Vanvn- Giới văn nghệ sĩ Tây Ninh có lẽ không ai không biết bà, một – người – thơ một đời say thơ. Gầy gò, mỏng manh như thân gỗ lũa đã dốc kiệt hết nhựa sống cho đời. Bà là thành viên trong Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh (tiền thân Hội VHNT Tây Ninh ngày nay), từng phụ trách Quán thơ trên núi Bà Đen (năm 1983-1984).

Bà sáng tác nhiều thể loại: thơ, văn, kịch thơ, vọng cổ… nhưng đồ sộ nhất có lẽ là thơ. Không thể tin được là bên trong con người nhỏ bé gầy gò ấy lại ẩn chứa một tâm hồn thơ mênh mang, dấn thân và rất thánh thiện. Thơ đối với bà là máu, là hơi thở, là dinh dưỡng của cuộc sống… Hơn 70 năm đắm mình trong thế giới văn chương, bà đã cho ra đời hơn mười đầu sách với hàng nghìn trang viết trong đó hầu hết là thơ.
Thơ của bà dễ đọc. Câu từ, tứ thơ đầy cảm xúc dường như cứ thế mà bật ra từ cuộc sống. Nhưng thử đọc bà trong cái tâm thế nhập cuộc với không gian thơ của bà mới khám phá và cảm nhận được những điều tuyệt vời. Thơ bà viết về nhiều đề tài: nhân tình thế thái, vịnh cảnh, tả người, vật… nhưng có lẽ mang lại ấn tượng nhất với tôi chính là những bài thơ tình của bà. Đó là thứ tình yêu trong veo của một mối tình gần như đơn phương, trong sáng và sâu đậm đã viên lại thành khối ngọc không tan trong trái tim bà, nó vừa lãng mạn vừa man mác buồn. Và cuộc tình thời loạn ly ấy phải nồng nàn say đắm lắm mới có thể khiến người con gái đẹp và tài hoa đợi chờ đến hết một thời xuân sắc:“Ngày tháng năm dài, anh – tôi chưa gặp mặt/Vẫn mơ hoài hình bóng dựng tương lai”. “Năm, tháng qua đi tôi yêu thật sự người trong mộng/ Dù mộng muôn đời vẫn mộng thôi” (Chuyện tình tự kể).

Cái tình yêu chỉ có trong mơ, ngậm ngùi, hoài tưởng bà viết từ những lá thư không gửi và nhờ gió, mây, nắng, trăng, nước, mưa… mang về phương ấy nói hộ dùm bà nỗi lòng người con gái đang yêu:
“Gió có reo về hướng ấy không?
Bao nhiêu thương nhớ thoáng qua lòng…
Mây có bay về hướng ấy không?
Anh như mây trắng cách muôn trùng…
Nắng có soi về hướng ấy không?
Vầng dương sưởi ấm cả muôn lòng…
Trăng có loang về hướng ấy không?
Lung linh, huyền ảo đẹp vô cùng…
Nước có trôi về hướng ấy không?
Cho ta thuyền gửi một khoang lòng…
Mưa có rơi về về hướng ấy không?
Mưa rơi rơi mãi ở trong lòng…”
(Tình mơ)
Hay:
“Em yêu anh, như yêu non cao
Em yêu anh, như yêu trăng sao
Anh không bên em, em bơ vơ
Anh không bên em, em luôn mơ…”
(Bài thơ không dấu)
Và đây nữa, những vần thơ đẫm lệ:
“Anh đi rồi cuộc đời vô nghĩa
anh đi rồi tan tác mảnh hồn em
Còn ai san sẻ tình thơ nữa
Một kiếp tằm tơ lắm nỗi niềm…”
“Đốt nến hồng lên
Soi hình bóng cũ
Quá khứ hiện về
Anh hỡi anh ơi!”
(Cây trút lá)
Nghe mà khắc khoải đến nao lòng!
Nhưng không hề có bi lụy trong thơ tình của bà. Khối ngọc tình si với bà là một kỷ vật trân quý mang theo đến hết đời. Trong quy luật khắc nghiệt của lẽ vô thường:
“Xưa tóc thề óng mượt…
Xưa dáng người thướt…
Xưa dịu dàng dáng liễu…
Xưa mắt ngời rạng rỡ…”
mà
“Nay tóc thề đã hết…
nay tay run chậm bước…
nay móm mém u sầu…
nay mắt mờ lệ ứa…”
vẫn dạt dào một khát vọng sống:
“Ngày nào ta còn sống
là ngày còn niềm tin
là ta còn hy vọng…”
“trái tim ta còn đập
thời ta mãi còn xuân…”
(Nuối tiếc).
“Bồng bềnh một đóa hoa sông
lênh đênh chút phận khi gần khi xa”
Lòng tự hỏi có phải bà là người đầu tiên đặt cho loài cây thủy sinh “vừa trôi vừa nở hoa” cái tên đầy chất thơ là “phiêu bồng thảo” để cho Cẩm Giang thôn đi vào lòng người man mác một nỗi buồn cô tịch:
“Cẩm Giang thôn! Cẩm Giang thôn!
phiêu bồng thảo vẫn bồng bềnh trên sông”
(Phiêu bồng thảo).

Có thể thơ của bà lạc lõng trong thế giới thơ hôm nay. Câu từ không chải chuốt, tứ thơ hoài cổ. Nhưng theo tôi, thơ bà là một ngoại lệ trên văn đàn tỉnh nhà. Không thể đem cái lăng kính mặc định dở hay của phàm nhân mà đánh giá, nhận xét. Hãy đọc thơ bà trong cái tâm thế tịch tịnh của thiền, của hoài niệm xa xưa.
Chúng ta, những người cùng hội cùng thuyền học hỏi ở bà rất nhiều. Nhưng có lẽ điều lớn nhất là sự cần mẫn, say mê, hết lòng hết dạ với cái nghiệp của con tằm rút ruột nhả tơ, những sợi tơ vàng óng ánh dệt thành những vuông lụa đầy sắc màu trang điểm cho cuộc đời. Nhìn bà ngồi lọt thõm giữa mênh mông sách và thơ trong căn phòng bé xíu làm dấy lên lòng mình một tình cảm rất lạ vừa cảm phục vừa xót xa. Bà viết:
“Tôi làm thơ cho tôi. Tôi làm thơ cho đời. Tôi làm thơ cho cả đất trời bao la. Tôi làm thơ cho chúng ta. Làm thơ cho cả ta bà chúng sinh”.
Hoặc: “Tôi không bán thơ cho ai. Tôi không xin xỏ van nài người mua. Thơ tôi nhiều lắm dư thừa. Tiền thì không có mà thơ thiếu gì”.
Nhìn bà nhiều khi thấy thẹn với lòng, thẹn với lương tâm của người trót mang nghiệp nợ văn chương khi có lúc đã để những hư danh hão huyền, vật chất phù du, sân si trần tục đè nặng ngòi bút, ngăn trở sự sáng tạo. Cám ơn bà, nữ sĩ Phan Phụng Văn, bà đã đem lại cho chúng tôi cái năng lượng tích cực để tiếp tục con đường đang đi.
Cái hình ảnh bà ngồi bệt bên lề đường viết và ký tặng tôi tập thơ “Nguồn thơ bất tận” trong lần nguyên tiêu năm 2018 trên núi Bà là một kỷ niệm không quên. Cái bóng nhỏ bé của bà lẫn vào đám đông người đi trẩy hội như những dòng thơ mộc mạc thiết tha của một người say thơ lặng lẽ chảy vào đời. Xin mượn mấy câu thơ của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đức Thiện đã viết về bà để kết thúc bài chia sẻ này:
Bóng chị chiều nay liêu xiêu bước
Câu thơ níu giữ cánh thơ bay
Yêu lắm một người thơ như thế
Cho người và người những đắm say.
PHƯỚC HỘI