đêm nơi đây. Dường như ở xóm trọ này định lượng về thời gian là điều không tồn tại. Đúng bẩy giờ sáng bất kể nắng hay mưa, những cánh cửa phòng đều đồng loạt bật ra, cái kêu ụp, cái đánh choang, có cái kẽo kẹt mãi mới rù rẫm mở lối. Từ đó những chiếc đầu nhập nhò ló ra, cái rối mù, cái thẳng nếp thoang thoảng nước hoa, tất cả ngó nghiêng, quan sát. Mặt đối mặt, người nhìn người nhưng chỉ thấy toàn không khí. Mẹ con tôi là những người rời đi muộn nhất trong mỗi buổi sáng ấy, dù rằng khi cánh cửa mở tôi chỉ chậm hơn mười lăm phút. Cuộc sống ban ngày của mẹ con tôi đối với xóm trọ dừng lại ở đó.

***

Đêm là khoảng thời gian sống quý giá đối với một người làm công việc văn chương như tôi. Khoảng thời gian không phải nghĩ về miếng ăn giấc ngủ cho các con mình, khoảng thời gian tôi được sống cho chính tôi, cho những mơ mộng, lãng mạn hóa đời mình, trốn sự nghiệt ngã của số phận để vương víu vào những dòng văn, có lúc chật chội với sự thật, có lúc thoát xác để đến một nơi chẳng phải địa ngục nhưng cũng chẳng giống thiên đàng. Có điều cuộc sống về đêm của xóm trọ này đã ăn cắp của tôi điều đó với những âm thanh réo rắt mọi ngữ nghĩa. Vào một đêm nóng nực, câu chuyện của những người đàn bà xóm gia đình lại thức dậy ập đến bên tai tôi. Từ đầu là tiếng kêu rần rật của người phụ nữ tầm hơn bốn lăm tuổi, gương mặt trang điểm khá kỹ.

– Đứa nào ăn uống rồi rác rưởi tống sang nhà tao đây?

– Chắc lại là chúng nó, nhậu cả đêm, thuốc cả đêm xả bừa xả bãi. Học cũng như không. Hôm nay bà đi chợ thế nào? Giá cả leo thang, đồng lương thì không có chân nên đâm ra công nhân viên khổ mòn cả gối. Khổ từ thời để truồng cho đến lúc hít đất về với ông bà tổ tiên. Mà sao chân bà chảy máu thế kia?

Tiếng người phụ nữ trang điểm kỹ càng lại rành rọt nói từng câu, bàn tay vẫn xoa đều quanh vết thương của mình.

– Chiều nay đi thăm con đứa bạn. Mình tưởng nó ốm đau thế nào, ai dè đến viện thì nghe bọn bạn nhỏ to là con bé ấy mới học lớp mười một ngủ với thằng bạn ở lớp rồi có thai. Tưởng phá cái mầm mống độc địa đi, ai ngờ thai to quá con bé ấy đuối sức phải cắt cả tử cung, may còn giữ lại mạng sống bà ạ. Đàn bà con gái mà cắt tử cung thì khác gì đàn ông bị thiến. Thế là hết một đời. Lúc tôi đi đến chỗ cái khúc ngoặt về nhà mình thì thấy đám thanh niên ngồi uống bia buổi chiều. Chả hiểu xích mích cái gì, mà thằng này cự thằng kia, thằng kia cầm cả chai bia đập vào đầu thằng bạn. Tôi hãi quá quáng quàng chạy, bị ngay thằng nhóc trong làng đi xe đạp điện lao ra đâm xầm mà không thèm nghểnh cổ lên xin lỗi lấy nửa câu. Thời buổi văn minh kiểu gì mà tôi thấy con người sống bản năng và hoang dã hơn thời ăn lông ở lỗ, bà Liễu ạ.

Người đàn bà tên Liễu có thân hình to săn chắc, đẫy đà, bà ta có đôi mắt hoa cau lúc nào cũng nhưng nhức, long lanh đưa đẩy nhìn người đối diện. Tôi để ý đến bà Liễu ngay từ hôm đầu đến đây. Cái dáng và khuôn hình của bà ấy gợi lại cho tôi sự phồn thực khó diễn tả. Bộ ngực bà căng đẫy cứ nhấp nhô sau làn áo von mỏng nửa kín nửa hở trong cái nóng của mùa hè, đặc biệt sự nở nang của đôi đùi trắng lờ lỡ của bà khiến tôi có cảm giác khó chịu. Bà Liễu có gia đình dưới quê, làm văn thư cho một cơ quan nào đó. Vì nhà cửa đường xá đi lại xa xôi nên bà trở thành cư dân xóm trọ này. Đôi ba lần tôi thấy chồng bà lên tìm. Người ông ta nhỏ thó, da đen, quần áo nhem nhuốc bốc lên cái mùi ngai ngái, hanh nồng của đồng ruộng, rơm rạ. Mỗi lần lên ông xách cho vợ không biết bao nhiêu đồ, từ quả trứng đến bó rau lang, rồi hỷ hả nói cười oang oang với cả khu trọ. Bà Liễu khó chịu lắm, hậm hực đi ra xách tay ông lôi tuột vào phòng đóng sập cửa lại trong tiếng cười hay háy của đôi vợ chồng sinh viên sống thử. Chừng được hơn một tiếng, khi bóng chiều nhèm nhẹm đổ xuống xóm trọ, cửa phòng bà Liễu mở, ông chồng với gương mặt thỏa mãn, vui sướng cứ cong cái môi thâm xì, rít hai hàm răng xìn xịt mầu huýt sáo. Ông dắc chiếc xe máy, lấy chân đạp phành phạch rồi ngó nghiêng cười với mấy cái đầu lô nhô nhìn mình. Bà Liễu đi ra với nhịp đập đều đặn của bộ ngực và đôi đùi theo từng bước chân. Bà hất cao đầu, cười nửa miệng như chứng minh với đôi vợ chồng sống thử kia cái chính chuyên của một người vợ mà bà vừa mới hoàn thành. Bà leo lên xe, túm lấy hông chồng, lao khỏi xóm trọ. Khổ thân ông chồng, nếu nhìn từ sau lưng bà Liễu người ta sẽ dễ bị nhầm tưởng bà mới là người đang lái chiếc xe máy ấy. Cũng đã có đôi ba lần bà Liễu cùng người đàn bà lúc nào cũng trang điểm kỹ càng sang phòng tôi chơi, rồi kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện của cái xóm trọ gia đình mà tôi đang sống. Có lúc tôi lắng nghe, có lúc tôi ậm ừ cho xong. Và, trong những câu chuyện đó, cái tên cô gái Hạ luôn được nhắc đến với bao điều ly kỳ và tò mò.

Phòng của Hạ cuối dãy, một góc nóng và kín như chính con người em vậy. Tôi gọi cô là em, bởi lần đầu gặp, em là người duy nhất chào tôi một tiếng chị đầy đặn. Tôi cảm mến ngay cái giọng nhẹ hơn hơi thở ấy, cảm mến vì đôi mắt buồn của Hạ làm tôi ám ảnh. Qua câu chuyện của mọi người, tôi biết Hạ quê ở miền Tây, chuyển đến xóm trọ khi em đang mang thai tháng thứ ba. Giờ chỉ còn vài tuần nữa là em chuyển dạ. Hạ sống lặng lẽ, ít tiếp xúc, đi về cũng thất thường. Nhiều khi nhìn em, tôi tưởng em chỉ là cái bóng len nhẹ trong những thứ ồn ã và thô tục của xóm trọ này. Hạ đẹp, nước da trắng, sống mũi dong dỏng, đôi mắt ướt buồn. Hạ đẹp vẻ đẹp tròn đầy của người phụ nữ sắp làm mẹ. Cả tôi cũng như xóm trọ chỉ thấy Hạ một mình, tuyệt nhiên không thấy ai đến chơi bao giờ. Mà hầu như đêm nào Hạ về khi mọi cánh cửa phòng đều đã đóng kín, chỉ còn tôi thấy dáng em in vào vách tường đến nao lòng. Câu hỏi về Hạ, về người cùng Hạ làm nên cái hình hài bào thai của em, luôn là một ẩn số kích thích đối với sự hiếu kỳ của xóm trọ. Hạ mặc nhiên nghe những lời thêu dệt quanh mình. Mãi cho đến một hôm, tình cờ tôi đi gặp mấy bạn văn chương của mình từ trong Sài Gòn ra chơi. Họ là lớp đàn anh đi trước, những dòng văn họ viết lúc nào cũng sóng sánh như mật mía, con người họ lại như bã mía chỉ có nguyên xác khô quắt, trần trụi đôi khi hơi khó chịu. Đang ngồi trò chuyện rôm rả, tôi nhận ra cái dáng sấp ngửa của Hạ bưng thức ăn đến bàn chúng tôi. Hạ hơi khựng người lại, nhưng khi nhìn thấy cái cúi đầu chào cùng nụ cười của tôi, em nhẹ đặt khay đồ xuống. Chợt bàn tay ông bạn văn Sài Gòn của tôi túm lấy tay Hạ, giọng đầy hồ hởi:

– Dung… Em Dung phải không? Trái đất tròn quá, anh không ngờ lại có dịp gặp em? Đợt ấy nghe nói em bỏ nghề phục vụ quán hát chuyển đến làm ở công ty nào đó rồi kia mà, sao giờ ở đây?

Hạ lúng túng, tôi nhận ra bàn tay và người em đang run lên.

– Xin lỗi, chắc anh nhầm người ạ…

Sau câu nói ấy, Hạ vội vàng bỏ đi, ông bạn văn của tôi hình như chưa hết ngỡ ngàng, mắt cứ dõi theo bóng Hạ cho đến khi mất hẳn. Tôi hỏi:

– Cô ấy tên Hạ, không phải tên Dung… anh nhầm chăng?

– Nhầm sao được, người có thể giống người nhưng không thể giống đến cái bớt hình bông hoa nơi khóe cổ. Tôi khẳng định đó là Dung, cô tiếp viên người miền Tây đã làm không biết bao nhiêu người mê mẩn.

Tối hôm đó tôi cố tình chờ Hạ về. Tôi chờ không phải vì muốn xác minh em có đúng là cô Dung của ông bạn văn của tôi hay không, tôi chờ là bởi đã trót hứa sẽ có câu trả lời đúng về em trước giờ bay ngày mai của ông bạn khó tính ấy. Hạ về, dáng đi có vẻ mệt mỏi, bóng em in trên tường gẫy xuống đất, mái tóc xõa đều tấm lưng cong lại, tay em xoa nhẹ lên bụng như trấn an đứa trẻ đang quẫy đạp đòi ra. Tôi thấy nghẹn lại, tim nhói đau, nỗi đau không thể cất lời mời em sang phòng chơi. Tiếng quạt trần phòng tôi kêu xành xạch không át được tiếng cười từ khu sinh viên ập đến, tiếng cười của cô bé tóc vàng, lúc nào cũng choèn choẹt nhai kẹo cao su.

– Em chào chị

Nghe tiếng chào, tôi giật mình nhìn lên. Trước mắt tôi là Hạ, em đứng tần ngần bên ngoài phía cửa, nơi khoảnh đất nhỏ được tôi cải tạo thành một vườn hoa xinh xinh, những nhành lan nở e ấp, những bông hoa mười giờ đang chúm chím nụ. Khi thấy tôi hỳ hục mang đất, mang hoa, cất công đi lấy phân bò khô để về ươm cây, cả xóm trọ lắc đầu, xì xầm. Người đàn bà có đôi mắt lồi bĩu môi nói:

– Đẹp gì cái thứ hoa nở rồi lại tàn mà trồng cho phí công.

Ông bà cụ nhìn tôi, rồi cũng xắn tay vào cơi đất động viên:

– Ở đâu thì cũng là nhà mình cô ạ. Cái thú trồng hoa thú vị lắm, nó giống như chất thải độc cho chính mình. Ngày còn chiến tranh, hễ chúng tôi đóng quân ở chỗ nào, anh em lại lấy ống bò sữa, ca thủng để trồng hoa chỗ ấy. Còn mầu sắc, hương thơm là còn hy vọng, cô nhỉ…

Đôi ba lần, những cư dân xóm trọ ác ý, khi thấy những bông hoa em ép nở thuận tay nhổ chúng đi. Tôi xót xa, ông bà cụ đi ra đi vào, nhìn vào cái chậu không ấy rồi thở dài. Nhưng sau đó, tôi lại hỳ hục lấp đầy vào cái chậu những cây hoa có sức sống mạnh mẽ và sinh sôi nhanh hơn. Chúng khoe sắc, chúng mập mạp như thách đố. Và cứ như vậy xóm trọ quen với chúng, thi thoảng có người lại đứng nhìn ngắm chúng rồi cười một mình. Tôi vui hơn sau những chuyến công tác dài ngày vẫn thấy chúng được chăm sóc cẩn thận. Giờ đây, Hạ đang nâng niu cành lan, gương mặt em đượm buồn, đôi mắt như ngấn lệ. Thấy vậy tôi mở rộng hơn cánh cửa phòng. Trời chuyển gió mùa, những cơn gió thu phe phẩy đem cái mang mác đến cho cảnh vật, khiến lòng người chộn rộn không yên. Hạ ngồi xuống, tôi rót cho em chén chè đặc, cái thú của người hay thức khuya như tôi đâm thành nghiện. Chất chè đặc uống vào chát xịt trong miệng, nhưng nhanh chóng lan tỏa cái vị ngọt thanh, cái nồng nã làm tôi tĩnh tâm trong cái đêm lắm dư vị ở xóm trọ này. Hình như phải khó khăn lắm Hạ mới cất nổi lời:

– Mai anh Đức bay vào Sài Gòn rồi, hả chị. Có lẽ chị thắc mắc lắm đúng không ạ? Anh Đức bạn chị không nhận nhầm người đâu. Em là Dung, Hạ là tên em đặt theo mùa khi em đến nơi này ở.

– Tại sao em phải nói dối? Vì đứa bé trong bụng ư?

Hạ hướng đôi mắt ra ngoài trời, những khoảng đen cứ ầm ập trước mặt tôi và em. Khu trọ đã say giấc ngủ, chỉ có tiếng lấc cấc lá và gió va vào nhau, tôi thầm ước lúc này le lói lấy chút ánh sáng của những ngôi sao, có lẽ mắt Hạ không có cái nhìn mênh mang, vô định.

– Thật ra đứa bé trong bụng không có liên quan gì đến em. Hay nói đúng hơn nó và em không cùng một huyết thống. Chị đừng ngạc nhiên bởi em chỉ là người mang thai và đẻ hộ cho người ta thôi. Em là chất đất tốt để nuôi mần cây lớn lên chị ạ…

Từng lời Hạ nói rất rõ ràng, rành rẽ sao tôi nghe tai mình cứ ù ì như ngập nước. Hạ vẫn ngồi đó, dưới làn áo, bụng em chật cứng, tôi thấy rõ từng cử động của đứa trẻ trong đó đang quẫy đạp. Đôi chân mày em nhíu lại những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán em.

– Em có chồng và có một cô con gái đang ở dưới quê Tây Ninh. Con gái em bị bệnh tim nặng lắm, để có tiền cho cháu phẫu thuật em đành bỏ quê lên thành phố làm phục vụ trong quán hát. Rồi số phận đưa đẩy em đến giúp việc cho một đôi vợ chồng buôn bán nội thất có tiếng ở Sài Gòn. Đôi vợ chồng này lấy nhau hơn mười năm rồi mà chưa có con. Chị chủ em đã bao lần có thai tự nhiên, có thai do được can thiệp y học, nhưng cuối cùng lại không giữ được. Bác sỹ bảo vợ chồng chị chủ phải có người mang thai hộ. Em là sự lựa chọn thích hợp cho điều đó. Lúc đầu em cũng sợ lắm, bởi nhớ lại những câu chuyện đi làm ô sin của mấy chị dưới quê em, bị làm nhục hay vì tiền và có con với chủ. Nhưng bác sỹ nói rằng cách làm này không phải thế, sau khi làm thụ tinh thành thai nhi cho vợ chồng chị chủ rồi, người ta sẽ cấy cái thai đó vào người em và em chỉ việc nuôi nó lớn lên cho đến lúc đẻ mà thôi. Số tiền vợ chồng chị ấy đưa ra bằng số tiền em cần để làm phẫu thuật tim cho con chị ạ. Em đắn đo lắm Nhưng nhìn chị ấy đêm nào cũng khóc, vả lại việc mang thai hộ đã được pháp luật mình công nhận rồi phải không chị, nếu xét về tình cảm, đạo đức em cũng có làm gì sai đâu, em cứu được con mình mà mang lại hạnh phúc cho người khác kia mà. Nhưng miệng mồm thiên hạ độc địa đến tai gia đình rồi chồng em liệu họ có tin em hay không, vậy nên em mới đến nơi đất khách quê người này. Chỉ còn ít ngày nữa là em sinh, anh chị chủ đã cho người ra đón đứa bé về, nhưng thú thực giờ nghĩ đến chuyện phải xa nó, em không cầm lòng. Máu mủ không phải nhưng mang nặng đẻ đau lại là em.

Câu chuyện của Hạ khiến tôi thấy nghẹn lại. Những số phận của xóm trọ nghe đến nao lòng. Họ từ mọi nơi về đây, vì mưu sinh, vì cuộc sống, vì cái nghèo không thể nương náu chính trên quê hương mình, phải dật dờ nơi phố thị này. Tôi và Hạ im lặng trong không gian rích rắc trôi đi.

***

Dời những dãy núi bạt ngàn với những cơn mưa rừng dai dẳng, đất đá tróc lở, đường xá ngập trong nước của chuyến đi công tác dài ngày, tôi trở lại thành phố với cái phòng trọ nhỏ hẹp của mình. Những cánh cửa phòng vẫn khép chặt. Khu trọ tĩnh lặng giữa những xô bồ bên ngoài chỉ một lối đi nhỏ. Đập vào mắt tôi là ba tấm bảng nhỏ treo trên nóc cửa của phòng Hạ, phòng đôi vợ chồng sống thử và phòng bà Liên với dòng chữ “khu giải tỏa”. Khoảng thời gian tôi đi công tác chỉ chừng nửa tháng, nhưng cái cảnh yên ắng đến bất thường, dù rằng ban ngày là khoảng thời gian dường như không tồn tại giữa xóm trọ của chúng tôi. Nhưng có đôi khi vì cần không gian yên tĩnh viết bài, tôi vẫn ở nhà vào ban ngày, lúc ấy tiếng trẻ con ơ hời của người đàn bà mắt lồi vẫn ri rỉ phát ra, tiếng ra đi ô của ông bà cụ chập chờn vang sang bên phòng tôi. Đã giờ trưa nhưng tất cả vẫn chỉ là khoảng lặng… Tôi đưa mắt nhìn ba tấm bảng không khỏi thắc mắc. Với Hạ có lẽ dễ hiểu bởi em như bông hoa đến lúc khai nhụy, nên có thể giờ này em đã yên ấm bên gia đình mình và miền hạnh phúc của đứa con gái bé nhỏ với trái tim nguyên vẹn yêu thương. Nhưng đã có lần tôi nghe câu tuyên bố chắc nịch của đôi vợ chồng sống thử kia sẽ ăn hết cơm sinh viên mới dời xóm trọ này khi cự cãi với bà Liên. Cả bà Liên cũng vậy, dù không thể hiện ra, nhưng tôi biết xóm trọ như một chiếc lá để bà đổi màu khi đôi ba lần tôi vô tình thấy người đàn ông lạ chui tọt vào phòng bà đóng cửa im ỉm.

Mọi thắc mắc ấy tan rất nhanh sau cơn ngủ rầm rập kéo sập đôi mắt tôi. Giấc ngủ dài như bù đắp những mệt mỏi, những khó khăn của chuyến đi vừa qua. Khi tôi tỉnh giấc, ngoài trời lại chỉ còn một mầu đen. Đêm lại đổ dài xóm trọ. Tôi thấy bóng ông bà cụ xâm xấp trong phòng. Tôi mừng rỡ vội lấy chút ít quà nơi miền núi tiến thẳng sang. Bước chân tôi chựng lại, trên chiếc giường bà cụ nằm thiêm thiếp, gương mặt bà xạm xanh, hơi thở dường như khó khăn. Tôi vội hỏi:

– Bà sao vậy ông? Cháu về lúc trưa không thấy phòng ông bà mở cửa, xóm mình cũng không thấy ai cả. Đã có chuyện gì đúng không ạ?

Thấy tiếng tôi gấp gáp, ông cụ chưa vội trả lời. Ông đắp chiếc khăn mát lên trán cho vợ, rồi khuấy đều cốc thuốc, sắp lại đồ ăn còn vương trên mặt bàn. Ông ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế đã nham nhở.

– Bà nhà tôi lại bệnh cũ phát lại thôi cô ạ. Cái mùa này người khỏe còn mệt chứ huống gì già cả lại bệnh tật như vợ chồng tôi. Cô về là tốt rồi, cô về tìm chỗ ở mới cho bọn trẻ đi là vừa. Ông bà chủ nhà này nghe nói làm ăn thua lỗ nên bán hết cả khu trọ rồi.

– Bán…

– Ừ. Cô Hạ sinh xong chẳng thấy quay về nữa, vợ chồng cậu sinh viên hôm về có sang chào tôi nói là chúng có em bé nên về quê cưới bỏ luôn việc học… Nghĩ mà xót, chúng còn ít tuổi nên ngắn nghĩ quá. Còn chị Liên thì… nhắc đến lại thấy buồn.

Giọng ông chùng xuống, đôi mắt của ông như vừa thương vừa trách. Bà cụ khẽ cựa người, u ơ nói gì đó

– Có chuyện gì, hả ông?

– Tôi cũng không rõ lắm. Chỉ nhớ cũng đêm muộn như này, có một người đàn bà to béo cùng mấy gã thanh niên mặt mày dữ tợn, xồng xộc đạp cửa phòng cô Liên rồi túm cô ấy nói là cướp chồng, là đánh ghen cho nhớ đời. Họ cắt tóc, xé quần áo toàng toạc. May mà tôi gọi cảnh sát phường đến can thiệp kịp chứ không thì… Sau đêm đó bà lão nhà tôi đổ bệnh, cô ạ. Có lẽ chờ bà lão đỡ, vợ chồng tôi theo đứa cháu vào Nam sinh sống với chúng nó. Cả đời ở trọ mãi, cũng đến lúc cần một mái nhà của riêng mình.

Đắp lại cho vợ tấm chăn chiên, khuôn mặt ông cụ sẫm lại. Tôi thấy trong miệng mình có vị chát sịt. Số phận của những người đàn bà tồn tại ở cái xóm trọ này như loài bướm đêm. Cứ tưởng sau sự đau đớn đến rã rời thân xác, để mặc lên mình tấm áo mầu sắc, uống mật, ướp hoa vậy, nhưng cuối cùng cũng chỉ đánh đổi những thứ phù du, vay mượn hạnh phúc của thiên hạ để xoa lành phần nào vết thương lòng và cuối cùng nhận lại sự vô cảm ở đời. Nhìn xóm trọ chìm mình trong màn đêm cứ ken đặc lại, gió âm a trên ngọn cây rồi hất vào một khoảng không tĩnh mịch. Ở đâu đó tiếng ru hời, tiếng ru như một bản ca buồn quấn lấy những thân phận đang chìm vào giấc ngủ hờ trong mỗi phòng nhỏ như tổ chim nơi đây. Kể cả tôi, ngày mai sẽ lại một hành trình mới, tìm một góc sống mới cho bản thân và các con mình ở một nơi nào đó. Sẽ lại tiếp nối bao nhiêu số phận của cư dân xóm trọ mà tôi sẽ đến.

NGÂN HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *