‘Du nhập’ lễ hội

Vanvn- Chúng ta vừa đi qua 2 tháng đầu tiên của năm – quãng thời gian có khá nhiều lễ hội, sự kiện mang nguồn gốc quốc tế như ngày Valentine, Valentine trắng, Tết Dương lịch hay ngày Quốc tế Phụ nữ.

Và, khá trùng hợp, vấn đề này cũng vừa được nêu ra trong Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra tuần trước trước.

Như phân tích, trong xu thế toàn cầu hóa cũng như trong sự chuyển hóa xã hội hiện nay, Việt Nam đang tiếp nhận nhiều lễ hội văn hóa từ nước ngoài với tâm thế vừa chủ động, vừa bị động.

Các thống kê tạm thời cho thấy, những lễ hội này có tỷ lệ khiêm tốn (vào khoảng 0,12 % tổng số lễ hội trên cả nước). Nhưng, chúng vẫn trở thành một một hiện tượng văn hóa – xã hội mang nhiều màu sắc mới khi được tiếp nhận nồng nhiệt, đặc biệt là từ giới trẻ.

Dù vậy, đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ và đánh giá đầy đủ về những tác động tích cực lẫn tiêu cực của các lễ hội này. Và, với tham luận “Đánh giá thực trạng lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài ở Việt Nam qua lăng kính của Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, Ths Trần Thị Bích Thủy (Viện Văn hóa nghệ thuật) đã thử đưa nhận định về một số trường hợp.

Ở những trường hợp tích cực, có thể kể tới lễ Giáng sinh – sự kiện đã vượt xa tính chất của một lễ hội tôn giáo, trở thành hoạt động vui chơi, mua sắm vào dịp cuối năm, đem lại sự ấm áp và hòa đồng. Tương tự, Tết Dương lịch giờ được gọi là “lễ hội mùa Đông” khi tạo cơ hội giúp nhiều người gắn bó cùng gia đình, bè bạn với các hoạt động vui chơi giải trí đầu năm.

Ngược lại, dù được đón nhận khá sôi nổi nhưng một vài lễ hội thuộc dạng này vẫn cho thấy vài nhược điểm. Chẳng hạn, với lễ hội Halloween, ý nghĩa gốc ở phương Tây về việc xua đuổi ma quỷ, giáo dục con người hướng thiện và tránh mọi cám dỗ… đang phần nào bị quên đi, khi giới trẻ chỉ tiếp nhận nó ở khía cạnh hóa trang, kinh dị để vui đùa. Tương tự, ngày Valentine hiện đang bị thương mại hóa với màu sắc thực dụng – khi các dịch vụ ăn theo đều tăng giá khá cao so với giá trị thực.

Ở góc độ dự đoán, các lễ hội Ngày của Mẹ, Ngày của Cha tại Việt Nam cũng được cho là sẽ phát triển mạnh trong tương lai, bởi sự phù hợp với đạo lý truyền thống của chúng ta. Tuy nhiên, do tâm lý đặc thù, chúng sẽ mang đậm tính chất cá nhân và gia đình, chứ không diễn ra với quy mô cộng đồng như phương Tây.

***

Có nhiều lý do để giải thích về những khác biệt trong cách tiếp nhận những lễ hội được du nhập vào Việt Nam. Trong đó, không thể bỏ qua một thực tế: Trừ lễ Giáng sinh, phần lớn các lễ hội này thực chất chỉ là những sự kiện văn hóa thiên về phần “hội” mà rất ít phần “lễ”. Để rồi, khi xem đó đơn thuần là dịp để vui chơi, giải trí, mua sắm, nhiều đơn vị tổ chức – và cả khán giả tham dự – cũng ít quan tâm đến  ý nghĩa, giá trị văn hóa của chúng.

Thêm vào đó, thực tế, các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định một cách hệ thống, cụ thể, rõ ràng cho việc tổ chức lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Thông thường, một số trường hợp có quy mô lớn, mang yếu tố chính trị, tôn giáo, ngoại giao như Tết Dương lịch, Lễ Giáng sinh, lễ hội hoa Anh Đào… được chính quyền tổ chức hoặc hỗ trợ vận hành để phục vụ cộng đồng. Trong khi đó, các lễ hội theo trào lưu và nhu cầu như Halloween, lễ Valentine… đều mang tính tự phát. Các đơn vị tổ chức những sự kiện này chỉ phải xin phép khi có quảng cáo, bán vé kinh doanh và hoạt động tại nơi công cộng với quy mô lớn.

Bởi thế, sẽ có khá nhiều giải pháp cần được bàn thảo và thực hiện, để các lễ hội “du nhập” thật sự phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa Việt Nam – mà ở đó, không thể bỏ qua vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, cũng như xây dựng các khung quy định vừa cụ thể, vừa linh hoạt cho những trường hợp này.

TRÍ UẨN/TTVH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *