Hoàng Kim Đáng & cảm xúc chân thực về đất nước, con người

Vanvn- Với tư cách là người đi trước, NSNA Hoàng Kim Đáng nhắn nhủ với giới trẻ rằng, nhà báo phải viết, sáng tạo trên hiện thực cuộc sống (có chọn lọc) đang diễn ra làm sao để có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân loại, đặc biệt phải luôn hướng ngòi bút đến những gương người tốt, việc tốt.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng Kim Đáng là một người trưởng thành trong chiến trường Trường Sơn ác liệt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng

Ông từng công tác tại một số báo chí như: Trường Sơn, Văn Nghệ, Người Hà Nội, Nhiếp ảnh Việt Nam, Thế giới ảnh và từng công tác tại Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Ông là tác giả nhiều cuốn sách có giá trị về nhiếp ảnh, như: “Nhiếp ảnh Việt Nam – Từ thực tiễn đến lý luận”, “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” (tuyển chọn 40 gương mặt NSNA tài năng, có đóng góp không nhỏ cho nền nhiếp ảnh nước nhà),…

Năm 2021, ông ra mắt cuốn sách mang tên “Một góc nhìn đất nước”. Đây là tuyển tập của rất nhiều bút ký, ghi chép, phóng sự và tản văn của Hoàng Kim Đáng. Theo nhận định của giới chuyên môn, “Một góc nhìn đất nước” chạy theo mạch tư duy và cảm xúc nghề nghiệp với hai vũ khí trong tay, với một tấm lòng thương quý, trân trọng và bảo vệ từng tấc đất, từng con người sống trên mảnh đất hình chữ S.

Tay máy, tay viết của Hoàng Kim Đáng tinh tế mà chân thực

Cơ duyên đưa Hoàng Kim Đáng đến với nghề báo và nghề nhiếp ảnh là vào cuối năm 1965, ông bị sốt rét ác tính và phải nằm viện gần một năm. Ra viện, cán bộ y tế ghi vào bệnh án của ông rằng: “Chỉ có thể làm được công việc nhẹ”. Cùng lúc đó, đơn vị lập ra tờ Trường Sơn Gang thép (sau nâng cấp là Báo Trường Sơn) và ông được cấp trên chọn vào vị trí phóng viên cho tờ báo.

Sau này, khi có duyên gặp gỡ nhà văn Tô Hoài, ông đã học được nhiều kinh nghiệm quý báu. Điều này được Hoàng Kim Đáng ghi lại khá chi tiết trong bài “Cụ Tô Hoài dạy chúng tôi làm báo”:

“Nhà văn Tô Hoài thường tâm sự: “Làm báo là “làm dâu trăm họ”, bận như con mọn nhưng kể cũng vui,…”

Tập bút ký, ghi chép, phóng sự, tản văn “Một góc nhìn đất nước” của Hoàng Kim Đáng, NXB Hội Nhà văn.

Ở mỗi câu chuyện, Hoàng Kim Đáng luôn tỉ mỉ chọn lọc, vì vậy chi tiết nào cũng đắt lại thêm ngôn ngữ dung dị mà sống động làm cho tác phẩm dù ngắn hay dài về dung lượng, thời lượng vẫn ghim chặt vào bộ nhớ người đọc.

Mỗi con người trong bút ký của Hoàng Kim Đáng đều có số phận, tính cách, phẩm hạnh và ý chí đổi đời. Những con người mà tác giả thường gặp trong cuộc sống bề bộn hay sống chậm lại mang dung lượng của một nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết.

Có những nhân vật được tác giả dõi theo cả một chặng đường dài trong sự nghiệp. Bút ký “Tuổi 80 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải” cũng để lại nhiều suy ngẫm về tinh thần lao động hăng say và những cống hiến tuyệt vời của người cao tuổi.

Để mà nói về tài nhiếp ảnh của Hoàng Kim Đáng thì có lẽ cần phải tìm dẫn chứng sinh động từ chính những bài viết của ông:

“Chụp ảnh đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là người H’Mông, cần phải gắn con người với đồi nương và tư liệu sản xuất như cầy, bừa, cuốc thuổng, rìu bổ củi, liềm hái, nỏ, bẫy, ống đựng nước đến trang phục, trang sức…

Hoàng Kim Đáng kể: “Tôi vào nghề báo bằng việc cầm bút trước. Với tôi, sự nghiệp cầm bút cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung” không thuộc loại “văn hay chữ tốt”. Biết vậy, tôi liền tìm đến một loại vũ khí mới để hỗ trợ, đó là máy ảnh. Sau một thời gian thử kết hợp hai loại vũ khí này như hai anh em trong một nhà. Khi viết tôi thấy cần có hình ảnh để chứng minh, lập tức cầm máy ảnh chụp luôn. Khi cầm máy ảnh thấy viết hợp hơn thì cầm bút. Hai thứ vũ khí, hai loại hình ngôn ngữ bổ trợ cho nhau rất lợi thế đối với người làm báo.”

Yêu nghề và hiểu được cái khó, cái khổ của nghề nên Hoàng Kim Đáng đồng cảm sâu sắc với các nhân vật trong phóng sự, bút ký hoặc ghi chép của mình. Trong bài Người nghệ sĩ đang “gửi hương theo gió”, ông viết:

“Tìm được mẫu đẹp đã khó. Trong quá trình giao tiếp để có đủ độ chín để ngỏ lời và được sự hưởng ứng nhiệt tình lại càng khó hơn. Thời gian giao tiếp có thể hàng năm, khi nào tác giả và người mẫu có sự đồng điệu mới có thể bắt đầu thực hiện…”

Di sản quý giá để lại cho thế hệ sau

Qua cuốn sách “Một góc nhìn đất nước” của Hoàng Kim Đáng, độc giả hiểu hơn lý do khiến báo chí là một nghề nghiệp tuyệt vời. Đó chính là người làm nghề sẽ thấy ngay kết quả từ công việc khó khăn của mình. Chẳng hạn, khi ai đó đọc một bài báo bạn viết, họ sẽ có phản ứng với nó. Dù bằng cách nào, điều này sẽ cho bạn biết liệu những gì mình viết có đáng giá hay không.

Tóm lại, báo chí là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đam mê viết lách và phóng sự. Bạn sẽ có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình đồng thời có được kinh nghiệm quý giá tại một tổ chức tin tức có nhịp độ nhanh. Cánh đồng này luôn rộng mở, có rất nhiều cơ hội cho những người mới đầy tham vọng sẵn sàng làm việc chăm chỉ để trở thành nhà báo thành công.

Với tư cách là người đi trước, NSNA Hoàng Kim Đáng nhắn nhủ với giới trẻ rằng, nhà báo phải viết, sáng tạo trên hiện thực cuộc sống (có chọn lọc) đang diễn ra làm sao để có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân loại, đặc biệt phải luôn hướng ngòi bút đến những gương người tốt, việc tốt.

Ngày nay, khi cuộc sống của chúng ta có quá nhiều thay đổi và bị tác động nhiều bởi công nghệ, ngành báo vẫn không hề giảm giá trị. Báo chí vẫn là một nghề nghiệp có nhịp độ nhanh với khối lượng công việc lớn. Báo chí sẽ liên tục thử thách trí óc của người làm nghề và giúp họ không ngừng phát triển các kỹ năng mới. Chính lúc này, kinh nghiệm của những người đi trước như Hoàng Kim Đáng càng trở nên quý giá. Cuốn sách “Một góc nhìn đất nước” vì thế mà sẽ có đời sống lâu dài trong thế giới đọc.

TIỂU MAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *