Đời sống và cư dân người Sài Gòn độc đáo trên phim

Vanvn- Với nhiều ngành văn học nghệ thuật ở Việt Nam, điện ảnh là ngành nghệ thuật hoàn toàn mới, du nhập từ nước ngoài. Điện ảnh là ngành nghệ thuật ra đời sau các loại hình nghệ thuật: văn học, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, múa, sân khấu… Điện ảnh là sản phẩm thời kỳ công nghiệp, mang đặc trưng chung của nhiều loại hình nghệ thuật. Tác phẩm của điện ảnh lại gần gũi với công chúng, phản ảnh hoàn cảnh xã hội, đời sống thực tế của công chúng. Sách “Văn hóa đời sống 45 năm Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh” (1975 – 2020) của nhà biên kịch Huỳnh Mẫn Chi, chính là một công trình nghiên cứu công phu và rất bổ ích cho người đọc khi tìm hiểu về điện ảnh Sài Gòn, được xuất bản năm 2023.

Nhà văn, nhà biên kịch Huỳnh Mẫn Chi sinh ngày 22.9.1975, quê quán Chợ Gạo – Tiền Giang; tốt nghiệp Cử nhân kinh tế (1998), Cử nhân Nghệ thuật (2006), Thạc sĩ Văn hóa học (2016). Huỳnh Mẫn Chi được nhận các giải thưởng: Giải Nhì Báo chí năm 2002. (Hội Nhà báo VN), Giải C Cuộc thi viết về nhân tố mới 2002 (Hội Nhà báo TP.HCM), Giải Ba kịch bản phim truyện (Hội Điện ảnh VN, Cục Điện ảnh VN – 2005), Giải Nhì Kịch bản phim truyện (Cục Điện ảnh VN, Hội Điện ảnh VN – 2009), Giải Nhất bút ký “Ký ức gia đình” (Tạp chí Gia Đình –  2010).

Sài Gòn trước đây là một thành phố tiếp xúc với văn hóa phương Tây rất sớm, do bị cai trị bởi chế độ thuộc địa của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945. Tầng lớp thị dân phong kiến nơi đây  trở thành thị dân tư bản chủ nghĩa sớm nhất Việt Nam. Họ gần như đã tiếp xúc với những bộ môn nghệ thuật hiện đại của phương Tây sớm hơn so với các vùng khác trong nước. Người Sài Gòn không những tiếp xúc với nền điện ảnh phương Tây sớm mà còn tham gia hoạt động lĩnh vực điện ảnh sớm nhất cả nước.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đinh là người Sài Gòn sáng lập hãng phim đầu tiên của Việt Nam mang tên Asia Films ra đời tại Phú Lâm. Năm 1938, hãng phim này khởi quay bộ phim Việt Nam đầu tiên có tiếng nói mang tên “Trọn với tình” (thời lượng 90 phút trên phim nhựa 35 mm đen trắng), do NSND Tám Danh làm đạo diễn. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi được mệnh danh là “kinh đô Điện ảnh Việt Nam” vì ngoài các hoạt động điện ảnh, xuất nhập khẩu phim, các chủ hãng còn sản xuất nhiều chương trình nghe – nhìn.

Sau năm 1975, điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản các nguồn nhân lực điện ảnh từ: Bưng biền (R), Sài Gòn (trước năm 1975), miền Bắc (sau năm 1975), đội ngũ Việt kiều và đào tạo tại chỗ. Trong điều kiện mở cửa hội nhập hiện nay, để góp phần vào việc nghiên cứu, tác giả sẽ tìm hiểu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng đến nay (2020). Mọi ảnh hưởng đến đời sống văn hóa dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng với những thành tựu góp phần phát triển lịch sử Điện ảnh Việt Nam qua một chặng đường. Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành nên một diện mạo riêng, đóng góp một phần đáng kể cho nền điện ảnh Việt Nam. Nó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, đời sống văn hóa người Nam bộ nói chung và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Sách viết về điện ảnh từ năm 1975 đến nay (2020), khi đất nước hòa bình, điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn mang một diện mạo mới cùng với sự thay đổi vận mệnh của đất nước, hội nhập và không ngừng phát triển. Điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, không chỉ nâng cao giá trị nghệ thuật mà còn là một ngành sản xuất công nghiệp được đầu tư kỹ thuật hiện đại, cùng với khả năng tài chính hùng hậu. Đặc biệt sản xuất “phim truyện” ở Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung luôn giữ được sắc thái riêng, luôn hướng đến nhu cầu giải trí khán giả, nhân vật gần với cuộc sống hiện thực. Nhìn lại chặng đường phát triển điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở mỗi thời kỳ khác nhau, các nhà làm phim có những thế mạnh, giữ được trong phim nét đặc thù văn hóa của người Sài Gòn ở Thành Phố Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ.

Bìa sách “Văn hóa đời sống 45 năm Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh” (1975 – 2020) của Huỳnh Mẫn Chi

So với các địa phương khác, văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh có môi trường hoạt động sôi động đủ các loại hình nghệ thuật. Nhờ đó, điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đạt được thành tựu to lớn, cùng với tài năng của nhiều thế hệ nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Một thành phố là nơi tập trung dân cư đông nhất cả nước, đời sống, văn hóa của người dân thành phố luôn là đề tài hấp dẫn, thiết thực cho các nhà hoạt động điện ảnh khai thác đưa vào phim. Phim truyện tác động mạnh mẽ đến đời sống dân cư. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác: Sân khấu, Múa, Văn học, Âm nhạc… Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật dễ dàng đến với công chúng nhanh và rộng, do được phát hành rộng rãi trên mạng lưới qua các rạp chiếu bóng và qua màn ảnh nhỏ (tivi), băng đĩa hình phục vụ gia đình và ngày nay là mạng xã hội.

Điện ảnh là đặc trưng của thế giới văn minh, của xã hội tiến bộ, những yếu tố cốt lõi của văn minh, nhân văn trọng yếu trong quá trình hình thành nên tác phẩm. Tác phẩm điện ảnh phải thấm nhuần tinh thần nhân văn, thấm đượm ý nghĩa nhân đạo văn minh trong thông điệp gửi đến công chúng. Do gắn liền với con người và hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội, điện ảnh mở rộng ra những vấn đề nhân sinh. Qua khả năng sáng tạo về một sự vật hiện thực, nhằm ca ngợi, phản ảnh, ghi chép từ cuộc sống đưa vào nghệ thuật, góp phần giáo dục, tạo thẩm mỹ, tác phẩm điện ảnh sẽ phục vụ cộng đồng. Điện ảnh luôn mang âm hưởng của thời gian, mang tính thời sự, văn minh và hiện đại. Bởi điện ảnh được hình thành và ra đời sau các bộ môn nghệ thuật khác, là sự tổng hợp tinh hoa từ các bộ môn nghệ thuật vốn có lâu đời. Tác phẩm điện ảnh xuất sắc là cối lõi tạo nên nền điện ảnh của một vùng, một miền, hơn nữa là của đất nước.

Điện ảnh được tích hợp qua kinh nghiệm của nhiều thế hệ nghệ sĩ làm nên tác phẩm. Điện ảnh góp phần hình thành nhân cách con người và duy trì những phẩm chất tốt đẹp của người nghệ sĩ cho các thế hệ sau. Điện ảnh thực sự đạt được vị trí quan trọng, làm phong phú và tạo những nét độc đáo cho đời sống người dân, phần lớn nhờ vào văn hóa. Điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh là sự kết hợp kỹ xảo từ nền điện ảnh tiên tiến của các nước, với tích lũy từ vốn kinh nghiệm có sẳn của người nghệ sĩ đã tạo nên dòng phim đặc trưng, phục vụ công chúng. Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại không thể thiếu nghệ sĩ tài năng và tâm huyết.

“Văn hóa đời sống 45 năm điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Huỳnh Mẫn Chi được triển khai trên cơ sở lý luận về văn hóa, về đời sống của dân cư Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả muốn nghiên cứu sâu vào thể loại phim truyện trong điện ảnh Việt Nam sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả sẽ cách tiếp cận, đánh giá tác động tích cực về giá trị, về giao lưu tiếp biến của điện ảnh trong đời sống văn hóa người Sài Gòn nói riêng, người Nam bộ nói chung. Mặc dù tiếp cận nguồn tài liệu gặp nhiều khó khăn, nhiều tư liệu không đủ thông tin nên không thể kết luận một cách nóng vội, nhưng bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, tác giả gặp thuận lợi hơn. Trong đó có các thao tác như: phỏng vấn, phân tích, thống kê, phân loại, nguồn tài liệu liên quan… Những bước triển khai trên, sẽ phản ánh phần nào mức độ ảnh hưởng của điện ảnh trong đời sống văn hóa dân cư Thành phố Hồ Chí Minh. Đời sống văn hóa đã tạo nên những thước phim độc đáo trong điện ảnh và đồng thời điện ảnh cũng lý giải cho đời sống văn hóa và làm cho đời sống văn hóa thêm phong phú.

NGUYỆT ÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *