Đôi điều về “Người già” và các nhà văn cao tuổi

Vanvn- Người già và thế hệ người cao tuổi ở bất cứ quốc gia nào cũng là mối quan tâm về an sinh của xã hội của các cấp quản lý đất nước. Nuôi dưỡng, chăm sóc và tận dụng kinh nghiệm cuộc sống của họ có nhiều vấn đề cần bàn luận, cần suy nghĩ, cần có những giải pháp và quyết sách thấu đáo. Họ là một thực thể tồn tại trong văn hóa, kinh tế, đạo đức, gia đình… của một đất nước.

Tôi nhớ khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tôi sống ở thị xã Thanh Hóa, những buổi sáng đi tập thể dục về, qua hồ nước trước Nhà máy đèn, tôi thường thấy bốn cụ già râu tóc bạc phơ ngồi dưới gốc cây bàng, rì rầm trò chuyện. Các cụ ấy tầm trên 70 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đeo kính nhìn dòng người qua lại trong cái thời đất nước vừa đánh giặc xong, nghèo đói và vất vả. Nhìn những gương mặt đăm chiêu, nét cười đôn hậu mà yêu mến và quý trọng các cụ vô cùng. Tôi có viết bài thơ Người già in ở báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có những câu:

Các cụ ngồi lặng lẽ lâu lâu

Hiu hiu gió và mơ mơ nắng

Ấy là lúc tâm người thanh thản

Với cỏ cây, hoa lá, mây trời

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trả lời phỏng vấn tại Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành lần I ở Hải Phòng

Ngày nay, những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 21, thế giới loài người đang đi những bước dài trên con đường phát triển của mình, cả về khoa học, kinh tế và tuổi thọ con người. Ở lứa tuổi tuổi 60,70… bây giờ không thuộc lớp người xưa nay hiếm nữa. Ngay như ở nước ta, tuy mới mon men vào top các nước đang phát triển, thì việc người già sống đến 80-90 tuổi, thậm chí trên 100 tuổi, cũng đã là chuyện bình thường. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản, Hàn Quốc… một phần nguyên nhân cũng bởi tuổi thọ bình quân của người già ở các nước ấy đã tăng rất cao so với vài chục năm trước đây. Chiến lược phát triển quốc gia với độ tuổi lao động không còn trẻ là yêu cầu của một chính sách hợp lý, sáng tạo. Kể cả những vị lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới cũng vượt ngưỡng tuổi thọ trên 70, nhưng vẫn được tín nhiệm rất cao, như cựu tổng thống Trump và hiện nay là tổng thống Biden của Hoa Kỳ. Già về tuổi đời nhưng sức làm việc vẫn sáng suốt, năng động, hiệu quả. Nền y học tiên tiến và chất lượng dinh dưỡng bữa ăn đã kéo dài mạch sống cơ bắp, trí não của nhân loại, trong đó có nhân dân Việt Nam chúng ta.

Trẻ có công việc lao động phù hợp với tuổi trẻ. Già có công việc hợp sức của người già. Ngày nay không phải cứ 70 tuổi, 80 tuổi là “kính nhi viễn chi”, xếp vào hàng “dư thừa” của xã hội. Trong sự tồn tại và phát triển của xã hội, thời nào cũng có nhiều ngành nghề cần có bề dày kinh nghiệm của thời gian sống cọ xát thực tế, tích lũy tri thức.  Đó là các lĩnh vực, ngành nghề lao động trí óc, như: nghiên cứu khoa học kỹ thuật; sáng tạo văn học và nghệ thuật; giáo dục và đào tạo v.v…

Nhìn nhận từ những góc độ trên đây thì rõ ràng người già là tài sản quý của đất nước. Vì họ thực sự là “gừng càng già càng cay”; là “thầy đàn già con hát trẻ”… như người xưa từng nói. Nhưng để khai thác hiệu quả kho báu đó; tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của các bậc trưởng bối đó, thì con cháu phải làm gì, xã hội phải làm gì cho cuộc sống của họ? Đó là điều cần bàn. Tôi có những người đồng nghiệp cao tuổi, đều là những Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ… thuộc lớp “U70, U80” nhưng vẫn đang là cán bộ giảng dạy ở các trường đại học. Họ vẫn ham học, ham nghiên cứu khoa học, ngồi ghế các hội đồng chấm/thẩm định các đề tài hàng năm… Nhiều người còn ham thích các hoạt động văn nghệ, thể thao, làm thơ và viết văn, nhiều người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các ông có những vần thơ thấm đẫm nhân tình thế thái cuộc đời và đau đáu vận mệnh dân tộc, như: Biết chia được với ai nỗi nhớ/ Tôi đốt lòng mình lên trong lặng yên… (Nguyễn Xuân Thâm); Danh lợi, quyền uy, phù vân, duyên nợ/ Khép theo cánh hạc bay về… (Đào Ngọc Phong)… Nhìn rộng hơn, khát quát và cụ thể, thấy hiện diện một thế hệ nhà văn cao tuổi nhưng năng lượng sáng tạo văn chương còn rất dồi dào, trường sức.

Từ trái sang, các nhà thơ: Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Nhương, Trần Nhuận Minh, Phan Thị Thanh Nhàn, Bảo Ngọc… hội ngộ

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đã có nhiều nhà văn trẻ có độ tuổi 20, 30 viết được những tác phẩm để đời. Đó là Nguyên Hồng với Bỉ vỏ; Vũ Trọng Phụng với Số đỏGiông tố; Nam Cao với các truyện ngắn về nông thôn, Nguyễn Nhược Pháp với các bài thơ trong trẻo trữ tình… Nhưng có nhiều nhà văn càng cao tuổi càng chiêm nghiệm, viết nên những tác phẩm làm giàu có thêm cho nền văn học nước nhà. Nhà văn Tô Hoài (1920-2014), chưa đầy 18 tuổi đã viết cho báo Tiểu thuyết thứ năm, viết tuyệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và liên tục đều đặn cho ra đời những tác phẩm ghi dấu ấn trong từng chặng đời, kể cả khi đã thượng thọ bát tuần, cửu tuần, như: Mười năm, Vỡ tỉnh, Miền tây, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Cát bụi chân ai, Ba người khác…

Đặc biệt, sức viết của ông càng về già càng chiêm nghiệm “quái kiệt”. Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải v.v… cũng là những tác giả như thế. Rồi nữa, nhà văn Ma Văn kháng sinh năm 1936 là tác giả của những trang văn sử thi về các dân tộc miền núi thật đẹp, như: Đồng bạc trắng hoa xoè, Trăng núi thật non, Mã đại châu… cho đến thời kỳ đổi mới vẫn có Mưa mùa hạ và nhiều tác phẩm với giọng văn mới mẻ, hội nhập, hiện đại… Ở lĩnh vực thơ, nhiều tác giả đã thuộc thế hệ “U80” nhưng vẫn sáng tác đều đặn, xuất hiện thường xuyên trên các báo và phương tiện truyền thông, như: như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhuận Minh, Mã Giang Lân, Bằng Việt v.v… Họ là những tấm gương sáng cho các cây bút trẻ noi theo. Đặc biệt, tâm hồn của những người thơ “U80” vẫn trữ tình, duy mỹ, duy lý… rất hiện đại mà vẫn rất truyền thống cổ điển. Đó là Hữu Thỉnh: Mặc ai xô dạt mỗi ngày/ Múc đau lòng giếng vẫn đầy sau hôm… Đó là Vũ Quần Phương: Kiếp sinh như ngọn sóng trào/ Dào lên một đợt lăn vào thiên thu/ Hết phiên về cõi sa mù/ Thơ làm ngọn lửa đền bù trên tay…

Để nuôi giữ được dòng mạch văn chương ở các nhà văn cao tuổi là chuyện lớn phải bàn thấu đáo. Xã hội phải tạo cho họ, trước hết với tư cách là đối tượng những người cao tuổi, một cuộc sống có vật chất khả dĩ, có tinh thần an thái trong quãng đời còn lại. Nhà nước phải quan tâm đến họ với những vấn đề cụ thể, như: lương hưu có đủ sống không? Nơi ăn ở (nhà cửa) đã chu đáo chưa? Gia cảnh có thanh thản không?… Thậm chí phải giúp đỡ họ sử dụng được máy tính, kết nối mạng để cập nhật đời sống thường ngày và đời sống văn học, nghệ thuật… Những người “già cả” có trí não và năng lực sáng tạo rất cần xã hội và cộng đồng chăm lo và nâng đỡ để tiếp tục sáng tạo. Họ là tài sản của quốc gia. Nên chăng thành lập một quỹ do cộng đồng đóng góp để tài trợ cho các nhà văn cao tuổi nhưng còn nhiều khó khăn, như: không có lương hưu trí, hoặc lương hưu thấp, hoặc sống cô đơn… Đó là tấm lòng, là cái tình con người với con người, cái mến trọng của xã hội đối với những bậc văn nhân khả kính…

Xin có mấy vần kết thúc bài viết nhỏ như sau:

Xin tháng ngày đừng vội qua mau

Mơ mơ nắng vàng hiu hiu gió

Để các cụ ngồi như nghìn năm đã có

Dằng dặc đường đời đẹp những trang văn

NGUYỄN NGỌC QUẾ

Báo Văn Nghệ số 39/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *