Vanvn- Trần Thắng là một nhân vật đa tài, vừa cầm cọ vừa cầm bút. Giới thiệu như thế là bởi anh không chỉ làm tốt vai trò họa sĩ mà còn tung tẩy với thơ ca. Đáng nói, sân chơi nào anh cũng cho thấy mình là người chơi giỏi.

Đó là cách người ngoài nhận định về Trần Thắng, còn bản thân anh, với tính cách thuần túy của một họa sĩ, hẳn là rất kiệm lời. Nhưng người làm nghệ thuật như anh luôn có ngôn ngữ khác để nói. “Dốc im lặng” là một tập thơ nói lên rất nhiều điều về tác giả của nó.
“Dốc im lặng” là tập thơ in riêng đầu tiên của họa sĩ – nhà thơ Trần Thắng. Sẵn tài hội họa, Trần Thắng trang hoàng cho tập thơ này một vẻ đẹp vừa sang trọng, vừa trầm tĩnh. “Dốc im lặng” bao gồm 55 bài thơ, 32 tranh phụ bản tiêu biểu cho phong cách hội họa Trần Thắng. Chuyện Trần Thắng làm tranh đẹp thì ai cũng biết, nhưng năng lực thơ mới là điều khiến người ta bất ngờ.
Bạn bè trong hay ngoài giới mà đọc thơ Trần Thắng thì đều có chung một thiện cảm dành cho anh. Thứ thiện cảm này xuất phát từ thái độ Trần Thắng đi vào thơ – khiêm nhường và từ tốn.
Có người nhận xét thơ Trần Thắng chất chứa nhiều uẩn khúc, khiến người đọc nhận ra ngay rằng tác giả là người đi nhiều, trải nhiều và hay nặng lòng suy nghĩ. May mắn là, anh luôn biết cách chuyên chở những khối cảm xúc khổng lồ ấy vào thơ, vào họa để tạo nên “tòa lâu đài” nghệ thuật của riêng mình.
Trong thơ có họa, trong họa có thơ. Đó là phong cách và cũng là thế mạnh của Trần Thắng. Anh không viết ào ào mà rất dè dặt. Thế nên mỗi bài thơ của anh cũng khiến người ta phải đọc chậm, đọc kĩ, như đang thưởng thức nhan sắc tinh khiết của bình minh hay hoàng hôn.

“Thơ Trần Thắng thấm đẫm chất quê, nhưng giọng điệu lại rất phố, rất mới lạ” – Nhận định của Nguyễn Thụy Khoa khiến độc giả càng thêm tò mò về “Dốc im lặng”, muốn mở toang tập thơ này ra để chứng thực. Quả nhiên, Nguyễn Thụy Khoa chẳng hề quá lời.
“Lao xao chợ Tết ngả chiều/ Con ngồi phăng phắc cánh diều đáy sông/ Mái đình xổ bóng mây rồng/ Sắc hoa trả nợ cánh đồng phù sa…”
“Tóc bay như lá/ lướt qua ồn ào tất bật/ ngan ngát/ hương mùi già hương ngâu hương bồ kết/ hương bưởi hương nhu hương sả/ đẫm vạt rừng nguyên sinh bí ẩn mơ về…”
Những câu thơ chứa đầy hoài niệm đưa người đọc quay trở lại ngày hôm qua cùng cái nhìn gợi mở về một kỷ nguyên hạnh phúc có lẽ đã già đi theo thời gian nhưng chưa bao giờ bị lãng quên. Tài của Trần Thắng là “ru” người đọc vào nỗi buồn đẹp sang trọng, say sưa thưởng thức và mỉm cười.
“Ngủ trong một tiếng lá rơi/ Chợt lìa hai cõi mẹ ơi! Vô thường/ Muôn vàn lệ đẫm thành sương/ Long lanh tụ đóa thiện lương đỉnh trời…”
“Chuyện hợp tan đành rằng duyên phận/ Ta vẫn phủ sen trắng giấc xưa/ Đam mê yêu hình hài em ánh sáng/ Mùa xuân thốt gọi thịt da…”
Ngẫm ra, Đào Bá Đoàn nói rất đúng về thơ Trần Thắng: “Thơ của Thắng cũng như hội họa và con người Thắng – ưa cái mới, hướng về cái mới, luôn muốn tìm tòi một cái gì đó khác (ít nhất là với chính mình) nhưng trong một sự thẳng thắn, nhiều khi trực diện, không vòng vèo”.
Có lẽ vì thế mà mỗi bài thơ của Trần Thắng đều khiến người đọc liên hệ với một bức bố cục màu trong đồ họa – có chính, có phụ, có điểm nhấn “chết người”.
“Chẳng thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ/ Em cứ trào lên sóng bạc đầu/ Trái tim như con thuyền chịu bão/ Sẽ tan tành sau nộ cuồng dâng…”
“Quì trên thảm mùa xuân tươi hoa rụng/ dệt yêu thương phủ kín hình hài/ lay phay tuổi hoa bay ngang mặt/ định mệnh áo tím thuở thiếu thời…”
Sự trừu tượng vừa đủ là “chất liệu” để thơ Trần Thắng gợi ra một bức tranh trong tâm trí độc giả, khiến những ai đã đọc thì sẽ không nguôi nghĩ về nó. Dĩ nhiên, điểm nhấn của tập thơ “Dốc im lặng” chính là vẻ đẹp mê đắm của sự tĩnh lặng.
Trong thinh lặng, chúng ta có khả năng lắng nghe chính mình và người khác. Chính trong im lặng, chúng ta có thể chạm tới trí tuệ vô hạn và biết rằng chúng ta có thể tin tưởng vào một sức mạnh lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng rất nhiều, đang chảy qua chúng ta mọi khoảnh khắc.
“Chẳng còn muốn đuổi theo phù phiếm/ Bình yên giữa hành trình cô đơn/ Dường như chạm được vào tĩnh lặng/ Dông bão đâu dễ gì cuốn xô…”
Vậy đấy. Thơ Trần Thắng không điệu đà câu chữ mà có một vị lạ. Phong vị đó giống như một thứ màu quý được pha trộn từ rất nhiều hợp màu khác.
Hãy thử đọc “Dốc im lặng” để biết thế nào là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, thoát khỏi những tiếc nuối của ngày hôm qua và những lo lắng của ngày mai, để được hòa làm một với vũ trụ và cảm nhận sức mạnh toàn tri của nó.
TIỂU MAI