Đoàn Văn Mật & Gạc Ma ngày sóng đỏ – Kỳ 2

Vanvn- Trái tim tôi vẫn đập phía Gạc Ma/ nơi đồng đội không thể nào nhắm mắt/ dẫu đắng cay đi cùng bao mất mát/ Gạc Ma đây vẫn của Tổ quốc mình…

Đài tưởng niệm Gạc Ma

>> Sóng trầm biển dựng

>> Gạc Ma ngày sóng đỏ – Kỳ 1

 

Chương 2: GẠC MA NGÀY SÓNG ĐỎ

(Tiếp theo)

 

12.

 

Có lẽ nào bạn ơi

vội ngừng đi tiếng hát

bão chưa đến nơi này

lời ca còn chưa hết

 

Có lẽ nào bạn ơi

cây chưa tròn bóng mát

thư nhà chưa kịp đọc

mà bạn vội đi rồi

 

Có lẽ nào bạn ơi

kẻ thù đang trước mặt

kẻ thù nấp sau lưng

sao bỏ tôi đi mất.

 

13.

 

Đêm qua chia nhau điếu thuốc.

Bạn bảo:

– Ngày ra đảo quê nhà đang vụ gặt, chưa phơi xong sân thóc thì có lệnh lên đường. Lại hẹn đến mùa sau về đỡ đần cho mẹ.

– Cưới nhau vừa đầy tuần, chưa kịp quen hơi vợ, đã xa. Ba tháng ngoài đảo, lần đầu tiên nhận được thư nhà, mừng rơi nước mắt, vợ thông báo có bầu, gái hay trai chưa biết.

Đêm đêm mơ giọt máu của mình.

– Mai tàu ra chắc có hơi đất liền. Lần trước biên về nhắc vợ gửi ra cho tấm ảnh.

Cưới xong vội đi chưa kịp ngắm nhìn…

– Cấp trên báo tình hình gấp lắm. Có thể chúng ta phải sinh tử với kẻ thù. Chúng bày giàn thế trận, hòng chiếm đảo.

Tất cả sẵn sàng chờ lệnh…

 

14.

 

Nhưng đêm nay đã không còn bạn

nén nhang thắp cuối trời vụt tắt

tàn chưa kịp rơi gió về cuốn mất

hoa chưa kịp thơm sóng lừng vò nát

 

Tuổi hai mươi chúng ta nhiều khao khát

những giấc mơ chưa dừng lại bao giờ

tuổi hai mươi chúng ta còn quá trẻ

để nghĩ cuộc đời phía trước lớn lao hơn

để nghĩ ngày mai đứng giữa Sinh Tồn

cùng hát vang bài ca đất nước

để viết lá thư về cho mẹ

con đã đến được nơi mơ ước đời mình

và khi nào về phép

sẽ biếu mẹ những con mực,con trai, con ốc

mà chúng con vẫn bắt được hàng ngày…

 

Tuổi hai mươi chúng ta chưa bao bao giờ nghĩ về cái chết

ngay cả phút giây này

bạn ngã xuống mắt không nhắm được

không nhắm được bởi Gạc Ma đã mất

không nhắm được bởi quanh chúng ta có quá nhiều bóng giặc

từ khơi xa cho đến đất liền

càng nghĩ nhiều càng thấy xót xa thêm…

 

Tuổi hai mươi chúng ta khao khát yên bình

không ngần ngại đi vào bão tố

không sợ đứng trước kẻ thù

ngay cả khi phải chết

người lính luôn yêu đất nước

bằng tình yêu rất thật

bằng niềm tin không thể nào để mất

Tổ quốc, biển khơi và xương máu của mình

 

15.

 

Nỗi đau dồn phía quê hương

nỗi đau quầng vào mắt mẹ

chiều chiều trông khơi, ngóng bể

tóc mẹ bạc bao giờ chẳng rõ

 

Chiều chiều gió về lặng lẽ

cây không bệnh, lá cành héo rũ

quả đương xanh bỗng rơi lả tả

dây lang bò quanh quất mảnh vườn hoang

 

Ngôi nhà từng đêm tiếng khóc nấc lên

kéo lời ru xóm làng lõm xuống

trai gái thương nhau không buồn hò hẹn

những bước chân nặng trĩu mái hiên nghèo

 

Cha nhớ con khói thuốc cũng vòng vèo

khói thuốc vẽ vòng tròn vô hạn

những vòng tròn bện màu tang trắng

treo lên đầu liếp trước nhà.

 

16.

 

Trái tim tôi vẫn đập phía Gạc Ma

nơi đồng đội không thể nào nhắm mắt

dẫu đắng cay đi cùng bao mất mát

Gạc Ma đây vẫn của Tổ quốc mình

 

Gạc Ma đây vẫn của Tổ quốc mình

ngàn năm đảo vỡ ra từ bọc trứng

nối nhau bằng khúc ruột mềm

bằng xương máu người đi mở biển

 

Gạc Ma đây vẫn của Tổ quốc mình

những chân lý sáng ngời sự thật

ngay cả lúc chúng ta nhìn Gạc Ma trong nỗi đau khôn xiết

mà gọi tên đất nước

giữa biển khơi nghẹn uất,

căm hờn

ngay cả lúc chúng ta ra biển

tới Gạc Ma

thắp nén hương cho đồng đội của mình

vẫn thấy kẻ thù đứng đấy

 

Ngay cả lúc chúng ta ra khơi bảo vệ chủ quyền

vẫn thấy kẻ thù đứng đấy

chúng nhao ra và vây lấy

chĩa những ánh nhìn sắc nhọn

chĩa những lời hăm dọa

chĩa những lưỡi lê

chĩa những họng súng…

ngay cả khi chúng dựng pháo đài

cao hơn sóng những ngày bão tố

vẫn nhai đi, nhai lại những lời vô căn cớ

rằng Biển Đông là của chúng

 

Đường lưỡi bò

la liếm

hôi tanh.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

17.

 

Gạc Ma đây của Tổ quốc mình

chân lí suốt ngàn năm

niềm tin suốt ngàn năm

tổ tiên tôi vượt trùng khơi ra đảo

vượt giông bão

nếm mật nằm gai

mang cốt nhục truyền đời để lại

 

Như tin sông Hồng vạn năm

mang vóc dáng tảo tần

gánh cát sông Lô ra biển

chở đá Hoàng Liên Sơn ra biển

gánh theo sông Cầu, sông Thương, sông Đà, núi Tản

dựng nên đảo nổi, đảo chìm

 

Như tin sông Mã, sông Lam

Nhật Lệ, sông Gianh, Vu Gia, Thu Bồn…

đục đá Trường Sơn

kê cao Hoàng Sa, Trường Sa

 

Như tin Cửu Long, Đồng Nai, sông Ba…

vượt thác ghềnh

mang phù sa ra biển.

 

18.

 

Mẹ thường nói:

 

Dẫu bão tố phong ba

dẫu núi cao, biển rộng

cũng không bằng niềm tin mà chúng ta hằng sống

 

Mẹ thường nói:

 

Duy nhất niềm tin

khi mất đi thì mất đi mãi mãi

 

Gạc Ma đây của Tổ quốc mình

mẹ trao cho tôi niềm tin

xương máu ông cha trao cho tôi niềm tin

nhân dân trao cho tôi niềm tin

Tổ quốc trao cho tôi niềm tin

và niềm tin luôn còn mãi

 

Niềm tin ấy đưa chúng tôi đi

trên những con thuyền con

trên những con thuyền lớn

trên những chiếc phao bơi

trên những chiếc hòm rỗng

trên những gốc cây trôi xuống từ rừng

trên những câu ca nặng lòng

trên những lời ru khuya sớm

trên những lời kinh vọng tiếng chuông chiều

trên những hạt thóc mẩy tròn mưa nắng

chúng tôi đi

trên tất cả những gì có thể

 

Chúng tôi đi ngược gió

nắng rang quay quắt mặt mày

chúng tôi đi xuyên bão

sóng chao lên, lộn xuống

sóng vò nát con thuyền

sóng hất tung mảnh ván

người nổi

người chìm

người qua được sóng

người nằm biển sâu

 

Người qua sóng

thì tìm đến đảo

lấy mồ hôi trộn cát làm nhà

lấy máu mình viết lên bia đá

máu tô cột mốc chủ quyền

 

Người nằm lại

hóa nhành san hô trắng

vượt qua sóng dữ, thác ngầm

băng qua vực thẳm

chụm nhau vào mà kê đảo cao lên.

 

19.

 

Chúng tôi đi từ ngàn năm

theo tiếng vọng cha ông

mẹ ở trên bờ

em ở trên bờ

 

Nhìn ra sóng

nhớ người đi biển

 

Nhìn ra sóng

thương bóng yêu hình

Nhìn ra sóng mà hóa vọng phu

nhìn ra sóng mà ngả nghiêng nhánh mạ

nhìn ra sóng

con vẽ mặt cha

nhìn ra sóng mà tóc đen hóa trắng

nhìn ra sóng

mà núi mòn đi

nhìn ra sóng

sông thêm xao xiết chảy

nhìn ra sóng cha lật luống cày

những thớ đất cũng nổi hình muôn sóng

những mái nhà lượn cong

viên ngói xếp con sóng chập chờn

người đứng trông sóng

nhà đứng trông người

sóng cứ sóng theo vườn cây mà biếc

sóng cứ sóng theo nhau mà gọi

Biển ơi!

Hải ơi!

Sa ơi!

Hoàng ơi!

Quý ơi!

Quốc ơi!…

sóng cứ sóng

cả rừng cây không tiếc

bơi ra sông hóa những con thuyền

sóng cứ sóng

đến nong tằm không tiếc

nhả mùa tơ dệt nên triệu cánh buồm.

 

20.

 

Chúng tôi đi

từ tiếng gọi tim mình

biển

phải ra với biển

cá thương chúng tôi,

rẽ lối chỉ đường

chim thương chúng tôi

hót vang đầu sóng

trời thương chúng tôi,

trời gieo mưa xuống

những giọt mưa giải cơn khát dọc đường

mây thương chúng tôi

che ngày bớt nắng

nước thương chúng tôi

nước hòa muối mặn

tan trong người

cho máu đỡ nhạt đi.

 

21.

 

Biển thương người ta cứ thế mà đi

cứ thế mà đi

Trường Sa ngày ngày vẫy gọi

những Sinh Tồn, Nam Yết, An Bang

những Bình Nguyên, Thị Tứ…

những rặng san hô

những đảo đá chìm

những thềm lục địa

nơi nào hiện bóng cha ông

là đến

nơi nào Tổ quốc đặt mốc chủ quyền

là đến

 

Cứ thế mà đi

Hoàng Sa quay quắt

bởi những kẻ lạ mặt

không sinh ra ở đây

dòng máu không thuộc nơi này

tổ tiên họ là ai

đảo chưa hề biết

họ đến bằng súng, mác

bằng dao và lưỡi lê

họ chặt cây, bắt chim

họ quây đảo thành nhà tù của biển

những máu xương dạt khắp bãi bờ

 

22.

 

Máu xương là máu xương ơi

máu xương có hát những lời máu xương

đảo là đá núi Trường Sơn

nổi trôi muôn dặm tha hương mà thành

đảo là cốt nhục nghìn năm

người đi mở biển về nằm đấy thôi

 

Máu xương là máu xương ơi

có nghe sóng vọng từ nơi xa nào

vọng từ triệu giọt máu đào

tan trong biển mặn lặn vào cát non

vọng từ muôn vạn cánh buồm

chìm sâu đáy bể hồn còn giong khơi

 

Máu xương là máu xương ơi

ai còn biết đến những lời máu xương

ai còn nhớ ai còn thương

người đi gánh cả quê hương đi cùng.

 

23.

 

Người đi

mang điệu hát xoan vào sóng

mang giọng hò sông Mã vượt trùng khơi

mang tích chèo tặng người chờ đợi

mang dân ca gói trong nón ba tầm

mang cả đêm trăng hò cùng ví dặm

dặn câu “người ở đừng về”

chúng tôi hát biển nghe

trăm miền quê dội lại

chúng tôi hát biển nghe

những lời ca nguồn cội

biển ngân lên vang dội

ngân vang rồi biển khe khẽ

thì thầm:

 

– kẻ thù đang trước mặt anh

kẻ thù đang sau lưng anh

kẻ thù đang dưới chân anh

kẻ thù đang trên đầu anh

chúng muốn dìm điệu hò xuống bể

chúng muốn ngăn tàu vượt sóng ra khơi

chúng muốn anh ngừng hát, ngừng cười

hãy im lặng và trở về đất mẹ

với máu xương từng đổ xuống nơi này

đớn hèn

đớn hèn

chúng tôi hét lên

biển ầm ầm nổi sóng

nổi sóng rồi biển lại lặng im

lại thì thầm:

 

– Đây là Tổ quốc mình

không cho phép kẻ thù sấp mặt

không cho phép kẻ thù trâng tráo

không cho phép kẻ thù chèn ép

không cho phép kẻ thù mượn danh…

để ru ngủ những người còn thức

để làm dịu những đôi tai nịnh hót

mà quên đi Tổ quốc

mà quên đi xương máu ngàn đời

 

Máu xương là máu xương ơi

còn ngân vang mãi những lời máu xương

ai là tình nghĩa anh em

ai là hữu hảo láng giềng. Là ai…

 

24.

 

Người vẫn ngồi thấp thoáng xa kia

tay bồng súng ngang đầu ngọn sóng

biển xóa đi mấy lần hình bóng

người vẫn ngồi thầm lặng

đôi mắt nhìn về nơi nào xa thẳm

người nghĩ gì mà thao thức đêm đêm

 

Người nghĩ gì phía bão tố nổi lên

những thân phận lấp vùi trong sóng

những cuộc đời nhô lên chìm xuống

vẫn một lòng ra khơi bám biển

hóa thân mình làm cột mốc biên cương

 

Người nghĩ gì khi những kẻ láng giềng

mượn tình nghĩa anh em ra cướp đảo

mượn tình yêu,

dở trò nghịch đạo

trộm nỏ thần,

vấy đỏ máu nhân dân

 

Người nghĩ gì giữa năm tháng tảo tần

mẹ vẫn sống cuộc đời rau, cháo

dành dụm chắt chiu từng đồng tiền xương máu

chờ con về dựng lại mái nhà tranh

 

Người nghĩ gì khi đất nước của mình

giặc bên ngoài chưa yên,

bên trong đầy bóng giặc

những tham nhũng, cửa quyền

những mua danh, bán chức…

vẫn rộ lên như chuyện ngày thường.

 

25.

 

Đất nước ngàn năm hát khúc bè trầm

những gò đống chất cao như núi

còn núi thì âm thầm cúi xuống

đỡ nàng vọng phu trong cơn tuyệt vọng

khổ đau kiếp đá trời trồng

 

Đất nước ngàn năm vang những nốt trầm

đàn bầu não lòng

mõ, phách chiêu hồn

tình tang trống cơm, trống đế

réo rắt đàn nhị

đêm đêm tiếng nguyệt thở than…

 

Đất nước ngàn năm hát khúc bè trầm

quan họ tháng giêng

tháng hai chèo, trống

tháng ba cung văn

ngày giáp hạt mẹ ngồi hát xẩm

vọng sông nước giọng cải lương ai oán

người ơi tài tử làm gì…

 

26.

 

Đất nước ngàn năm thổn thức triệu câu thơ

những tục ngữ, ca dao

những hò, vè, bát, cú

được làm ra từ người không biết chữ

nhưng biết yêu dân tộc của mình

 

Những câu thơ lấm láp giữa đất bùn

cất lên đêm làm vầng trăng tỏ mãi

những câu thơ khiến triệu người đứng dậy

cầm cuốc, cày… đánh đuổi xâm lăng

 

Những câu thơ như lá rách, lá lành

nương vào nhau khi bão giông dồn đến

điệu và vần như dây thừng dây chão

tựa lấy nhau như khúc ruột mềm

 

Những đêm dài mẹ còn thức ru con?

khúc chinh phụ cho người ra trận

ở nơi này chỉ toàn sóng biển

lời ru xa đâu đến được bao giờ.

 

27.

 

Đất nước ngàn năm dựng lễ Khao Lề

những mộ gió cứ mọc nên dài mãi

những thân xác vẫn không thôi nằm lại

chụm nhau vào, kê đảo thêm cao

 

Người vẫn ngồi hát với trăng sao

ôi khúc hát sao mà da diết thế

giấc mơ nào là giấc mơ đời mẹ

giấc mơ nào hóa tóc trắng như mây

 

Người vẫn ở đây, người vẫn ở đây

tay bồng súng ngang đầu ngọn sóng

người nghĩ gì trong mắt nhìn xa thẳm

Tổ quốc trên đầu ngọn sóng reo ca

 

Những tháng ngày tôi đứng giữa Gạc Ma

Tổ quốc ơi! Sao nhiều thương đau thế

giấc mơ nào là giấc mơ đời mẹ

khúc nông sâu úng ngập phận người

 

Gạc Ma ơi! Trường Sa của tôi ơi

người kiêu dũng ngàn năm đứng thẳng

người trung kiên ngay cả khi ngã xuống

vẫn gọi tên Tổ quốc của mình.

 

28.

 

Tôi hát khúc bè trầm

sóng vỗ ngày âm âm

bạn không hát khơi xa buồn thẳm

 

Ngôi mộ trắng

không xương cốt bạn

chiều tím hoa muống biển

đêm trắng cánh bàng vuông

 

Ba mươi năm

người vẫn tìm nhau

nén nhang cháy gió về chợt tắt

cát bay mù chói mặt người

 

Ba mươi năm

thư nhà chưa kịp đọc

giấc mơ cháy tận cùng khao khát

biển vẫn xanh

mây vẫn trắng

vô cùng.

 

ĐOÀN VĂN MẬT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *